Căng thẳng thương mại với Chính quyền Trump, Thủ tướng Canada hé lộ lời khuyên của ông Obama lúc rời Nhà Trắng; Doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường kết nối với doanh nghiệp Việt; Đề xuất tạm dừng nhập các loại máy đào tiền ảo; Tháng 7, ô tô sẽ xuống giá mạnh: Chờ thêm 1 tháng mua xe thuế 0%
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-06-2018
- Cập nhật : 03/06/2018
Tâm lí bất ổn vì Brexit, các tập đoàn châu Âu cảnh báo không đầu tư vào Anh
Các công ty lớn hàng đầu của châu Âu ngày 30/5 đưa ra cảnh báo, nếu như tình trạng bất ổn Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) vẫn tiếp diễn như hiện nay, họ sẽ không đầu tư vào Anh.
Lời cảnh báo trên được lãnh đạo các tập đoàn lớn như BP, Vodafone, Nestlé, BMW và E.ON đưa ra trong cuộc gặp gỡ chung giữa giám đốc điều hành của các hãng với Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis vừa diễn ra tại London.
Tại cuộc họp, phía doanh nghiệp EU yêu cầu chính phủ Anh cần giải thích rõ ràng, Brexit sẽ có ảnh hưởng, thay đổi gì đối với các hoạt động của họ tại Anh. Giới lãnh đạo doanh nghiệp EU cho biết, hiện này sức hấp dẫn đầu tư vào Anh đối với họ là rất thấp.
Thời kỳ chờ đợi sự giải thích rõ ràng từ phía Chính phủ có tác động rất tiêu cực cho môi trường kinh doanh tại Anh.
Đoàn làm việc đại diện cho nhóm vận động của 50 công ty công nghiệp lớn nhất của châu Âu (ERT) do Chủ tịch Volvo Carl-Henric Svanberg dẫn đầu đã yêu cầu Chính phủ Anh phải đảm bảo quá trình Brexit không được để lưu thông hàng hóa giữa Anh và EU bị gián đoạn, hải quan đường biên phải diễn ra xuôn xẻ, không gây ách tắc.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, ERT kêu gọi sự rõ ràng và đảm bảo ổn định từ Chính phủ Anh cho các doanh nghiệp, vì từ nay đến lúc Anh chính thức rời EU không còn nhiều nữa. Tâm lý bất ổn định đã gây ra suy giảm đầu tư.
Chính phủ Anh đang nỗ lực để cân bằng giữa các đàm phán với EU và với các yêu cầu từ phía các doanh nghiệp, để tránh tăng thêm chi phí và đình trệ tại các cửa khẩu sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, hiện nay trong nội các Anh vẫn chia rẽ ý kiến về những thỏa thuận hải quan thời hậu Brexit.
Sau cuộc họp, Văn phòng Chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Anh hoàn toàn nhận thức rõ sự cần thiết phải đảm bảo sự ổn định cho các doanh nghiệp.
Bà May cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đảm bảo các thỏa thuận thương mại trong tương lai với EU, bao gồm để vấn đề hải quan đường biên được thuận lợi, thông thoáng. Do vậy sẽ tránh không để xảy ra đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland, và cho phép Anh theo đuổi chính sách thương mại độc lập.(Baoquocte)
------------------
21 dự án titan tại Bình Thuận: Có thể lấp mỏ làm du lịch
Tại buổi họp báo Thường kỳ Chính phủ, trả lời câu hỏi liên quan đến 21 dự án chậm tiến độ tại Phan Thiết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết hoàn toàn có cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Bình Thuận được phép thu hồi khi chủ đầu tư không triển khai dự án.
Hiện nay thị trường không tốt, titan không được giá, các dự án đang gặp khó khăn, vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất Chính phủ xử lý các dự án này. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương rà soát lại các dự án.
Thông tin sơ bộ do Thứ trưởng Mạnh cung cấp, trong bối cảnh hiện nay có thể phát triển du lịch trong trung hạn bằng cách chôn lấp lại các mỏ titan để đảm bảo cảnh quan môi trường, khi giá cao thị trường tốt hơn sẽ khai thác trở lại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Thắng Hải cũng cho biết thêm vấn đề này đã được báo cáo lên Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tại Bình Thuận hơn 10 năm nhưng do thời gian vừa qua giá thấp nên khai thác bị đình trệ.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất các dự án chưa khai thác titan cho phép đưa vào dự trữ quốc gia. "Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến, Bộ Công thương cũng đồng ý việc chuyển tài nguyên vào dự trữ quốc gia theo hạn định. Diện tích đó có thể để phát triển du lịch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong 30 -50 năm", Thứ trưởng Hải cho biết.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng cũng lưu ý, đối với các dự án đã cấp cho doanh nghiệp khai thác phải ưu tiên quyết định của doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp khai thác titan không chuyển đổi mục đích sử dụng sang phát triển các ngành khác, doanh nghiệp khai thác lại cần đàm phán, bồi hoàn thỏa đáng những gì doanh nghiệp cũ đã đầu tư để tránh khiếu kiện kéo dài.(NDH)
--------------------
"Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có nguy cơ không thành"
Phát biểu tại hội thảo "Đánh giá tiến độ thực hiện và định hướng hợp tác trong giai đoạn tiếp theo" diễn ra ngày 1/6, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, thời gian qua Chính phủ Austrailia đã tài trợ cho Việt Nam hơn 6,5 triệu USD (tương đương 174 tỷ đồng) hỗ trợ cải cách kinh tế ở Việt Nam.
Chương trình này có mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường. Đồng thời giúp Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới vào năm 2020, tăng tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp nguy cơ không thành
Tuy nhiên, bình luận về con số 1 triệu doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trên thực tế, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp này đang có nguy cơ không thành. Bởi để đạt mục tiêu đến năm 2020 đạt được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra, trung bình mỗi năm cần khoảng gần 150.000 doanh nghiệp mới và phải là doanh nghiệp sống được cùng phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhưng, số doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động vẫn nhiều lên và số phá sản gần bằng số doanh nghiệp mới ra đời.
Doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế và "được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm 2018". Nhưng các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức như trình độ công nghệ thấp, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa có đột phá và chỉ khi có đột phá mới tạo được một điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Trong khi đó, 2018 sẽ là năm mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng và một số chính sách mới sắp thực thi sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. "Đây là trăn trở của chúng ta, cần có chín sách hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp", bà Hằng nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong nước, nhất là khi ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh phi truyền thống xuất hiện.
Không vội thoả mãn với thành tích
Liên quan chính sách cải cách và tái cơ cấu của Việt Nam, theo TS Nguyễn Đình Cung, tính đến quý 1/2018, các bộ ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh. Kết quả này cũng có sự tham gia của các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, giám sát và khuyến nghị Việt Nam thực hiện.
Tuy nhiên, ông Cung thừa nhận, thời gian tới mục tiêu của Nghị định 19/2018 đạt được không hề dễ dàng. Dự kiến Nghị quyết yêu cầu cắt bỏ và đơn giản hóa hơn 1.968 điều kiện kinh doanh; các bộ sẽ phải cắt giảm 500 trong các thông tư và dự thảo nghị định. Như vậy, đây sẽ là áp lực rất lớn và cần quyết tâm lớn hơn năm 2017.
Mục tiêu của năm 2018, Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu xếp hạng ở vị trí thứ 50 - 60, tức là tăng khoảng 8 - 10 bậc so với hiện nay (68/190 nền kinh tế được đánh giá). Để làm được điều này, nhiều chỉ số cần phải cải thiện với điểm rất cao, đặc biệt là phải rất nỗ lực.
Về khởi sự kinh doanh, chúng ta phải cải thiện ít nhất 40 bậc từ vị trí 123 hiện nay, lên vị trí 83/190 nền kinh tế. Giấy phép xây dựng cũng phải giảm thêm 47 ngày xuống còn 119 ngày; thời gian nộp bảo hiểm xã hội cũng phải rút ngắn xuống còn 168 giờ thay vì mất 498 giờ/năm như hiện nay. Đặc biệt, buộc phải cắt giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
"Thời gian vừa qua, dù Việt Nam có nhiều chỉ số tăng điểm nhưng thứ hạng của Việt Nam lại thụt lùi. Đây là do các nước đi trước ta đi quá nhanh và các nước đứng sau ta đã cải thiện nhanh hơn chúng ta. Chính vì thế, không nên bằng lòng và vội thoả mãn với thành tích thời gian qua", ông Cung nói.
Cũng theo ông Cung, mặc dù Chính phủ và một số bộ thực hiện thủ tục trực tuyến của Chính phủ điện tử trong thông quan hải quan, nộp thuế và đăng ký kinh doanh qua mạng (online). Tuy nhiên, nhiều công chức, cơ quan công quyền vẫn muốn gặp trực tiếp doanh nghiệp chứ chưa muốn làm online hoàn toàn.
Về chỉ số công bố thông tin bằng hải quan điện tử, nộp thuế điện tử, ông Cung cho rằng, mới chỉ dừng lại ở các cơ quan tự giám sát, công bố. Họ nói bao nhiêu, chúng ta biết bấy nhiêu chứ chưa có cơ chế để giám sát, dư luận và người thụ hưởng phản biện. Chúng ta cần các tổ chức nước ngoài hỗ trợ theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả.
TS Cung nhấn mạnh: "Hiện ngay cả ở trong các báo cáo của tổ chức nước ngoài, báo cáo thường niên của các viện gửi lên cho Chính phủ, để dùng được những từ như "phê bình", "đề nghị phê bình" bộ này, bộ kia, ông nọ, ông kia cũng rất khó và không dám. Họ phải thay bằng những cụm từ nhẹ nhàng hơn như nhắc nhở, đốc thúc... Những từ nhẹ hơn thì áp lực buộc phải đổi thay cũng giảm đi. (VNeconomy)
------------------------------
Ngân hàng Nhà nước "bác" đề xuất của HoREA về lãi suất gói 30.000 tỷ
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) liên quan đến lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ.
Theo đó, trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, HoREA kiến nghị áp dụng một mức lãi suất ưu đãi cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay, đối với tất cả đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội hay tại tổ chức tín dụng được chỉ định; không phân biệt vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP hay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ.
Tuy nhiên, phản hồi kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, về lãi suất cho vay nhà ở xã hội, hàng năm cơ quan này đã rà soát, căn cứ diễn biến thị trường để ban hành hoặc trình Thủ tướng về các mức lãi suất cho vay ưu đãi.
Mức lãi suất phải phù hợp áp dụng đối với từng chương trình cho vay, đối tượng vay vốn và mục đích vay vốn theo đúng quy định về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở tại Luật Nhà ở, Nghị định 100, Nghị quyết 02/NQ-CP và các văn bản liên quan.
Vì vậy, kiến nghị của HoREA về việc áp dụng chung một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Về lãi suất nợ quá hạn, Thông tư 39/2016 ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định khi khoản nợ vay bị chuyển quá hạn thì tổ chức tín dụng cho vay áp dụng lãi suất quá hạn không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tài thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Trên cơ sở thẩm định về phương án vay vốn, vốn tự có, nguồn trả nợ cụ thể của từng khách hàng, ngân hàng sẽ thỏa thuận với khách hàng về lãi suất quá hạn và được quy định tại hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó, từ tháng 6/2013, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ, lãi suất ưu đãi 5-6%/năm. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực là 1/6/2013.
Phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.
Như vậy, những khách hàng mua nhà theo gói 30.000 tỷ, được giao nhà sau 1/6/2016, thì số tiền thanh toán các đợt sau phải chịu lãi suất thương mại. (VNeconomy)