Nga tăng đào vàng lên gấp đôi hiện nay; Trung Quốc tăng cường kiểm soát buôn lậu, tôm Việt Nam rớt giá thê thảm; Mô hình 'bán lẻ theo giá sỉ' của ông lớn Vissan gặp khó
Tin kinh tế đọc nhanh 03-06-2018
- Cập nhật : 03/06/2018
Bộ Tài chính đề nghị nhiều biện pháp “thúc” tiến độ cổ phần hóa
Theo báo cáo thống kê của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Bộ Tài chính cho biết, tuy cơ chế, chính sách đã có nhưng việc thực hiện cổ phần hóa vẫn chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Triển khai cổ phần hóa rất chậm
Trong 05 tháng đầu năm 2018, cả nước có 05 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong khi đó, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong 05 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái vốn được 1.469 tỷ đồng, thu về 3.973 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty cổ phần Mía đường II thoái vốn nhà nước 636 tỷ đồng, thu về 663 tỷ đồng; Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 832 tỷ đồng, thu về 3.310 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có 01 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định này. Lũy kế đến nay mới chỉ có 12 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (năm 2017 có 11 đơn vị thực hiện thoái vốn).
Như vậy, tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước còn rất chậm, nhiều khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN về cổ phần hóa doanh nghiệp và theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thoái vốn Nhà nước.
Mạnh tay với các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả
Một trong những nguyên nhân căn bản khiến việc triển khai cổ phần hóa chậm là do giai đoạn này, các doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa đều có quy mô lớn, có vốn nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định mới, doanh nghiệp cổ phần hóa không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các doanh nghiệp phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo các nội dung theo yêu cầu gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018. Các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết.
Các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.
Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.
Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn.
Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.(TCTC)
---------------------------
Số chi ngân sách cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã vượt quá số thu
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định dành tối thiểu 1% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi cho bảo vệ môi trường, đặc biệt, tỷ lệ chi cho bảo vệ môi trường được xác định tăng dần cùng với tăng tưởng kinh tế.
Tỷ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường đã đạt khoảng 2% tổng chi NSNN. Nguồn: Internet
Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 quy định: “Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; Bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; Các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường”.
Thêm vào đó, theo Luật NSNN 2015 quy định, các khoản thu ngân sách theo quy định được tổng hợp vào ngân sách chung mà không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Hàng năm, kinh phí NSNN bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường căn cứ vào yêu cầu bảo vệ môi trường cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường trong ngắn hạn và dài hạn.
Thực hiện chủ trương này, trong kế hoạch ngân sách hàng năm đều được xây dựng và bố trí kinh phí chi cho bảo vệ môi trường. Các khoản chi cho bảo vệ môi trường đều được lập dự toán và thực hiện quyết toán chi theo đúng Luật NSNN.
Thực tế tại Việt Nam những năm vừa qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế cao kèm theo đó là mức độ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, thuế Bảo vệ môi trường thu được không đủ bù chi, vì theo thống kê của Bộ Tài chính số chi bình quân hàng năm cho bảo vệ môi trường luôn vượt quá số thu.
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2012 – 2016 là 131.857 tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường thuộc của cả ngân sách trung ương và địa phương khoảng 89.131 tỷ đồng; Chi cho ngành Tài nguyên và môi trường thực hiện các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường là 24.246 tỷ đồng; Chi dự phòng ngân sách Trung ương để phòng chống, khắc phục thiên tai 18.480 tỷ đồng. Trong khi đó, số thu từ thuế Bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỷ đồng.
Với số chi thực tế như trên, tỷ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường đã đạt khoảng 2% tổng chi NSNN, đồng thời, số chi cho bảo vệ môi trường đã vượt quá số thu.
Thêm vào đó, các khoản chi ngân sách cho bảo vệ môi trường bao gồm cả chi trực tiếp và gián tiếp. Do chi gián tiếp cho bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các nội dung chi khác của NSNN nên không thể thống kê đầy đủ (Chẳng hạn như việc chi NSNN cho phòng và chữa các bệnh gây ra bởi khói thuốc lá là một phần của chi cho y tế).
Ngoài ra, bên cạnh các nguồn chi NSNN trực tiếp cho môi trường, còn có nguồn chi từ các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi từ dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về bảo vệ môi trường không đưa vào NSNN. Một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả cũng góp phần quan trọng cho bảo vệ môi trường như dự án Xây dựng tuyến đường sắt trên cao, các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững…
Vì vậy, có năm thu từ thuế bảo vệ môi trường ít nhưng chi nhiều, có năm chi nhiều nhưng không thu. Ví dụ, hàng chục năm trước chúng ta không thu thuế bảo vệ môi trường, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chúng ta đã phải chi từ thời kỳ đó.
Chính vì thế, nếu nói rằng trong 1 năm số thuế thu về phải đảm bảo chi cho năm đó, thì chưa hẳn đúng, mà phải xem xét theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như tính dài hạn của vấn đề sản xuất, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, với số liệu về chi ngân sách trực tiếp cho bảo vệ môi trường cho thấy, trong nhiều năm qua, chính sách tài chính bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường.(TCTC)
--------------------------
Từ ngày 15/7/2018, cấm khuyến mại rượu, xổ số, thuốc lá
Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/7/2018.
Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại.
Theo đó, hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ bị cấm khuyến mại khác theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trừ các trường hợp khuyến mại như: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá); Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.(TCTC)
------------------------
Soi các dự án bất động sản bị kiểm tra và kiến nghị xử lý ở Long An
Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Long An đã có Văn bản số 1391/BC-SXD báo cáo UBND Tỉnh về tình hình hoạt động kinh doanh bất động sản tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh có nhiều sai phạm.
Cụ thể, các dự án như: Khu đô thị thương mại Riverside Cần Đước (Thắng Lợi Riverside market); Khu dân cư thị trấn Hiệp Hòa (Cát Tường Golden River Residence); Khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc - Hoàng Gia và khu dân cư - Tái định cư; Khu đô thị Năm Sao đều bị kiểm tra và kiến nghị xử lí.
Theo kết luận của Sở Xây dựng tỉnh Long An, tại dự án Khu dân cư - Tái định cư Phước Lý do Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư có quy mô khoảng 20,0781ha, được UBND tỉnh Long An phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 24/5/2011 và được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật số 108/GPXD ngày 29/7/2009. Dự án này do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nên Công ty chưa lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Qua kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng đề nghị Công ty phải lập đầy đủ thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư dự án chưa có giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật như: Khu đô thị thương mại Riverside Cần Đước; Khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc - Hoàng Gia lập tức dừng thi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tháo gỡ tất cả thông tin rao bán trên các trang đăng tin quảng cáo qua mạng thông tin điện tử, chấm dứt mọi hình thức giao dịch mua bán bất động sản (đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng nguyên tắc, góp vốn,…).
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức lập đầy đủ các thủ tục triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Sau khi có giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị các chủ đầu tư triển khai thi công hạ tầng theo đúng hồ sơ được duyệt.
Sở Xây dựng Long An cũng yêu cầu các công ty: Thắng Lợi, Thiên Phúc Hoàng Gia, Năm sao tổ chức lập đầy đủ các thủ tục triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Sau khi có giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị các chủ đầu tư triển khai thi công hạ tầng theo đúng hồ sơ được duyệt.
Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra xây dựng thực hiện thanh tra xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cát Tường và ông Võ Thái Thông trong tổ chức kinh bất động sản không đầy đủ thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh, không đúng tên dự án, không ghi rõ chủ đầu tư dự án... Việc quảng cáo, rao bán không đúng tên gọi dự án, không đầy đủ thông tin, mập mờ tên chủ đầu tư của bất động sản đưa vào kinh doanh, gây hiểu nhầm cho khách hàng về thông tin bất động sản khi tham gia giao dịch, ảnh hưởng tính minh bạch thị trường bất động sản, dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại các hợp đồng giao dịch mua bán làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Về huy động vốn, yêu cầu các chủ đầu tư có nhu cầu huy động vốn để thực hiện dự án phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 19 và phải có ý kiến của Sở Xây dựng trước khi huy động vốn theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.(TCTC)