Bất động sản thu hút thêm hơn 800 triệu USD vốn FDI; Đài Loan mở rộng điều tra sản phẩm thép từ Trung Quốc đại lục; Buffett đã muốn đầu tư 3 tỷ USD vào Uber nhưng bị từ chối; Tồn gần 700.000 tấn, giá đường tụt dốc, nông dân 'bí' đầu ra
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-05-2018
- Cập nhật : 30/05/2018
Tân cảng Quy Nhơn được phép tiếp tục dự án xây cảng container
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn đang triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng container 30.000DWT theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Đến nay, Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn đã xây dựng xong cầu cảng 200 m, đầu tư hai cần cẩu chuyên dùng bốc xếp nhưng chưa xây dựng bãi sau cầu cảng (rộng 7 ha) nên hạn chế khả năng khai thác của cảng. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đồng ý cho Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch.
Tuy nhiên, tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn khi thực hiện san lấp bãi sau cầu cảng phải xây dựng hệ thống kè đứng trước rồi mới được san lấp, tránh để bùn cát tràn ra luồng tàu cá, đảm bảo luồng tàu cá ra vào tối thiểu 100 m.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn phải công bố công khai quy hoạch, dự án được duyệt, kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện và tuyên truyền cho người dân biết nhằm tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cập nhật, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, kịp thời tham mưu, đề xuất cho Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn và các đơn vị có liên quan hướng dẫn chủ phương tiện tàu thuyền và ngư dân ra vào, neo đậu tàu thuyền trong khu vực đảm bảo an toàn, đúng nơi quy định.
Trước đó, ngày 9/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng việc đổ đất đá, xà bần trên diện tích 7ha mặt nước bởi nhiều ngư dân cũng như Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn có kiến nghị, lo ngại luồng tàu thuyền ra vào cảng cá bị bồi lấp, việc trú tránh bão cũng bị ảnh hưởng.(Vietnam+)
-----------------------
Thị trường thế giới chao đảo do lo ngại về khủng hoảng chính trị ở Italy
Chỉ số chứng khoán trên thị trường Milan ở Italy đã giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 29/5, trong khi mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Italy kỳ hạn 10 năm với trái phiếu của Đức đã được đẩy lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2013.
Các diễn biến này phản ánh mối lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do tác động của tình hình bất ổn chính trị hiện nay tại Italy.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/5, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Italy đã tăng 235 điểm so với trái phiếu Đức lên mức cao nhất trong gần 5 năm qua, trước khi tăng vọt tới hơn 300 điểm trong sáng 29/5. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư ồ ạt bán trái phiếu của Italy do lo ngại kịch bản một cuộc bầu cử sớm ở nước này vào tháng 9 tới sẽ mang lại chiến thắng cho các chính đảng có quan điểm phản đối Liên minh châu Âu (EU).
Bảng tỉ giá chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Những quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy cũng làm chao đảo các thị trường chứng khoán ở châu Âu và châu Á, đồng thời khiến đồng euro sụt giá mạnh so với đồng USD. Các sàn giao dịch chứng khoán ở Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) chứng kiến một ngày giao dịch ngập tràn sắc đỏ, trong khi chỉ số Nikkei của Tokyo (Nhật Bản) chốt phiên giao dịch ngày 29/5 giảm 0,6%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) để mất 1% và chỉ số Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,5%.
Ở thị trường châu Á, đồng euro có nguy cơ giảm xuống dưới mức 1,16 USD/euro, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2017.
Italy lâm vào khủng hoảng chính trị sau khi không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 4/3 để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Liên minh cánh hữu, trong đó có đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng cực hữu Liên đoàn dẫn đầu, giành được 260 ghế tại Hạ viện (gồm 630 ghế) và 135 ghế tại Thượng viện (gồm 320 ghế). Đảng dân túy M5S về vị trí thứ hai với 221 ghế tại Hạ viện và 112 ghế tại Thượng viện. Còn liên minh trung tả, trong đó có đảng dân chủ (PD) trung tả cầm quyền, về thứ ba và chỉ giành được 112 ghế tại Hạ viện và 57 ghế tại Thượng viện.
Ngày 28/5, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã chỉ định ông Carlo Cottarelli, 64 tuổi, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Thủ tướng lâm thời để thành lập chính phủ mới.
Trước đó, ngày 23/5, theo đề cử của liên minh Liên đoàn phương Bắc và M5S, Tổng thống Mattarella đã giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho ông Giuseppe Conte. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Conte đã thất bại do Tổng thống không chấp thuận đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật được cho là có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.(Baotintuc)
-----------------------
Nhà Trắng sắp công bố danh sách 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế
Hôm 29/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục các hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc dù trước đó từng đồng ý tìm giải pháp cho mâu thuẫn 2 bên.
Muộn nhất là ngày 15/6, Mỹ sẽ đưa ra danh sách những hàng hóa của Trung Quốc, giá trị lên tới 50 tỷ USD, bị đánh thuế 25%, Nhà Trắng cho biết. Ngoài ra, Mỹ vẫn theo đuổi vụ kiện quốc gia châu Á ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cuối tháng 6, Washington sẽ công bố những hạn chế đầu tư và "quản lý xuất khẩu thắt chặt" đối với các cá nhân và tổ chức Trung Quốc liên quan đến những vụ mua lại công nghệ lớn.
Đây là động thái khá bất ngờ vì Mỹ - Trung từng nhất trí dừng áp thuế đáp trả lẫn nhau sau vòng đàm phán thương mại giữa tháng 5 ở Bắc Kinh. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cũng đạt được thỏa thuận cho phép tập đoàn viễn thông ZTE quay lại thị trường này, dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hạ nhiệt.(NDH)
---------------------
Ứng dụng công nghệ mới phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam – Nhật Bản
Ngày 29/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty Raycean Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam – Nhật Bản”.
Khu nhà kính trồng rau thủy canh công nghệ hồi lưu của Nhật Bản ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng DELCO (Bắc Ninh). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đây là cơ hội kết nối các viện - trường - doanh nghiệp - nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy cơ hội đầu tư và thương mại nông sản giữa hai nước.
Nhật Bản là quốc gia có nền khoa học công nghệ nông nghiệp phát triển với nhiều sáng chế, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đã và đang được áp dụng thành công mang lại giá trị lớn cho sản xuất. Việc hợp tác ứng dụng công nghệ mới cũng như các phương thức quản trị chuỗi giá trị tiên tiến của Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là rất khả thi.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng và trong quá trình tái cấu trúc đó khoa học công nghệ, công nghệ tiên tiến là yếu tố then chốt giúp chúng ta chuyển đổi nhanh chóng. Ứng dụng công nghệ không chỉ dừng lại ở trong công đoạn sản xuất mà cần tiếp cận công nghệ cho toàn bộ chuỗi sản xuất từ: trồng trọt, thu hoạch, chế biến cho đến thương mại.
Song song với công nghệ trong nước Việt Nam từng bước hợp tác với các đối tác của nước ngoài để tiếp nhận, đánh giá cũng như lựa chọn công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng phù hợp với năng lực, trình độ của Việt Nam. Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước có công nghệ trồng trọt tương đối gần gũi với Việt Nam.
Đặc biệt, Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc trao đổi, tiếp nhận các khoa học công nghệ vào Việt Nam, đồng thời góp phần trao đổi thương mại giữa hai nước. Khi Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản thì công nghệ cũng phải tương đối tương thích với công nghệ của bạn để tạo ra sản phẩm đáp ứng chất lượng hàng hóa và được thị trường bạn thừa nhận, ông Sơn đánh giá.
Những công nghệ tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp từ Nhật Bản được các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu như: chế phẩm sinh học, thủy canh trong thủy sản; phân bón hữu cơ, giống cây trồng, vật liệu kiểm soát nhiệt độ, thuốc trừ sâu hữu cơ… trong trồng trọt và công nghệ khí sinh học trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, các diễn giả còn giới thiệu bộ tiêu chuẩn hữu cơ JAS cho nông sản tại thị trường Nhật Bản.
Theo ông Koichiro Abe, Tổng giám đốc điều hành Raycean, các mặt hàng nông sản Nhật Bản có chất lượng, giá trị cao dựa trên các công nghệ nông nghiệp có giá thành rất cao ở Nhật Bản. Chẳng hạn, xoài có giá trung bình 48,5 USD/kg, nhưng giá xoài có thể tăng 112% đạt giá trên 102 USD/kg nhờ thương hiệu giá trị cao “Taiyo-no-tamago” trồng ở Miyazaki; hay xà lách cũng có giá tăng gấp 200% nhờ thương hiệu “xà lách có hàm lượng Ka thấp” trồng ở Fukushima; thậm chí cà chua rất rẻ nhưng giá có thể tăng trên 2.600% với thương hiệu “Tokutani-tomato” sản xuất ở Kochi…
“Công nghệ, bí quyết và chiến lược maketing có thể nâng cao giá trị nông sản gấp rất nhiều lần”, ông Koichiro Abe nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc tiếp nhận các công nghệ như: giống, chế phẩm sinh học, chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ sinh học… cũng như kiểm soát chất lượng của Nhật Bản giúp Việt Nam tiến gần hơn với hệ thống chất lượng của bạn, góp phần thúc đẩy tiến trình xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam sang Nhật Bản cũng như các nước Nhật Bản đang có quan hệ về bạn hàng.
Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua tăng khá cao, nhất là mặt hàng rau quả. Nhật Bản đang là thị trường đứng thứ 2 sau Trung Quốc nhập khẩu rau quả Việt Nam.(TTXVN)