tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-05-2018

  • Cập nhật : 30/05/2018

Xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng cân nhắc xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách hàng, kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ.

 

ngan hang nha nuoc vua yeu cau cac ngan hang can nhac xem xet gioi han so luong tai khoan thanh toan, the ngan hang mo cho mot ca nhan - anh: t.l.

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng cân nhắc xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một cá nhân - Ảnh: T.L.

Yêu cầu này được nêu trong văn bản 3804 mà Ngân hàng Nhà nước gửi đến các ngân hàng nhằm mục đích phòng, chống gian lận trong quy trình mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM.

Trước đó hôm 25-5, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo tình trạng một số cá nhân sử dụng giấy tờ giả đăng ký làm thẻ ATM, tài khoản thanh toán tại ngân hàng rồi bán lại mà bên mua có thể sử dụng với mục đích bất hợp pháp.

Theo văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị mở thẻ, tài khoản thanh toán.

Cùng với đó thực hiện các biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ đảm bảo quy trình mở thẻ và tài khoản, phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ không tuân thủ đầy đủ quy định.

Các ngân hàng phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện, xử lý các trường hợp mạo danh sử dụng giấy tờ giả để mở thẻ, tài khoản thanh toán.

Việc đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và cân nhắc giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách hàng và áp dụng hạn mức giao dịch tương ứng cũng phải được đẩy nhanh.

Với các đơn vị chấp nhận thẻ, các ngân hàng sẽ kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đặc biệt các đơn vị chấp nhận thẻ giao dịch với số tiền lớn, giao dịch nhiều lần, không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Việc này nhằm sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng thẻ, tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng nâng cao cảnh giác, chủ động báo cáo, cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định trường hợp phát hiện mạo danh, sử dụng giấy tờ giả để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.

Song song đó phải trao đổi thông tin để chia sẻ, cập nhật thông tin về các thủ đoạn, kỹ thuật công nghệ mới trong giả mạo các loại hồ sơ, giấy tờ, chứng từ thanh toán và các biện pháp phòng ngừa.

Hiện các nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang đẩy nhanh tiến độ "chip hóa" thị trường thẻ khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo thẻ đang ngày càng gia tăng.

Trước tình trạng này, các ngân hàng thương mại liên tục phát đi các cảnh báo người dùng.(Tuoitre)
----------------------

Gần 10 tỷ USD vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong 5 tháng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 9,9 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, cả nước có 1.076 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,66 tỷ USD, bằng 83,2% so với cùng kỳ năm 2017; Có 393 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,49 tỷ USD, bằng 52,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Đồng thời có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó có 1.117 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,58 tỷ USD và 1.224 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 1,17 tỷ USD.

Vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ năm 2017 được lý giải do trong cùng kỳ 2017 có nhiều dự án lớn được cấp mới và điều chỉnh vốn.

Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 20/5, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, trong 5 tháng, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 71,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 65,74 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,6% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 52,85 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 58,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 13,81 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,89 tỷ USD không kể dầu thô.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với tổng số vốn đạt 5,18 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,07 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,02 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, hiện có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc vẫn giữ vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 2,63 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 1,52 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,11 USD, chiếm 11,25% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 2,39 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,07 USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 835,3 triệu USD chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư.(Baodautu)
----------------------

Kinh doanh thực phẩm sạch online 'lên ngôi'

Hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng có thói quen tìm mua các mặt hàng từ rau củ quả tươi đến thủy hải sản tươi sống trên hệ thống online.

Ảnh minh họa: Kinh doanh online ngày càng phổ biến ở Việt Nam. 

Mặc dù giá cả có cao hơn so với các mặt hàng này được bày bán ở chợ truyền thống nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Lý do bởi nhiều cửa hàng có chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 


Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng rau củ tươi sống, vốn trước đây là nhóm mặt hàng khó đưa lên kinh doanh online do thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng, thì nay đang gia tăng. 

Xu thế này một phần đến từ câu chuyện ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm mua thực phẩm sạch, an toàn trên mạng có chứng nhận rõ ràng, được chọn lọc hơn so với kênh mua bán thông thường tại chợ. Hầu hết gian hàng online cạnh tranh với chợ truyền thống bằng cách kinh doanh các loại thực phẩm hữu cơ được sản xuất với quy trình sạch, yêu cầu quá trình nghiên cứu và chăm sóc kỳ công hơn. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của công nghệ, các chủ cửa hàng online có thể đưa trực tiếp những hình ảnh sản phẩm, giúp cả người bán và người mua có sự tương tác nhanh hơn. 

Chị Trần Hoài Thu, nhân viên Ngân hàng Techcombank bén duyên với nghề bán thực phẩm sạch online rất tình cờ. Trong một lần lướt Facebook, chị tìm được một địa chỉ bán thịt lợn sạch, mua về ăn thấy ngon, chị giới thiệu đến bạn bè và nhận đặt mua hộ. Dần dần, số người nhờ mua ngày một nhiều, chị Thu quyết định xây dựng một trang web bán hàng chuyên nghiệp để cung cấp thịt lợn sạch. 

Đối với chị Phạm Thị Thanh Hương, chủ trang mạng “Gánh hàng rong” trên Facebook có hơn 177.000 lượt theo dõi, thì các sản phẩm được đăng bán trên “Gánh hàng rong” đều có nguồn gốc từ các vùng quê, canh tác theo lối truyền thống, không bảo quản bằng hóa chất. Để minh chứng điều đó, trên “Gánh hàng rong” không chỉ đăng hình ảnh, mà còn quay video, phát trực tiếp tại nơi lấy hàng để tăng độ tin cậy với khách hàng. 

"Giờ đi đâu cũng nghe nói đến thực phẩm không an toàn, nên tôi rất sợ mua rau củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài chợ. Vì vậy, gần đây tôi thường hay chọn mua thực phẩm tại các siêu thị, hoặc mua hàng trực tuyến khi họ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm", chị Thu Hoài (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết. 

Cũng giống như chị Thu, chị Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong những "tín đồ" hay mua hàng online cho biết, mua thực phẩm ở những cửa hàng online có uy tín, độ tin cậy cao, họ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm dù giá cả có đắt hơn so với đi chợ truyền thống nhưng tiện lợi và đảm bảo.  

Trước đây do thực phẩm, đặc biệt là các loại mặt hàng rau củ tươi, vốn là nhóm mặt hàng khó đưa lên online vì vấn đề bảo quản và thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn tăng đã khiến loại hình kinh doanh online mặt này phát triển. Về sản xuất, chu trình thương mại điện tử đã được tối ưu giải quyết được vấn đề của bảo quản, vận chuyển sản phẩm, rút gọn quy trình từ vườn rau đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, về tiêu dùng, thương mại điện tử đã đi đến những ngõ ngách sâu nhất về thói quen mua hàng của người Việt, phát huy tối đa lợi ích của mô hình này mang lại cho khách hàng. 

Kinh doanh thực phẩm sạch online không tốn tiền thuê mặt bằng, vốn ít, không giới hạn thời gian, nên tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận từ 15 - 30% và quay vòng vốn nhanh. Ngoài ra, thực phẩm bán online tạo điều kiện khá thuận lợi cho người tiêu dùng. Chị Ngân Anh (quận Hoàng Mai) cho hay, vì làm việc theo giờ hành chính, chỗ làm khá xa nhà, thường phải đi sớm về muộn không có nhiều thời gian đi mua sắm nên chị đặt mua online. Người bán giao đồ tận nhà hoặc cơ quan, nên tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy giá có hơi cao so với mua ở ngoài chợ, nhưng thuận tiện và biết được nguồn gốc. 

Tham khảo giá tại một số cửa hàng online, giá các mặt hàng rau được trồng thủy canh có thể cao hơn tại các chợ truyền thống từ 5.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, cà rốt 35.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng); khoai tây 45.000 đồng/kg (cao hơn 7.000 đồng); cải ngọt 35.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng)… Riêng các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm có sự chênh lệch khá cao, từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. 

Bên cạnh những tiện ích, trên thực tế vẫn còn không ít cá nhân kinh doanh trực tuyến qua các trang web, mạng xã hội chưa có giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. 
 

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.(TTXVN)
------------------------

Xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2018 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng cao nhất trong 6 năm từ năm 2012 trở lại đây.

Xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm - Ảnh 1.

Tháng 5, giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,16% - Ảnh: TL

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5-2018 so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,86% và nếu so với tháng 12 năm 2017 thì tăng 1,61%. Tính trong 5 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá.

Trong số đó, nhóm Giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,72%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%...

Riêng chỉ có nhóm Giáo dục giá không đổi và nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5-2018 phải kể tới như giá thịt heo tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi.

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như bắp, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt heo tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.

Đặc biệt, hai lần giá xăng dầu tăng vào ngày 8-5 và 23-5, (tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 960 đồng/lít) bình quân tháng 5-2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước đẩy CPI chung 0,16%.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 0,95% và giá nước sinh hoạt tăng 0,52%.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5-2018 tăng 0,11% so với tháng trước.

Con số này tăng 1,37% so với cùng kỳ năm ngoái, và tổng cộng năm tháng đầu năm 2018 lạm phát cơ bản tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017.

Thống kê cho thấy trong tháng 5-2018, lạm phát chung tăng cao hơn lạm phát cơ bản.

Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê khẳng định, lạm phát cơ bản năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,34% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục