Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát; Quy định mới về xuất nhập cảnh, đi lại và cư trú ở khu kinh tế; Hiệp định thương mại tự do - Cú huých hiệu quả cho xuất khẩu; Alibaba đầu tư 1,35 tỷ USD vào mảng chăm sóc sức khoẻ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-06-2018
- Cập nhật : 01/06/2018
Kiến nghị bổ sung 3.000 tỉ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội
Đó là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong công văn vừa trình Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Cụ thể là bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020.
Hai là cấp cho các tổ chức tín dụng 3.431 tỉ đồng để bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội trong năm 2018. Đây là đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phía Bộ Xây dựng cho biết việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian qua góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản.
Nhưng đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc.
Nguyên nhân chính là do lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.262 tỉ đồng, đạt khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Riêng năm 2018, ngân hàng này chỉ được giao 500 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Cũng theo bộ Xây dựng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội đã giải ngân hết vào cuối tháng 12-2016.
Theo như báo cáo của các địa phương, hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại.(Tuoitre)
--------------------------
Cổ phiếu chứng khoán dẫn sóng tăng trưởng thị trường
Phiên giao dịch cuối tháng 5 (31-5) chứng kiến sự bức phá ngoạn mục của chỉ số VN Index khi tăng đến gần 23 điểm, sắc xanh phủ toàn thị trường từ đầu đến cuối phiên.
Một nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường tại sàn giao dịch chứng khoán BSC quận 1 - ẢNH : TRẤN KIÊN
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN Index tăng trưởng gần 23 điểm, đạt 971 điểm. Các mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường, có 26 mã VN30 xanh so với 3 mã đỏ.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ngành chứng khoán tăng ấn tượng 5%, thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường.
Mã SSI của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn tăng trần 2.050 đồng, lên 32.000 đồng/cổ phiếu khi nhận được khối lượng mua ròng gần 1,3 triệu cổ phiếu từ khối ngoại.
Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của mã cổ phiếu đứng đầu ngành chứng khoán trong tuần cuối tháng 5 và cũng là phiên thứ ba liên tiếp nhận được lực mua ròng của khối ngoại.
Mã HCM của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh 2.100 đồng, lên 64.100 đồng/cổ phiếu.
Mã VND của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng tăng 650 đồng, lên 19.200 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù chỉ số ngành ngân hàng chỉ xếp thứ hai về mức độ tăng trưởng phiên hôm nay với tỷ lệ 4,65% nhưng đã duy trì được đà tăng mạnh suốt ba phiên liên tiếp.
Các mã cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm VN30 đều tăng trưởng trong phiên hôm nay, có hai mã ngân hàng VN30 là CTG, MBB nằm trong top 10 mã cổ phiểu được giao dịch nhiều nhất phiên.
Mã CTG của Ngân hàng Vietinbank tăng 1.450 đồng, lên 27.100 đồng/cổ phiếu. Mã MBB của Ngân hàng Quân đội tăng 1.550 đồng, lên 29.100 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, mã VIC của Tập đoàn Vingroup cũng tăng mạnh 5.000 đồng, lên 116.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, giá dầu thô của thế giới đã hãm được đà giảm, đang tiệm cận mốc 70 USD/thùng, điều này tác động tích cực đến các mã ngành dầu khí trong phiên hôm nay.
Mã PLX của Petrolimex tăng mạnh 3.500 đồng, lên 62.000 đồng/cổ phiếu. Mã GAS của PVGas cũng tăng 1.100 đồng, lên 90.400 đồng/cổ phiếu.
Giá vàng thế giới cũng tạo đỉnh tăng trưởng mới, đạt 1.304,4 USD/ounce, góp phần thúc đẩy mã cổ phiếu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tăng thêm 5.000 đồng, lên 167.000 đồng/cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, phiên tăng trưởng cuối tháng 5 đem lại nhiều tín hiệu tốt, dự báo thị trường tháng 6 sẽ giảm bớt yếu tố tiêu cực.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng không quá lạc quan khi khẳng định rằng nhiều khả năng phiên tăng trưởng cuối tháng 5 chỉ là đợt hồi phục mang tính kỹ thuật.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank – KimEng nhận xét rằng thanh khoản trong tháng 5 vẫn rất thấp và nhà đầu tư vẫn có xu hướng bán ra chứ chưa chủ động mua vào.
Hiện tại, thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt khoảng 6.700 tỉ đồng, khối ngoại bán ròng trên 600 tỉ. (Tuoitre)
--------------------
Châu Âu 'sôi máu' vì bị Mỹ áp thuế nhôm thép
Trong lúc châu Âu "giận run người" và dọa sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa trong vòng "vài tiếng", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phản ứng một cách "tỉnh rụi", cho rằng cả châu Âu lẫn các nước khác cũng không làm gì được kinh tế Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố cả châu Âu sẽ đoàn kết và chung sức chống lại các biện pháp áp thuế mới của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Mexico và Canada, hai quốc gia đầu tiên được miễn trừ áp dụng biểu thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm, cũng chịu chung số phận với Liên minh châu Âu (EU).
Trong tuyên bố được phát đi chiều 31-5 (giờ Mỹ), ông Ross tuyên bố EU đã không đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ như đã thỏa thuận nên không thể tiếp tục được hưởng quyền miễn trừ.
Trong khi đó, tiến trình đàm phán với Mexico và Canada về việc sửa lại Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) "lâu hơn so với Mỹ dự kiến" và "chưa biết khi nào sẽ chốt" nên hai nước này phải bị đưa ra khỏi danh sách miễn trừ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ thẳng thắn.
Do vậy, kể từ nửa đêm ngày 31-5 (giờ Mỹ, tức khoảng 11h trưa 1-6 theo giờ VN), các nước châu Âu, Mexico và Canada sẽ phải chịu mức thuế như các quốc gia khác khi xuất khẩu nhôm, thép vào Mỹ.
Quyết định này gần như chắc chắn sẽ phủ bóng đen căng thẳng cuộc họp các Bộ trưởng tài chính nhóm G7 dự kiến khai mạc tại Canada trong nay mai.
Thực tế, không khí đã nóng ngay sau khi các tuyên bố của ông Ross được xác nhận bằng một tuyên cáo của Nhà Trắng.
Trong tuyên bố đe dọa sẽ khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom cáo buộc Mỹ đã sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để buộc châu Âu nhượng bộ.
Đó không phải là cách chúng ta làm ăn với nhau, chắc chắn không phải là cách mà các đối tác, bạn bè và đồng minh trong suốt thời gian dài đối xử với nhau
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom
Trong khi đó, từ Bồ Đào Nha, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp chủ nhà Antonio Costa ngày 31-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh châu Âu muốn được hưởng quyền miễn trừ. Nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 châu Âu khẳng định cả châu Âu sẽ "đoàn kết và chung sức" đáp trả hành động của Mỹ.
Một nhà máy thép ở Bỉ - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi cực kỳ thất vọng trước hành động của Mỹ. Nước Anh và châu Âu là các đồng minh thân cận của Mỹ cho nên phải được miễn trừ vĩnh viễn, toàn diện khỏi các biện pháp áp thuế lên nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ", hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn của chính phủ Anh nhấn mạnh.
"Châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bảo vệ nền công nghiệp, công việc và lợi ích của chúng ta. Không thể ngồi yên chấp nhận quyết định cực kỳ đáng tiếc này", nghị sĩ Manfred Weber - một đồng minh của Thủ tướng Đức Merkel, viết trên Twitter.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã thể hiện thái độ xem nhẹ các biện pháp trả đũa của các nước khác, cho rằng chúng không thể gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên ông Ross khẳng định Washington vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục các cuộc đàm phán với EU, Mexico và Canada.
Giới quan sát lo ngại động thái mới nhất của Mỹ đang khiến tình hình ngày càng căng thẳng, nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington với tất cả các nước ngày một hiển hiện.(Tuoitre)
----------------------
'Đừng để thương mại ảnh hưởng quan hệ Việt - Mỹ'
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, và phù hợp với những quy định của WTO và thông lệ quốc tế, tránh ảnh hưởng quan hệ song phương.
Việt Nam đang cung cấp đầy đủ thông tin làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trì sản xuất thép tại Việt Nam cho Mỹ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 31-5 ở Hà Nội, phóng viên đặt câu hỏi Việt Nam phản ứng ra sao về việc Mỹ gần đây nâng mức thuế đánh vào thép từ Việt Nam mà Mỹ cáo buộc là có sử dụng vật liệu từ Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Mỹ để cung cấp đầy đủ thông tin làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trì sản xuất thép tại Việt Nam.
"Việt Nam cho rằng các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, và phù hợp với những quy định của WTO và thông lệ quốc tế, tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước," bà Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin thêm hiện nay Mỹ đã cho phép miễn trừ áp dụng các biện pháp đánh thuế thêm vào các mặt hàng thép của Việt Nam nếu doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn các yêu cầu của Bộ thương mại Mỹ.
Trước đó, ngày 21-5, Bộ Thương mại Mỹ quyết định nâng mức thuế đánh vào thép từ Việt Nam mà Washington nói là xuất xứ từ Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết hải quan nước này sẽ thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam, nhưng sử dụng vật liệu nền xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, thép chống gỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 11,28%, theo Hiệp hội Thép Việt Nam. (Tuoitre)