Thái Lan xuất khẩu phở Việt; Trung Quốc tuyên bố để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Mỹ; Cần cảnh giác với người Trung Quốc mua nhà đất ven biển Đà Nẵng; PVN nộp ngân sách Nhà nước vượt 32% kế hoạch
Tin kinh tế đọc nhanh 04-06-2018
- Cập nhật : 04/06/2018
Mục tiêu CPI tăng không quá 4% là khả quan
Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định như vậy trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát dưới 4%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng mục tiêu CPI tăng không quá 4% là khả quan
Theo ông Lâm, CPI tháng 5 tăng cao nhất trong sáu năm gần đây nguyên nhân do hai nhóm hàng hóa thịt lợn, xăng dầu tăng mạnh.
"Nói cách khác, CPI tăng nhanh do yếu tố thị trường tác động chứ không phải do chủ quan điều chỉnh giá từ các ngành, lĩnh vực, hay thiếu nguồn hàng trong nền kinh tế.
CPI bình quân 5 tháng năm 2018 tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Chính phủ quyết tâm giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay.
Để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng đã chỉ đạo không tăng giá điện, phí giáo dục, dịch vụ y tế cũng xem xét kỹ tác động để tăng vào thời điểm phù hợp trong năm nay, hoặc năm sau", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành bám sát giá xăng dầu thế giới để có những giải pháp phù hợp.
Trong năm tháng qua, giá xăng dầu thế giới tăng bình quân từ 20-30%, các bộ, ngành đã sử dụng quỹ bình ổn giá để kiểm soát nên giá xăng trong nước chỉ tăng khoảng 9%.
"Sắp tới khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Tổng cục Thống kê sẽ ngồi lại với Bộ Tài chính, các bộ có liên quan để tính toán tác động cụ thể đến lạm phát
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê sẽ đề xuất tăng thuế vào tháng nào cho phù hợp để tránh tác động đến CPI chung.
Mục tiêu CPI tăng không quá 4% là khả quan, nếu mặt hàng xăng dầu thế giới tăng quá nhanh cần sử dụng quỹ bình ổn giá để kiểm soát", ông Lâm khẳng định.(Tuoitre)
-----------------------------
Chính phủ thúc thu hồi một dự án dầu khí của Petro Vietnam
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hướng dẫn, giám sát việc thu hồi, chuyển giao dự án Khu công nghiệp Dịch vụ dầug khí Soài Rạp, Tiền Giang theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, trong quyết định nói trên, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chuyển giao dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7631/VPCP-KTN ngày 1/10/2014 của Văn phòng Chính phủ.
UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện thu hồi đất dự án, quản lý, sử dụng, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Tiền Giang có diện tích trên 285ha, nằm trên địa bàn các xã Gia Thuận, Vàm Láng thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có vị trí rất thuận tiện trong việc phát triển kinh tế biển và đặc biệt cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Dự án này được giao cho Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm chủ đầu tư.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 25/3/2011. Tuy nhiên, qua 3 năm, đến cuối năm 2014, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp chỉ mới tiếp nhận một dự án đầu tư nhà máy sản xuất ống thép hàn thẳng.
Do đó, tháng 10/2014, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc chuyển giao nguyên trạng dự án khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp cho tỉnh Tiền Giang để tiếp tục quản lý, sử dụng theo đúng Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Chính phủ yêu cầu Petro Vietnam có trách nhiệm giải quyết dứt điểm nghĩa vụ tài chính liên quan với Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; kiểm toán giá trị dự án bàn giao trước khi chuyển giao dự án cho UBND tỉnh Tiền Giang.(Vneconomy)
---------------------------
Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore bán lỗ cổ phiếu Vinasun
Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore đã thông báo về việc không còn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS).
Các dịch vụ đặt xe công nghệ khiến lợi nhuận Vinasun giảm mạnh - ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo đó, quỹ này không còn nắm giữ cổ phiếu nào của Vinasun. Cụ thể, GIC đã bán ra toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng chiếm 7,96% vốn của công ty Vinasun vào ngày 25.5 và hiện không còn sở hữu cổ phiếu nào.
Trước đó, GIC đã trở thành cổ đông lớn tại Vinasun từ tháng 8.2014 sau khi mua vào 4,5 triệu cổ phiếu VNS. Với giá mua số cổ phiếu này khoảng 45.000 đồng, GIC đã bỏ ra hơn 200 tỉ đồng. Dù lượng cổ phiếu được gia tăng (bao gồm cổ phiếu được trả cổ tức, chia thưởng…) sau gần 3 năm ở mức 5,4 triệu đơn vị nhưng giá bán thỏa thuận chỉ ở mức 14.700 đồng, tổng số tiền GIC thu về được chỉ khoảng 80 tỉ đồng.
Như vậy quỹ đầu tư ngoại này đã ngậm ngùi cắt lỗ hơn 120 tỉ đồng. Cổ phiếu Vinasun đã giảm liên tục và hiện đứng ở giá 13.800 đồng. Nguyên nhân do lợi nhuận liên tục đi xuống mà theo ban lãnh đạo công ty, các công ty nước ngoài như Uber, Grab đã cạnh tranh bằng giá thấp nhằm xâm chiếm thị phần đã gây tác động lớn đến công ty. Chính vì vậy, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2018 chỉ đạt 2.000 tỉ đồng, giảm 937 tỉ đồng so với tổng doanh thu thực hiện cả năm qua. Tương tự, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 dự kiến chỉ đạt 119 tỉ đồng, giảm còn chưa tới 50% so với con số đạt được của năm qua là gần 245 tỉ đồng.(Thanhnien)
------------------------
Formosa xả 28.800m3 nước thải/ngày đêm
Khi cả hai lò cao luyện thép của Formosa vận hành thì lượng nước thải xả ra của doanh nghiêp này lên đến 28.000 mét khối mỗi ngày đêm.
Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên môi trường kiểm tra việc khắc phục vi phạm của Formosa sau sự cố biển tại 4 tỉnh miền Trung - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Bộ Tài nguyên và môi trường vừa báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường và việc cho phép Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm lò cao số 2 thuộc dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn I.
Theo đó, lượng nước thải xả ra môi trường của dự án khi cả hai lò cao luyện thép số 1 và số 2 đi vào vận hành lên tới 28.800 m3/ngày đêm, trong đó nước thải sinh hoạt 2.000 m3/ngày đêm, nước thải sinh hóa phát sinh khoảng 4.300 m3/ngày đêm, nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 22.500 m3/ngày đêm.
Lượng nước thải này được Formosa xử lý tại các trạm xử lý trước khi đấu nối vào trạm xử lý nước thải công nghiệp của dự án, công suất thiết kế 45.000 m3/ngày đêm trước khi xả vào hồ sự cố kết hợp hồ sinh học và xả ra biển.
Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá các dòng nước thải sinh hóa, công nghiệp tại dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh đã được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam ở các trạm xử lý nước thải cục bộ của Formosa, sau khi qua hệ thống hồ sinh học tiếp tục được xử lý, cải thiện tốt hơn trước khi xả ra biển, đảm bảo an toàn về môi trường, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết.(Tuoitre)