Nhà đầu tư Hàn Quốc bạo chi rót hơn 1 tỉ USD vào Việt Nam; ‘Gã khổng lồ’ Thái nắm trọn tổ hợp hóa dầu 5,4 tỉ USD ở VN; Gần hết thời hạn, NAFTA vẫn bế tắc; Mỹ-Trung cãi nhau dữ dội chuyện ‘bản quyền công nghệ’ tại WTO
Tin kinh tế đọc nhanh 30-05-2018
- Cập nhật : 30/05/2018
Ngân hàng Nhà nước nói gì về huy động vàng trong dân?
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang chọn giải pháp huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực này thành tiền, làm giảm sức hấp dẫn của vàng miếng...
Trong báo cáo gửi Quốc hội về trả lời chất vấn của cử tri, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những giải thích về giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân. Trước đó, một số cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị NHNN cần có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực dự trữ trong dân như vàng, ngoại tệ.
Theo một số thống kê, hiện có khoảng 500 tấn vàng trong dân do tập quán, thói quen của người Việt Nam xem vàng là tài sản để dành và tích trữ. Nhiều ý kiến cho rằng hàng trăm tấn vàng tương đương nhiều tỉ USD của người dân đang nằm bất động là một sự lãng phí lớn... Do đó, cần có giải pháp huy động nguồn lực này vào sản xuất - kinh doanh. Chính phủ cũng nhiều lần giao NHNN nghiên cứu sớm có giải pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời cử tri, NHNN cho biết trong giai đoạn từ năm 2001 - 2008, các NH thương mại được huy động, cho vay vốn bằng vàng. Trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng đã huy động được nguồn vốn nhất định đóng góp cho phát triển kinh tế. Nhưng giai đoạn 2008-2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động tăng, giảm mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008) khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo, gây rủi ro lớn cho cả NH thương mại và người đi vay.
"Việc tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này" - lãnh đạo NHNN nói.
Do đó, từ năm 2011-2013, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Các NH thương mại không được phép huy động vàng, chỉ được giữ hộ vàng và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ.
NHNN đánh giá việc chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng đã giúp nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi tiền gửi bằng VNĐ trong hệ thống gia tăng.
Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013. Các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân.
Thị trường không xuất hiện các "cơn sốt" vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỉ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VNĐ từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hằng năm quanh mức 16%-20%.
Theo NHNN, nguồn lực vàng trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.
Do vậy, việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng...
NHNN cũng cho rằng việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài. Các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.
Hiện NHNN đã, đang nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án "Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020".
Cuối năm ngoái, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về đề án. Trong đó, cơ quan này cho rằng bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị VNĐ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh.(NLĐ)
-----------------------
Thực phẩm organic lớn mạnh nhờ thế hệ Y
Hơn 8 triệu hộ gia đình ở Úc chọn dùng các sản phẩm organic hằng năm dù cho giá cả của mặt hàng "nói không với hóa chất" này không hề dễ chịu.
Đó là kết quả nghiên cứu Báo cáo thị trường organic Úc 2018 vừa công bố. Theo đó, tổng giá trị thị trường organic của xứ sở kangaroo đạt 2,4 tỉ USD, trong đó cứ 10 hộ gia đình thì có hơn 6 hộ mua các sản phẩm hữu cơ mỗi năm.
Chợ bán đồ hữu cơ tại Sydney - Úc Ảnh: ASHERFERGUSSON
Chủ tịch của tổ chức Australian Organic (cơ quan chuyên cấp phép các sản phẩm hữu cơ) - ông Andrew Monk - nói rằng thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng giữa lúc người tiêu dùng tiếp cận những thông tin về xuất xứ và cách thức sản xuất thực phẩm nhiều hơn. Đáng chú ý, thế hệ Millennial hay còn gọi là thế hệ Y - những người thuộc độ tuổi 18-34 (sinh trong khoảng đầu thập niên 1980-2000) đang dẫn đầu xu hướng này. "Thế hệ Millennial hiểu biết hơn, đòi hỏi nhiều hơn và kỳ vọng nhiều hơn" - ông Monk chia sẻ với hãng tin AAP.
Cũng theo lời ông Andrew Monk, ngành công nghiệp hữu cơ nước này đang lớn mạnh dần khi ngày càng nhiều thông tin về các lợi ích sức khỏe và môi trường của lối sống organic được lan truyền. Tuy nhiên, theo báo cáo, giá thực phẩm organic vẫn đang là rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng. Ông Monk cho hay giá các sản phẩm hữu cơ sẽ luôn cao bởi những yêu cầu nghiêm ngặt mà chúng cần đáp ứng. Song giá cả kỳ vọng sẽ đi xuống khi ngành này mở rộng hơn và cạnh tranh hơn. "Sức khỏe là một trong những lý do hàng đầu mọi người chọn sản phẩm organic và chịu chi tiền nhiều hơn cho nó. Khi cạnh tranh và chuỗi cung ứng phát triển, giá sẽ giảm bớt" - ông Monk nói.
Theo giáo sư khoa học y tế Đại học RMIT Marc Cohen, dù vẫn chưa có nghiên cứu rõ ràng xác định đầy đủ lợi ích của việc sử dụng sản phẩm hữu cơ nhưng các chứng bệnh béo phì, rối loạn phát triển thần kinh và sinh sản đã được xác định có liên quan tới hóa chất trong thực phẩm, các sản phẩm tẩy rửa trong gia đình và mỹ phẩm làm đẹp. "Tôi cho rằng ăn càng ít chất độc thì càng tốt cho sức khỏe" - ông Cohen nhấn mạnh.
Nghiên cứu nói trên cho thấy mỗi tuần ăn 80% thực phẩm organic có thể giúp giảm đến 90% dư lượng thuốc trừ sâu trong nước tiểu. Nghiên cứu cũng phát hiện không ít người tiêu dùng vẫn còn ngờ vực, liệu các sản phẩm dán nhãn hữu cơ có thực sự đáng tin không. (NLĐ)
-----------------------
Xuất khẩu dầu của Mỹ đạt kỷ lục, lấy vào thị phần của Nga, OPEC ở châu Á
Khối lượng dầu thô kỷ lục đã xuất khẩu từ Mỹ hướng sang châu Á trong vài tháng tới sẽ chiếm lấy thị phần của Nga và các nhà sản xuất khác trong OPEC.
Mỹ có thể xuất khẩu 2,3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 6, trong đó 1,3 triệu thùng/ngày sẽ sang châu Á, theo ước tính của giám đốc điều hành các công ty xuất khẩu dầu chủ chốt của Mỹ. Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy xuất khẩu dầu thô từ nước này đã đạt đỉnh điểm 2,6 triệu thùng/ngày trong hai tuần qua.
Khối lượng xuất khẩu kỷ lục khi sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục, gây áp lực cho giá dầu Mỹ thấp hơn dầu Brent hơn 9 USD/thùng trong ngày 28/5, chênh lệch cao nhất trong hơn 3 năm.
Chênh lệch này là cơ hội cho các nhà máy lọc dầu châu Á giảm nhập khẩu dầu thô nhẹ từ Trung Đông và Nga sau khi giá dầu Brent và vùng Vịnh chạm mức cao nhất trong nhiều năm.
Một khách hàng ở Đông Nam Á cho biết “chúng tôi đang đa dạng hóa nhiều khu vực khác. Nếu Saudi Aramco vẫn không giảm giá tháng tới và tiếp theo là công ty ADNOC, chúng tôi sẽ tăng nhập khẩu dầu thô của Mỹ”.
Tại châu Á, Trung Quốc dẫn đầu là Sinopec, nhà lọc dầu lớn nhất khu vực này là công ty tăng cường nhập khẩu dầu thô Mỹ nhiều nhất. Công ty này sau khi cắt giảm nhập khẩu từ Saudi Arabia, đã mua kỷ lục 16 triệu thùng dầu thô từ Mỹ (533.000 thùng/ngày) xuất trong tháng 6.
Nguồn theo dõi doanh số xuất khẩu của Mỹ sang châu Á cho biết Ấn Độ và Hàn Quốc là những khách hàng lớn nhất tại châu Á, mỗi nước đã tăng 6 tới 7 triệu thùng trong tháng 6. Tập đoàn Dầu Ấn Độ đã mua 3 triệu thùng trong đầu tháng này thông qua đấu thầu, trong khi Reliance Industries đã mua tới 8 triệu thùng dầu, mặc dù không rõ liệu các lô hàng này của Reliance sẽ được nạp hết trong tháng 6 hay không.
Nhập khẩu của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi nhà lọc dầu hàng đầu SK Energy và GS Caltex. Tập đoàn lọc dầu CPC của Đài Loan cũng nhanh chóng tăng lên 7 triệu thùng được dỡ hàng vào tháng 6 và tháng 7.
Xuất khẩu của Mỹ sang Thái Lan sẽ tăng lên ít nhất 2 triệu thùng. Công ty dầu nhà nước PTT PCL nhận 1 triệu thùng dầu thô Midland, trong khi Thai Oil và Esso Thailand mua ít nhất mỗi công ty mua 500.000 thùng dầu thô Bakken.
Nhưng ngay cả nếu châu Á và châu Âu nhập thêm dầu thô của Mỹ, khối lượng xuất khẩu kỷ lục đang gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng xuất khẩu tại Mỹ, bị hạn chế bởi công suất vận chuyển của đường ống và tàu chở dầu.(Vinanet)
-------------------
Ngân hàng hút vốn bằng khuyến mãi, chứng chỉ tiền gửi
Lãi suất huy động đang trong xu thế giảm nên các ngân hàng tìm cách hút vốn thông qua các chương trình khuyến mãi và phát hành chứng chỉ tiền gửi.
Nhiều ngân hàng đang hút vốn thông qua các chương trình khuyến mãi và phát hành chứng chỉ tiền gửi. Trong ảnh là giao dịch tại HDBank. Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa triển khai chương trình "Vui HDBank Futsal – Vui Tết thiếu nhi". Theo đó, từ 28-5 đến 28-6 khi khách hàng gửi tiết kiệm chỉ từ 30 triệu đồng, hoặc gửi theo chương trình Bảo ngân tương lai với số tiền tích lũy định kỳ từ 2 triệu đồng/tháng, hoặc gửi tiết kiệm gửi góp linh hoạt từ 5 triệu đồng/tài khoản sẽ được nhận ngay quà tặng là bộ trang phục thể thao thiếu nhi hoặc quả bóng HDBank Futsal, tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi.
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) thì vừa công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn với kỳ hạn 189 ngày, lãnh lãi cuối kỳ, lãi suất 6,8%/năm. Thời hạn phát hành đến hết 15-8.
Chứng chỉ tiền gửi gồm 6 loại mệnh giá: 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỉ đồng, 2 tỉ đồng và 5 tỉ đồng. Người mua được tự do chuyển nhượng dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi.
Trước đó vào tháng 4, Sacombank và VIB đã phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VND dài hạn cho khách hàng cá nhân và tổ chức.
Thời gian gần đây, các ngân hàng có xu hướng giảm dần lãi suất huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn nhằm cơ cấu lại kỳ hạn và giảm chi phí đầu vào.
Lý do là hiện nay các ngân hàng đang siết vốn vào lĩnh vực bất động sản – kênh có thể cho vay lãi suất cao - nên đầu ra khó khăn hơn và ngân hàng không thể duy trì mức lãi suất huy động cao như trước.
Do vậy các ngân hàng chọn giải pháp khuyến mãi hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi để hút vốn kỳ hạn dài. Với phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi, các ngân hàng tính trước được chi phí bỏ ra. Trong khi nếu tăng lãi suất huy động, chi phí phải bỏ ra cao hơn vì sẽ phải tăng lãi suất trên toàn bộ danh mục, chưa kể ngân hàng cũng không chủ động được đầu vào.(Tuoitre)