Mitel công bố thỏa thuận mua lại Polycom
Lạm phát - biến số khó lường
Quảng Nam: Dự án có vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng phải ký quỹ đầu tư
Hai tập đoàn nước ngoài mong muốn đầu tư cảng biển tại Bình Định
Công cụ bảo lãnh vốn dài hạn cho các dự án đầu tư tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-04-2016
- Cập nhật : 26/04/2016
Nông sản Mỹ sẽ "ngập tràn" ở Việt Nam sau TPP
Việt Nam luôn là một trong những thị trường thực phẩm và nông sản tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai loại mặt hàng này sang Việt Nam trong năm 2015 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 357% so với kim ngạch năm 2007 – năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 11 của Mỹ với những sản phẩm hàng đầu như bông, hạt cây, đậu nành và bơ sữa.
Việt Nam là một thành viên của Khu vực Thương mại Tự do ASEAN và có tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Australia, Chile, Hàn Quốc và New Zealand.
Không chỉ đang tham gia đàm phán TPP, Việt Nam cũng đang trong quá trình thương thuyết các hiệp định khác với Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Hồng Kông và Israel. Trong những thỏa thuận này, Việt Nam đã đồng ý cắt giảm lãi suất với nhiều sản phẩm nông nghiệp, qua đó có thể khiến các nhà xuất khẩu nông nghiệp Mỹ gặp bất lợi.
Thuế suất trung bình của Việt Nam với các sản phẩm nông nghiệp là 16% trong khi tại Mỹ chỉ là 5%. Theo TPP, Việt Nam sẽ hạ dần lãi suất xuống mức 0% cho hàng loạt mặt hàng thực phẩm và nông sản, giúp các doanh nghiệp Mỹ có một sân chơi bình đẳng tại Việt Nam với các quốc gia đối thủ không tham gia TPP. Ngoài vấn đề thuế quan, hiệp định TPP cũng giải quyết các rào cản phi thương mại như vấn đề vệ sinh và kiểm dịch thực phẩm.
Sau khi hiệp định TPP chính thức được thực thi bởi 12 quốc gia thành viên, những sản phẩm thực phẩm và nông sản của Mỹ được hưởng lợi có thể chia làm 4 nhóm sau:
Nhóm 1 – Sản phẩm chăn nuôi: Thịt bò, Bơ sữa, Thịt lợn, Gia cầm và Trứng
Nhóm 2 – Sản phẩm cây trồng: Trái cây, Hạt cây (quả óc chó, hạt dẻ…), Hạt giống và Cây trồng, Khoai tây
Nhóm 3 – Ngũ cốc và Hạt có dầu: Lúa mạch, Ngô, Gạo, Đậu nành và Lúa mỳ
Nhóm 4 – Sản phẩm khác: Bông, Thức ăn đã qua chế biến, Thuốc lá
FED rộng cửa tăng lãi suất vào mùa hè nhờ ECB
Tuần trước, ông Draghi đã phát đi những tín hiệu rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ không có thay đổi chính sách bởi họ muốn chờ xem sự hiệu quả của những biện pháp kích thích kinh tế đang áp dụng. Điểm dừng của ECB có thể là cơ hội để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong vài tháng tới bởi sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD sẽ gặp ít rủi ro hơn khi các chính sách của 2 ngân hàng trung ương khác nhau rõ ràng.
Theo nhà kinh tế trưởng Rob Carnell tại ngân hàng ING Bank NV, hiện trạng của khu vực sử dụng đồng Euro không quá tồi tệ như những gì ông Draghi miêu tả. Thực tế này đã khiến đồng Euro tăng giá và cho FED cơ hội để hành động. Ông Carnell dự đoán nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong quý III/2016 nhưng cũng không loại trừ việc bà Yellen và các công sự hành động trong quý II/2016.
Không nhà đầu tư nào cho rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 4 và chỉ 20% dự báo rằng điều này sẽ xảy ra trong cuộc họp tháng 6, tức 8 ngày trước khi nước Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có ở lại trong Liên minh Châu Âu (EU) hay không. Brexit – việc Anh rời EU – thành hiện thực sẽ kích hoạt sự bất ổn của thị trường tài chính và có thể trở thành nguyên nhân khiến FED phải xem lại kế hoạch tăng lãi suất của mình trong năm 2016.
Hai lần tăng lãi suất
Trong cuộc họp tháng 3, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã dự kiến sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm 2016. Mặc dù nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại, sự phục hồi từ tốn tại khu vực EU sẽ giúp củng cố kế hoạch của FED.
Đầu năm nay, giá trị đồng USD dựa theo tỷ trọng thương mại tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002, nhưng sau đó, đồng tiền xanh đã giảm và hiện đang mất giá so với đồng Euro. Đồng USD mạnh lên là một yếu tố kìm hãm lạm phát của Mỹ ở mức rất thấp hiện nay do giá hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Nhà kinh tế quốc tế Stefan Schneider của Deutsche Bank AG cho rằng việc ECB chuyển sang chế độ ‘chờ’ sẽ khiến FED dễ dàng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ mặc dù ông dự báo rằng điều này sẽ không xảy ra trong nay mai.
Theo ông Schneider, FED sẽ mất thêm thời gian chờ đợi đồng USD giảm giá bởi đây là nguyên nhân khiến bà Yellen và các cộng sự phải thận trọng trong các cuộc họp vừa qua. Tuy nhiên, FED không phải vội vàng đưa ra quyết định với tình hình kinh tế như hiện nay.
Bất ổn kinh tế
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã cho thấy sự giảm tốc trong quý I/2016 sau khi chỉ tăng trưởng 1,4% trong quý IV/2015.
Lạm phát đang ở mức quá thấp và bị kìm hãm bởi giá năng lượng thấp cùng việc đồng USD tăng giá. Kể từ năm 2012 cho tới nay, lạm phát vẫn chưa thể vươn tới mức mục tiêu 2% do FED đặt ra. Tiền lương cũng đang giảm, cho thấy sự chùng xuống của thị trường việc làm mặc dù các quan chức của FED cho biết nhân công tại Mỹ đang gần mức toàn dụng với tỷ lệ thất nghiệp 5% trong tháng 3.
Mặt khác, một số rủi ro nổi bật hồi đầu năm trong các cuộc thảo luận chính sách đã trở nên phai mờ dần. Các điều kiện tài chính đã bớt căng thẳng và triển vọng kinh tế Trung Quốc dường như đã ổn định hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ giảm tốc nhẹ hơn những dự đoán trước đây. Ngày 25/4, những kỳ vọng lạm phát từ thị trường chứng khoán đã đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua sau ba tuần tăng liên tiếp nhờ sự phục hồi của giá dầu.
63% các nhà đầu tư được hỏi cho rằng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12, tức chỉ tăng lãi suất 1 lần trong năm 2016. Tuy nhiên, các quan chức của FED cho rằng các nhà đầu tư đang bi quan quá mức cần thiết. Trong cuộc khảo sát đầu tháng tư của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 và tiếp tục tăng vào tháng 12.
Theo một nhà kinh tế trưởng cao cấp tại Standard Chartered Bank, FED sẽ không tăng lãi suất trong tháng này và sẽ tránh đưa ra những tín hiệu rõ ràng về chính sách của mình cho tới tháng 6.(NDH)
145 tỷ USD đổ vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
Trái cây vào Mỹ: Mất 500.000 USD/năm để kiểm tra chiếu xạ
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ T.Vilsack cùng đoàn công tác làm việc với Bộ NNPTNT sáng nay 25.4. Ảnh: N.L.
Tại buổi làm việc sáng nay, phía Việt Nam đã nêu ra những khó khăn trong quan hệ thương mại (về nông sản) Việt- Mỹ còn nhiều trở ngại và đối xử không công bằng. Cụ thể, quy trình cấp phép cho trái cây Việt Nam rất phức tạp, tốn kém và kéo dài. Đến nay, mới chỉ có 4 loại trái cây của Việt Nam gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải được phép nhập khẩu vào Mỹ nhưng chi phí đáp ứng các điều kiện quá cao như riêng chi phí cho chuyên gia Mỹ sang kiểm tra chiếu xạ hết khoảng 500.000 USD/năm.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ NNPTNT đã đề nghị Mỹ sớm cấp phép nhập khẩu 2 mặt hàng xoài và vú sữa của Việt Nam, do các mặt hàng này đã thực hiện đầy đủ các thủ tục yêu cầu từ phía Bạn (APHIS) nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Một số trở ngại khác đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng được Bộ NNPTNT nêu ra tại cuộc họp sáng nay. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc ngày 4/12/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ban hành Bộ quy định cuối cùng thanh tra cá da trơn, họ Siluriformes (bao gồm cá tra, basa của Việt Nam) sang nước này có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 và được chuyển đổi đến ngày 31/8/2017.
Mặc dù vậy, theo Bộ NNPTNT, việc thực hiện Bộ quy định này với thời gian chuyển đổi 18 tháng là rất khó với Việt Nam, bởi điều kiện sản xuất và trình độ phát triển có sự khác biệt giữa 2 nước, nên có thể gây gián đoạn thương mại xuất khẩu cá tra, ba sa từ Việt Nam sang Mỹ với kim ngạch 340 triệu USD/năm.
Theo lịch trình, ông T.Vilsack sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam kéo dài trong 3 ngày (từ 25 đến 27.4). Đây được coi là chuyến thăm quan trọng của một Bộ trưởng trong Chính phủ Mỹ ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Hậu sáp nhập, Sacombank vẫn còn nhiều bê bối?
Vị thế của Sacombank chẳng mạnh hơn, mà hình như đang yếu đi, dù chi nhánh và đội ngũ có đông hơn. Các vấn đề sau khủng hoảng dù loại bỏ được những người sáng lập, HĐQT Sacombank đã thay đổi, lột xác hoàn toàn, nhưng chất lượng chưa thể nào khẳng định là tốt hơn trước được.
Vì vậy, mục tiêu thâu tóm Sacombank của gia đình ông Trầm Bê và những bên liên quan đến SouthernBank và đối tác Eximbank chưa thể nói là thành công.
Khủng hoảng sau sáp nhập?
Thế lực đi thâu tóm mà ai cũng biết đạo diễn chủ lực là gia đình ông Trầm Bê vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ những yếu kém mà Ngân hàng Phương Nam chuyển qua.
Ông Trầm Bê và những người liên quan buộc phải ủy quyền cho ngân hàng Ngân hàng Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần Sacombank thông qua số cổ phần được cổ đông ủy quyền.
Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất kiểm soát và chi phối Sacombank. Thậm chí, ông Trầm Bê và những người liên quan có trách nhiệm bổ sung thêm tài sản, nếu cần, để xử lý các nghĩa vụ nợ trong quá trình tái cơ cấu Sacombank.
Hầu hết số cổ phần mà nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê sở hữu trước khi ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước đều được thế chấp để vay vốn ở một số ngân hàng.
Nay, để rút được số cổ phần đó ra, họ phải đưa tài sản đảm bảo khác vào thay thế hoặc trả hết nợ vay. Số tiền vay (nghĩa vụ nợ) là không nhỏ căn cứ trên giá trị cổ phiếu của Sacombank. Thực chất, nợ xấu của Ngân hàng TMCP Phương Nam chủ yếu là cho vay bất động sản.
Như vậy, thoát được những kịch bản bị mua 0 đồng hoặc vướng vào vòng lao lý, nhưng kết cục của ông Trầm Bê cũng không phải hoàn toàn tốt đẹp. Sacombank_đã trở thành ngân hàng bị Nhà nước chi phối với cổ phần rất lớn.
Theo giải trình của Chủ tịch Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng, việc sáp nhập là theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về tái cơ cấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng và tạo thêm nguồn lực trong giai đoạn phát triển mới.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng của Sacombank kéo dài từ cuối 2011 cho tới nay cho thấy sự thâu tóm, sáp nhập không phải hoàn toàn là mầu hồng. Thực chất bên trong, những người đi thâu tóm với những toan tính rất táo bạo cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy nợ xấu do mình gây ra.
Cụ thể ở Ngân hàng Sacombank, sau sáp nhập, cứ tưởng ngân hàng sẽ mau chóng tăng trưởng mạnh, vươn tầm quốc tế, nhưng với hậu quả nợ xấu nghìn tỷ từ Ngân hàng Phương Nam chuyển qua, chưa biết bao giờ ngân hàng này mới thoát khỏi khó khăn.
Nhiều người trong giới đầu tư đã cho rằng những gì xảy ra ba năm qua và dự kiến sắp tới chưa ai biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo ở Sacombank. Ngân hàng này có thực sự đổi chủ và thay “máu”.
Biến động mạnh nhân sự cấp cao
Hiện tại, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đang vào cao điểm, nhưng Sacombank còn chưa nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và chưa biết khi nào mới tổ chức ĐHCĐ và ai sẽ là người lãnh đạo mới? Ghế “nóng” ở Sacombank vẫn có thể lung lay, các thông tin trái chiều lên tục được đưa ra nên rất khó đoán định.
Lý do mà Sacombank chậm nộp báo cáo và tổ chức ĐHCĐ vẫn liên quan đến việc sáp nhập Southernbank trong năm 2015 và hiện nay phải chờ hướng dẫn, phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của NHNN.
Sacombank đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo kiểm toán năm 2015 đến khi NHNN có văn bản hướng dẫn và phê duyệt phương án sau sáp nhập. Sacombank cho biết, đã có kế hoạch xử lý nợ xấu của Southernbank trong ba năm.
Như vậy, có thể NHNN sẽ điều động nhân sự vào điều hành ở Sacombank trong thời gian tới vì NHNN đang nắm cổ phần chi phối ngân hàng này. Ông Trầm Bê đã không tham gia điều hành Sacombank và ủy quyền toàn bộ cổ phần cho NHNN và cam kết không hủy ngang kể cả sau khi Sacombank đã hoàn thành sáp nhập Southernbank.
Tuy nhiên, theo một số cán bộ, nhân viên của Sacombank, ông Trầm Bê vẫn dõi theo, thậm chí giám sát, điều hành ngân hàng này. Bóng dáng ông Trầm Bê cùng các thành viên trong gia đình mình ở đây là rất lớn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và cổ đông lo ngại.
Trên thị trường gần đây cũng xuất hiện nhiều thông tin rằng liệu có khi nào người cũ đã từng nắm quyền điều hành Sacombank sẽ quay lại? Thực tế, những người sáng lập Sacombank đã có công gây dựng một thương hiệu ngân hàng bán lẻ là Sacombank khá vững chắc, tạo nền móng cho ngân hàng phát triển đến_ ngày hôm nay.
Do đó, nếu trường hợp trên có xảy ra, có thể cũng là điều tích cực cho chiến lược phát triển của ngân hàng này.(TBKD)