Nhiều đơn hàng xuất khẩu hạt điều được ký đến giữa tháng 4/2018; Thành phố Bắc Ninh là đô thị loại 1; Tổng Bí thư yêu cầu chấn chỉnh các DN quân đội làm kinh tế; Ông Vũ Bằng: Thị trường hiện nay là cơ hội để cổ phần hóa và tăng vốn ngân hàng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-12-2017
- Cập nhật : 25/12/2017
Nhật, Hàn rót vốn FDI nhiều nhất trong năm 2017
Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lên tới hàng tỉ USD được rót vào Việt Nam trong năm 2017, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu về quy mô vốn.
Thông tin vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017.
Theo đó, tính chung trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến ngày 20-12-2017, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỉ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỉ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỉ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn 15,87 tỉ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ ba là kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,05 tỉ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD (chiếm 25,4%).
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 8,49 tỉ USD (chiếm 23,7%).
Tiếp đến là Singapore có tổng vốn 5,3 tỉ USD...
TP.HCM là địa phương thu hút nhiều nhất với tổng số vốn đăng ký 6,5 tỉ USD, tiếp đến là Bắc Ninh với 3,4 tỉ và Thanh Hóa với 3,17 tỉ USD...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án tiêu biểu được cấp phép, điều chỉnh vốn trong năm 2017 như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá có công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỉ USD cũng do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320MW.
Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỉ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.(Tuoitre)
---------------------------
Gia hạn 9 lần, PVN vẫn muốn xin cơ cấu nợ tiếp cho PVTex
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc quyết định cơ cấu lại nợ cho PVTex hay không thuộc thẩm quyền của các ngân hàng cho vay.
Trong văn bản kiến nghị mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) một lần nữa đề nghị các cấp có thẩm quyền, ngân hàng xem xét gia hạn nợ cho Công ty cổ phần Hoá chất và xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nhằm gỡ khó và cứu dự án 7.000 tỷ đồng đang đắp chiếu. Kiến nghị này được PVN lần nữa đưa ra trên cơ sở đề xuất của cổ đông PVTex.
Theo đó, PVN đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng xem xét, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay với dự án này. Tuy nhiên đáp lại đề nghị này Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xem xét gia hạn nợ cho PVTex hay không thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của các ngân hàng. “Bộ Công Thương cần chỉ đạo PVN, PVTex làm việc với các ngân hàng cho vay để được xử lý”, cơ quan này gợi ý.
Theo báo cáo của các ngân hàng về dự án PVTex, các nhà băng đã có tới 9 lần cơ cấu lại khoản vay trung dài hạn cho PVTex. Tại phương án cơ cấu nợ lần 9 (ngày 31/12/2014) PVTex được các ngân hàng nới thời gian vay từ 10 năm lên thành 19,5 năm.
Cũng theo báo cáo này, do PVTex không có khả năng trả nợ gốc và lãi đến hạn, nên ngân hàng đầu mối cấp tín dụng là BIDV đã có công văn ngày 30/11/2017 gửi PVN đề nghị hỗ trợ PVTex nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi và phí đến hạn tháng 6/2017, số tiền hơn 7 triệu USD; đồng thời, thu xếp vốn để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ còn lại của PVTex với các ngân hàng tài trợ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ký kết, thực hiện các cam kết bảo lãnh cho PVTex của PVN để thực hiện dự án này với các ngân hàng tài trợ trên nguyên tắc tự nguyện của các bên. Do đó, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN, PVTex làm việc với các ngân hàng để thoả thuận, thống nhất phương án xử lý.
PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu xây dựng cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng). Tháng 5/2014 PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ.
Trong số các giải pháp xử lý những dự án thua lỗ, phương án phá sản được đề cập với PVTex là cho phá sản nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại đơn vị này không thành công.(Vnexpress)
--------------------------
5,2 tỉ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2017
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết dự kiến lượng kiều hối chuyển về TP.HCM sẽ đạt khoảng 5,2 tỉ USD, tăng 4,5% so với năm 2016.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong những tháng cuối năm nay, lượng kiều hối chuyển về đang tăng dần. Nếu như các tháng trước trung bình chỉ đạt 375 - 400 triệu USD/tháng, thì từ tháng 10 đã tăng lên 600 triệu USD và tháng 11 lên mức 650 triệu USD.
Tính chung trong 11 tháng đã có 4,55 tỉ USD kiều hối chuyển về. Trong tháng 12 này, dự kiến số tiền chuyển về ít nhất cũng sẽ ở mức 650 triệu USD, tương đương với tháng 11. Như vậy ước lượng kiều hối cả năm 2017 sẽ ở mức 5,2 tỉ USD.
Lượng tiền chuyển về chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (hơn 19%). Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 72% kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất - kinh doanh, 22% được đổ vào bất động sản và 6% còn lại là tiêu dùng cá nhân.
Do kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định, giá USD tại các ngân hàng có xu hướng giảm, lãi suất gửi USD ở mức 0% nên nhiều người nhận kiều hối đã chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm.
Liên quan đến chính sách lãi suất đối với USD, vừa qua một số chuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất nên tăng lãi suất huy động USD để tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài.
Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách đang thực thi đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho tiền đồng VN. Nhiều người đã chuyển từ USD sang VND để gửi tiết kiệm. Riêng trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 8 tỉ USD.
Huy động vốn bằng ngoại tệ hiện chỉ chiếm tỉ trọng 12% trong tổng huy động vốn, trong khi ở giai đoạn năm 2010-2015, tỉ lệ này lên đến 19-22%.
Do vậy Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định giữ lãi suất huy động USD ở mức 0%.(Tuoitre)
------------------------
Truy thu thuế cả nghìn tỷ đồng đường nhập khẩu
Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đồ uống có thể bị truy thu thuế lên tới nghìn tỷ đồng do ngành hải quan có công văn áp thuế mới với mặt hàng đường tinh luyện nhập khẩu tại chỗ.
Công ty TNHH Puratos Grand-Place Việt Nambị yêu cầu truy thu gần 30 tỷ đồng tiền thuế do quy định mới.
“Đột ngột” áp thuế suất lên tới 40%
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 2668a/2017 với mức thuế suất lên tới 40% và truy thu thuế lượng đường các doanh nghiệp đã nhập về. Số thuế truy thu như vừa thông báo có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, sở dĩ cơ quan này phải ban hành công văn nói trên là để chấn chỉnh cơ quan hải quan các địa phương: thời gian qua đã hướng dẫn chưa đồng bộ, thiếu chính xác.
Việc thiếu nhất quán của ngành hải quan đã khiến các doanh nghiệp không kịp “trở tay”, vì sản phẩm đã được bán ra trên cơ sở giá đường có thuế suất 5%. Đại diện Vinamilk cho biết, từ năm 2011 đã thực hiện việc xuất nhập khẩu tại chỗ, mở tờ khai và được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Đến tháng 2/2017, Tổng cục Hải quan có công văn nêu rõ điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN vẫn được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Nhưng đến tháng 11/2017, cơ quan hải quan lại thông báo truy thu thuế xuất nhập khẩu đường của Vinamilk. Theo giải thích của cơ quan thuế, chỉ có doanh nghiệp trong khu chế xuất mới được hưởng ưu đãi.
Với mức thuế suất lên tới 40% và truy thu thuế đường. Các doanh nghiệp đã nhập đường có thể bị truy thu số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Sau Vinamilk, đến lượt các Công ty TNHH Puratos Grand-Place Việt Nam, công ty TNHH AJE Việt Nam và công ty TNHH Tân Hiệp Phát cũng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương về chính sách thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ có C/O form D. Mặc dù đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, 3 doanh nghiệp này vẫn bị yêu cầu truy thu gần 30 tỷ đồng tiền thuế do quy định mới thiếu nhất quán.
Hải quan thiếu nhất quán?
Quay lại câu chuyện của Vinamilk, công ty này đã kê khai nộp thuế, phí đầy đủ cho 23% giá trị tiền hàng từ 1/9/2016 tới nay. Dẫn các quy định của Bộ Tài chính, đại diện Vinamilk khẳng định, điều kiện để đường tinh luyện hưởng mức thuế nhập khẩu 5% không thay đổi từ năm 2012 tới nay nhưng cơ quan quản lý lại đưa ra các hướng dẫn thiếu nhất quán.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Chi cục Hải quan KCN Việt Nam – Singapore và một số công ty gồm Công ty TNHH URC Việt Nam, Công ty TNHH PURATOS GRAND - PLACE Việt Nam, Công ty TNHH AJE Việt Nam, Công ty TNHH APPAREL FAR EASTERN (Việt Nam), các doanh nghiệp cũng không đồng ý với việc truy thu theo công văn số 2668a/2017. Các doanh nghiệp cho rằng, hướng dẫn của Hải quan thiếu nhất quán gây thiệt hại và làm giảm sút lòng tin của doanh nghiệp đối với chính sách điều hành của Chính phủ.
Lý giải bức xúc của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cho biết, mục đích của việc áp thuế trên để không phân đối với tất cả các loại hình XNK tại chỗ để khuyến khích sản xuất trong nước. Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức như Bộ Công Thương, VCCI... đánh giá tổng thể tác động của quy định này đến sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu đường.(DDDN)