Phá kỷ lục, gần 127.000 doanh nghiệp lập mới năm 2017; Thao túng cổ phiếu, một cá nhân bị buộc nộp lại hơn 9 tỉ đồng; Một doanh nghiệp đa cấp vừa bị thu hồi giấy phép, phạt 620 triệu đồng; Chấp thuận đầu tư 2 dự án ở khu Bắc và Nam Sài Gòn
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-12-2017
- Cập nhật : 26/12/2017
Đất Xanh tính thâu tóm dự án sân golf và resort Cam Ranh
Hội đồng quản trị Đất Xanh thông qua nghị quyết tham gia đấu giá để mua lại dự án sân gofl và biệt thự Cam Ranh từ tay của PVC.
Vào ngày 20/12/2017, Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh đã thông qua Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thống nhất chủ trương tham gia thương vụ đấu giá mua lượng 28.650.000 cổ phiếu, tương ứng 90,83% cổ phần của công ty CP Đầu tư Dầu Khí Nha Trang.
Đây là pháp nhân đang triển khai dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh (huyệ Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng nhưng chậm trễ khai.
Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Nha Trang có vốn điều lệ 300 tỷ đồng do các cổ đông tham gia góp vốn bao gồm: Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (Incomex).
Tổng diện tích dự án 171,9ha, bao gồm cáchạng mục như: Sân golf 36 lỗ và các công trình dịch vụ, phụ trợ; khu trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế; khu khách sạn, resort sinh thái 5 sao; khu nhà ở thấp tầng.
Tấn công phân khúc du lịch nghĩ dưỡng đang trở thành một trong những trụ cột mới phát triển mới của Đất Xanh. Trước đó, công ty này đã khởi động dự án Opal Ocean View tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án rơ vào tầm 4.600 tỉ đồng.(NCĐT)
----------------------
Mỗi người Việt chi 1,3 triệu đồng tiền thuốc trong năm 2017
Trong năm 2017, trung bình mỗi người Việt chi 56 USD tiền thuốc. Con số này sẽ lên đến 85 USD vào năm 2020 và 163 USD 5 năm sau đó.
Biểu đồ Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam từ năm 2005 và dự báo đến năm 2027
Năm 2017 doanh thu của thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính đạt 5,2 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước, theo báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 25-12.
Như vậy, mỗi người Việt Nam trong năm 2017 chi trung bình hơn 56 USD tiền thuốc, tương đương gần 1,3 triệu đồng.
Theo báo cáo này, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015l, với 37,97 USD.
Mức tăng trưởng trung bình về chi tiêu thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025.
Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.
Dược phẩm được đánh giá là một thị trường hết sức tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.
Năm 2018, bối cảnh ngành dược được Vietnam Report dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld và Nguyễn Kim.
Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước.
Đánh giá về những khó khăn và thách thức trong ngành dược hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định "Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện - kênh ETC" và vấn đề "Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài" đang là những rào cản lớn nhất.
Có khoảng 90% nguyên liệu dược phẩm ở Việt Nam phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ, khiến cho giá thành xuất khẩu thuốc Việt Nam cao hơn 20-15% so với hai quốc gia này.
Thiếu tiền và nhân lực chất lượng cao được cho là một nguyên nhân khiến cho hầu hết các công ty dược chỉ sản xuất thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, nên khả năng cạnh tranh kém.
Trong khi đó, theo ghi nhận từ các hiệu thuốc và dược sỹ, người Việt vẫn thích thuốc nhập hơn thuốc nội có dược chất tương đương.(Tuoitre)
-----------------------------------
"Ông lớn" viễn thông báo lãi 2017: Tăng trưởng của Viettel chỉ đạt 1,7%
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, năm 2017, tập đoàn tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao với mức lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2016, và là năm thứ 4 liên tiếp tăng trên 20%.
Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt trên 144 ngàn tỷ, tăng 7%. Tổng nộp ngân sách nhà nước của toàn tập đoàn đạt hơn 4 ngàn tỷ, tăng 9,3%. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt 4,6 triệu thuê bao, tăng 21%, trong đó thuê bao cáp quang 2G-VNN đạt 4,1 triệu, tăng 52%.
Năm 2018, theo ông Hùng sẽ là năm bản lề của VNPT để triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030 của tập đoàn, đồng thời thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai có hiệu quả công tác cổ phần hoá công ty mẹ.
"Đối trọng" của VNPT là Viettel, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết, năm 2017, doanh thu toàn tập đoàn đạt 249.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 43.936 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 41.142 tỷ đồng. Tổng số thuê bao phát sinh cước đạt hơn 98 triệu thuê bao, trong đó có 32 triệu thuê bao từ thị trường nước ngoài.
Theo ông Sơn, trong năm qua, các nhà mạng cạnh tranh khốc liệt, tuy nhiên chủ yếu cạnh tranh về giá nên tập đoàn phải liên tục điều chỉnh các chiến lược, chính sách cho phù hợp, nhờ đó, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà tập đoàn đạt được như trên là tương đối khả quan.
Tuy nhiên, do năm 2016 Viettel đạt mức lợi nhuận trước thuế là 43.200 tỷ đồng, do đó có thể nhận thấy, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn trong năm 2017 là khá thấp, chỉ đạt tương ứng 1,7% - nghĩa là thấp hơn hơn 11 lần so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của tập đoàn VNPT (21%).
Tất nhiên, con số trên chỉ là so sánh về mặt tỷ lệ tốc độ tăng trưởng, còn giá trị tuyệt đối thì Viettel hiện gấp 8,7 lần VNPT và gấp 7,8 lần so với MobiFone.
Mức chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa Viettel và VNPT cũng khá dễ hiểu bởi mức lợi nhuận của Viettel đã rất cao nên mức tăng trưởng do đó sẽ ngày càng chậm lại, không "thần tốc" như trước đây.
Dù vậy, mức độ 1,7% được đánh giá là tương đối thấp. Trong khi đó, VNPT, hiện có mức lợi nhuận thấp nhất trong ba nhà mạng lớn nên biên độ tăng trưởng lợi nhuận được nhìn nhận vẫn còn cao.
Với nhà mạng lớn còn lại là MobiFone, ông Nguyễn Đình Chiến, Thành viên Hội đồng thành vên Tổng công ty MobiFone, cho biết, trong năm 2017, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty ước tính hoàn thành 100,1% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 5.589 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Như vậy, so với năm 2016 với mức lợi nhuận 5.402 tỷ đồng thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhà mạng này cũng đạt xấp xỉ 7,4%.
Theo ông Chiến, năm 2018 sẽ là một năm quan trọng đối với thị trường viễn thông Việt Nam, vì các doanh nghiệp viễn thông sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng dịch vụ 4G.(VNeconomy)
--------------------------
Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định 2072/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông quan hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển, thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa; góp phần giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hoá, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.
Phấn đấu đến năm 2020, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 15% - 20% nhu cầu hàng hóa vận tải công-ten-nơ thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua 4.035.000 - 6.845.000 TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt 720.000 - 1.810.000 TEU/năm, miền Trung đạt 65.000 - 175.000 TEU/năm, miền Nam đạt 3.250.000 - 4.860.000 TEU/năm.
Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 25% - 30% nhu cầu hàng hóa vận tải công-ten-nơ thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua khoảng 12.000.000 - 17.600.000 TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt khoảng 2.750.000 - 4.820.000 TEU/năm, miền Trung đạt khoảng 350.000 - 630.000 TEU/năm, miền Nam đạt khoảng 8.900.000 - 12.150.000 TEU/năm.
Khu vực miền Bắc quy hoạch phát triển 6 cảng cạn tại khu vực kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai; hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn; khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội; khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội; hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên quy hoạch phát triển 6 cảng cạn tại các khu vực hành lang kinh tế Đường 9; khu vực kinh tế Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, Đường 14; hành lang kinh tế Đường 19; khu vực Tây Nguyên; khu kinh tế Nghi Sơn; hành lang kinh tế Đường 8, Đường 12A.
Khu vực miền Nam quy hoạch phát triển cảng cạn tại 3 khu vực kinh tế Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực kinh tế Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2020 khoảng 9 -15 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 20 - 22 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải), các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới; ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, các trung tâm logistics cấp I đã được quy hoạch, các cửa khẩu quốc tế lớn về đường bộ.
Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp và cơ chế, chính sách chủ yếu như: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với phát triển cảng cạn; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển hệ thống cảng cạn, hệ thống giao thông kết nối; kết hợp quy hoạch phát triển cảng cạn, trung tâm logistics; tăng cường sự tham gia của vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa vào lĩnh vực vận tải container, phát triển cảng cạn...(Baotintuc)