Việt Nam tăng GDP 6,81% nhưng năng suất lao động thấp hơn Lào; TP.HCM đặt mục tiêu thu ngân sách 376.780 tỉ đồng; Một năm buồn với nhiều nông sản Việt; Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-12-2017
- Cập nhật : 26/12/2017
HSC phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu cho 7 nhà đầu tư
Đây là trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, giá trị 800 tỉ đồng, với lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 1 năm.
Ngày 21/12/2017, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, mã HCM) thông báo đã phát hành thành công 800 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không đảm bảo bằng tài sản. Trái phiếu này được phát hành cho 7 nhà đầu tư là các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Trước đó, Hội đồng Quản trị của Công ty Chứng khoán HSC đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 800 tỉ đồng trái phiếu nợ doanh nghiệp, với lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 1 năm, nhằm tăng cường năng lực vốn tài trợ cho các hoạt động kinh doanh.
Theo thông tin từ HSC, đợt phát hành trái phiếu này của HSC nhận được nhà đầu tư sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, với số lượng đăng ký mua trái phiếu HSC vượt quá lượng chào bán.
Vào đầu tháng 12 vừa qua, HSC cũng được vinh danh là Công ty Môi giới Tốt Nhất Việt Nam – giải thường “The Asset Tripple A Country Awards 2017” do tạp chí The Asset Hong Kong bầu chọn. Đây là một trong những tạp chí uy tín hàng đầu về tài chính tại thị trường Châu Á. (NCĐT)
------------------------------
Gần hết năm, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt 50% kế hoạch
Tính tới 20/12, mới có 21 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong danh sách 44 đơn vị cả năm nay. Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa là hết năm nhưng tiến độ cổ phần hóa hiện chưa đạt một nửa dự kiến trước đó.
Những con số trên vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết trong buổi họp báo tổ chức sáng 25/12 tại Hà Nội.
Ông Tiến cho biết, tính đến ngày 20/12, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, nếu chiếu theo danh mục cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó thì mới có 21 doanh nghiệp trong danh sách này.
Bởi vậy, tiến độ cổ phần hóa theo ông mới đạt "non nửa" kế hoạch đề ra (47,7%) trong khi chỉ còn vài ngày nữa là hết năm.
Việc cán đích theo ông Tiến “có thể không đạt được” nhưng vị lãnh đạo này cũng cho rằng, với các doanh nghiệp trong năm nay, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp lên tới 213.747 tỷ đồng, tức là gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016. Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016.
Trước đó, tiến độ cổ phần hóa ì ạch là vấn đề đã được cảnh báo từ những tháng đầu năm.
Trong phần trả lời báo chí hồi giữa năm, một trong những nguyên nhân đã được ông Tiến nêu lên là do tư tưởng chần chừ của “sếp” các doanh nghiệp. Theo ông, quy mô doanh nghiệp càng lớn theo ông Tiến khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các doanh nghiệp có tư tưởng sợ, né trách nhiệm.
Nói thêm về kế hoạch cổ phần hóa thời gian tới, ông Tiến cho biết, trong năm 2018, một số tên tuổi lớn sẽ có mặt như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil),..
Trong số trên, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng.
Đây là những khoản cung theo ông Tiến đánh giá là lớn và tạo áp lực lên thị trường. Từ đó, ông cho rằng, những thương vụ này cần phân bổ, làm đều cả năm. “Như năm nay, đầu năm túc tắc, cuối năm chạy, làm cho bức tranh điều hành dồn dập, thị trường bị dồn vào một thời điểm,” lãnh đạo ngành tài chính nói.(Vietnam+)
--------------------------
Chính thức gọi vốn cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Danh mục 8 dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư lên tới 104.079 tỷ đồng vừa được Bộ GTVT công bố để kêu gọi vốn đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 3535/BGTVT – ĐTCT công bố danh mục Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cụ thể:
Liên quan tới phương án tài chính của các hợp phần đầu tư theo hình thức PPP, đối với phần lợi nhuận của nhà đầu tư, Bộ GTVT đang tạm tính tỷ suất lợi nhuận khoảng 14%/năm cho phần vốn chủ sở hữu; 10,37%/năm cho phần vốn vay; mức thu giá dịch vụ là 1.500 đồng/PCU/km (bắt đầu từ thời điểm dự án đưa vào khai thác), dự kiến 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 12%. Với các yếu tố đầu vào này, các nhà đầu tư có thể hoàn vốn dự án trong thời gian dưới 24 năm.
Để đảm bảo công khai, minh bạch theo Kết luận số 19 - KL/TW ngày 5/10/2017 của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ khẳng định sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 24 năm dự kiến đầu tư theo hình thức PPP.
Trước đó, trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giao Bộ GTVT được quyết định mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và mức giá này sẽ không phụ thuộc vào “chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”. “Nếu không quyết định mức giá, lộ trình tăng giá ngay từ đầu, sẽ không có cơ sở để tính toán phương án tài chính cả vòng đời dự án và đương nhiên không có cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Nhật cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, căn cứ quy định của Luật Giá, đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam, mức giá xác định để hoàn vốn lên đến 2.500 đồng/PCU/km. Để giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn mức giá khởi điểm là 1.500 đồng/PCU/km kết hợp với lộ trình tăng giá hợp lý.(Baodautu)