538 tỉ USD sẽ rút khỏi Trung Quốc năm 2016
Quá nửa hàng hóa Trung Quốc nhập vào EU không an toàn
EU cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
6 sản phẩm nhập khẩu phải kiểm tra đảm bảo chất lượng?
Ấn Độ cấm nhập sữa, điện thoại Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-04-2016
- Cập nhật : 26/04/2016
18% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ vào diện thanh, kiểm tra thuế
Bộ Tài chính đặt ra yêu cầu trong năm 2016 ngành Thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra ít nhất 18% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Chỉ tiêu đặt ra là tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 13.000 tỷ đồng, thu nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Ngành Thuế tiếp tục nâng cao năng lực và bổ sung nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra. (Ảnh: T.Hằng)
Trong đó, cơ quan Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra DN có dấu hiệu rủi ro cao, DN có hồ sơ hoàn thuế GTGT lớn, DN chuyển giá, DN kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử…
Kết thúc quý I-2016, toàn ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra được 6.510 DN, đạt 7,26% kế hoạch thanh tra năm 2016 (kế hoạch 89.650 DN). Theo đó, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra đạt 1.629 tỷ đồng, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, truy thu là 893,18 tỷ đồng, truy hoàn là 167,85 tỷ đồng và phạt là 548,92 tỷ đồng. Ngoài ra, số thuế điều chỉnh tăng thu qua thanh tra tại trụ sở cơ quan Thuế là 19,37 tỷ đồng, giảm lỗ gần 3 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 150 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời báo giới, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn- Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng cho rằng, hiện nay ngành Thuế đang triển khai các biện pháp để tránh thất thu thuế; tập trung ngăn chặn các trường hợp nhà đầu tư lợi dụng các chính sách thuế ưu đãi như ưu đãi mức thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm thuế trong 9 năm tiếp theo…, hết thời gian ưu đãi thì giải thể, rút vốn đầu tư.
Thực tế có nhiều ý kiến nghi vấn về hai trường hợp của DN bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Metro và BigC, sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam liên tục kêu lỗ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phụng, cần làm rõ vấn đề vì có DN có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh có 2 phần: Một phần là bản thân DN đó là thực thể pháp nhân đang hoạt động tại Việt Nam và phần thứ hai là chủ sở hữu, tức ông chủ thực sự của các DN này.
Với những DN bán lẻ như Metro hay BigC, nếu bản thân thực thể kinh doanh đang lỗ, thì được chuyển lỗ về các năm sau. Và trả lời cho câu hỏi liệu DN đang lỗ mà “ông chủ” của nó vẫn bán được với khoản tiền lãi rất lớn thì chúng ta có thu thuế không? Ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định: "Đương nhiên chúng tôi phải có nhiều biện pháp để thu thuế với các ông chủ này. Đơn cử, ông chủ của Metro bán cơ sở Metro tại Việt Nam và có thu nhập thì chúng ta phải thu thuế".
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Phụng, tất cả hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sở hữu trí tuệ, thương mại, nhãn hiệu và quyền kinh doanh, trong trường hợp như Metro hay tới đây là BigC, sẽ liên quan đến quyền kinh doanh, thì cơ quan Thuế vẫn sẽ thu được thuế ngay cả khi DN này lỗ.
Kế hoạch những tháng còn lại của năm 2016, ngành Thuế sẽ tập trung lực lượng để tiến hành thanh tra 10 DN lớn có khả năng có số thu lớn tập trung về ngân sách; Tiếp tục thanh, kiểm tra DN chuyển giá, DN kinh doanh thương mại điện tử, DN có dấu hiệu rủi ro cao về hoàn thuế GTGT…
Để đạt mục tiêu này, nhất là ngăn chặn tình trạng chuyển giá, cơ quan Thuế đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giao dịch liên kết, về tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp giao dịch độc lập thuộc một số ngành, lĩnh vực có giao dịch liên kết, chuyển giá. Theo đó, thực hiện việc phân tích chức năng, phân tích chuỗi giá trị tạo ra từ các chức năng, phân tích giao dịch với các bên liên kết, phân tích chuỗi giá trị tạo ra từ các bên liên kết, phân tích tình hình tài chính xác định các nội dung và khoản mục rủi ro từ hoạt động giao dịch liên kết mà từ đó ban hành quyết định thanh tra tại DN.
Đồng thời, nâng cao năng lực và bổ sung nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra như: Tổ chức sắp xếp, sớm bổ sung nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt khoảng 35% tổng số cán bộ công chức của đơn vị. Thực hiện, đào tạo tập huấn, trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thuế nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong việc phát hiện phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chú trọng kỹ năng thanh tra, kiểm tra người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử và thanh tra giá chuyển nhượng; Triển khai việc sát hạch kiến thức và kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế đối với công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra... (HQ)
Ngân hàng phải nộp thuế nhà thầu khi chuyển tiền ra nước ngoài
Theo Tổng cục Thuế, ngân hàng thương mại khi thực hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài phải thực hiện kê khai và nộp thuế nhà thầu theo quy định đối với doanh thu nhà thầu nước ngoài nhận được.
Ngân hàng Việt Nam phải thực hiện kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định đối với doanh thu nhà thầu nước ngoài nhận được. Ảnh: T.Hằng.
Cụ thể, theo Tổng cục Thuế, ngân hàng thương mại thực hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài dưới 3 hình thức: Khách hàng bên Việt nam khi chuyển tiền ra nước ngoài sẽ trả mọi khoản phát sinh ở cả Việt Nam và nước ngoài (còn gọi là phí OUR). Theo đó, khách hàng bên Việt Nam khi chuyển tiền ra nước ngoài trả khoản phí phát sinh ở Việt Nam, khách hàng nhận tiền bên nước ngoài trả khoản phí phát sinh bên nước ngoài (còn gọi phí SHARE) và khách hàng bên Việt Nam khi chuyển tiền ra nước ngoài không phải trả khoản chi phí nào, bên nước ngoài nhận tiền sẽ trả mọi khoản phí (còn gọi là phí BEN).
Đối với hình thức phí OUR, khi ngân hàng Việt Nam trả khoản phí cho nhà thầu nước ngoài thì ngân hàng Việt Nam phải kê khai và nộp thuế nhà thầu cho nước ngoài đối với khoản phí bên nước ngoài được hưởng.
Đối với hình thức phí SHARE và phí BEN ngân hàng nước ngoài thu trực tiếp từ khách hàng nhận tiền tại nước ngoài và đây là khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam nên ngân hàng Việt Nam phải thực hiện kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định đối với doanh thu nhà thầu nước ngoài nhận được.
Tạm ngừng cấp chứng thư cho thủy sản xuất khẩu theo NSW để khắc phục lỗi kỹ thuật
Ngày 25-4, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT chính thức phát đi thông báo tạm dừng triển khai thí điểm việc cấp chứng thư điện tử cho lô hàng thủy sản xuất khẩu theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW).
Lý do là sau khi tiến hành áp dụng thí điểm thủ tục nêu trên, việc kết nối chính thức hệ thống trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia đã gặp phải sự cố kỹ thuật. Đó là hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp không chuyển được đến Cổng thông tin một cửa Quốc gia, đồng thời hồ sơ từ Cổng thông tin một cửa Quốc gia không chuyển về được Hệ thống chuyên ngành của Bộ NN&PTNT.
Do đó, các Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng không thể tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống. Nguyên nhân sự cố được phía Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) xác định là do việc chuyển hệ thống từ hạ tầng cũ sang hạ tầng mới.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad cho biết: Việc tạm dừng triển khai thí điểm nêu trên sẽ được tiến hành cho đến khi phía Viettel thông báo chuyển xong cơ sở hạ tầng để khắc phục hết các sự cố.
Sau đó, Nafiqad sẽ kiểm tra, rà soát để đảm bảo khả năng vận hành của hệ thống và sẽ có thông báo thời gian chính thức tiếp tục triển khai thí điểm việc đăng ký, kiểm tra, cấp chứng thư điện tử trên hệ thống theo NSW.
Trước đó, Nafiqad đã phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Trung tâm Giải pháp CNTT và Viễn thông Viettel thực hiện kết nối chính thức Hệ thống chuyên ngành của Bộ NN&PTNT với Cổng thông tin một cửa quốc gia để triển khai thí điểm cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc của các doanh nghiệp trên địa bàn Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4,5,6 theo NSW từ ngày 1-4. (HQ)
Hải quan Hải Phòng xử lý gần 1.300 container hàng tồn
1.272 container hàng tồn đọng đã được Hải quan Hải Phòng xử lý theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó có nhiều hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu, hoặc nhập khẩu có điều kiện.
Trong đó, có 28 lô hàng gồm 34 container và 14 lô hàng lẻ được xác lập quyền sở hữu Nhà nước để bán đấu giá, trực tiếp theo quy định tại Thông tư 203, với tổng trị giá hàng hóa gần 24,6 tỷ đồng.
Có 29 lô với 126 container và 2 lô hàng lẻ đã được làm thủ tục để thực hiện tiêu hủy.
Ngoài ra, có 33 lô hàng gồm 52 container màn hình cũ đã được bán đấu giá, thu về cho ngân sách Nhà nước 1,1 tỷ đồng; đồng thời 49 lô màn hình máy vi tính cũ với 62 container, trị giá 1,9 tỷ đồng cũng đang được hoàn thiện hồ sơ và đề nghị tịch thu bán sung công quỹ.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Hải Phòng đã đề xuất Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng tịch thu 16 lô hàng gồm 22 container quần áo cũ, trị giá 2,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau khi Hải quan Hải Phòng thực hiện rốt ráo các biện pháp xử lý hàng tồn đọng và tổ chức thông báo rộng rãi, các doanh nghiệp đã làm thủ tục nhận 976 container hàng tồn.
Tính đến 15-3, tại khu vực cảng Hải Phòng còn 3.845 container quá hạn làm thủ tục hải quan (trên 90 ngày).
Trong đó, hàng hóa tồn đọng được đưa về cảng Hải Phòng trước ngày 1-1-2013 là 2.369 container; hàng tồn đọng đưa về cảng sau ngày 1-1-2013 là 1.476 container.
Để xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng giao Đội Kiểm soát Hải quan chủ trì xử lý các lô hàng tồn từ ngày 1-1-2013 trở về trước, sau thời điểm này hàng tồn sẽ do các Chi cục Hải quan cửa khẩu chủ trì xử lý.
Xử lý dứt điểm tồn đọng quyết toán các dự án đã hoàn thành giai đoạn 2005-2014
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán các dự án hoàn thành từ năm 2005 đến năm 2014.
Các cơ quan, đơn vị không đủ hồ sơ quyết toán phải gửi báo cáo chi tiết về Bộ Tài chính. Ảnh: internet.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tập trung chỉ đạo quyết toán dứt điểm và tất toán tài khoản thanh toán của các dự án sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2005 đến hết năm 2014 trước ngày 30-6-2016.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp tổ chức thực hiện: bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ nhân lực, hỗ trợ kinh phí cần thiết,... đối với công tác quyết toán dự án hoàn thành của cấp huyện, cấp xã thuộc quyền quản lý.
Về các biện pháp xử lý việc quyết toán và tất toán tài khoản thanh toán của các dự án sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành trong giai đoạn năm 2005-2014, Bộ Tài chính cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể.
Trường hợp dự án do chủ đầu tư sáp nhập, chia tách thì đơn vị kế thừa hoặc tiếp nhận dự án chịu trách nhiệm lập báo cáo quyết toán; trường hợp dự án thuộc các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý quyết toán trước đây sáp nhập, chia tách thì các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý quyết toán kế thừa hiện nay chịu trách nhiệm thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Nếu cần phải điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khẩn trương xem xét, phê duyệt theo quy định để sớm thẩm tra, phê duyệt quyết toán; trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thì thực hiện quyết toán trên cơ sở tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư thực hiện quyết toán, chủ đầu tư có văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện quyết toán hợp đồng hoặc bổ sung hoàn thiện hồ sơ, tài liệu quyết toán hợp đồng kèm theo thời hạn thực hiện. Sau khi chủ đầu tư đã gửi văn bản lần thứ 3 đến nhà thầu nhưng nhà thầu vẫn không thực hiện các nội dung theo yêu cầu; chủ đầu tư được căn cứ những hồ sơ thực tế đã thực hiện của hợp đồng để lập hồ sơ quyết toán, xác định giá trị đề nghị quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà thầu chịu hoàn toàn các tổn thất, thiệt hại (nếu có) và có trách nhiệm chấp hành quyết định phê duyệt quyết toán dự án của cấp có thẩm quyền.
Nếu sau khi đã áp dụng các biện pháp nêu trên và phối hợp với Kho bạc nhà nước và các đơn vị có liên quan để tập hợp hồ sơ nhưng vẫn không đủ hồ sơ quyết toán theo quy định, Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo chi tiết tình hình thực tế các dự án hoàn thành từ năm 2005 đến ngày 31-12-2014 sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ chưa quyết toán do không đủ hồ sơ quyết toán.
Nội dung báo cáo nêu rõ chi tiết từng dự án, công trình hoàn thành từ năm 2005 đến ngày 31-12-2014 chưa quyết toán do không đủ hồ sơ; bài học kinh nghiệm về việc xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và các biện pháp đã thực hiện xử lý vi phạm về công tác chậm quyết toán; các kiến nghị về cơ chế chính sách và biện pháp xử lý đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xem xét giải quyết.