OPEC đã không còn điều khiển được giá dầu?; S&P: Rủi ro nợ của Trung Quốc đang tăng lên; Mỹ cấm dân Triều Tiên, Venezuela nhập cảnh; Đề nghị EU lùi xem xét thẻ vàng với hải sản Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 26-04-2016
- Cập nhật : 26/04/2016
Lãi suất tăng, phục hồi kinh tế sẽ đổ sông, đổ bể
Lãi suất cho vay có thể tăng trong quý II
Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng SHB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tăng lãi suất chính sách từ quý III/2016. Trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2016 sẽ tăng nhẹ 50 điểm.
Thực tế, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư) chưa có dấu hiệu nguội, thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng mấy tuần qua đã có dấu hiệu nóng lên. Suốt 3 tuần qua, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và đã chạm ngưỡng trên 5%/năm ở cả ba kỳ hạn.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) xác nhận, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất (tăng 04%), lên mức 5,05%; kỳ hạn một tuần tăng 0,24%, lên mức 5,01%. Đồng thời, chênh lệch lãi suất kỳ hạn giữa ba kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần gần như không còn.
Với diễn biến như trên, VCBS nhận định: “Từ quý II/2016, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực do động thái tăng lãi suất huy động trong quý I”.
Lãi suất cho vay ổn định ở mức khá cao và có nguy cơ tăng lên trở thành mối lo của nền kinh tế. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nếu lãi suất tiếp tục tăng, toàn bộ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sẽ đổ sông, đổ bể.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh, song việc mặt bằng lãi suất nói chung đều nhấp nhổm đi lên đã ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh, niềm tin kinh doanh, nhất là khi tăng trưởng kinh tế quý I/2016 có dấu hiệu chững lại, hơn 20.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề quan trọng nhất của Chính phủ thời gian tới là phải xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề lãi suất. “Dù lãi suất gần đây khá ổn định, song vẫn ở mặt bằng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Lãi suất cần giảm ít nhất 1%
Một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, dư địa chính sách gần như cạn kiệt, giảm lãi suất là giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, tổng dư nợ của nền kinh tế là gần 5 triệu tỷ đồng. Nếu lãi suất giảm 1%, thì doanh nghiệp có thể giảm chi phí 50.000 tỷ đồng. Không công cụ thuế nào có thể hỗ trợ doanh nghiệp mạnh như thế.
“Giảm lãi suất 1% cũng sẽ giúp Chính phủ giảm được 2.500 tỷ đồng trả lãi huy động trái phiếu. Chưa kể, từ năm 2011 đến nay, lãi suất có quan hệ chặt với thị trường chứng khoán, giảm lãi suất sẽ làm thị trường chứng khoán tăng đáng kể, từ đó giúp doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu để huy động vốn”, vị lãnh đạo này nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, lãi suất dù đã giảm 50% so với “đỉnh” năm 2011, song vẫn quá cao so với lạm phát và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Vì vậy, điều mà các doanh nghiệp mong mỏi ở Chính phủ mới là mặt bằng lãi suất không những được giữ ổn định, mà cần tiếp tục được giảm thêm nữa, ít nhất 1%.
Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN khuyến cáo, nếu lãi suất năm nay tăng 1 - 2% so với năm 2015, không thể đơn giản nói rằng, doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất - kinh doanh bình thường như năm ngoái.
Dù lãi suất khó giảm do áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ, tăng trưởng tín dụng, thanh khoản ngân hàng, chính sách thắt chặt cho vay trung, dài hạn…, song giới chuyên gia cho rằng, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN có thể nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu NHNN để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng. Chính phủ cũng cần có những giải pháp quyết liệt để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm huy động trái phiếu chính phủ.(BĐT)
Đã xuất siêu khoảng 1,48 tỷ USD tính từ đầu năm
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2016 (từ 1/4 đến 15/4) đạt 14,61 tỷ USD giảm 7,4% (tương ứng giảm 1,16 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3/2016.
Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 4/2016 thặng dư 67 triệu USD, tính chung cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 4/2016 thặng dư 1,48 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2016 đạt 7,34 tỷ USD, giảm 9,1% (tương ứng giảm 739 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2016. Tính đến hết ngày 15/4/2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 46,11 tỷ USD, tăng 7,7% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Trong nửa đầu tháng 4/2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm so với kỳ 2 tháng 3 năm 2016 chủ yếu do giảm kim ngạch của một số mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện giảm 298 triệu USD; dầu thô giảm 99,7 triệu USD; hàng dệt may giảm 86 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm hơn 60 triệu USD; sắt thép các loại giảm 50 triệu USD; giày dép các loại giảm 29 triệu USD… Bên cạnh đó có một số mặt hàng có kim ngạch tăng so với kỳ trước như: túi xách, ví, vali, mũ và ô dù tăng 19,2 triệu USD; cà phê tăng 18 triệu USD; hạt điều tăng 17 triệu USD…
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 5,1 tỷ USD, giảm 10,1% (tương ứng giảm 576 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2016. Như vậy, tính đến hết ngày 15/4/2016 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2016 đạt gần 7,3 tỷ USD, giảm 5,5% ( tương ứng giảm 426 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4/2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 44,63 tỷ USD, giảm 3,1% (tương ứng giảm 1,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Kim ngạch nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 4/2016 giảm so với nửa cuối tháng 3/2016 chủ yếu ở một số mặt hàng sau: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 272 triệu USD; sắt thép các loại giảm 53 triệu USD; dầu thô giảm 47 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 41 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 36 triệu USD… Bên cạnh đó, một số hàng có kim ngạch tăng là thức ăn gia súc và nguyên liệu (61,4 triệu USD), vải các loại (50 triệu USD), dược phẩm (22 triệu USD)…
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 4/2016 đạt 4,22 tỷ USD, giảm 7,6% (tương ứng giảm 346 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2016. Như vậy, tính đến hết ngày 15/4/2016 kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 26,72 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 60% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.(HQ)
Vietnam Airlines lãi khủng 1.071 tỷ đồng trong quý I/2016
Sau 1 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty đã có những bước phát triển vượt bậc như: mô hình tổ chức thể hiện sự gọn nhẹ, tập trung và hiệu quả; có sự thay đổi lớn về đội tàu bay hiện đại; chất lượng dịch vụ được nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao; hình ảnh thương hiệu của Vietnam Airlines mang màu sắc đặc trưng, hiện đại và đồng bộ hơn
Cụ thể, trong quý I năm 2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP đã vận chuyển được hơn 4,6 triệu lượt khách, vượt kế hoạch và tăng trưởng 11,6% so với cùng kỳ; thực hiện 34.500 chuyến bay nội địa và quốc tế an toàn, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt gần 61 nghìn tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ và vượt 11,2% kế hoạch quý.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và đạt 26,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến đạt hơn 1.071 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, Công ty mẹ ước đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng doanh thu và 873,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năng suất lao động của Tổng công ty HKVN tiếp tục tăng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ.
Nhìn lại 1 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty HKVN đã có những bước phát triển vượt bậc như: công ty cổ phần đã đi vào hoạt động ổn định; mô hình tổ chức thể hiện sự gọn nhẹ, tập trung và hiệu quả; có sự thay đổi lớn về đội tàu bay hiện đại khi cùng lúc tiếp nhận và đưa vào khai thác 2 loại tàu bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350-900 XWB và Boeing 787 Dreamliner; chất lượng dịch vụ được nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao; hình ảnh thương hiệu của Vietnam Airlines mang màu sắc đặc trưng, hiện đại và đồng bộ hơn. Đây là những kết quả tích cực và nỗ lực của Tổng công ty HKVN trong việc tạo bước phát triển đột phá, áp dụng các biện pháp điều hành linh hoạt, mở rộng quy mô sản xuất, tinh giản bộ máy và nâng cao năng suất lao động để tăng doanh thu.
Từ nay đến cuối năm 2016, Tổng công ty HKVN sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đảm bảo an toàn, an ninh, phục vụ tốt các giai đoạn cao điểm; tiếp tục duy trì năng suất lao động ở mức cao và đảm bảo chất lượng dịch vụ 4 sao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Vietnam Airlines – Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - CTCP có trụ sở đặt tại Hà Nội - hiện đang khai thác 91 đường bay tới 20 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế với tổng cộng hơn 360 chuyến bay mỗi ngày. Hãng đang khai thác một đội máy bay trẻ gồm 89 máy bay hiện đại với nhiều chủng loại máy bay tân tiến trên thế giới như Boeing 787 Dreamliners, Airbus A350-900 XWB, Boeing 777, Airbus A330, Airbus A321. Ngày 10/6/2010, Vietnam Airlines trở thành thành viên chính thức của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam và là đại diện đầu tiên của liên minh tại khu vực Đông Nam Á.
Thép nhập khẩu gây bất an
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 3 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập hơn 4,7 triệu tấn thép, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm 2015, với các sản phẩm chủ yếu là phôi thép, thép cuộn, dây thép, tôn mạ kim loại, hợp kim thép... cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.
Đáng chú ý, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 61% tổng lượng sắt thép nhập khẩu, đạt 2,9 triệu tấn, Như vậy, lượng sắt thép mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc đã gần bằng 1/3 cả năm 2015.
Theo VSA, giá thép sẽ tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng chung của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới
Năm 2015, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam khoảng 9,6 triệu tấn. Theo thống kê của VSA, nếu như trước kia Việt Nam chủ yếu nhập khẩu một số loại phôi thép, thép mạ, thép hợp kim do nguyên liệu rẻ và công nghiệp thép trong nước chưa đáp ứng được... thì hiện nay, sản phẩm thép nhập vào Việt Nam đều là những chủng loại mà doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được.
Mặc dù vậy, theo số liệu mới nhất vừa được VSA công bố ngày 10/4, trong tháng 3/2016, tổng lượng thép xây dựng mà các doanh nghiệp sản xuất thép đã tiêu thụ được lên đến 1,011 triệu tấn, tăng đến 55,2% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến sản lượng ngành thép tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm 2016 lên hơn 3,53 triệu tấn.
Theo Phó chủ tịch VSA, ông Nguyễn Văn Sưa, sản lượng thép tiêu thụ tăng cao là bởi, thị trường bắt đầu bước vào mùa xây dựng, cùng với đó, việc gom hàng sau quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công thương (biện pháp áp dụng tự vệ tạm thời sẽ có hiệu lực trong vòng 200 ngày, tính từ đầu tháng 3/2016) cũng là nguyên nhân đẩy lượng thép tiêu thụ tăng cao kỷ lục.
Một trong những diễn biến của thị trường thép nội được VSA nhận định, giá thép sẽ tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng chung của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới. Cụ thể, phôi thép trong nước tại thời điểm đầu năm 2016 khu vực phía Bắc ở mức khoảng 6,9-7,2 triệu đồng/tấn, phía Nam khoảng 6,9-7,1 triệu đồng/tấn, nhưng ở thời điểm hiện tại, giá được chào ở mức khoảng 8,2-8,3 triệu đồng/tấn (khu vực Hải Phòng) và 8,1 triệu đồng/tấn tại khu vực TP.HCM.
Tác động từ việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép nhập khẩu kể từ đầu tháng 3 và giá thép tăng nhẹ đã khiến sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước có phần dễ thở hơn.
Một trong những nguyên nhân khiến kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2016 được khởi sắc, theo công bố của VSA là nhờ “giá thép hồi phục về giá trị thực sau khi Bộ Công thương quyết định sử dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm thép dài và phôi thép”.(ĐT)
CEO TPBank: Chúng tôi không tăng trưởng nóng
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn cũng đang chật vật với tăng trưởng thì năm 2015, TPBank tăng trưởng rất mạnh, tín dụng tăng trên 40% và mục tiêu năm 2016 tăng tới 62%. Sự tăng trưởng của TPBank dựa trên những phân khúc gì và liệu có quá nóng không, thưa ông?
TPBank tập trung vào các phân khúc khách hàng mà ngân hàng có thế mạnh, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Các mảng kinh doanh của ngân hàng đều có hiệu quả cao, chất lượng tài sản đảm bảo. Các sản phẩm đưa ra phù hợp với thị trường, cơ chế phù hợp nên tăng trưởng tốt. Trong nội bộ, hệ thống đo lường hiệu quả làm việc minh bạch, công bằng, bộ chỉ tiêu KPI cho cán bộ bán hàng phù hợp và tạo động lực tốt nên đã có thúc đẩy, động viên người lao động thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh doanh.
Tỷ lệ tăng trưởng như năm qua về số tương đối thì có vẻ cao, nhưng số tuyệt đối thì không quá lớn và không có gì đáng quan ngại vì TPBank đã tập trung vào công tác quản trị rủi ro, đảm bảo các khoản cấp tín dụng đều đảm bảo quy định và an toàn, chất lượng các khoản vay tốt và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.
Bên cạnh đó, NH cũng chú trọng đầu tư nguồn lực để xây dựng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các rủi ro vận hành, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro tiên tiến để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, lành mạnh và chuyên nghiệp.
Tín dụng tăng cao nhất nhì hệ thống nhưng nợ xấu đang ở mức “sạch” nhất hệ thống (0,6%). TPBank đã xử lý nợ bằng những cách nào? Đã trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC bao nhiêu?
Đầu năm 2015, TPBank đã có tỷ lệ nợ xấu khá thấp, do vậy NHNN không giao chỉ tiêu bán nợ cho VAMC năm 2015 cho TPBank mà chỉ giao tự xử lý 150 tỷ VND. Cuối năm, TPBank đã thực hiện tốt chỉ tiêu này, bằng cách dùng quỹ dự phòng để xử lý nợ, cũng như áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nên số nợ xử lý được cũng khá khả quan. Số đã trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ của NH chưa tới 1% dư nợ, vì vậy nếu tính cả nợ bán cho VAMC thì tổng nợ xấu của TPBank vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức chuẩn 3% theo quy định của NHNN.
Trong lúc nhiều ngân hàng vẫn đang mở rộng mạng lưới thì TPBank lại tập trung phát triển ngân hàng số. Tại sao TPBank lại chọn hướng đi này? Xét về thứ hạng ngân hàng số, TPBank đang đứng ở đâu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Theo quy định của NHNN (Thông tư 21/2013/TT-NHNN) thì mỗi năm, một NHTM không được mở quá 5 chi nhánh, vì vậy để mở rộng mạng lưới là không dễ do các quy định pháp lý. Trong khi đó, việc phát triển NH số cho phép NH tiếp cận được nhiều KH hơn qua kênh trực tuyến, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng công nghệ mới trong giai đoạn hiện nay.
TPBank tự tin đang ở trong nhóm NH dẫn đầu về ứng dụng và triển khai ngân hàng số, và sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực phù hợp để duy trì vị thế này.
Các chỉ tiêu tăng trưởng mà TPBank đặt ra cho năm 2016 khá cao trong khi tình hình kinh tế vĩ mô còn phục hồi chậm. Đâu là cơ sở để TPBank đưa ra những chỉ tiêu này? Nếu Thông tư 36 được sửa đổi theo hướng thu hẹp tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 40%, liệu TPBank có bị ảnh hưởng?
Nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan hơn tuy chưa thật sự rõ rệt, nhưng cũng là cơ hội tốt cho sự tăng trưởng của DN cũng như của các ngân hàng. Với TPBank, khách hàng cá nhân sẽ vẫn là phân khúc chiến lược, nhưng bên cạnh đó các khách hàng DN lớn và SME vẫn được tập trung khai thác phù hợp. Việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đương nhiên có ảnh hưởng đến các ngân hàng, trong đó có TPBank vì tỷ trọng vốn huy động trung dài hạn trong cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng đều không lớn, vì vậy ngân hàng phải chủ động thay đổi cơ cấu vốn huy động hoặc giảm cho vay trung dài hạn để đáp ứng quy định mới của NHNN.
Tại sao chứng khoán đầu tư của TPBank năm qua lại tăng trưởng đột biến đến như vậy? kế hoạch tăng vốn, niêm yết lên sàn của TPBank sẽ được tiến hành ra sao?
Phần lớn chứng khoán đầu tư tăng là trái phiếu chính phủ (TPCP) hoặc tương tự. Với các quy định của NHNN về tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thì ngân hàng sẽ phải chủ động cơ cấu sử dụng vốn để đảm bảo hiệu quả, tránh ứ đọng vốn, do vậy việc mua TPCP cũng là 1 giải pháp phù hợp. Tuy lợi suất TPCP không cao nhưng tính thanh khoản tốt, đồng thời có thể chủ động sử dụng khi tham gia các hoạt động trên thị trường mở.
Năm 2015, TPBank đã chính thức bù đắp hết lỗ lũy kế và bắt đầu có lợi nhuận thực dương. Theo Báo cáo tài chính, lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2015 đạt 229 tỷ đồng, bù đắp hết khoản lỗ lũy kế của những năm trước. Vậy sau khi đã "vươn lên khỏi mặt đất", ngân hàng có chiến lược dài hạn như thế nào? Bao lâu nữa cổ đông sẽ có cổ tức?
Sau hơn 3 năm tự tái cơ cấu, TPBank đã tạo ra hơn 1700 tỷ đồng lợi nhuận, đủ bù đắp toàn bộ lỗ luỹ kế và có lợi nhuận, đã nộp thuế cho NSNN theo quy định. Việc xử lý xong các gánh nặng tài chính trong quá khứ và đã có tích lũy cho phép TPBank tập trung hơn vào các định hướng chiến lược và phát triển kinh doanh, phấn đấu trở thành ngân hàng hàng đầu trong hệ thống các NHTM Việt Nam.
Được biết, TPBank đang xây dựng dự án “Ngân hàng 5 sao”. Cụ thể ngân hàng 5 sao là gì và lộ trình thực hiện của TPBank ra sao?
TPBank được các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá là 1 trong những ngân hàng có chất lượng dịch vụ khách hàng tốt nhất hiện nay, sánh ngang các ngân hàng nước ngoài danh tiếng. Dù vậy, TPBank vẫn mong muốn tiếp tục duy trì và cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn, phục vụ các đối tượng khách hàng đa dạng, gia tăng các trải nghiệm tốt và số hoá quy trình giao dịch với khách hàng. Vì vậy, NH đang triển khai dự án để cải tiến quy trình, tăng cường đào tạo huấn luyện nhân viên, tối ưu hoá nguồn lực... để có thể đưa chất lượng của hoạt động dịch vụ khách hàng đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn tất dự án này và triển khai thành công đến tất cả các điểm giao dịch và các kênh giao tiếp khác với khách hàng ngay trong năm 2016 này.(ĐT)