Phá kỷ lục, gần 127.000 doanh nghiệp lập mới năm 2017; Thao túng cổ phiếu, một cá nhân bị buộc nộp lại hơn 9 tỉ đồng; Một doanh nghiệp đa cấp vừa bị thu hồi giấy phép, phạt 620 triệu đồng; Chấp thuận đầu tư 2 dự án ở khu Bắc và Nam Sài Gòn
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-12-2017
- Cập nhật : 26/12/2017
Các ngân hàng chạy đua tăng vốn
Các ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).Nguồn ảnh: Quý Hòa
Lần thứ hai trong năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ. Theo đó, HDBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 8.828 tỷ đồng lên 9.809 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 17/11, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 2410/QĐ- NHNN về việc sửa đổi nội dung giấy phép hoạt động của HDBank, ghi nhận mức vốn điều lệ mới là 8.828 tỷ đồng, sau khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trước HDBank, nhiều ngân hàng khác cũng đã đồng loạt tăng vốn, trong đó có Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) tăng thêm 1.647 tỷ đồng lên mức 15.706 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng thêm 1.882 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), cùng với việc thị trường chứng khoán khởi sắc thì lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh chính là điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng Việt Nam đồng loạt tăng vốn, gia tăng năng lực tài chính.
Ngành ngân hàng năm nay có một năm kinh doanh thuận lợi, trong đó chủ yếu là nhờ đẩy mạnh tín dụng. Tính đến tháng 10/2017, tín dụng tăng trưởng 15,9% nên cả năm có thể đạt 18%. Dư nợ tăng thì đương nhiên, lợi nhuận các ngân hàng tăng.
Ngoài ra, quản lý rủi ro của các ngân hàng tốt hơn nên chi phí dự phòng rủi ro có thể giảm hơn so với năm trước, giúp tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Cụ thể, có 19 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng thêm là 37.135 tỉ đồng, trong đó có những ngân hàng đặt kế hoạch tăng mạnh như BIDV tăng 4.445 tỉ đồng, Techcombank tăng 5.000 tỉ đồng, Vietcombank tăng 3.598 tỉ đồng, Đông Nam Á tăng 3.534 tỉ đồng, VPBank tăng 3.294 tỉ đồng, Quốc dân tăng 3.000 tỉ đồng và VIB tăng 2.259 tỉ đồng.
Các ngân hàng đặt ra kế hoạch ồ ạt tăng vốn điều lệ trong năm 2017 là nhằm nâng cao vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) để có thể mở rộng phát triển kinh doanh.
Theo Thông tư 41, cách tính hệ số CAR mới chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Mặc dù tỷ lệ mới theo quy định sẽ chỉ giảm từ 9% xuống còn 8%, nhưng các thông số đầu vào để tính sẽ khắt khe hơn và có xét đến các yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Do đó, áp lực lên việc tăng vốn tự có từ giờ cho đến lúc đó là rất lớn.
Đối với những ngân hàng yếu kém, việc tăng vốn để bổ sung vốn điều lệ là cấp thiết. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua cho phép các tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá thị trường, phần lỗ dù được xem xét phân bổ qua các năm thay vì phân bổ tất cả ngay lập tức, nhưng dù theo cách nào thì cũng ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận giữ lại của các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vốn tự có của các ngân hàng.(NCĐT)
----------------------
Xuất khẩu gỗ cả năm ước đạt 7,6 tỷ USD
Đầu năm 2017, Bộ Công Thương đặt mục tiêu ngành gỗ tăng trưởng 8-10%, với kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD. Thế nhưng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ 1/1 đến 15/12/2017, xuất khẩu gỗ thu về 7,252 tỷ USD, ước cả năm đạt 7,6 tỷ USD, vượt mục tiêu Bộ Công Thương đề ra, và nếu cộng cả giá trị xuất khẩu sản phẩm nội thất từ gỗ thì kim ngạch ngành gỗ sẽ là 8,525 tỷ USD.
Theo đó, tháng 11/2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng gần 3% so với tháng 10, đạt 695,3 triệu USD - đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp - nâng kim ngạch gỗ và sản phẩm 11 tháng 2017 lên 6,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.
Hoa Kỳ là thị trường số 1 với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua đạt 2,957 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2016. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc đạt 964,4 triệu USD, tăng 6,76%.
Đứng thứ 3 trong 11 tháng qua là thị trường Nhật Bản, với mức tăng đạt 5,14% và đạt 929,367 triệu USD.
Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, 10 tháng đầu năm 2017 nước này đã nhập khẩu 600 ngàn tấn đồ nội thất bằng gỗ với trị giá đạt gần 200 tỷ Yên (tương đương 1,77 tỷ USD), tăng 2,3% về lượng và tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tính theo kim ngạch chiếm 22,3% trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản, và có bước cải thiện khi tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, cũng mặt hàng này thì thị phần của Trung Quốc, Malaysia, EU... lại giảm.
Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada đều đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Đáng chú ý là thị trường Hàn Quốc, tuy đứng thứ 5 nhưng 11 tháng qua, thị trường này có mức tăng trưởng khá tốt 15,3% so với cùng kỳ 2016, với kim ngạch 596,368 triệu USD.
Nhìn chung, thời gian này kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang các thị trường có tốc độ tăng trưởng, chiếm 69,2%, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Đan Mạch tăng mạnh nhất, tăng 47,47%, đạt 20,1 triệu USD; và ngược lại, các thị trường có kim ngạch suy giảm, chiếm 30,7%, trong đó, xuất khẩu Hongkong giảm mạnh nhất, giảm 47,41%, đạt 16,6 triệu USD.
Tuy nhiên, để ngành gỗ phát triển bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng trước những thách thức của thị trường, thì có 2 vấn đề cần quan tâm đó là tình trạng hợp pháp của gỗ và các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.
Theo lộ trình của Chính phủ Hàn Quốc, thì cuối năm 2017, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ.
Tiến trình này tương tự sẽ diễn ra ở Nhật Bản nhưng có thể muộn hơn, khoảng tháng 3/2018. Việc thực hiện các quy định này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào các thị trường. Bởi Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 trong 5 thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Hoặc từ tháng 5/2017, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT).
Thực thi hiệp định này, Việt Nam sẽ đảm bảo toàn bộ các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã được thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và EU, bao gồm cả các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và các sản phẩm xuất khẩu là các sản phẩm hợp pháp.
Việc ký kết VPA/FLEGT là sự kiện đặc biệt quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi căn bản ngành chế biến gỗ của Việt Nam, cho cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, việc loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu "sạch" là nhu cầu cấp bách.
Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng, truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai. Để làm điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương.
Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh, 2 vấn đề trên là những tiêu chuẩn kỹ thuật bình thường mà bất cứ doanh nghiệp nào khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm nội thất từ gỗ vào các thị trường này cũng đều phải tuân thủ.
Đó không phải là rào cản kỹ thuật mà là yêu cầu chung về mặt kỹ thuật đối với tất cả các nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm nội thất từ gỗ phải tuân theo.(Vneconomy)
-----------------------
Xuất hiện kiến nghị gói kích cầu bất động sản 2018
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ đối với nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội cho năm tới.
Thêm giải pháp tín dụng kiểu gói 30.000 tỉ đồng
Trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng từ năm 2008 - 2009, 2011 - 2013, hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản rất nghiêm trọng. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng mà trong đó dành 70% để hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp đô thị mua căn hộ nhỏ và vừa có giá trị dưới 1,05 tỉ đồng, đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở.
Đây được đánh giá là chính sách kích cầu và hỗ trợ người tiêu dùng rất hiệu quả, là một nguyên nhân quan trọng giúp cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, HoREA vừa qua đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước kiến nghị thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp, tương tự như cách làm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước đây.
Mục đích của đề xuất này là để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỉ đồng/căn với điều kiện có cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng nơi đúng chỗ.
Ưu đãi tín dụng cho nhà ở xã hội
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kết thúc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Cụ thể, chấm dứt giải ngân đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội kể từ ngày 1-6-2016 và chấm dứt giải ngân đối với người mua nhà ở xã hội kể từ ngày 1-1-2017. Từ đó đến nay, chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 do dự án chưa hoàn thành, thì kể từ ngày 1-1-2017 không còn được tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Về lâu dài, cần có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội. Đây là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA
Sau đó cũng chưa có nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác thay thế nên các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội này lâm vào hoàn cảnh không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp, hoặc phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao.
Về phía chủ đầu tư, do thiếu vốn, nhiều trường hợp đã phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận.
Do vậy, HoREA đã nêu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỉ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỉ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho các tổ chức tín dụng để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Đơn vị này cũng kiến nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.(Tuoitre)
-----------------------
60.000 người tham gia thị trường Bitcoin tại Việt Nam
Giá Bitcoin dự báo sẽ tăng lên 50.000 USD, thậm chí 100.000 USD, trong hai năm 2018 và 2019, nhưng xu hướng này không tiếp tục trong dài hạn
Nguồn ảnh: tiendientu.org
Ông Doninik Weil, đồng sáng lập Bitcoin Vietnam vào ngày 20.12 đã tin tưởng “giá bitcoin vẫn tăng lên trong tương lai xa”. Điều này được ông củng cố bằng một dự đoán năm 2013: giá bitcoin sẽ lên tới 5 con số sau 5 năm, đến nay giá bitcoin đã tiến sát ngưỡng 20.000 USD vào ngày 18.12.
“Giá bitcoin có thể tăng lên 50.000 USD, thậm chí là 100.000 USD trong hai năm 2018 và 2019, nhưng xu hướng này không tiếp tục trong dài hạn”, ông Nguyễn Việt Bách, Bitcoin Vietnam, nói về dự báo của mình.
Ông Nguyễn Việt Bách không dự đoán cho “một tương lai rớt giá” của đồng tiền này, bởi công nghệ blockchain đã xuất hiện phổ biến hơn và đồng bitcoin đang phải cạnh tranh với nhiều đồng tiền khác, chưa kể việc phân nhánh của bitcoin.
Mức tăng giá hơn 1.000% của bitcoin trong năm 2017 đã khiến “đồng tiền” này nói riêng và tiền ảo nói chung trở thành hiện tượng trên thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam.
Cùng với việc ồ ạt đổ tiền vào các hoạt động như “đào”, buôn bán trên sàn, các giao dịch chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo…, hoạt động gọi vốn cho các dự án đầu tư vào tiền ảo (ICO) cũng diễn ra rầm rộ.
Theo quan sát của ông Nguyễn Việt Bách, số người tham gia thị trường bitcoin tại Việt Nam đã tăng lên 60.000 thay vì 30.000 của năm 2016, bất chấp việc các tổ chức, chuyên gia nhìn nhận bitcoin đang như bong bóng Dot-com hay hoa Tulip từng xảy ra trong lịch sử.(NCĐT)