Nhôm ép Việt Nam vẫn bị ADC nói bán phá giá; Đại gia Lê Thanh Thản nói về dấu hiệu trốn thuế: “Tôi chả hiểu gì cả”; Hà Nội cấm xe máy, cơ hội dành cho doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi; Hà Nội thống nhất rút 124 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý
Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-08-2017
- Cập nhật : 18/08/2017
Đề xuất chính sách khuyến khích tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích tích tụ đất đai nhằm phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NĐ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp.
Theo đó, Bộ nghiên cứu nguyên nhân cản trở sự phát triển của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm đề xuất các chính sách khuyến khích tích tụ đất phục vụ tái cơ cấu ngành, cũng như cho xây dựng nghị định về cơ chế chính sách tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất theo quy mô lớn.
Đồng thời, rà soát chính sách cản trở doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng dự thảo Chiến lược thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bao gồm đầu tư trong và ngoài nước.
Trên cơ sở Chiến lược này sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm kịp thời ban hành và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Nhằm xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết thị trường quốc tế, Bộ đang xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn đã đề xuất nâng chính sách này lên nghị định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường…
Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đổi mới công ty nông – lâm nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh nông nghiệp.
Nhằm hoàn thiện các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, cập nhật, đăng tải các điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực ngành trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời thường xuyên tổ chức đối thoại để tổng hợp, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với công tác quản lý nhà nước của Bộ trong thực thi giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19. Đây là căn cứ để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện quy trình thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ(Bnews)
------------------------
Coteccons khởi công siêu dự án 4 tỷ USD Casino Hội An
Tổng giá trị đầu tư của dự án 4 tỷ USD bao gồm khu nghỉ dưỡng với tổ hợp Casino, khách sạn, du lịch, giải trí cao cấp này hiện là một trong những công trình có vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Quảng Nam.
Dự án Casino Hội An tọa lạc gần phố cổ Hội An, không xa sân bay quốc tế Đà Nẵng và thánh địa Mỹ Sơn. Với diện tích khoảng 1.000 ha, thuộc 3 xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Bình Dương (huyện Thăng Bình).
Tổng giá trị đầu tư 4 tỷ USD bao gồm khu nghỉ dưỡng với tổ hợp Casino, khách sạn, du lịch, giải trí cao cấp này hiện là một trong những công trình có vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Quảng Nam.
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 12/2010, do liên doanh Tập đoàn VinaCapital và VinaLand kết hợp đối tác nước ngoài là Tập đoàn Genting Berhad (Malaysia). Trong đó, VinaCapital sẽ đầu tư 80% vốn dự án, tương đương gần 3,2 tỷ USD, còn Genting Berhad đầu tư 20% vốn. Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, đối tác Malaysia bất ngờ thông báo rút lui.
Năm 2015, dự án mới được tái khởi động với sự tham gia của 2 đối tác mới là tập đoàn Chow-Tai-Fook (Hong Kong) và tập đoàn The Suncity Group (Macau).
Được biết, dự án Casino Hội An mà Coteccons trúng thầu có giá trị gần 7.000 tỷ đồng, đây là công trình tầm cỡ quốc tế mà Coteccons đã vượt qua nhiều nhà thầu nổi tiếng khác để thắng thầu. Kỳ hạn hoàn thành dự án được chủ đầu tư đặt ra là 19 tháng.
Coteccon là nhà thầu đã chứng minh năng lực của mình qua hàng loạt các dự án đã và đang triển khai đạt trị giá hơn 3.000 tỉ đồng như Masteri Thảo Điền, The Gold View, D’Capitale, Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Metropolis, Vinhomes Golden River và đặc biệt là Landmark 81…(NDH)
--------------------------
Tổng thống Trump làm Amazon mất 5,7 tỷ USD chỉ bằng một bài viết trên Twitter
Hôm thứ 4 (16/8), tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có bài viết chỉ trích người khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon trên Twitter, khiến giá trị thị trường của công ty này sụt giảm 5,7 tỷ USD.
Ông Trump chỉ trích Amazon vì "gây thiệt hại lớn cho các nhà bán lẻ chịu thuế". Cổ phiếu của Amazon mất 1,2% giá trị trong 2 giờ trước giao dịch sau nhận xét này nhưng hồi phục lại sau khi thị trường mở tại New York, tăng 0,33% vào buổi trưa.
Tổng thống viết: "Amazon đang gây thiệt hại lớn cho những nhà bán lẻ nộp thuế. Thị trấn, thành phố và tiểu bang trên khắp nước Mỹ đang bị tổn thương - nhiều người mất việc làm".
Dòng tweet (bài viết trên Twitter) thổi bay 5,7 tỷ USD của Amazon
Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Amazon và tờ Washington Post, thuộc sở hữu của người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, vì cách viết bài của tờ báo này. Tháng 12/2015, ông Trump cáo buộc ông Bezos sử dụng Washington Post như bình phong để giảm thuế cho Amazon và tuyên bố cổ phiếu Amazon sẽ "sụp đổ như túi giấy" nếu không nhờ sự sắp xếp này.
Ông Bezos sở hữu tờ Washington Post thông qua một công ty cổ phần mà không liên kết với Amazon. Tổng thống Mỹ từng nhiều lần sử dụng tài khoản Twitter cá nhân để tấn công các công ty và thường làm cho giá trị của cổ phiếu sụt giảm tạm thời.
Cổ phiếu Toyota từng sụt giảm trong vòng vài phút sau một tweet tiêu cực hồi tháng 1, trong đó ông Trump thề sẽ không cho công ty chuyển đến Baja California ở Mexico, khiến giá trị của hãng xe giảm khoảng 1,2 tỷ USD.
Tháng 12, nhà lãnh đạo công kích các công ty quốc phòng Boeing và Lockheed Martin, tuyên bố rằng cả 2 đều đang tính phí chính phủ quá cao. Giá trị của Boeing giảm hơn 1 tỷ USD trong khi Lockheed giảm 3,5 tỷ USD.
Từ lâu, Amazon đã phải đối mặt với chỉ trích ở nhiều quốc gia về số tiền thuế phải trả. Ở Mỹ, công ty đấu tranh trong nhiều năm để chống lại việc thu thuế doanh thu từ khách hàng. Tuần trước, Amazon từng giảm một nửa khoản thuế phải trả ở Anh, chỉ còn 7,4 triệu Bảng cho dù doanh thu ở nước này tăng vọt lên hơn 7 tỷ Bảng Anh.
Năm 2015, Amazon đồng ý ngừng sử dụng một cách thức gây tranh cãi cho phép tất cả doanh thu và lợi nhuận ở Anh được báo cáo thông qua một công ty con ở Luxembourg sau khi có sự can thiệp của bộ trưởng Tài chính Anh khi đó là George Osborne.(NDH)
---------------------
Úc ra quyết định thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam
Theo thông tin do Thương vụ Việt Nam tại Úc gửi và trang thông tin điện tử của Ủy ban Chống bán phá giá Úc (Anti-dumping Commission - ADC) ngày 16/8/2017, ADC- cơ quan điều tra đã công bố Báo cáo cuối cùng (REP 370) và người có thẩm quyền (Parliamentary Secretary của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) đã ra quyết định cuối cùng (Thông báo số 2017/99) đồng ý với khuyến nghị của Ủy viên của ADC về cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.
Riêng cuộc điều tra CTC chỉ áp dụng đối với Ấn Độ do trước đó, vào ngày 17 tháng 7 năm 2017, ADC đã ra thông báo (Thông báo số 2017/98) chấm dứt điều tra CTC và không áp dụng biện pháp CTC đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, sản phẩm bị điều tra là thép mạ kẽm mã HS: 7210.49.00, 7212.30.00, 7225.92.00 và 7226.99.00. Ngày khởi xướng điều tra là 16/8/2016, giai đoạn điều tra phá giá và trợ cấp từ ngày 01/7/2015 – 30/06/2016.
ADC đã sử dụng phương pháp so sánh giá trị bình quân gia quyền của giá xuất khẩu với giá trị bình quân gia quyền của giá trị thông thường tương ứng trong giai đoạn điều tra để so sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thường từ đó chứng minh hành vi bán phá giá và xác định biên độ phá giá.
Theo đó, ADC kết luận rằng giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa liên quan và do đó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự của Úc (giảm lợi nhuận, hiệu suất lợi nhuận, cắt giảm việc làm, có sự kìm giá, ép giá). Đồng thời ADC kết luận rằng thiệt hại đối với ngành công nghiệp thép mạ kẽm Úc bị gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá/được trợ cấp.
Biên độ phá giá (BĐPG) mà ADC áp dụng cho Việt Nam và Ấn Độ được ADC đề cập trong bản thông báo. Cụ thể, đối với Việt Nam, BĐPG cho 01 nhà sản xuất xuất khẩu (SXXK) hợp tác là 8,4%; BĐPG cho các công ty không hợp tác và các nhà xuất khẩu khác là 14,2 %. Trước đó, tại thông báo chấm dứt một phần vụ việc CBPG đối với Việt Nam được ADC công bố vào ngày 17/7/2017 (Thông báo số 2017/98), 2 nhà SXXK hợp tác của Việt Nam đã được loại khỏi cuộc điều tra do có biên độ phá giá thấp hơn mức tối thiểu, - Đối với Malaysia: BĐPG cho các nhà SXXK hợp tác là từ 14,5% đến 16,5%. BĐPG cho các công ty không hợp tác và các nhà xuất khẩu khác là 16,5%.
Đối với Ấn Độ, BĐPG cho các nhà SXXK hợp tác là từ 7,6% đến 9%. BĐPG cho các công ty không hợp tác và các nhà xuất khẩu khác là 12%.
Riêng đối với thuế chống trợ cấp chỉ áp dụng cho các nhà SXXK Ấn Độ. Biên độ trợ cấp đối với các nhà SXXK hợp tác là từ 3,6% đến 5%. Biên độ trợ cấp đối với các nhà SXXK không hợp tác và các nhà SXXK còn lại là 5,9%.(NDH)