Moody’s lạc quan về các ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương; Sôi động thị trường bất động sản tại Khánh Hòa; Tesla Model 3 "lăn bánh" sớm hơn dự kiến; Trung Quốc mở cửa thị trường 9.000 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh 04-07-2017
- Cập nhật : 04/07/2017
Hãng dệt may Đài Loan đặt kỳ vọng vào đại dự án 760 triệu USD ở Việt Nam
Mới đây, công ty dệt may Viễn Đông Tân Thế Kỷ (FENC) của Đài Loan đã cho biết họ đang kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn thứ 3 của hãng, sau khi hoàn tất dự án mở rộng công suất vào năm 2020.
Một quan chức giấu tên của FENC trả lời qua điện thoại: “Doanh thu từ nhà máy tại Việt Nam sẽ chiếm 30% doanh thu của cả tập đoàn trong 3 năm tới, so với mức chưa tới 5% hiện nay”. Cũng theo người này, đây là một phần trong chiến lược của FENC nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Đài Loan và Trung Quốc.
Trong năm 2016, FENC đã đạt doanh thu khoảng 4,36 tỷ USD, giảm 0,4% so với năm 2015. Trong đó, các nhà máy tại Đài Loan đóng góp gần 60%, còn các nhà máy ở Trung Quốc đóng góp 40%.
Hiện tại, FENC đang mở rộng công suất nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh vải và quần áo tại Đông Nam Á, với kinh phí dự kiến là khoảng 760 triệu USD.
Công suất hiện nay của FENC tại Việt Nam là gần 24 triệu sản phẩm quần áo mỗi năm. Theo kế hoạch mở rộng, một nhà máy sản xuất vải dệt kim sẽ đi vào hoạt động trong quý này, trong khi một vài nhà máy khác sản xuất quần áo bằng vải polyester sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm sau.
FENC cũng đang kỳ vọng việc ra mắt một số sản phẩm cao cấp cũng sẽ thúc đẩy doanh thu tăng trưởng trong tương lai gần. FENC đang xem xét việc mở rộng công suất các sản phẩm nylon dùng cho túi khí và đai an toàn xe hơi, trong lúc tìm hiểu về thị trường linh kiện hệ thống an toàn cho xe hơi.
Ngoài ra, công ty này cũng đang có kế hoạch tăng công suất sợi polyester dành cho tã và các sản phẩm vệ sinh, tại các nhà máy ở Đài Loan và Trung Quốc.(NCĐT)
----------------------------
Thủ tướng Đức phê phán Mỹ, có thể “lật bài ngửa” ở G20
Thủ tướng Đức Angela Merkel phê phán chính sách "nước Mỹ trước hết" - chủ nghĩa bảo hộ về chủ nghĩa cô lập của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề cao thương mại tự do, hợp tác quốc tế và hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Tờ Tin tức Trung Quốc ngày 1/7 cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát đi tín hiệu “lật bài ngửa” với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đức cam kết, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức vào tuần tới, Đức kiên trì tuân thủ lập trường về thương mại tự do, hợp tác quốc tế và trong hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Bà Angela Merkel có bài phát biểu cứng rắn tại Quốc hội Đức vào ngày 29/6. Khi đó, bà còn cam kết triển khai hợp tác chặt chẽ với Pháp, tập trung vào tăng cường đoàn kết Liên minh châu Âu (EU), cho dù đối mặt với vấn đề cấp bách Brexit.
Nhưng trên phương diện ứng phó cứng rắn với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một dấu hiệu các nước châu Âu khó có thể giữ đoàn kết là: Bà Angela Merkel sau đó đã dịu giọng.
Sau khi họp cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo châu Âu khác, trong cuộc họp báo chung ở Berlin, bà Angela Merkel cho biết cùng với việc kiên trì nguyên tắc, bà cũng sẽ tìm kiếm “phương án giải quyết chung” với phía Mỹ.
Tuy nhiên, bà Angela Merkel hoàn toàn không thu hồi phát biểu của bà tại Quốc hội. Trong bài phát biểu này, bà đã phê phán đối với cách làm “nước Mỹ trước hết” (America First) của ông Donald Trump, cho rằng: “Nếu có ai cho rằng các vấn đề của thế giới này có thể thông qua chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa cô lập để giải quyết thì người đó rõ ràng có một sự hiểu lầm to lớn”.(Viettimes)
------------------------
Cạm bẫy từ tín dụng đen
Hiện nay, các cơ sở cho vay tiền dạng tư nhân đẩy mạnh tiếp cận người dân bằng tờ rơi quảng cáo, tin nhắn với mời chào cho vay tiền rất hấp dẫn.
Ảnh minh họa.
Những mỹ từ như “hỗ trợ tài chính”; “tư vấn vay vốn”; “vay nhanh không thế chấp” giăng mắc đầy các điểm công cộng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chưa có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay lãi dùng nhiều hình thức khác nhau để đòi tiền như ném chất bẩn vào cửa nhà, thuê côn đồ đòi nợ...
Một số đối tượng còn liều lĩnh gây ra các vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản để ép nạn nhân trả nợ. Như mới đây, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã bắt giữ Cao Trung Hiếu (SN 1997) và Nguyễn Nhân Dân (SN 1998) cùng trú tại huyện Gia Lâm, để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, anh Lê Hoài N. (SN 1998, trú tại huyện Gia Lâm) đã vay 28 triệu đồng thông qua dịch vụ “hỗ trợ tài chính” của đối tượng Dân. Do anh N. không trả được nợ, cuối tháng 4/2016, Hiếu, Dân và một số đối tượng khác tổ chức đến đánh, khống chế anh N. phải cùng về cơ sở “hỗ trợ tài chính” của chúng. Tại đây, các đối tượng tiếp tục dùng vũ lực ép anh N.viết giấy vay nợ số tiền 50 triệu đồng cùng giấy mượn và bán chiếc xe Honda SH 150i. Do bị đánh quá đau và sợ hãi, anh N. đã phải làm theo yêu cầu của nhóm đối tượng… Cơ quan công an đã làm rõ, tổng số tiền anh N. vay theo dịch vụ là 28 triệu đồng nhưng các đối tượng đã dùng vũ lực ép viết giấy nợ lên đến 50 triệu đồng. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp Công an TP Hà Nội phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Trong nhiều trường hợp khác, cơ quan công an cũng làm rõ một số thủ đoạn lừa đảo của loại hình tín dụng đen nêu trên. Cụ thể, để né tránh pháp luật và cưỡng bức người dân sẽ phải trả gấp nhiều lần số tiền vay, các đối tượng thường bắt người dân vay tiền viết ký giấy thỏa thuận với nội dung đã mua tài sản, hàng hóa với tổng số tiền cao gấp nhiều lần số tiền cho vay. Thực tế, đến thời gian đáo hạn, nhiều nạn nhân và gia đình bị các đối tượng dùng các hình thức nêu trên ép trả số tiền theo đúng giấy thỏa thuận.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Công an TP Hà Nội đang có những biện pháp tăng cường nắm bắt, quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý các biểu hiện kinh doanh trái pháp luật của loại hình dịch vụ này. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ, ký giấy thỏa thuận theo dạng tín dụng đen tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong tranh chấp dân sự. Người dân cần nâng cao kiến thức pháp luật, thật sáng suốt lựa chọn khi tiếp cận dịch vụ vay vốn tư nhân. Đặc biệt, cần báo ngay cho cơ quan công an khi là nạn nhân hoặc phát hiện các đối tượng kinh doanh dịch vụ có biểu hiện vi phạm pháp luật nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý.(KTĐT)
---------------------------------
Hà Nội có thêm 2 cụm công nghiệp 32ha tại Gia Lâm và Đan Phượng
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp thực phẩm Hapro tại huyện Gia Lâm và cụm công nghiệp thị trấn Phùng tại huyện Đan Phượng. Cả hai cụm công nghiệp này đều có quy mô hơn 32ha.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Quyết định số 3931/QĐ-UBND UBND TP Hà Nội quyết định thành lập cụm công nghiệp thực phẩm Hapro tại huyện Gia Lâm.
Theo quyết định, cụm công nghiệp thực phẩm Hapro do Tổng công ty Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm với quy mô 32,66ha. Đây là cụm công nghiệp chủ yếu diễn ra các hoạt động như chế biến, đóng gói thực phẩm và công nghiệp phụ trợ chế biến đóng gói thực phẩm.
UBND TP Hà Nội giao Tổng công ty Thương mại Hà Nội có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp. UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp Hapro theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý cụm công nghiệp.
UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 3929/QĐ-UBND thành lập cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Cụm công nghiệp này giao Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và thương mại Tân Cương làm chủ đầu tư.
Theo quyết định, cụm công nghiệp thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng có quy mô 32,254ha. Đây là cụm công nghiệp đa ngành nghề, tập trung các ngành nghề sản xuất: Điện, điện tử, viễn thông, dệt may, giày da, sản xuất bao bì, cơ khí, đồ mộc cao cấp, thủ công mỹ nghệ.
UBND TP Hà Nội giao Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và thương mại Tân Cương có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp. UBND huyện Đan Phượng có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp thị trấn Phùng theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý cụm công nghiệp.
Sở Công Thương Hà Nội sẽ là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.