Vì sao các công ty Hàn Quốc rời Phillipines để đến Việt Nam?; Tiền thế hệ mới hay “bất động sản trên mặt trăng”?; Phú Yên thu hồi dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản; Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN chấp nhận mất hàng nghìn tỷ đồng?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-07-2017
- Cập nhật : 05/07/2017
'Siết' chia lợi nhuận ở doanh nghiệp nhà nước
Bộ Tài chính đang muốn tăng quyền kiểm soát sâu hơn vào việc chia cổ tức, lợi nhuận hằng năm của các ngân hàng thương mại quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hỏi ý kiến Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận, cổ tức ẢNH: NGỌC THẮNG
Tối đa hóa lợi ích cho cổ đông nhà nước
Cụ thể, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 ngày 13.10.2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) do Bộ Tài chính (BTC) xây dựng: “Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước trên 50% vốn điều lệ phải căn cứ ý kiến chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu sau khi đã lấy ý kiến của BTC và được BTC thống nhất bằng văn bản về phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hằng năm của DN”. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh.
Lâu nay, người đại diện vốn nhà nước chỉ xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn, chứ chưa có quy định phải thống nhất ý kiến với BTC. Vì vậy, quy định này giúp BTC có quyền can thiệp sâu hơn vào DN nhà nước (DNNN). Theo tờ trình dự thảo nghị định, quy định này nhằm tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại DN và điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Như vậy, trong thời gian tới, các DN có tỷ lệ vốn nhà nước lớn như Tập đoàn xăng dầu, Vietnam Airlines, Sabeco, Habeco, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank... buộc phải thống nhất ý kiến về lợi nhuận, cổ tức với BTC trước khi ra đại hội đồng cổ đông.
Năm ngoái, thị trường đã xôn xao khi BTC "đòi" BIDV và VietinBank chia gần 5.000 tỉ đồng cổ tức 2015 bằng tiền mặt mặc dù trước đó đại hội cổ đông BIDV đã thông qua chia bằng cổ phiếu còn VietinBank thông qua không chi trả cổ tức. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, các bộ là nơi đại diện vốn nhưng không phải là người quản lý tài chính, mà quản lý về mặt tài chính đối với các DNNN mới đúng là nhiệm vụ của BTC. Vì vậy, việc phải thông qua ý kiến của BTC trong phân chia lợi nhuận, cổ tức là hợp lý. Điều này cũng giúp việc quản lý, giám sát, thu cổ tức, lợi nhuận DNNN rõ ràng hơn. “Tiền đầu tư cho DNNN lấy từ ngân sách thì lãi của nó về nguyên tắc cần nộp về ngân sách. Việc BTC “thò tay” vào việc phân chia lợi nhuận, tối đa hóa lợi ích cho ngân sách lẽ ra cần làm sớm hơn nữa”, ông nói.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, quyết định trên bắt nguồn phần lớn từ thực tế ngân sách nhà nước đang bị hụt thu, hầu như luôn trong tình trạng căng thẳng trong thời gian gần đây. Với tư cách giám sát tài chính, thì bước đi này nhằm ngăn chặn việc nhiều DNNN không chịu chia cổ tức, lợi nhuận. “Giả sử một nhà đầu tư bình thường đem cả ngàn tỉ đồng đi đầu tư mà không được dự phần vào kết quả lợi nhuận, không có quyền quyết định cổ tức, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì họ có chịu không? Liệu họ có tối đa hóa được vốn đầu tư? Hay là họ sẽ rút vốn đem đi đầu tư nơi khác tốt hơn? Đây là quyết định tốt cho ngân sách, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhà nước. Chẳng hạn, nhờ năm ngoái BTC đòi tiền mà ngân sách có thêm gần 5.000 tỉ đồng cổ tức từ ngân hàng BIDV và VietinBank, có tiền đầu tư vào nền kinh tế”, ông nói.
“Bỏ quên” hàng ngàn tỉ đồng cổ tức
Theo TS Đinh Thế Hiển, ước tính hằng năm có hàng chục ngàn tỉ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước bị “bỏ quên” ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, ngân hàng quốc doanh, khi bị giữ lại để tăng vốn, kinh doanh. Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN năm 2015, có 652 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với vốn chủ sở hữu là hơn 1,37 triệu tỉ đồng. Giả sử, nhà nước chỉ cần thu 10% cổ tức hằng năm từ nguồn này, trung bình hằng năm ngân sách sẽ có thêm được 137.000 tỉ đồng. Khác với công ty cổ phần, nơi phải báo cáo hằng năm trước đại hội cổ đông làm ăn ra sao, cổ tức thế nào, kế hoạch kinh doanh...; thì hầu hết các con số này ở DNNN chưa được công khai. Vì vậy, đây cũng là cách để BTC “nắn” dòng tiền lợi nhuận, cổ tức của DNNN về ngân sách nhiều hơn, tăng hiệu quả dòng tiền đầu tư, thay vì cứ để lại DN tăng vốn. Qua từng năm, BTC có cơ sở tốt hơn để đánh giá hiệu quả kinh doanh, đưa ra tỷ lệ lợi nhuận, cổ tức phù hợp hơn ở những đơn vị này, đồng thời ở tầm vĩ mô cũng quản lý 1,3 triệu tỉ đồng vốn nhà nước ở DN hiệu quả hơn.
Ông Hiển nhận xét, quy định trên không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số bởi quyết định cao nhất nằm trong tay người nắm giữ tỷ lệ sở hữu áp đảo, cổ đông nhỏ lẻ phải chấp nhận luật chơi. Việc tham gia của BTC không làm mất đi tính độc lập, định hướng của DN, bởi nếu không phải nhà nước thì một cổ đông tư nhân nào đó cũng quyết định số phận DN. Tuy nhiên, Bộ không nên chỉ đạo “cứng”, mà cần dựa trên nền tảng, đề xuất của người đại diện vốn. Ngoài ra, việc “thò tay” như vậy có thể càng làm tăng gánh nặng trách nhiệm lên BTC hơn nữa. Bởi nếu quyết định không đúng, giá cổ phiếu đi xuống, cổ đông tẩy chay, dẫn đến giá trị vốn nhà nước giảm sút cũng là điều Bộ cần cân nhắc kỹ.(Thanhnien)
---------------------------
Hà Nội thông qua nghị quyết cấm xe máy vào năm 2030
Tại phiên họp sáng 4/7, kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Nghị quyết đã đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 gồm: Giải pháp quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; giải pháp quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông; giải pháp quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý; Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Với biện pháp hành chính, Thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Biện pháp kinh tế được thực hiện qua nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT… bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.
Ngoài ra, giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý sẽ xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án Thành phố thông minh...
Lộ trình thực thực hiện các giải pháp được chia thành 03 giai đoạn
Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Năm 2030 sẽ có 2 triệu ô tô
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm.
Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh trên địa bàn Thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, Thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.
Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.
Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có hơn 800 nghìn ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu.
Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.(NDH)
---------------------------
Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang từ chức
Chỉ vài ngày sau khi tiến hành Đại hội cổ đông bầu chủ tịch HĐQT mới, Sacombank tiếp tục công bố bổ nhiệm tổng giám đốc mới thay ông Phan Huy Khang.
Theo đó, tại nghị quyết phiên họp Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), HĐQT đã quyết định thôi nhiệm chức danh tổng giám đốc Sacombank đối với ông Phan Huy Khang theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 3-7.
HĐQT bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, hiện là phó tổng giám đốc Sacombank phụ trách mảng xử lý nợ, giữ chức vụ tổng giám đốc ngân hàng này. Thời gian đảm nhiệm chức vụ là 5 năm.
Trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chức danh tổng giám đốc, HĐQT thống nhất giao bà Diễm giữ chức vụ quyền tổng giám đốc Sacombank và là người thực hiện công bố thông tin của ngân hàng từ ngày 3-7.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh và đã có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, bà Diễm là một trong 20 phó tổng giám đốc thuộc ban điều hành của Sacombank.
Trong khi đó, ông Phan Huy Khang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank từ tháng 11-2013. Tính đến cuối năm 2016, ông Khang nắm 1,19% vốn cổ phần Sacombank.
Trước đó, Đại hội cổ đông năm 2017 của Sacombank cũng đã tiến hành bầu cử HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Him Lam (nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank) được bầu chọn làm Chủ tịch HĐQT của Sacombank nhiệm kỳ mới.
Kết thúc năm 2016, Sacombank có tổng tài sản đạt trên 332.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 18.852 tỉ đồng, tổng nguồn vốn huy động gần 305.000 tỉ đồng, tổng dư nợ tín dụng gần 238.000 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu là 6,81% và số dư dự phòng rủi ro là 5.297 tỉ đồng.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2017, Sacombank sẽ có lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỉ đồng và đảm bảo các tỉ lệ an toàn hoạt động theo quy định.(NLĐ)
------------------------
Giá trị thương hiệu của Viettel đạt 2,686 tỷ USD, Vinaphone 1,04 tỷ USD
Tại Hội thảo xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp diễn ra ngày 4/7, tại Hà Nội, các chuyên gia đã tập trung bàn về câu chuyện xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá "tài sản vô hình" này của doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính ) cho biết, xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu là nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Trên thế giới, thương hiệu được coi là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; có thương hiệu trị giá đến 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, tại Việt Nam một số doanh nghiệp nhà nước được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã có bước tiến ngoạn mục khi vươn lên Top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016 theo đánh giá của Công ty Tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance. Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông-VNPT VinaPhone (Vinaphone) là 1,04 tỷ USD; Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Mobiphone) là 391 triệu USD.
Nhưng ở Việt Nam, việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi “xuất ngoại” vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế.
Mặt khác, doanh nghiệp mạnh tay chi để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị của tài sản vô hình này nên rơi vào tình cảnh ném tiền qua cửa sổ.
Khách hàng đến giao dịch đăng ký Sim số điện thoại mới tại Trung tâm kinh doanh VNPT Vinaphone Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu nhiều thách thức như việc bị xâm phạm quyền sở hữu. Đơn cử như Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tập đoàn Trung Nguyên có thương hiệu cafe Trung Nguyên, nước nắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre... đều trở thành nạn nhân của việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuế.
Nhấn mạnh thêm về điều này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, ngay cả những doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa thuê các nhà tư vấn chuyên nghiệp song cũng đưa ra các giá trị doanh nghiệp nói chung và giá trị thương hiệu nói riêng rất khác nhau. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa; doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập...
Ở khía cạnh pháp lý, giữa các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu”. Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “Giá trị thương hiệu” hay “Nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình.
Như vậy, cho đến nay, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đến nay vẫn còn là... một khoảng trống bỏ ngỏ.(TTXVN)