tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-07-2017

  • Cập nhật : 04/07/2017

Người giàu Việt gia tăng gây “sức ép” cho bất động sản nghỉ dưỡng

Tăng trưởng liên tục trong vài năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch, sự đầu tư lớn chưa từng có của hệ thống hạ tầng giao thông.

bat dong san nghi duong viet nam thoi gian qua bung no lan rong nho su dau tu lon chua tung co cua he thong ha tang giao thong va su gia tang cua nguoi giau trong nuoc.

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam thời gian qua bùng nổ lan rộng nhờ sự đầu tư lớn chưa từng có của hệ thống hạ tầng giao thông và sự gia tăng của người giầu trong nước.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có hơn 10 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015.

Trong năm 2017, tăng trưởng du khách quốc tế dự kiến tăng 15%, đạt 11,5 triệu. Đặc biệt, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng nhanh trong vài năm tới và dự báo sẽ nhiều gấp đôi hiện nay vào năm 2020.

Ở trong nước, lượng du khách nội địa cũng có sự gia tăng rất nhanh. Năm 2015, lượng du khách nội địa ghi nhận lên đến 57 triệu lượt, tăng 47% so với năm trước đó.

Sự tăng trưởng của lượng du khách quốc tế lẫn khách du lịch nội địa kéo theo nhu cầu về cơ sở lưu trú, đã dẫn đến hiện tượng bùng nổ đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Hàng loạt các trung tâm du lịch từ Bắc chí Nam, như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn… đã nhanh chóng trở thành những trung tâm bất động sản nghỉ dưỡng, thu hút hàng chục tỷ đô la vốn đầu tư.

Một nghiên cứu của hãng nghiên cứu Jones Lang LaSalle (JLL) mới đây cho thấy ngành du lịch và lưu trú tại Việt Nam đang là điểm sáng của nền kinh tế, đồng thời cũng là điểm sáng so với các nước trong cùng khu vực.

Theo JLL, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng không chỉ vì sự tăng trưởng của du khách quốc tế, mà còn vì sự gia tăng rất nhanh của du khách trong nước, do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.

Để đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch, đầu tư phát triển cơ sở lưu trú cũng đang có sự bùng nổ, dẫn đến sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Cũng theo JLL, ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang có động lực tăng trưởng, do kinh tế Việt nam đang phát triển và hệ thống hạ tầng trong nước đang có sự đầu tư rất lớn.

Cụ thể, theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, sẽ đạt mục tiêu xây dựng 2.000 km đường cao tốc. Hệ thống sân bay liên tục được đầu tư, mở rộng. Trong khi đó, các hãng hàng không cũng có chiến lược đầu tư lớn, mà ví dụ cụ thể có thể kể đến là VietJet Air đã đặt mua 100 máy bay Boeing. ..

Do hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư lớn, khiến các điểm đến du lịch, như Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc… được hưởng lợi. Các điểm đến này tiếp tục kéo theo sự phát triển của các điểm đến lân cận.

Chẳng hạn Vịnh Hạ Long là một điểm du lịch nổi bật tại khu vực miền Bắc, nhưng gần đây, Sapa cũng được nhắc tới nhiều hơn. Trong khi khu vực miền trung, ngoài Đà Nẵng, Nha Trang, thị trường cũng nhắc nhiều hơn đến Quy Nhơn, Mũi Né, Hội An…

Mặc dù đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng JLL cũng chỉ ra  hàng loạt thách thức, nhất là với một số thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, vốn bùng nổ theo sự phát triển của ngành du lịch.

Cụ thể tại Phú Quốc, là địa phương có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua, nhưng JLL cho rằng, áp lực về nguồn cung trên thị trường ngôi nhà thứ 2, nhất là mô hình condotel đã xuất hiện do rào cản nhập cảnh.

Tại Nha Trang và Canh Ranh, cũng  bùng nổ du khách du lịch, khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi này phát triển nhanh chóng. Hàng loạt những thương hiệu quốc tế đã  xuất hiện tại Nha Trang và Canh Ranh. Tuy nhiên, sự thành công của nơi này thế nào lại phụ thuộc rất lớn vào số lượng chuyến bay đến và năng lực sân bay.

Một nghiên cứu mới công bố của Savills Việt Nam cũng cho thấy thị trường “ngôi nhà thứ 2” tại Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh và Phú Quốc đang gặp phải thách thức.

Cụ thể, dù các thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trên đã có sự phát triển nhanh và nhiều dự án rất thành công trong thời gian qua. Tuy nhiên, số lượng dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện rất lớn. Vì vậy, bất chấp lượng du khách vẫn tăng trưởng, thị trường “ngôi nhà thứ 2” được cho vẫn gặp khó khăn do lượng lớn dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành trong thời gian tới.(Bizlive)
--------------------------------

Địa phương thất thu ngân sách trước 'cơn lốc' nhập ôtô giá rẻ

Ngân sách các địa phương giảm cả nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước kinh doanh khó khăn. 

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/7, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 tháng đầu năm chỉ số công nghiệp của tỉnh cũng giảm 0,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương không đạt mục tiêu. Ông Thu tính toán, ngân sách tỉnh này năm nay sẽ hụt thu khoảng 1.600 tỷ đồng, do giảm thu từ các doanh nghiệp sản xuất ôtô.

Thực tế này không chỉ riêng Quảng Nam, mà lãnh đạo một số tỉnh như Hải Dương, Vĩnh Phúc... cũng cho biết, ngân sách địa phương giảm đáng kể trong nửa đầu năm do các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trên địa bàn giảm đóng ngân sách. 

Chia sẻ với các địa phương, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thực tế, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại các doanh nghiệp liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô, để đón thời cơ và ứng phó khi thuế suất nhập khẩu về 0% từ đầu năm 2018. Đây cũng là sự thay đổi trong chính sách kinh doanh để ứng phó với việc ôtô Thái Lan, Indonesia... được nhập ồ ạt vào Việt Nam vừa qua. "Thay vì sản xuất, lắp ráp, số doanh nghiệp này chuyển sang nhập khẩu, khiến ngân sách địa phương hụt thu", Bộ trưởng Tài chính nói và cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát kịp thời lượng ôtô giá rẻ tràn vào thị trường trong nước. 

mot so doanh nghiep san xuat, lap rap oto da chuyen sang nhap khau, khien ngan sach hut thu.

Một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã chuyển sang nhập khẩu, khiến ngân sách hụt thu.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ Thái Lan, Indonesia... để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu.

Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước như Thái Lan, Indonesia... đạt 24.613 chiếc, vượt xa so với con số 16.622 chiếc được nhập khẩu từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại. Về giá trị kim ngạch, 2 nước này cũng áp đảo khi đạt gần 438 triệu USD, vượt mức 397 triệu USD của phần còn lại. 

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đinh Văn Thu kiến nghị, Chính phủ nên sớm tính lại thuế nhập khẩu linh kiện cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng mức thuế này sớm hơn thời điểm 1/1/2018, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lĩnh vực này tận dụng thời cơ sản xuất, kinh doanh.

“Nên áp dụng mức thuế suất mới với linh kiện ôtô từ tháng 10/2017”, ông Thu đề nghị.

Riêng chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải (pick-up), ông Thu nêu thực tế đang tồn tại nhiều bất cập khi thời gian qua mức thuế đưa ra thí điểm ngang với thuế suất áp dụng cho xe dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, chính sách thuế với loại xe này đang không đảm bảo tính cạnh tranh theo quy định tại Luật Cạnh tranh, vì thế cần điều chỉnh lại. 

Hiện, xe bán tải nhập vào Việt Nam chỉ chịu thuế nhập khẩu 5%. Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi-lanh dưới 2,5 lít là 15%; 2,5-3 lít là 20% và trên 3 lít là 25%. Mức phí trước bạ đang áp dụng với loại xe này là 2%...

Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này đã có báo cáo tổng hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải, nhưng sửa thuế như thế nào lại do Quốc hội quyết định. 

Chỉ đạo tại phiên họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để có ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. "Dứt khoát chúng ta phải có ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, không thể chậm trễ hơn", ông nói. (Vnexpress)
---------------------

TP.HCM kiểm soát hành vi lũng đoạn thị trường cát xây dựng

Nội dung này vừa được UBND TP.HCM ban hành, yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan thực hiện kế hoạch phối hợp kiểm tra chất lượng cát xây dựng trên địa bàn TP năm 2017.

Theo đó, Sở Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định của pháp luật, nhằm tránh tình trạng ghim hàng, đẩy giá lên cao.

Sau khi kiểm tra, tổng hợp các bảng niêm yết giá của các doanh nghiệp, Sở Công thương chuyển Sở Tài chính nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với các đơn vị có giá cát có biến động bất thường.

Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình đã được nghiệm thu đạt yêu cầu.

Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào danh sách đặt hàng các đề tài nghiên cứu, giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình.

Trong khi đó, đến chiều 3-7, giá cát bán lẻ trên thị trường TP.HCM dù đã chững lại, nhưng tiếp tục đứng ở mức giá cao. Hiện giá cát đẹp được chào ở mức bình quân 630.000-650.000 đồng/m3, trong khi cát chất lượng xấu hơn dao động từ 520.000-530.000 đồng/m3.(Tuoitre)
----------------------------

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế cả trăm tỉ bỏ trốn

Thủ đoạn của các DN này là nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng trong thời gian ngắn, hạ giá hàng nhập xuống mức cực thấp, né tránh các biện pháp hậu kiểm của cơ quan Hải quan nhằm trốn thuế, rồi ngừng hoạt động. 

Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, qua công tác kiểm tra sau thông quan, đơn vị này đã truy thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế. Trong số đó có 22 doanh nghiệp bị truy thu trên 128 tỉ đồng đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. 

22 doanh nghiệp này nợ thuế phát sinh từ năm 2016 đã ngừng hoạt động, đóng mã số thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Trong số đó, Công ty CP Liên Á Châu có khoản nợ thuế lớn nhất, với gần 37 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Long Sơn Nguyễn trên 21 tỉ đồng; Công ty TNHH Vũ Hồng Minh nợ trên 13,6 tỉ đồng; Công ty TNHH Văn Thịnh nợ trên 6,3 tỉ đồng; Công ty XNK Tân Tài Thắng nợ trên 4,6 tỉ đồng; Công ty TNHH Asia Join nợ trên 4,5 tỉ đồng; Công ty TNHH Gấu Đỏ nợ gần 4,5 tỉ đồng; Công ty TNHH Saga nợ trên 4,3 tỉ đồng; Công ty TNHH Nguyễn Phụng nợ trên 3,7 tỉ đồng; Công ty TNHH Điện tử Minh Minh Tâm nợ trên 3,7 tỉ đồng… 

Số nợ thuế phát sinh nêu trên chủ yếu từ việc truy thu thuế từ các cuộc kiểm tra sau thông quan tại cửa khẩu, những doanh nghiệp đã đóng mã số thuế, không nộp cho ngân sách nhà nước. 

Thủ đoạn của các đối tượng là nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng trong thời gian ngắn, hạ giá hàng nhập xuống mức cực thấp, né tránh các biện pháp hậu kiểm của cơ quan Hải quan nhằm trốn thuế, rồi ngừng hoạt động, gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng… 

Được biết, năm 2016, qua công tác tham vấn và kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan TP.HCM đã tăng thu cho ngân sách nhà nước hơn 1.400 tỉ đồng; trong 5 tháng đầu năm 2017, toàn Cục tăng thu cho ngân sách hơn 367 tỉ đồng qua công tác tham vấn và kiểm tra sau thông quan.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục