Nợ xấu của nền kinh tế thực tế là bao nhiêu?; Tại sao người già Mỹ ôm cả “núi tiền” không chịu chi tiêu?; Gang thép Thái Nguyên “đắp chiếu”: Có tính phương án bán dự án; Ngân sách 2015 lạm chi hơn 7.100 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-07-2017
- Cập nhật : 04/07/2017
Trung Quốc quá mạnh để ngăn bất kỳ cuộc khủng hoảng tiền tệ nào?
Nhà đầu tư không cần phải hoảng sợ thái quá, không phải việc dòng tiền nào rút ra cũng nguy hiểm như nhau, đặc biệt với Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Ảnh: Bloomberg
Đã nhiều năm qua, các nền kinh tế mới nổi đối diện với nhiều rủi ro: Khi có vấn đề, nhà đầu tư lập tức rút mạnh tiền của họ ra khỏi nhóm thị trường này, vì vậy các đồng nội tệ chịu tác động nặng nề. Tại Trung Quốc, trong giai đoạn năm 2015-2016, 1,7 nghìn tỷ USD đã bị rút khỏi Trung Quốc, tâm lý nhà đầu tư không khỏi xáo trộn và lo lắng về một cuộc khủng hoảng có thể xảy đến.
Thế nhưng trong trường hợp Trung Quốc, có lẽ nhà đầu tư không cần phải hoảng sợ thái quá, không phải việc dòng tiền nào rút ra cũng nguy hiểm như nhau, đặc biệt với Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, theo khẳng định được đưa ra trên Bloomberg.
Nhiều khi doanh nghiệp Trung Quốc lấy tiền ra khỏi thị trường để mua bằng sáng chế, quyền sở hữu thương hiệu và nhiều tài sản khác cần thiết để giúp cho kinh tế Trung Quốc phát triển. Và trong nhiều trường hợp, tiền cần thiết phải được rút ra để giảm thiểu nguy cơ bong bóng tài sản.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài trong những năm gần đây. Các tập đoàn Trung Quốc với sự hậu thuẫn của chính phủ mua gom tài sản nước ngoài với tốc độ kỷ lục trong năm ngoái.
Tất nhiên, không phải thương vụ đầu tư nào cũng mang lại thành công. Cho đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc tập trung mua lại các tài sản và doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến sản xuất hàng hóa, thương hiệu có giá trị và rất nhiều bằng sáng chế.
Thị trường tiền tệ biến động bất thường luôn tiềm ẩn vô cùng nhiều hiểm họa với nền kinh tế các nước mới nổi. Tuy nhiên trong trường hợp Trung Quốc, đồng nhân dân tệ sẽ không diễn biến theo hướng có thể gây ra khủng hoảng bởi doanh nghiệp Trung Quốc thường sẽ trả nợ được tính bằng ngoại tệ trước khi đồng Nhân dân tệ giảm sâu. Chính vì vậy rủi ro từ việc dòng vốn rút ra được giảm đi rất nhiều.
Chính phủ Trung Quốc đưa ra quy định rất chặt chẽ để quản lý dòng vốn ra và vào đất nước, chính vì vậy lượng tiền dư thừa trong thị trường cuối cùng lại được đổ vào chứng khoán, hàng hóa hoặc nhà đất. Kết quả, bong bóng tài sản là nguy cơ hiện hữu. Việc chấp nhận để cho lượng tiền nhất định được rút ra khỏi thị trường sẽ khiến thị trường tài sản bớt “nóng”.
Hiện nay Trung Quốc đang có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, dự trữ này có thể được sử dụng để bảo vệ đồng nhân dân tệ trong bối cảnh thị trường biến động xấu. Khi đồng nhân dân tệ sụt giá vào năm 2015 và 2016, giới chức Trung Quốc đã dành hàng trăm tỷ USD để cứu đồng nhân dân tệ. Áp lực sụt giá của đồng nhân dân tệ đã giảm đi trong những tháng gần đây, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc nhờ vậy đã phục hồi.
Ngay cả trong bối cảnh tiền bị chuyển ra khỏi đất nước quá nhiều, Trung Quốc vẫn còn nhiều yếu tố bảo vệ khác. Trung Quốc có thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai lớn, vì thế nếu có biến động xấu, Trung Quốc không khó để trở tay.
Tất nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng người Trung Quốc vẫn còn quá nhiều cách khác để chuyển tiền ra khỏi đất nước. Theo tính toán của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây, người Trung Quốc đang lạm dụng việc du lịch nước ngoài để mang tiền ra khỏi đất nước.
Ở thời điểm hiện tại, nếu FED tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD, đồng USD tăng giá nhanh hoặc kinh tế Trung Quốc diễn biến xấu bất thường, đồng nhân dân tệ sẽ chịu nhiều áp lực giảm giá. Khi đó, chắc chắn những quan niệm vô cùng lạc quan về Trung Quốc sẽ phải đối diện với phép thử quan trọng. (Bizlive)
-----------------------
Thủ tướng: Tăng tín dụng không được dồn cho các đại gia
Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách tiền tệ phải linh hoạt để đạt mục tiêu tăng tín dụng 18%, nhưng vốn không được "chạy" vào túi đại gia.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng tăng 7,54% trong nửa đầu năm nay. "Tăng trưởng tín dụng 18% là phù hợp với định hướng tăng GDP 6,7%, nếu kinh tế vĩ mô, lạm phát kiểm soát tốt thì tín dụng có thể tăng cao hơn", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nền kinh tế đang cần lượng vốn lớn để phát triển, song đây cũng là nút thắt với các doanh nghiệp. "Tăng tín dụng là tốt nhưng tiền này không được dồn cho các đại gia mà phải chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng", Thủ tướng lưu ý, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%.
Ông phân tích, ngân hàng đang thu từ nền kinh tế mỗi năm cao hơn đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp. Nếu giảm lãi vay 0,5% cũng sẽ có ý nghĩa rất lớn với khối sản xuất.Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện chênh lệch lãi suất cho vay - huy động đang khá lớn, khoảng 3-5%. Mức lãi vay 8-9% một năm với khoản vay ngắn hạn, dù đã giảm so với trước nhưng vẫn là điểm nghẽn của doanh nghiệp sản xuất. Ông Dũng cũng đề nghị, ngành ngân hàng cần có giải pháp để quyết liệt giảm thêm lãi vay.
Đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng phục hồi mạnh khi quý II đạt 6,17%, cao hơn mức 5,15% của quý I. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt trong tháng 5, 6 giúp tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,73%.
Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rời thị trường nhiều; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đến nửa năm mới bằng 30% kế hoạch Thủ tướng giao. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn rất chậm, đến nay mới thoái vốn được 11.000 tỷ đồng so với kế hoạch 60.000 tỷ...
Tuy nhiên, muốn tăng trưởng 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%. "Đây là con số rất cao, thách thức và không thể chủ quan. Nếu không quyết liệt khó đạt mục tiêu", Thủ tướng nêu vấn đề.
Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính siết chặt kỷ cương tài chính, chống thất thu thuế, chuyển giá và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
"Nếu tháng 9, 10 tới địa phương nào không giải ngân được thì sẽ chuyển vốn cho các địa phương khác. Có tiền thì phải tiêu hết chứ", lãnh đạo Chính phủ đánh giá.
Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành quyết tâm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, các địa phương mà đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; thúc đẩy tăng trưởng khối doanh nghiệp tư nhân...(Vnexpress)
------------------------
Du khách Nga đến Việt Nam tăng mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,2 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển đều tăng khá mạnh.
Du khách nước ngoài tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trong các thị trường, du khách đến từ châu Á tăng khá mạnh, như Trung Quốc đạt 1,88 triệu lượt, tăng 56,7% và chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế đến nước ta. Sau khi hồi phục, lượng khách Nga đến Việt Nam tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm, đạt hơn 313.000 lượt, tăng 53,4% so với 6 tháng đầu năm trước.(NLĐ)
--------------------
Gần 50% gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,8 triệu tấn, kim ngạch 1,2 tỉ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Về giá, bình quân trong 5 tháng năm 2017 đạt 445,5 USD/tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 46,5% thị phần (số liệu đến hết tháng 5-2017), tăng đột biến so với mức 35%-36% những năm gần đây. Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1,1 triệu tấn, thu về 488 triệu USD, tăng 34,2% về khối lượng và tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn của gạo Việt vào thị trường này.
Giám đốc một công ty cung ứng gạo lớn tại miền Tây cho biết nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Thương lái Trung Quốc thường mua gạo tại kho của doanh nghiệp (DN), sau đó đưa đi chính ngạch qua ủy thác hoặc tiểu ngạch, tùy thời điểm. Ngoài nhập gạo của Việt Nam để bán nội địa, thương nhân Trung Quốc còn xuất khẩu đi nước thứ 3 vì có sẵn bạn hàng.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - DN được Trung Quốc kiểm tra và chấp thuận nhập khẩu, xác nhận thời gian qua, xuất khẩu gạo sang thị trường này khá tốt, tăng cả về lượng và giá. Ông cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc là dòng gạo ngon, chất lượng cao. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn cho nhà xuất khẩu gạo theo cách của các nước khó tính như Mỹ, Nhật Bản - không chỉ gạo an toàn mà còn truy xuất được nguồn gốc. Đến nay, trong tổng số khoảng 150 DN xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có 22 DN được phía Trung Quốc cấp phép. Do vậy, để được xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành gạo Việt Nam phải nâng chuẩn, từ đó cả thị trường sẽ được hưởng lợi.
Một vấn đề khác là dù xuất khẩu đến gần 50% gạo sang Trung Quốc nhưng như nhiều loại nông sản khác, gạo Việt chưa có thương hiệu tại Trung Quốc do thương nhân nước này đóng bao bì lại. Vừa qua, trong nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại Trung Quốc, chỉ mới có một DN lớn là Tập đoàn Lộc Trời ký hợp tác với Công ty Viên Thị (Trung Quốc) để phân phối gạo chính thức ở nước này. (NLĐ)