Doanh nghiệp sẽ được bán BĐS để bù lỗ sản xuất kinh doanh; Techcombank đã mua lại phần vốn góp của HSBC?; 3 năm, Trung Quốc 'ăn' 27 triệu con heo của Việt Nam; Người bán hàng trên Facebook vẫn 'phớt lờ' đóng thuế
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-08-2017
- Cập nhật : 18/08/2017
Vì sao Đại Á thâu tóm quyền nhập khẩu Jaguar và Land Rover?
Trong quá trình Tân Thành Đô bị kiểm tra, xác định lại trị giá hải quan xe nhập khẩu, nhà sản xuất hai thương hiệu xe sang Jaguar và Land Rover đã tìm kiếm công ty có đầy đủ tư cách pháp nhân để thay thế.
Liên quan đến việc Cty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Đại Á (trụ sở ở quận 3, TP.HCM) thay thế Cty CP Tập đoàn Tân Thành Đô (Tân Thành Đô) trở thành nhà nhập khẩu độc quyền 2 thương hiệu Jaguar và Land Rover tại Việt Nam, nhiều thông tin cho rằng đấy là hình thức “ve sầu thoát xác”.
Tuy nhiên, theo xác minh của Tiền Phong, thực tế đây là 2 công ty hoàn toàn độc lập, không có mối liên hệ mật thiết nào với nhau.
Cụ thể, xác nhận với Tiền Phong, ông Phan Minh Lê – Cục phó Cục Hải quan TP.HCM cho hay, sau khi bị truy thu 719,5 tỷ đồng, Tân Thành Đô mới nộp 50 tỷ đồng và tiếp tục khiếu nại lần 2 gửi Tổng cục Hải quan.
Ngày 7/3/2017, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với công ty này. Qua đó, giao Cục Hải quan TP.HCM chủ trì, căn cứ thực tế hồ sơ, các nguồn thông tin, xác định lại số thuế phải nộp của công ty theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, quyết định truy thu 719,5 tỷ đồng tiền thuế đối với Tân Thành Đô được hải quan đưa ra sau khi kết quả kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp này cho thấy có một số bất hợp lý về khai báo hải quan.
Cụ thể, trị giá khai báo - tính thuế trên tờ khai nhập khẩu là dựa trên cơ sở mối quan hệ đặc biệt giữa doanh nghiệp với người bán. Do đó, không phản ánh đúng trị giá giao dịch bình thường trên thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không kê khai đầy đủ về chi tiết hàng hóa liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế. Công ty Tân Thành Đô đã mua bảo hiểm cho một số ô tô nhập khẩu vận chuyển từ Anh Quốc về Việt Nam nhưng không khai báo trên tờ khai hải quan và tờ khai trị giá hải quan, trong khi đó theo quy định thì khoản bảo hiểm mà công ty đã mua là khoản phải cộng vào trị giá hải quan.
Một cán bộ Tổng cục Hải quan cho hay, do đang bị cưỡng chế vì không nộp thuế nên Tân Thành Đô không thể tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu ô tô từ tháng 10/2016 đến nay.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, trước đó, Tân Thành Đô là nhà nhập khẩu cấp 2 của nhà nhập khẩu cấp 1 ở Malaysia là Công ty Guava Internationa Limited (Guava). Kết quả kiểm tra sau thông quan của Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, giữa Tân Thành Đô và Guava có mối quan hệ đặc biệt ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.
Tân Thành Đô đã mua bảo hiểm hàng hóa cho các lô hàng thuộc 13 tờ khai trong năm 2012-2013 nhưng không khai báo trên tờ khai hải quan và tờ khai trị giá hải quan. Khi làm việc với hãng bảo hiểm là đối tác của Tân Thành Đô cho thấy giá xe nhập khẩu cao hơn giá khai báo của Tân Thành Đô với hải quan.
Giá khai báo bảo hiểm lại xấp xỉ với giá chào bán trên mạng Internet. Đây là tình tiết mới về trị giá phát sinh trong quá trình kiểm tra sau thông quan tại Tân Thành Đô.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, khi kiểm tra, Tân Thành Đô không cung cấp chứng từ, tài liệu và hồ sơ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu đang được kiểm tra.
Bên cạnh đó, không giải trình được sự khác biệt về chi tiết hàng hóa tại các hồ sơ hải quan nhập khẩu cùng chủng loại, cùng năm sản xuất, cùng mẫu sản xuất đối với mặt hàng xe ôtô Land Rover và Jaguar. Tân Thành Đô điều chỉnh khai báo mức giá 2 mặt hàng ôtô nói trên nhập khẩu theo mức giá điều chỉnh của cơ quan hải quan.
Do đó, cơ quan hải quan đã bác bỏ trị giá giao dịch của Công ty Tập đoàn Tân Thành Đô và truy thu số tiền thuế chênh lệch 719,5 tỷ đồng.
Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho hay, trong quá trình này, để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhà sản xuất đã tìm kiếm một doanh nghiệp khác để thay thế Guava và Tân Thành Đô làm nhà nhập khẩu chính thức, duy nhất 2 thương hiệu Jaguar và Land Rover tại Việt Nam.
thương hiệu này lớn mạnh hơn nữa tại Việt Nam. Và, Đại Á là một đơn vị kinh doanh độc lập, mua lại hệ thống đại lý của Tân Thành Đô để khai thác kinh doanh, chăm sóc khách hàng theo quy chế của Jaguar Land Rover toàn cầu” – vị này cho biết.
Cũng theo đại diện của Đại Á, tại Việt Nam công ty có hai hệ thống đại lý phân phối ủy quyền ở miền Bắc (Royal Auto Hà Nội) và miền Nam (Royal Auto Sài Gòn).(VTC)
------------------
Trung Quốc giảm thâu tóm công ty Mỹ vì sợ ông Trump
Trong bối cảnh Washington cứng rắn hơn với Bắc Kinh, dòng tiền đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm hơn một nửa trong năm nay, theo hãng nghiên cứu thị trường Dealogic.
“Do hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Mỹ của Trung Quốc đang bị siết chặt, dòng tiền này đã giảm đến 65% trong năm 2017. Để so sánh, giá trị các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc đạt 65,2 tỉ USD năm ngoái, bao gồm một số vụ đình đám như Tập đoàn HNA mua lại 25% cổ phần của Hilton Worldwide” - hai chuyên gia Nicholas Farfan và Karl But của Dealogic bình luận.
Theo đài CNBC của Mỹ, áp lực và tính bất ổn xuất phát từ cả hai nước. Về phía Trung Quốc, nhà chức trách được cho là đang cố gắng kiểm soát không để dòng vốn chảy ra nước ngoài, góp phần làm suy yếu đồng nhân dân tệ.
Về phía Mỹ, các báo cáo cho thấy Ủy ban Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ viện dẫn các quan ngại về an ninh quốc gia để ngăn người Trung Quốc thâu tóm công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Chuyên gia Gregory Husisian thuộc công ty luật Foley & Lardner (Mỹ) lưu ý rằng ngày càng có nhiều khách hàng của hãng ngại làm việc với người Trung Quốc do khả năng can thiệp của các cơ quan quản lý khá cao.
Trong bối cảnh này, ngành môi giới thương mại cũng chịu một số tổn thất. Các chuyên gia của Dealogic ước tính khoảng 9,7 tỉ USD tiền của các doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào công ty Mỹ có thể bị thanh tra, khả năng sẽ khiến bên môi giới mất 75 triệu USD.
Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định ngoài một số lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ, đầu tư của Trung Quốc và bất động sản Mỹ và các ngành công nghiệp khác không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách của ông Trump.
Thật ra, rào cản thương mại tăng cao có thể khuyến khích các công ty Trung Quốc đặt nhà máy trực tiếp tại Mỹ, theo một số nhà phân tích
Trước mắt, việc Mỹ chưa công bố chính sách thương mại cụ thể với Trung Quốc càng làm tính bất ổn tăng cao.
“Hiện tại đang có rất nhiều băn khoăn. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục căng thẳng” - ông Siva Yam, chủ tịch Phòng thương mại Mỹ - Trung (Chicago), nhận xét.(Tuoitre)
----------------------------
Ông Trump và bộ sậu tỉ phú quay lưng nhau
Ngày 16-8, sau khi hàng loạt tỉ phú trong hai hội đồng cố vấn kinh doanh cấp cao ra đi vì bất mãn cách Tổng thống Mỹ Donald Trump ứng xử với vụ xung đột sắc tộc ở thị trấn Charlottesville (Virginia) cuối tuần rồi, ông Trump lệnh giải tán luôn hai hội đồng này.
Trong vụ xung đột này, cô Heather Heyer, một nhà hoạt động chống phân biệt sắc tộc đã thiệt mạng vì bị một thanh niên lái xe tông thẳng vào. Ngày 14-8, ông Trump lên tiếng đổ lỗi bạo lực xảy ra không chỉ do bộ phận người da trắng cực đoan mà cả do các nhà hoạt động chống phân biệt sắc tộc gây ra.
Hai hội đồng ông Trump đề cập là Hội đồng Sản xuất Mỹ và Diễn đàn Chiến lược và Chính sách, được thành lập từ chính ý tưởng của ông Trump. Hội đồng Sản xuất có nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Diễn đàn này có nhiệm vụ cố vấn cho ông Trump về ảnh hưởng chính sách chính phủ đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và năng suất.
Sau phát ngôn này của ông Trump đã có tám lãnh đạo trong hai tập đoàn từ chức. Những người này vốn là tỉ phú, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ.
“Thay vì tạo áp lực lên các nhà kinh doanh của Hội đồng Sản xuất và Diễn đàn Chiến lược và Chính sách, tôi sẽ kết thúc cả hai” - ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Trump quyết định giải tán hai hội đồng cố vấn kinh doanh sau khi các tỉ phú bỏ đi. Ảnh: REUTERS
Thực tế hai hội đồng này đã bắt đầu xúc tiến giải tán cùng lúc ông Trump phát ngôn trên Twitter. Tỉ phú lãnh đạo Diễn đàn Chiến lược và Chính sách là Tổng Giám đốc Stephen Schwarzman của Tập đoàn Blackstone Group, một đồng minh thân thiết với ông Trump trong thế giới kinh doanh. Ông Schwarzman ngày 15-8 kêu gọi các thành viên cấp cao trong diễn đàn phản ứng với phát ngôn của ông Trump. Và đa số thành viên ủng hộ giải tán diễn đàn. Ông Schwarzman sau đó gọi cho ông Trump thông báo quyết định.
Ông Andrew Liveris, Tổng Giám đốc Công ty Dow Chemical Co, lãnh đạo Hội đồng Sản xuất Mỹ, cho biết đã thông báo với Nhà Trắng rằng hội đồng không thể hoạt động tiếp sau phát ngôn của ông Trump.
Tổng Giám đốc Stephen Schwarzman của Tập đoàn Blackstone Group. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Phát ngôn của ông Trump khiến hàng loạt nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa phản đối mạnh. Về phe Cộng hòa có lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, Thống đốc bang Ohio John Kasich, nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và hai cựu tổng thống Cộng hòa George H.W. Bush và George W. Bush. Cả Thủ tướng Anh Theresa May cũng lên tiếng phản đối.
Đây là sự bất lợi lớn vì ông Trump rất cần sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa để thông qua các chính sách, luật quan trọng như cắt giảm thuế, cải cách y tế… Có thể nói với phát ngôn này, tình trạng bị cô lập của ông Trump thêm gia tăng.
Các quan chức quân đội Mỹ thường không can thiệp chính trị. Nhưng ngày 15-8 đã có hai quan chức quân đội cấp cao lên tiếng lo ngại, dù không đề cập trực tiếp ông Trump.
“Quân đội không dung dưỡng phân biệt sắc tộc, cực đoan, hay sự căm ghét trong hàng ngũ của mình. Điều này đi ngược các giá trị và mọi điều chúng ta bảo vệ từ năm 1775 đến nay” - Tổng Tham mưu quân đội Mark Milley viết trên Twitter.
Làn sóng bỏ đi vì phản đối phát ngôn của ông Trump có thể chưa dừng lại. Một cựu quan chức cấp cao chính phủ Trump nhận định có thể sẽ có thêm một số quan chức Nhà Trắng từ chức.
Đó có thể là cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và không loại trừ cả Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao. Theo cựu quan chức này, cả ba người này sẽ không muốn tiếp tục dính dáng đến ông Trump vì lo ngại uy tín mình bị ảnh hưởng.
“Ông ấy lo ngại uy tín bị mất mát, điều này quan trọng với ông ấy hơn bất cứ điều gì” - cựu quan chức này nói về cố vấn Cohn.
Làn sóng phản đối dù có mạnh thì ông Trump vẫn nhận được một số sự ủng hộ. Đó là từ Phó Tổng thống Mike Pence, ông David Duke - cựu lãnh đạo đảng 3K Ku Klux Klan đề cao người da trắng, lãnh đạo nhóm người da trắng cực đoan Richard Spencer.(PLO)
-----------------------------
Báo cáo lợi nhuận “khủng”, ông chủ Tencent kiếm thêm gần 2 tỷ USD
Ngày 16/8, hãng công nghệ Tencent của Trung Quốc công bố lợi nhuận quý 2 cao kỷ lục nhờ mảng game di động, thanh toán điện tử và quảng cáo trực tuyến, hãng tin Reuters cho biết.
Trong quý 2/2017, Tencent đạt lợi nhuận 18,23 tỷ Nhân dân tệ (2,72 tỷ USD) - vượt dự báo của giới phân tích trước đó và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất của công ty này trong 7 năm qua.
Trong khi đó, doanh thu của công ty tăng 59% lên 56,6 tỷ Nhân dân tệ (8,4 tỷ USD) - mức doanh thu quý cao nhất kể từ năm 2007.
Sau khi công bố lợi nhuận quý “khủng”, cổ phiếu Tencent đóng cửa phiên ngày 16/8 trên sàn giao dịch Hồng Kông ở mức 323 Đô la Hồng Kông/cổ phiếu, đạt giá trị vốn hoá 387 tỷ USD. Đầu phiên ngày 17/8, cổ phiếu này giao dịch ở mức 340 Đô la Hồng Kông, tăng 3,47%.
Theo đó, tài sản của nhà sáng lập, chủ tịch Tencent Ma Huateng (Pony Ma) cũng tăng thêm 1,7 tỷ USD, lên 37,7 tỷ USD, theo thống kê của Forbes. Ma Huateng tiếp tục duy trì vị trí là người giàu nhất tại Trung Quốc, theo sau là ông chủ Alibaba Jack Ma với tài sản 37,1 tỷ USD.
Doanh thu và lợi nhuận của Tencent tăng mạnh nhờ sức nóng của game Honour of Kings, giúp doanh thu game di động của hãng tăng 54% lên 14,8 tỷ Nhân dân tệ, lần đầu tiên vượt doanh thu game máy tính.
Honour of Kings hiện cũng là game hàng đầu trên thế giới, được yêu thích tới mức tháng trước Tencent phải giới hạn thời gian chơi trước những chỉ trích gây nghiện ở trẻ em.
Đồng thời, ứng dụng tin nhắn cũng mang về doanh thu lớn cho Tencent khi có lượng người dùng hoạt động hàng tháng tăng lên mức kỷ lục 963 triệu người. Mảng thanh toán và quảng cáo trực tuyến cũng góp phần giúp doanh thu và lợi nhuận của Tencent tăng vọt.
Thời gian tới, Tencent cho biết dự định đầu tư vào dịch vụ thanh toán, đám mây và trí tuệ nhân tạo dù đây là lĩnh vực hãng này hơi chậm chân so với đối thủ.
"Chúng tôi sẽ kiên trì với chiến lược đầu tư vào trí tuệ nhân tạo bởi chúng tôi tin rằng đây là chiến lược dài hạn và chưa đòi hỏi sinh doanh thu trong ngắn hạn”, lãnh đạo Martin Lau của Tencent cho biết.
Ông Lau cũng nói thêm tất cả các mảng kinh doanh hiện tại của Tencent sẽ được hưởng lợi từ hoạt động nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, đặt biệt là quảng cáo, dịch vụ thông tin và công nghệ tài chính.(Vneconomy)