'Siết' chia lợi nhuận ở doanh nghiệp nhà nước; Hà Nội thông qua nghị quyết cấm xe máy vào năm 2030; Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang từ chức; Giá trị thương hiệu của Viettel đạt 2,686 tỷ USD, Vinaphone 1,04 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-07-2017
- Cập nhật : 04/07/2017
Lộ diện nhà đầu tư ngoại muốn làm đường sắt đô thị Hà Nội
Hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị.
UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP đối với 10 tuyến dự án đường sắt đô thị Hà Nội theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trừ hai dự án Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc tuyến số 2 và ga Hà Nội - Yên Sở (quận Hoàng Mai) thuộc tuyến số 3 đề xuất đầu tư từ nguồn vốn ODA).
Trên cơ sở rà soát quy hoạch đã được phê duyệt, Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép trước mắt từ năm 2017 -2020 lựa chọn để đầu tư các đoạn tuyến sau: sân bay Nội Bài đi Nam Thăng Long (18km) và Thượng Đình - Vành đai 2,5- Bưởi (7km, tuyến số 2); đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (38,4km, tuyến số 5); đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng (5,9 km, tuyến số 3).
Hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị, gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty LICOGI và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam; 2 nhà đầu tư nước ngoài gồm: Công ty Mosmetrostroy (Liên bang Nga) và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc.
Nội dung đối tác công tư theo đề xuất của Hà Nội là các doanh nghiệp được chọn là nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để chi cho việc lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, các tuyến đường trên cao, đề pô và đường ray.
UBND TP. Hà Nội đầu tư các hạng mục còn lại gồm: đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, an toàn, an ninh (gồm cả hệ thống phần mềm điều khiển), thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác theo chương trình thống nhất trên toàn bộ hệ thống của thành phố.
Việc lựa chọn nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí năng lực tài chính, quản trị dự án, kinh nghiệm và các cam kết của nhà tư, trong đó ưu tiên nhà đầu tư trong nước.
Để thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP, Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.
Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, cùng phối hợp với Bộ GTVT, Tài chính, Xây dựng lựa chọn, báo cáo Thủ tướng quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP, thực hiện ngay từ khâu lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, ứng tiền cho giải phóng mặt bằng, tổ chức xây dựng các hạng mục thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, gồm cả đi trên cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng, đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến các dự án trên vào khoảng hơn 40 tỷ USD, trong đó nhu cầu về vốn giai đoạn 2017-2020 khoảng hơn 7,5 tỷ USD, 2021-2025 khoảng 7,6 tỷ USD, từ 2026-2030 khoảng hơn 3,5 tỷ USD, sau 2031 khoảng 21,3 tỷ USD.
Ông Lê Đỗ Mười, Viện phó Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), cũng thông tin theo quy hoạch đến 2030 Hà Nội sẽ có 10 tuyến tàu điện ngầm và metro. Một số đoạn trong các tuyến đã và đang được triển khai, UBND Hà Nội đang báo cáo Chính Phủ để kêu gọi tiếp tục đầu tư.
Mới đây, Vingroup cũng bày tỏ mong muốn đầu tư 100.000 tỷ làm đường sắt tư nhân đầu tiên tại Hà Nội.(Baogiaothong)
-----------------------------
Vinachem 'cầu cứu' Chính phủ khoản vay Trung Quốc 250 triệu USD
Tập đoàn Hoá chất đề nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ và hỗ trợ trả khoản vay 250 triệu USD từ phía China Eximbank.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng, nêu quan điểm về đề xuất khoanh, giãn nợ với khoản vay 250 triệu USD từ China Eximbank của Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) để triển khai dự án Đạm Ninh Bình hồi năm 2008. Khoản vay này có thời hạn trong 15 năm và tới cuối tháng 3/2017 Vinachem đã trả nợ gốc 87,5 triệu USD, hiện dư nợ vay là 162,5 triệu USD.
Tuy nhiên, do kinh doanh khó khăn, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính hồi tháng 4/2017, Vinachem đề xuất loạt giải pháp xử lý khoản nợ này, trong đó tập đoàn kiến nghị sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay 162,5 triệu USD sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ 2022 đến hết năm 2028. Cũng theo phương án trả nợ Vinachem đưa ra, từ năm 2017 đến 2022 ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinchem khoảng 125 triệu USD.
Vinachem vay 250 triệu USD từ ngân hàng China Eximbank để triển khai dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: PV
Sau khi rà soát Bộ Tài chính cho rằng, nguồn thu Quỹ tích luỹ trả nợ hiện rất hạn chế và đang phải trả cho nhiều dự án khó khăn khác, như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin, hay SBIC)...
Cũng theo cơ quan này, việc đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín, đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.
"Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là chưa phù hợp”, văn bản của Bộ Tài chính nêu.
Vì thế, Bộ Tài chính yêu cầu Vinachem tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.(Vnexpress)
-----------------------
Vải thiều Việt bán 200.000 đồng một kg tại Thái Lan
Lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên được xuất sang Thái Lan hôm 30/6 và đang được niêm yết tại siêu thị ở Bangkok với giá 200.000 đồng một kg.
Lô hàng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên chính thức được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan kể từ ngày 30/6. Đến ngày 3/7, mặt hàng này được trưng bày lên quầy kệ của một số chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group tại Bangkok. Tại đây, mỗi kg vải thiều niêm yết giá 299 baht, tương đương 200.000 đồng.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu qua hơn 30 nước trên thế giới. Trong đó, Thái Lan là một trong 5 nước xuất khẩu quả vải lớn nhất thế giới và rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu cũng như làm chứng thực về marketing, làm xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản địa phương.
"Việc xuất khẩu thành công vải thiều sang Thái Lan lần này tiếp tục khẳng định chất lượng của vải thiều Lục Ngạn trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với các thị trường khó tính khác như Mỹ, Australia, Nhật Bản”, ông Tấn cho hay.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016. Diện tích trồng vải của Bắc Giang vẫn duy trì gần 30.000 ha. Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016, trong đó đạt tiêu chuẩn Viet GAP khoảng 40.000 tấn; Global GAP khoảng 1.600 tấn.
Năm 2017, dự kiến tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lần lượt đạt khoảng 50.000 tấn. (Vnexpress)
---------------------
700 đồng một lá tía tô xuất sang Nhật
Loại tía tô màu xanh được chọn lọc từng lá với kích cỡ bằng nhau, không rách nát khi xuất khẩu sang Nhật Bản có giá 500-700 đồng mỗi lá.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết đơn vị này vừa có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu lá tía tô xanh (tía tô mùi tây) sang Nhật Bản. Theo đó, giá bán mỗi chiếc lá tía tô vào nhà hàng Nhật Bản có giá lên tới 500-700 đồng.
Vị này cho biết, đây là loại lá tía tô giống của Nhật Bản, lá màu xanh, không phải loại lá tím thường thấy ở Việt Nam. Đại diện May Hồ Gươm cho biết, để đủ điều kiện xuất khẩu, công ty đã khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất, xây nhà kính và áp dụng quy trình gieo trồng, sản xuất nghiêm ngặt theo kỹ thuật, công nghệ và chuyên gia Nhật Bản. Bên cạnh yêu cầu khắt khe về kỹ thuật khi trồng, các lá tía tô còn phải được thu hoạch đúng ngày tuổi và có kích cỡ đều tăm tắp, không được rách, nát. Với những lá để quá lứa phải hái bỏ.
Hiện nay, mỗi ngày công ty này xuất khẩu sang Nhật vài chục nghìn lá, đồng thời phải đặt riêng một chỗ với hãng hàng không để đảm bảo ngày nào cũng có sản phẩm xuất sang Nhật Bản.
Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một ha trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, cho doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, nhất là sản phẩm rau sạch, an toàn này đều được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đơn vị này xây dựng trang trại trồng lá tía tô ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có trên diện tích 11,3 ha, với tổng số vốn khoảng 150 tỷ đồng được triển khai từ giữa năm 2016. Trong đó, bên cạnh 8,2ha nhà kính còn có các công trình phụ trợ khác, như: nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…(Vnexpress)