Tái đàm phán NAFTA: bày trận mới; Phát hiện công ty 'ma' nhập hàng cấm; Australia công bố tiền giấy mới 10 AUD có tính năng cảm nhận bằng cảm giác; Mỹ, Nhật Bản đẩy mạnh đàm phán về thương mại song phương
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-08-2017
- Cập nhật : 18/08/2017
Suzuki có doanh số bán xe thấp kỷ lục, mặc dù giảm giá tới 60 triệu đồng
Tháng 8, Suzuki giảm giá sản phẩm của mình từ 10 - 60 triệu đồng, dù rất "chăm chỉ" giảm giá, song, Suzuki lại là hãng ô tô có doanh số bán xe ế ẩm nhất nhì Việt Nam.
Hiện tại, Suzuki đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam 8 mẫu ô tô các loại. Trong đó, có 3 mẫu xe tải và 5 mẫu xe thương mại là: Ciaz, Ertiga, Vitara, Swift 1.4l và Swift RS.
So với các đối thủ nằm trong cùng phân khúc, các mẫu ô tô của Suzuki luôn có giá bán rẻ hơn khá nhiều. Cụ thể, ở phân khúc sedan hạng B, Suzuki Ciaz đang là đối thủ của Toyota Vios, Honda City, Mazda2, Ford Fiesta,... xét về giá, Ciaz rẻ hơn các đối thủ vài chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng.
Tương tự, ở phân khúc MPV cỡ nhỏ, Suzuki Ertiga (giá đề xuất là 639 triệu đồng) có giá ưu đãi hơn so với một số đối thủ cùng phân khúc là Toyota Innova (giá đề xuất từ 793 - 995 triệu đồng) hoặc Kia Rondo.
Không những vậy, Suzuki là một trong những hãng xe ít ỏi "chăm chỉ" giảm giá ô tô trên thi trường, thậm chí là còn giảm rất mạnh.
Cụ thể, trong tháng 8, mẫu sedan cỡ nhỏ Suzuki Ciaz giảm 30 triệu đồng so với tháng 7, giá bán tại các đại lý giảm từ 540 triệu đồng xuống còn 490 triệu đồng. Với giá bán này, Suzuki Ciaz đã giảm tới 90 triệu đồng so với giá đề xuất.
Trong khi đó, Suzuki Ertiga nhận được mức ưu đãi tháng 8 khi giảm 20 triệu đồng, từ 609 triệu đồng xuống còn 589 triệu đồng, thấp hơn giá đề xuất 50 triệu đồng.
Suzuki Vitara nhận được mức ưu đãi thấp nhất, hiện giá bán tại các đại lý là 729 triệu đồng, thấp hơn giá đề xuất 50 triệu đồng.
Đối với Swift 1.4l và Swift RS, trong tháng 8 nhận được mức giảm từ 40 - 60 triệu đồng, trong đó, Swit 1.4l giảm từ 529 xuống còn 469 triệu đồng (thấp hơn giá đề xuất đúng 100 triệu đồng); Swift RS giảm 60 triệu đồng, từ 569 xuống còn 509 triệu đồng (thấp hơn giá đề xuất 100 triệu đồng).
Mặc dù "chăm chỉ" giảm giá, Suzuki đang gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam khi doanh số bán xe luôn ở mức báo động độ. Nếu so sánh với các đối thủ đồng hương như Toyota, Honda, Chevrolet,... Suzuki đang kém một khoảng cách rất xa.
Suzuki bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam vào năm 1996, sau khi mất 1 năm xây dựng nhà máy ở Biên Hòa (Đồng Nai). Suzuki cũng là một trong những hãng xe hơi đầu tiên kinh doanh tại Việt Nam (kinh doanh cùng thời điểm với Toyota), song, nếu so với người đồng hương, Suzuki đang gặp khủng hoảng thật sự.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) mới nhất, trong tháng 7, Suziki góp mặt 3/5 mẫu xe thương mại trong danh sách 10 mẫu xe ế nhất Việt Nam.
Trong đó, Suzuki Ciaz chỉ bán được 2 xe trong tháng 7, cộng gộp 7 tháng đầu năm 2017, doanh số bán xe của Ciaz vèn vẹn 113 chiếc.
Xếp ngay sau vị trí của Ciaz là mẫu Suzuki Vitara, trong tháng 7, Virata bán được 3 xe. Tính chung 7 tháng năm 2017, Vitara có tất cả 20 xe. Đây là doanh số thấp kỉ lục của một mẫu ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam.
Mẫu xe còn lại là Ertiga, trong tháng 7, Ertiga bán được được 13 xe, nâng tổng số xe trong 7 tháng năm 2017 lên 125 xe.
Trong khi đó, 2 phiên bản của Swift có doanh số bán ra khả quan hơn nhưng không hẳn là vượt trội. Swift cũng là một gương mặt quen thuộc trong danh sách 10 mẫu xe ế nhất thị trường Việt Nam.
Nếu cộp gộp 3 mẫu xe thương mại của Suzuki, trong vòng 7 tháng, doanh số bán xe của nhà sản xuất Nhật Bản này chưa đạt nổi 300 chiếc. Một con số kinh hoàng của một hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam.
Trái với dòng xe thương mại, ở phân khúc xe tải, 3 mẫu xe của Suzuki có phần khả quan hơn những cũng không bù nổi doanh số thấp kỷ lục của hãng.
Mới đây, trong triển lãm ô tô Việt Nam 2017 (VMS), Suzuki tự tin ra mắt mẫu xe giá rẻ Celerio. Đây là kỳ vọng của Suzuki khi đánh mạnh vào phân khúc xe giá rẻ. Tuy nhiên, mẫu xe này phải đến đầu năm 2018 mới được bán ra thị trường.(VTC)
---------------------------------
Trung Quốc buộc các công ty dạng 'công nghệ sợ vợ' đổi tên
“Công ty công nghệ Sợ Vợ Bắc Kinh” hay “Công ty công nghệ Nhìn Cái Gì” sẽ phải thay đổi tên giao dịch theo quy định mới tại Trung Quốc
Trụ sở Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh bị người dân ví von là “chiếc quần lót khổng lồ” - Ảnh: AFP
Các doanh nghiệp Trung Quốc có cách đặt tên kỳ quái như “Công ty công nghệ Sợ Vợ Bắc Kinh” hay “Công ty công nghệ Nhìn Cái Gì” sẽ bị buộc phải thay đổi tên giao dịch, theo quy định mới của chính phủ nước này.
Sau một chiến dịch rầm rộ trước đó nhằm xóa sổ các biển hiệu công cộng sử dụng tiếng Anh kiểu “Google dịch”, nhà chức trách Trung Quốc mới đây đã khởi động một chiến dịch mới nhắm vào các doanh nghiệp có tên gọi quá dài hoặc quá kỳ lạ.
Một số doanh nghiệp có tên nằm trong diện bị buộc phải thay đổi gồm có “Công ty thương mại điện tử lớn nhất Bà Xã Thượng Hải” và “Công ty công nghệ Internet Đi Tìm Rắc Rối Không Chút Khó Khăn Hàng Châu”, theo tờ Legal Daily, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCS Trung Quốc.
Một ví dụ về tên doanh nghiệp “đọc mỏi miệng” cũng sẽ phải thay đổi theo quy định mới có thể kể đến như “Công ty công nghệ Internet Có Một Nhóm Bạn Trẻ Có Ước Mơ Và Tin Rằng Họ Có Thể Tạo Nên Những Điều Kỳ Diệu Trong Cuộc Sống Dưới Sự Lãnh Đạo Của Chú Lương”, hãng AFP dẫn tờ Legal Daily cho biết.
Theo quy định mới do Tổng cục Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ban hành có hiệu lực từ tháng 8, những tên gọi mang tính xúc phạm, kỳ thị chủng tộc hay có liên quan đến tôn giáo, chính trị đều sẽ không được phép dùng để đặt tên doanh nghiệp.
Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã đưa ra một bộ tiêu chuẩn quốc gia về việc sử dụng tiếng Anh trên các biển báo công cộng nhằm loại bỏ những bản dịch “tiếng Anh kiểu Trung” kém chất lượng, một nỗ lực được cho là nhằm cải thiện hình ảnh nước này trong mắt du khách.
Bộ tiêu chuẩn bao gồm bản dịch cho 3.500 cụm từ thông dụng trong 13 lĩnh vực như vận tải, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính, cũng như tên các món ăn phổ biến của Trung Quốc.
Theo AFP, chính quyền nước này cũng đã ra lệnh cấm các công trình xây dựng có kiến trúc “kỳ dị”, sau khi một số công trình mới mọc lên gần đây như trụ sở Đài truyền hình Trung ương tại thủ đô Bắc Kinh bị người dân ví von là “chiếc quần lót khổng lồ”.(Tuoitre)
----------------------
Chính phủ vẫn muốn huy động vàng, “đô”
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi cụ thể đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu các yêu cầu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017.
Như đề cập vừa qua, văn bản trên truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của mình, trong đó phải “bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20%, gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển”.
Với yêu cầu trên, định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18% mà Ngân hàng Nhà nước cân đối đầu năm nay sẽ phải nâng lên đáng kể. Yêu cầu trên của Thủ tướng không nêu mức giới hạn tối đa, mà được hiểu tối thiểu phải trên 20%.
Cũng tại văn bản trên, yêu cầu đặt ra với Ngân hàng Nhà nước là phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Đáng chú ý, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển”.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 18/7 vừa qua, yêu cầu huy động các nguồn ngoại tệ, vàng nói trên đã được nhấn mạnh. Tại buổi làm việc, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã nêu quan điểm về việc huy động nguồn lực ngoại tệ, vàng trong dân bằng các giải pháp kích thích chuyển hóa trong thời gian qua.
Thống đốc cho biết các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND. Như năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành đồng Việt Nam và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.
“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả với vàng, trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa, chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực nhưng làm sao bảo đảm ổn định”, Thống đốc nói tại buổi làm việc trên.
Tuy nhiên, như ở văn bản mới nhất nói trên, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu nghiên cứu để “có giải pháp phù hợp”.(Vneconomy)
----------------------------------
Đã quyết thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp Tập đoàn dầu khí
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản phê duyệt thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như DPM, Phân bón Cà Mau, PVcomBank, PV Trans, SSG, PVOIL, PV Tex.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Tử Trực
Sáng nay 17-8, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020.
Theo đó, Chính phủ quyết định giữ nguyên các doanh nghiệp sau như hiện nay, gồm: Công ty mẹ- PVN tiếp tục là công ty TNHH 1TV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS); Trường Cao đẳng nghề dầu khí.
Ngoài ra giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn của PVN tại các công ty con, liên kết, liên doanh sau: Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVN nắm giữ 51,37% vốn điều lệ); Liên doanh dầu khí Việt- Nga Vietsovpetro (PVN nắm 51% vốn điều lệ); Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVN nắm 50,40% vốn điều lệ); Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro (PVN nắm 49% vốn điều lệ); Công ty TNHH Liên doanh Gazpromviet (PVN nắm 49% vốn điều lệ nhưng thực hiện tái cơ cấu phù hợp với triển khai các dự án và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền); Công ty TNHH Lọc hoá dầu Long Sơn (PVN nắm 29% vốn điều lệ); Công ty TNHN Tân Cảng- Petro Cam Ranh (PVN nắm 25% vốn điều lệ); Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (25,10% vốn điều lệ).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị PVN duy trì các công ty cấp IV đối với 2 công ty thuộc Tổng công ty thăm dò và Khai thác Dầu khí (gồm Công ty TNHH 1TV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí Peru; Công ty TNHH 1TV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí Ba Tư).
Đối với 2 công ty cấp IV thuộc Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí, Phó Thủ tướng yêu cầu PVN nghiên cứu chuyển thành công ty cấp III theo hình thức chuyển nhượng vốn cho công ty cấp II,...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao PVN thực hiện giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN tại các doanh nghiệp theo từng giai đoạn.
Nhà nước chỉ còn nắm giữ 51% vốn tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau
Cụ thể, từ 2017- 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí- CTCP từ 61,3% xuống 51% vốn điều lệ; giảm từ 75,56% xuống còn 51% vốn điều lệ của PVN tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM).
Trong giai đoạn từ 2018- 2019, PVN giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty khí Việt Nam- CTCP từ 96,72% xuống 65% vốn điều lệ. Còn trong giai đoạn 2019- 2020 tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) thì PVN giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% vốn điều lệ nếu đàm phán và được Ngân hàng Citibank đồng ý sửa đổi cam kết trước đó của hai bên về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của PVN.
Về nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá mà PVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt danh mục gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL); Công ty TNHH MTV Lọc- Hoá dầu Bình Sơn; Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVN đang nắm 51% vốn điều lệ đến năm 2019. Trường hợp đàm phán được với các ngân hàng cho vay vốn thì có thể giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN sớm hơn).
Lãnh đạo Chính phủ cũng phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà PVN thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019. Giai đoạn 2017- 2018 là tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí SSG. Còn trong giai đoạn 2018- 2019 thì PVN thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty bảo dưỡng- sửa chữa công trình dầu khí- CTCP.
Đối với Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí PV Tex (PVN đang nắm 74% vốn điều lệ) và Công ty TNHH 1TV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất – DQS (PVN đang nắm 100% vốn điều lệ) thì thực hiện sắp xếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017- 2020.
Ngoài ra, trong quý III/2017, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Cơ cấu lại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trước khi cổ phần hoá Tổng công ty; tái cơ cấu, chuyển giao vốn PVN tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank); sắp xếp đối với Trường Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí Việt Nam.
Cũng trong quý III/2017, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương báo cáo lý do mà Bộ này đề nghị duy trì tỷ lệ vốn PVN nắm giữ tại các doanh nghiệp sau đến hết năm 2020: Tổng công ty tư vấn thiết kế dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí- CTCP.
Trong quý IV/2017, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tư pháp và PVN xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017- 2020 trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với PVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu có trách nhiệm triển khai sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng danh mục và tiến độ. Trong quá trình thực hiện, những đơn vị có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thì Hội đồng thành viên PVN chủ động quyết định điều chỉnh tiến độ; những đơn vị có khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thì báo cáo Bộ Công Thương quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm hoàn thành trong năm 2020.(NLĐ)