tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-08-2017

  • Cập nhật : 18/08/2017

Thủ tướng thăm Thái Lan: Nâng tầm quan hệ chiến lược Việt - Thái

Trong chuyến thăm Thái Lan sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Đông Nam Á hứa hẹn sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan vốn rất có tiềm năng trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam - Thái Lan, mối quan hệ có từ lâu đời

Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ láng giềng hữu nghị vốn được hình thành từ rất sớm bằng những cuộc tiếp xúc buôn bán giữa hai bên từ thế kỷ XIII và được tiếp nối qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trải qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ này ngày càng trở nên gắn bó và bền chặt. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan ngày 6/8/1976 đã mở ra một trang sử mới trong quan hệ hai nước, đánh dấu bằng chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai bên thông qua một  Tuyên bố chung.

Là hai nước có sự gần gũi về địa lý và tương đồng về văn hóa, quan hệ Việt Nam-Thái Lan được hình thành và phát triển một cách hài hòa, tự nhiên và được duy trì thường xuyên, lâu dài trong lịch sử.

viet thai

 

Đây là tiền đề quan trọng tạo nên sự thông hiểu lẫn nhau giữa hai quốc gia, giúp tăng cường mối giao lưu và hạn chế những bất đồng.

Yếu tố con người cũng là nguyên nhân giúp quan hệ Việt Nam-Thái Lan xích lại gần nhau. Trong lịch sử, đã có những cuộc di cư của người Thái sang Việt Nam và người Việt Nam sang đất Thái. Đặc biệt, người Việt tuy di cư sang Thái Lan muộn hơn chiều ngược lại, song trải qua nhiều biến động lịch sử, cộng đồng người Việt đã hòa nhập khá nhanh, trở thành một phần sắc dân tại Thái Lan.

Chính cộng đồng này là hạt nhân kết nối quan hệ hữu nghị giữa hai nước bằng các hoạt động dạy tiếng Việt và tiếng Thái cho người dân hai bên, quảng bá văn hóa Việt Nam tại Thái Lan…

Nhận thức được quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ tạo ra nhiều thành quả mới, Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan đã được thành lập vào ngày 1/8/1996 để tăng cường sự hiểu biết, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị thông qua một cầu nối chính thức.

Phát triển quan hệ song phương trong bối cảnh quốc tế đầy biến động

Kể từ chuyến thăm chính thức đầu tiên năm 1978, hai nước Việt Nam và Thái Lan không ngừng tăng cường các cuộc tiếp xúc, tham vấn, chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng, trong đó nổi bật là việc hai nước nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Từ đây, quan hệ Việt Nam- Thái Lan không ngừng có những bước tiến mới, với hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Tại các diễn đàn quốc tế, hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác khu vực, như Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)…cũng như tại các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc…

Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập cuối năm 2015, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy sự phối hợp để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, đồng thời củng cố sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Kế thừa những thành quả tốt đẹp đó, chuyến thăm Thái Lan tới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho hai quốc gia, không chỉ trong phạm vi song phương mà còn đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng chung ASEAN phát triển hơn nữa.

Theo thống kê cuối năm 2016, dân số cũng như tổng GDP của Việt Nam và Thái Lan chiếm 1/3 trong Cộng đồng ASEAN.

Do vậy, vai trò sự hợp tác kinh tế của hai nước có ảnh hưởng rất lớn vào tổng thể lớn mạnh chung của Cộng đồng. Về các mục tiêu cụ thể, Việt Nam mong muốn hàng hóa xuất khẩu sẽ tiếp cận sâu hơn vào thị trường Thái Lan, giảm chênh lệch cán cân thương mại; giữa hai bên sẽ có trao đổi về công nghệ, kinh nghiệm trong các lĩnh vực mỗi nước có thế mạnh; khuyến khích Thái Lan đầu tư vào các ngành nghề phù hợp với tiềm năng của Việt Nam như du lịch biển, dệt may, mỹ phẩm, nông sản, máy móc, thực phẩm…

Bên cạnh các mặt hợp tác truyền thống, chuyến thăm còn là dịp để hai bên đối thoại, bàn thảo về phương hướng xử lý các vấn đề chung có ảnh hưởng đến quan hệ hai song phương. Một trong những nội dung quan trọng là vấn đề hợp tác trên biển.

Với việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đã thông qua dự thảo Khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Việt Nam mong muốn Thái Lan sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một bên quan trọng thúc đẩy các bên đàm phán thực chất để nhanh chóng đạt được Bộ Quy tắc chính thức.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới có nhiều phức tạp với sự mở rộng quy mô và địa bàn của các tổ chức khủng bố, tội phạm, việc nâng cao năng lực xử lý các vấn đề trên biển, hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao…cũng sẽ là các nội dung đáng chú ý được đưa ra bàn thảo, thống nhất.

Với nhiều chủ đề, lĩnh vực hợp tác mang tính chất thời đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới, quan hệ Việt Nam-Thái Lan được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn, không chỉ mang đến lợi ích cho mỗi nước, mà sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ASEAN, tạo thế và lực mới giúp Cộng đồng ASEAN giải quyết những thách thức chung trong thời tương lai.(VTC)
--------------------------------

Thông tin xuất khẩu lợn sang Trung Quốc đã khơi thông trở lại là không chính xác

Trong những ngày gần đây, xuất hiện thông tin, xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc đã được khơi thông trở lại, giá lợn hơi sẽ nhích lên, tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin này không chính xác và có thể khiến người nông dân bị thiệt hại nếu vội vã tăng đàn.

Nhiều người chăn nuôi băn khoăn không biết có nên tăng đàn trở lại hay không? Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, nguồn cung lợn hơi vẫn rất dồi dào, người chăn nuôi tăng đàn sẽ dẫn tới thua lỗ nặng.

Giá lợn nhích tăng theo tin đồn

Nông dân Nguyễn Văn Thành, ở Phù Cư, Hưng Yên cho biết: "Mấy ngày nay xuất hiện thông tin xuất khẩu lợn qua Trung Quốc có dấu hiệu thuận lợi. Tôi mừng quá, nhưng những thông tin này chỉ là truyền tai nhau, chưa được kiểm chứng. Mấy ngày gần đây, giá lợn có dấu hiệu phục hồi nhẹ nên tôi đã quyết định bán bớt đi 70 lợn loại 160 - 200 kg/con. Hiện lợn đang được thương lái trả 32.000 - 34.000 đồng/kg".

Còn theo nông dân Vũ Trọng Trung, Thủy Nguyên, Hải Phòng, trong thời gian vừa qua, người chăn nuôi truyền tai nhau rằng, giá lợn hơi đang tăng lên, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, người nuôi vẫn đang rất hoang mang, không biết thông tin này có thật hay chỉ là tin đồn.

152204channuoilon

 

“Vì nếu tăng đàn ngay lập tức mà không có đầu ra thì sẽ lặp lại tình trạng như hồi đầu năm nay. Còn nếu không tăng đàn, đến khi giá tăng cao sẽ không có lợn để bán. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang nghe ngóng và tìm hiểu thật kỹ trước khi tăng đàn hay duy trì đàn lợn như hiện nay” ông Trung cho biết thêm. Cùng chung tâm trạng với ông Trung, gia đình anh Quang Tuấn, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang cũng đang băn khoăn trước thông tin Trung Quốc đang nhập lợn hơi trở lại.

"Thông tin xuất hiện trên thị trường nhưng thực hư thế nào thì chúng tôi chưa biết rõ. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ đang nghe ngóng, chưa dám tăng đàn. Vì nếu tăng đàn mà không bán được thì lại rơi vào cảnh nợ nần, biết lấy gì để trả. Tất cả vốn liếng đã theo đàn lợn đi hết từ những tháng đầu năm 2017" Những ngày gần đây, giá lợn hơi có dấu hiệu phục hồi nhẹ.

Tại một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng... giá lợn hơi tăng từ 29.000 - 30.000 đồng/kg hơi lên mức 32.000 - 34.000 đồng/kg hơi. Tuy nhiên, tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai giá lợn hơi vẫn ở mức thấp từ 29.000 - 32.000 đồng/kg Chưa nên vội vã tăng đàn lợn

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguồn cung thịt lợn trên thị trường vẫn rất dồi dào. Trong khi đó, phương hướng xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch đều chưa có dấu hiệu khả quan. Do vậy, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt để tránh rơi vào vòng xoáy giảm giá như những tháng đầu năm 2017.

Để chứng minh cho thông tin này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, mỗi ngày có trên 10.000 con lợn được chở tới chợ đầu mối Bình Điền, Tân Xuân ở TP Hồ Chí Minh. Điều đó chứng tỏ, số lượng lợn hơi vẫn còn dư thừa quá nhiều. Trước đây, trung bình mỗi ngày hai chợ đầu mối này chỉ nhập khoảng 6.000 - 7.000 lợn là vừa.

Theo ông Đoán, thời điểm đầu tháng 7/2017 giá lợn hơi tăng đột biến gần gấp đôi. Nhưng ngay sau đó, lượng lợn hơi tuồn ra thị trường tăng nhanh, kéo giá lợn giảm xuống trở lại. Điều đó chứng tỏ, nguồn cung lợn hơi trong dân và của các công ty chăn nuôi vẫn còn rất nhiều.

Hơn nữa, trước đây mỗi ngày Việt Nam xuất được 3.000 - 4.000 lợn hơi qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng hiện nay, hầu như không xuất được con lợn nào. Vì vậy, giá lợn hơi ở Đồng Nai đã có thời điểm xuống dưới 30.000 đồng/kg. Chứng tỏ nguồn cung dồi dào. Do vậy, người chăn nuôi không nên tăng đàn vào thời điểm này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, thông tin đã xuất khẩu được lợn qua Trung Quốc là không chính xác, giá lợn đang đứng ở mức 34.000 - 36.000 đồng/kg là hòa vốn và không lỗ. Do vậy, người dân không nên tăng đàn vào lúc này.

Về việc đàm phán xuất khẩu lợn chính ngạch sang Trung Quốc, ông Dương cho biết, ngành chăn nuôi đang cố gắng hết sức, tuy nhiên cũng cần nhiều thời gian mới giải quyết được vấn đề này.(VTC)
---------------------------

Trữ lượng dầu mỏ Trung Quốc tăng liên tục trong 5 năm qua

Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc (MLR), đầu tư khai thác dầu khí của nước này trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng 12,6% so với giai đoạn 2007-2011.

Người phát ngôn của MLR Vu Hải Phong nhận định rằng với sự gia tăng đầu tư ổn định trong suốt 5 năm qua, trữ lượng dầu mỏ của Trung Quốc tăng liên tục. Ông Vu Hải Phong cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã phát hiện hơn 10 mỏ dầu có trữ lượng 100 triệu tấn.

Ngoài ra, các số liệu chính thức cũng cho thấy sản lượng dầu thô của Trung Quốc đạt 181,21 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2016, trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên đạt 121,1 tỷ m3.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn. Viện Nghiên cứu Công nghệ và Kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc (CNPC) ước tính sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ đã vượt quá 65% trong năm 2016.

Theo viện trên, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác để đảm bảo các nguồn cung cấp dầu mỏ trong nước, tiêu thụ năng lượng của nước này có xu hướng sạch hơn.

Theo bản kế hoạch 5 năm do Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) công bố hồi tháng 1/2017, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu thô trong nước lên 200 triệu tấn vào trước năm 2020, trong khi năng lực cung cấp khí đốt tự nhiên sẽ vượt 360 tỷ m3.(Bnews)
-----------------------

Alibaba sắp đuổi kịp Amazon về vốn hóa thị trường

Cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và Amazon đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Theo dữ liệu của Bloomberg, vốn hóa thị trường của Alibaba đã tăng vọt sau khi họ tổ chức hội nghị hàng năm với các nhà đầu tư vào ngày 8/6 vừa qua. Tại đây, công ty đưa ra dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ đạt 45 – 49% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Ngay sau đó, giá trị thị trường của công ty này đã tăng, tương đương từ mức 65% lên 87% giá trị thị trường của Amazon.

Hiện tại, vốn hóa thị trường của Alibaba đạt mức 392,7 tỷ USD trong khi đó con số tương tự của Amazon đạt 474,41 tỷ USD.

Alibaba là công ty sinh sau đẻ muộn trong lĩnh vực thương mại điện tử so với Amazon. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Alibaba dường như khá khẩm hơn so với Amazon. Công ty này thường xuyên công bố doanh thu và lợi nhuận tốt trong khi đó, lợi nhuận của Amazon luôn chỉ đạt mức "tí hon", thậm chí có nhiều quý liên tiếp thua lỗ. Dẫu vậy, cho đến nay các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào chiến lược của Amazon và đặt cược vào cổ phiếu của công ty này.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục