Chồng ca sĩ Trang Nhung rút vốn khỏi Pharbaco, thua lỗ hàng trăm tỉ đồng; Airbus bán lô máy bay trị giá gần 23 tỉ USD cho Trung Quốc; Đại gia Đặng Văn Thành nhảy vào điện mặt trời; Tập đoàn Nhật Bản bắt tay công ty nhựa Việt
Tin kinh tế đọc nhanh 06-07-2017
- Cập nhật : 06/07/2017
Thái Lan thành lập trung tâm Tài năng chiến lược thúc đẩy cách mạng 4.0
Trung tâm sẽ giúp xác định các chuyên gia Thái Lan và nước ngoài có kỹ năng đặc biệt về công nghệ và đổi mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân Thái Lan có nhiều thuận lợi hơn khi tuyển dụng họ vào làm việc, bằng cách đó nâng khả năng cạnh tranh của quốc gia lên cấp độ cao hơn.
Ông Suvit Maesincee, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cùng với lãnh đạo các cơ quan chính phủ tại lễ khai trương STC.
Nhằm tăng cường số lượng các chuyên gia và nguồn nhân lực tài năng để hỗ trợ khu vực tư nhân, Kế hoạch Thái Lan 4.0 nâng cấp cơ sở công nghệ của quốc gia và Hội đồng Đầu tư của Dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) đã cùng nhau thành lập một cơ sở có tên là Trung tâm Chiến lược Tài năng (STC).
Bà Hirunya Suchinai, Tổng thư ký của Hội đồng Đầu tư Thái Lan (BOI) cho biết, BOI đang hợp tác với các cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Thái Lan, Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) cũng như Văn phòng Chính sách Khoa học Công nghệ và Đổi mới quốc gia . Các đơn vị này sẽ cùng nhau thành lập Trung tâm Chiến lược Tài năng (STC), có vai trò là tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tìm kiếm và tuyển dụng các nhà nghiên cứu, chuyên gia và công nhân lành nghề, gồm cả người Thái và nước ngoài để hỗ trợ kinh doanh.
Trung tâm sẽ giúp xác định các chuyên gia Thái Lan và nước ngoài có kỹ năng đặc biệt về công nghệ và đổi mới. Đó là việc tìm và sắp xếp theo nhu cầu nhân sự của các công ty tham gia chương trình tại Thái Lan làm cho họ thuận lợi hơn khi tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, bằng cách đó nâng khả năng cạnh tranh của quốc gia lên cấp độ cao hơn.
Bà Hirunya nói: "Tuyển dụng nhân tài là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào và cũng là động lực then chốt cho kế hoạch 4.0 của Thái Lan. STC sẽ làm cho khu vực tư nhân tiếp cận dễ dàng hơn với các tài năng liên quan đến công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ số và công nghệ khoa học - và tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh và cư trú đối với các chuyên gia nước ngoài có nhu cầu. STC cũng sẽ thu thập trích ngang của các chuyên gia và tài năng trong một cơ sở dữ liệu. "
Hirunya nói rằng STC sẽ thúc đẩy mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu và khu vực tư nhân, sẽ cung cấp các dịch vụ chứng nhận trình độ chuyên môn cho những người trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các chuyên gia được chứng nhận sẽ được tạo điều kiện liên quan đến thị thực và giấy phép làm việc và sẽ có quyền truy cập vào hệ thống e-expert do Trung tâm Một cửa (One-Stop) về Thị thực và Giấy phép làm việc điều hành.
Vai trò của người hỗ trợ
Ông Suwipa Wanasathop, Phó chủ tịch Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) cho biết, cơ quan này sẽ là người hỗ trợ tìm kiếm các chuyên gia khoa học và công nghệ, những tài năng cả là người Thái và quốc tế, để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu về nhu cầu lao động của khu vực tư nhân.
"Chúng tôi sẽ giúp xác định và mời các chuyên gia nước ngoài để khu vực tư nhân có thể nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia quốc tế cho các chuyên gia địa phương. Từ đó, khu vực tư nhân sẽ có thể tăng cường và tạo ra nhiều tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của họ " - ông Suwipa nói.
Theo ông Suwit Maesincee, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm trợ giúp sẽ làm đòn bẩy cho kế hoạch Thái Lan 4.0 và Dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC). Nguồn nhân lực tài năng được đánh giá là rất cần cho nền tảng kinh tế cần thiết để tạo ra một chương mới về thương mại và đầu tư. Hơn nữa, trung tâm sẽ là mối liên kết giữa phía cung và cầu để phát triển đất nước trong dài hạn và tạo ra sự bền vững quốc gia trong thời kỳ tiếp theo.
Ông Suwit nói thêm rằng kiến thức khoa học và công nghệ sẽ thúc đẩy cơ sở hạ tầng về trí tuệ có thể thu hút các nhà đầu tư đến với đất nước và thúc đẩy kế hoạch Thái Lan 4.0.(Viettimes)
-------------------------------
Lợi nhuận chứng khoán Rồng Việt tăng 160% sau nửa năm
Dự kiến, cổ phiếu VDS sẽ bắt đầu giao dịch trên HOSE từ ngày 19/7.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý II năm nay đạt 40,9 tỷ đồng. Cùng với 30 tỷ đồng ghi nhận được trong quý I, lợi nhuận nửa đầu năm nay của VDSC đạt 71 tỷ đồng, tăng vọt 163% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau thuế, VDSC ước tính đạt 57 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 160%.
6 tháng đầu năm, VDSC đạt doanh thu hơn 166 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn là doanh thu từ hoạt động dịch vụ chứng khoán (trên 40%). Ngoài ra, hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh môi giới cũng chiếm lần lượt 24% và 26% doanh thu VDSC.
Với kết quả này, VDSC đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận của năm 2017.
Mới đây, 70 triệu cổ phiếu VDS của Rồng Việt đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM chấp thuận niêm yết lên sàn HOSE. Dự kiến, ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này là 19/7.
Năm 2016, VDSC nắm giữ 1,63% thị phần giao dịch HOSE. Riêng trong nửa đầu năm nay, thị phần của VDSC tăng lên 1,97% với giá trị thanh khoản bình quân 4.510 tỷ đồng mỗi phiên.(NCĐT)
---------------------
Không chỉ nợ Trung Quốc, Đạm Ninh Bình là "con nợ" nghìn tỷ của các ngân hàng
Vinachem vừa "cầu cứu" Chính phủ trả nợ nay 125 triệu USD vốn vay Trung Quốc đầu tư dự án thua lỗ Đạm Ninh Bình. Với số nợ hơn 10.000 tỷ đồng, ngoài ngân hàng Trung Quốc, Đạm Ninh Bình còn nợ VDB, Vietinbank, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ...
Con nợ của nhiều ngân hàng
Trong báo cáo mới cập nhật phản hồi các ý kiến xung quanh việc "xin" Chính phủ hỗ trợ trả nợ 125 triệu USD (khoảng 2.790 tỷ đồng theo tỷ giá 22.318 VND/USD) vốn vay ngân hàng Eximbank Trung Quốc, Bộ Tài chính chỉ ra khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình hạn chế, lỗ lũy kế lớn, kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng và vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ.
Còn theo báo cáo tài chính của Đạm Ninh Bình tính đến thời điểm ngày 28/7/2016 tổng số tiền nợ của Đạm Ninh Bình là 10.257 tỷ đồng.
Thời điểm ngày 1/9/2016 số tiền nợ tăng lên mức hơn 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn tăng gấp gần 3 lần, lên mức hơn 610,2 tỷ đồng. Khi đó, nợ dài hạn là 8.375 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã tăng lên gấp 3 thời điểm 28/7/2016, ở mức 610 tỷ đồng. Tất cả 610 tỷ đồng nợ quá hạn đều là nợ ngắn hạn.
Các chủ nợ chính của Đạm Ninh Bình gồm ngân hàng Eximbank Trung Quốc, ngân hàng đứng ra cho vay lại nguồn vốn Chính phủ là BIDV, ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB, Vietinbank, Vietcombank Ninh Bình...
Chủ nợ Eximbank Trung Quốc cho Vinachem vay 250 triệu USD (khoảng 5.580 tỷ đồng, theo tỷ giá 22.318 VND/USD), toàn bộ đầu tư vào Đạm Ninh Bình. Bộ Tài chính cập nhật, đến 31/3/2017, dự nợ khoản vay là 162,5 triệu USD (tương ứng 3.627 tỷ đồng) sau khi đã trả nợ được 7 kỳ.
Đây chính là khoản nợ đang được Vinachem và Bộ Công Thương đề xuất việc giãn khoản vay, "nếu phía Eximbank Trung Quốc không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho Eximbank Trung Quốc, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính".
Bên cạnh đó, về các khoản vay dài hạn tại VDB và Vietinbank, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Vinachem còn phải trả nợ cho Đạm Ninh Bình tại VDB dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 2.698 tỷ đồng, Vietinbank dư nợ gốc là 631 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo cáo gửi Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong 4 năm từ 2012 - 2016, Vinachem cho biết đã trả nợ thay Đạm Ninh Bình 1.814 tỷ đồng tại các ngân hàng VDB, Vietinbank, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ...
Về phía Đạm Ninh Bình vẫn không thể cân đối được dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn. Nợ quá hạn các khoản vay ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến ngày 28/7/2016 là 227,3 tỷ đồng và 1/9/2016 là 610,2 tỷ đồng.
"Ì ạch" trả nợ, ngân hàng ngừng giải ngân
Với việc không thực hiện được các nghĩa vụ nợ tới hạn với ngân hàng, lần lượt các ngân hàng Vietcombank Ninh Bình và BIDV Tây Hồ đã chuyển nhóm nợ của Đạm Ninh Bình sang nhóm II và nhóm III, đồng thời dừng giải ngân vốn cho công ty. Do đó, Đạm Ninh Bình đang gặp khó về vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Với phương án sản xuất/tiêu thụ tối thiểu 290.000 tấn ure trong năm 2017, khi làm việc với các chi nhánh BIDV Tây Hồ và Vietcombank Ninh Bình và được các chi nhánh đồng ý báo cáo hội sở xem xét tiếp tục giải ngân khi nhà máy sản xuất trở lại. Tuy nhiên, theo đại diện Đạm Ninh Bình: "Công ty đã gửi văn bản làm việc trực tiếp với ngân hàng tuy nhiên ngân hàng yêu cầu phải có sự cam kết của Vinachem về khả năng trả nợ mới tiếp tục giải ngân cấp vốn”.
Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng Vinachem - chủ đầu tư - đơn vị phải có nghĩa vụ trả nợ thay Đạm Ninh Bình, cần tập trung toàn bộ nguồn lực trả nợ ngân hàng Trung Quốc trước các nghĩa vụ đối với ngân hàng trong nước.
Quan điểm này được Bộ Tài chính đưa ra khi trả lời kiến nghị của Vinachem và Bộ Công Thương về việc giãn nợ hoặc Chính phủ cân đối trả nợ thay Đạm Ninh Bình 125 triệu USD.
Bộ Tài chính phản đối kiến nghị trả nợ thay, bởi theo phương án đề xuất này, từ năm 2017 - 2022, Ngân sách Nhà nước phải ứng ra 125 triệu USD trả nợ cho Trung Quốc thay Vinachem, không phù hợp với Quỹ tích trả nợ và tình hình nợ công đang cao, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn như hiện tại. Ngoài ra, việc xin giãn nợ đối với ngân hàng Eximbank Trung Quốc còn làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.
Đặc biệt Bộ phản đối vì cho rằng Vinachem chưa lên kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp để tăng hiệu quả hoạt động và vẫn còn nguồn trả trả nợ từ thoái vốn, nguồn lợi nhuận từ các công ty cổ phần.
Dù còn nhiều hạn chế nhưng Bộ Tài chính chỉ ra tiềm năng trả nợ của chính Đạm Ninh Bình khi dự kiến từ năm 2017 - 2021, dòng tiền của công ty này có khả năng trả nợ cho Tập đoàn Vinachem mỗi năm ước tính khoảng 100 - 200 tỷ đồng. Như vậy với nghĩa vụ trả nợ gốc cho Eximbank Trung Quốc hàng năm 25 triệu USD (tương ứng 558 tỷ đồng), nguồn thu trực tiếp từ dự án chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nghĩa vụ trả nợ. (Infonet)
-----------------------------------
Tăng lương 7,44% cho tám nhóm đối tượng từ 1-7
Chính phủ vừa ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cho 8 nhóm đối tượng từ 1-7..
Theo đó, từ 1-7-2017, sẽ áp dụng mức tăng 7,44% mức lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cho tám nhóm đối tượng gồm:
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định 130/CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ và quyết định 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng bộ trưởng.
Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008, quyết định 38/2010/QĐ-TTg ngày 6-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định 53/2010/QĐ-TTg ngày 20-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ 15-8-2017.(Tuoitre)