Nợ đọng 15.000 tỷ đồng để có 2.656 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Doanh nghiệp phân bón đệ đơn yêu cầu bảo vệ sản xuất trong nước; Doanh nghiệp Việt Nam sắp được tiếp cận nguồn vốn 102 triệu USD; Sẽ thoái tiếp vốn Nhà nước tại Sabeco
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-07-2017
- Cập nhật : 06/07/2017
Nhôm ép Việt Nam vẫn bị ADC nói bán phá giá
Ngày 4-7, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-Bộ Công thương) cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đưa ra kết luận cuối cùng chấm dứt điều tra và không áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm ép xuất khẩu từ VN.
Tuy nhiên, ADC vẫn duy trì cáo buộc bán phá giá, trong đó biên độ phá giá dành cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm ép của VN có hợp tác ở mức 7,7-18%, trong khi biên độ phá giá cho các công ty không hợp tác lên đến 34,9%.
Theo VCA, dù Malaysia vẫn bị điều tra chống trợ cấp với biên độ cáo buộc là 3,2% nhưng quốc gia này chỉ bị áp biên độ phá giá cho các công ty không hợp tác trong vụ kiện chống bán phá giá ở mức 13%, thấp hơn khá nhiều so với doanh nghiệp VN.(Tuoitre)
---------------------------------------------
Đại gia Lê Thanh Thản nói về dấu hiệu trốn thuế: “Tôi chả hiểu gì cả”
Trước thông tin cho rằng 12 công trình xây dựng của đại gia Lê Thanh Thản ở Hà Nội có dấu hiệu trốn thuế, ông Thản cho hay ông không hiểu.
Sáng 5/7, trong phiên họp thứ tư của HĐND TP Hà Nội khoá XV, thông tin liên quan đến đại gia Lê Thanh Thản đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, vi phạm về trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm và cả năm 2016, thanh tra Thành phố đã chuyển Công an TP điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của 1 số đơn vị, trong đó điển hình là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của ông Lê Thanh Thản.
Theo Thiếu tướng Khương, đây là đơn vị triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn TP Hà Nội, khoảng 12 dự án. Qua điều tra của cơ quan công an, các dự án này đều có dấu hiệu về tội trốn thuế, và có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.
Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi đã điện thoại trực tiếp cho ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về những thông tin Thiếu tướng Khương nói 12 công trình xây dựng của ông đều có dấu hiệu về tội trốn thuế.
Theo đó, ông Lê Thanh Thản nói: “Tôi chả hiểu gì cả. Tôi chịu nhé. Tôi làm sao biết được mà hỏi tôi, ông đi hỏi ông Khương (tướng Đoàn Duy Khương - PV) ấy”.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn, Thiếu tướng Khương cho biết thêm, trong khi Công an Hà Nội nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của thanh tra TP, Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước, vì vậy trong qua trình điều tra, Công an TP phải phối hợp chặt chẽ với C46 của Bộ Công an.
"Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an" - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết.
Theo tướng Khương, nếu để cơ quan điều tra của Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can các vi phạm pháp luật trên địa bàn TP thì sang tuần, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ, Công an thành phố sẽ khởi tố vụ án, và làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can.
Còn nếu Bộ Công an quyết định để Cục C46 khởi tố chung vi phạm ở 21 địa phương thì Công an Thành phố sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã điều tra, xác minh cho Bộ giải quyết.(Đời sống và Pháp Lý)
-------------------------------
Hà Nội cấm xe máy, cơ hội dành cho doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi
Xe buýt nhanh, đường sắt trên cao, metro ngầm sẽ là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Thủ đô trong vòng 13 năm tới. Và như một lẽ tất nhiên, bất động sản quanh các trạm trung chuyển cũng sẽ là lựa chọn hàng đầu cho cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp thuê văn phòng, mặt bằng bán lẻ.
Ảnh minh họa.
Ngày 4/7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030". Theo đó, TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.
Để chuẩn bị cho lộ trình cấm xe máy Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng đã khẳng định để cấm hoàn toàn xe máy các quận nội thành năm 2030, Hà Nội phải làm hạ tầng đường sá đồng bộ. Đồng quan điểm các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hệ thống vận tải công cộng như metro, BRT, xe buýt cần được phát triển trước khi đưa ra chính sách hạn chế xe cá nhân nói chung và xe máy nói riêng.
"Chủ trương cấm xe máy có thành công hay không phụ thuộc vào việc “đi trước một bước” của Hà Nội trong việc đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng. Các hệ thống phương tiện xe buýt nhanh, xe buýt thường, đường sắt trên cao, metro ngầm... phải đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản cho người dân", Phó GS-TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, ĐH Giao thông vận tải khẳng định.
Khi xe máy bị cấm, phương tiện đi lại phổ biến nhất của người dân sẽ là Metro, đường sắt trên cao, BRT, xe buýt. ..Trong một báo cáo về giao thông công cộng ảnh hưởng như thế nào đến thị trường BĐS, công ty tư vấn CBRE từng cho biết, kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy dự án đường sắt đô thị sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất lên giá trị bất động sản. Việc phát triển các trạm tàu điện giúp mang lại diện mạo mới cho khu vực quanh đó: giá đất tăng, các dự án bất động sản bùng nổ, các đơn vị bán lẻ và dự án văn phòng được dịch chuyển ra xa trung tâm hơn.
Theo quan điểm của CBRE, hiện người Việt Nam chủ yếu di chuyển bằng xe máy, tuy linh động nhưng nó không phải là sự lựa chọn tối ưu. Tàu điện sẽ làm thay đổi thói quen di chuyển của người dân theo thời gian, từ đó tác động đến giá trị của bất động sản. Metro, đường sắt đô thị sẽ định nghĩa lại khái niệm cự ly gần xa hoặc người dân mong muốn sống ở đâu.
Ông Marc Townsend, nguyên Tổng Giám Đốc Điều hành của CBRE Việt Nam từng nhận xét: "Về lý thuyết, một tòa nhà nằm gần trạm trung chuyển công cộng thường có giá thuê hoặc giá bán cao hơn so với những tòa nhà nằm xa hơn vì hệ thống giao thông công cộng tốt cho phép cư dân sống gần đó dễ dàng di chuyển đến các điểm quan trọng. Điều này đã được kiểm chứng tại một số quốc gia với giá bán nhà tại những nơi gần hệ thống giao thông công cộng có giá trị cao hơn từ 6% đến 45%”.
"Đường sắt đô thị sẽ quyết định sự thắng thua của các chủ đầu tư bất động sản trong tương lai. Loại phương tiện vận chuyển mới này sẽ định nghĩa lại thị trường bất động sản. Mức giá đất giữa các khu gần hoặc xa metro sẽ có sự khác biệt khoảng 25% tùy vị trí...Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp đã đầu tư dự án có vị trí gần các trạm trung chuyển. Đó là cách đầu tư nhìn vào một tương lai rất xa, tầm nhìn dài hạn, bền vững tính bằng đơn vị chục năm trở lên", ông Marc Townsend cho hay.
Còn theo Savills, mô hình phát triển BĐS quanh điểm trung chuyển xe buýt có thể là một hướng đi mới, chủ đạo trong tương lai với các hạng mục như nhà ở, văn phòng, bán lẻ, bến đỗ xe phát triển ở khu vực lân cận các trạm trung chuyển. Mô hình này đã diễn ra tại các nước trong khu vực và tạo ra sự gia tăng đáng kể về giá trị bất động sản khu vực lân cận các trạm trung chuyển, ví dụ Trung Quốc (10%), Hồng Kông (32%), Thái Lan (10%).
Savills cũng cho rằng, xu hướng tương tự được kỳ vọng sẽ sớm diễn ra ở TP. HCM và Hà Nội với các tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào vận hành trước 2020, dù vậy biên độ tăng giá có thể không đồng đều và có xu hướng cao hơn tại các điểm trung chuyển xa trung tâm.(Trí Thức Trẻ)
-----------------------------
Hà Nội thống nhất rút 124 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý
Ngày 4/7, với 100% đại biểu tán thành, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua tờ trình về việc điều chỉnh danh mục biệt thự công, trong đó sẽ rút 124 công trình ra khỏi danh mục quản lý.
Tại phiên họp ngày 4/7, kỳ họp thứ 4, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 24 của HĐND Thành phố.
Theo Tờ trình của UBND Thành phố do Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình bày, thực hiện chỉ đạo của HĐND TP về rà soát, điều chỉnh danh mục nhà biệt thự, Sở Xây dựng và Tổ công tác liên ngành đã tập trung rà soát kiểm tra hiện trạng, chụp ảnh trên thực địa toàn bộ các biệt thự có tên trong 2 Nghị quyết trên.
Sau khi đối chiếu giữa thực địa với hồ sơ hiện có, 2 Tổ công tác liên ngành Thành phố đã đi đến thống nhất như sau: Một số biệt thự trong danh mục nhà biệt thự thể hiện là nhà phố, công trình nhà ở có giá trị kiến trúc; Một số biệt thự đã phá dỡ, xây dựng công trình mới qua các thời kỳ trước đây; Một số địa chỉ nhà biệt thự không có trên thực tế, một số biệt thự nằm ở góc phố mang 2 biển số nhà nhưng trong Danh mục nhà biệt thự lại thống kê là 22 biệt thự riêng biệt.
Từ đó, UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết số 18 theo hướng: đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; đưa 2 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là nhà phố; đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục vì thống kê hai lần; điều chỉnh 22 biệt thự thành 29 biệt thự (tăng 7 biệt thự do trước đây có 2 biệt thự song lập riêng biệt nhưng lại ghép vào một số nhà); điều chỉnh địa chỉ của 51 biệt thự; xác định 123 biệt thự đã phá dỡ và hiện là đất trống hoặc đã cải tạo xây dựng lại thành nhà cao tầng...
Ngoài ra, với danh mục 225 biệt thự xây dựng trước năm 1945 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn quy định tại Nghị quyết số 24, UBND TP cũng đề xuất đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; điều chỉnh từ 9 biệt thự còn 5 do trước đây một biệt thự mang hai biển số nhà đã thống kê thành 2 biệt thự; điều chỉnh địa chỉ của 11 biệt thự.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, Danh mục 970 biệt thự của Nghị quyết số 18 sẽ còn là 853 biệt thự và Danh mục 225 biệt thự của Nghị quyết số 24 sẽ còn là 218 biệt thự.
Với tỷ lệ 95/95 (100%) đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 24 của HĐND TP.(Bizlive)