tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-07-2018

  • Cập nhật : 16/07/2018

'Siết' nhập phế liệu: Ngành giấy và sắt 'than' bị vạ lây

Sau Hiệp hội Thép, mới đây, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam lại gửi công văn lên Bộ Công thương "tố" Tổng cục Hải quan yêu cầu lấy mẫu kiểm định hàng phế liệu nhập khẩu đã khiến doanh nghiệp khó khăn.

hai quan lay mau kiem dinh doi voi hang phe lieu nhap khau - dinh muoi

Hải quan lấy mẫu kiểm định đối với hàng phế liệu nhập khẩu - ĐÌNH MƯỜI

Mất 30 tỉ đồng trong nửa tháng lưu hàng tại cảng

Cụ thể, kiến nghị của Hiệp hội này cho rằng, Tổng cục Hải quan ban hành 2 công văn số 3438 ngày 18.6 và số 3738 ngày 26.6, trong đó yêu cầu hàng hóa nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định lại không được quy định cụ thể. Như vậy, chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, quy trình trên của Tổng cục Hải quan dẫn đến làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây ách tắc hàng hóa tại cảng, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp. Đặc biệt, quy định này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội, làm cho hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước.

Số liệu thống kê nhanh của Hiệp hội giấy cho biết, từ ngày 26.6 quy định của hải quan có hiệu lực đến ngày 10.7, chỉ riêng phí lưu container, ước thiệt hại của các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu lên đến gần 30 tỉ đồng, chưa kể những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng máy, hay phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn… Ngoài ra sau 5 - 7 ngày nữa, theo kế hoạch thì số lượng container sẽ tăng gấp đôi khi tàu về cập cảng. Với số lượng lưu kho lớn và mức chi phí lưu kho là 1 triệu đồng/container/ngày thì mức thiệt hại sẽ đội thêm nhiều con số. Mặt khác, nhóm các doanh nghiệp trong ngành giấy cho rằng, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Vì vậy Hiệp hội này kiến nghị Bộ Công thương xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy.

Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan phản ánh những khó khăn tương tự đối với các doanh nghiệp đang nhập khẩu sắt thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời Hiệp hội thép kiến nghị loại trừ sắt thép vụn ra khỏi đối tượng phải lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Hải quan: Phải “siết” để bảo vệ môi trường

Cục Hải quan TP.HCM thì cho rằng, việc phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan và chụp ảnh thực tế hàng hóa phế liệu nhập khẩu để lưu là “nhiệm vụ bắt buộc của hải quan địa phương theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn 3738.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM thông tin, đây là lệnh “siết” rác thải phế liệu của toàn ngành, không riêng gì tại một địa phương nào cả. Mục đích là bảo vệ môi trường trước “nạn xâm lăng” của rác thải phế liệu được nhập khẩu vô tội vạ, thiếu tránh nhiệm của một số chủ hàng. Doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng cũng có thể kiến nghị lên trung ương vấn đề này.

Song song đó, hiện ngành hải quan đang kiến nghị với các bộ ngành liên quan, gấp rút rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập khẩu đúng loại phế liệu sản xuất tái chế, sẽ được cấp phép thông quan. Còn lại, phải siết các doanh nghiệp nhập kiểu ủy thác, làm môi giới, không có mục đích sử dụng phế liệu tái chế…

“Tất cả phải làm mạnh, chặt chẽ để bảo vệ môi trường, quan điểm của ngành là vậy”, đại diện Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh.

Thực tế, trong hai công văn 3438 và 3738 của Tổng cục Hải quan ban hành trong tháng 6 vừa qua chính là giải pháp cấp bách nhằm “siết” việc nhập giấy, nhựa phế liệu trong bối cảnh hàng ngàn container rác phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Trong công văn mới nhất, Tổng cục Hải quan chỉ đạo đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, “chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra”.

Và đối với hàng hóa khai báo là hàng đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng và có tên hàng, mã số hàng hóa nếu không thuộc phụ lục danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nghi vấn là phế liệu (ví dụ như: bao bì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, đồ nhựa, lưới đánh cá…) đã qua sử dụng khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để xác định hàng hóa nhập khẩu có phải là phế liệu hay không. (Thanhnien)
---------------------------

Lý do Buffett coi chứng khoán phái sinh là bom hẹn giờ

Warren Buffett, chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway, chia sẻ lý do tại sao ông cùng phó chủ tịch Charlie Munger coi công cụ phái sinh là những quả bom hẹn giờ trong thư gửi cổ đông năm 2002.

Tôi và Charlie có cùng quan điểm về sản phẩm phái sinh và những hoạt động giao dịch đi kèm với chúng. Tất cả đều như bom hẹn giờ đối với những bên liên quan và cả nền kinh tế nữa.

Trước tiên hãy để tôi giải thích một chút về sản phẩm phái sinh. Một cách tổng quan, công cụ tài chính trên sẽ khiến đồng tiền chuyển từ túi người này sang túi người khác tại một thời điểm trong tương lai, với số tiền được quyết định bởi một hoặc nhiều hơn các yếu tố cơ sở ví dụ như lãi suất, giá cổ phiếu hay giá trị đồng tiền.

Một ví dụ đơn giản về phái sinh là khi bạn đang ở vị trí “long” (mua) hoặc “short” (bán) trong một hợp đồng tương lai về chỉ số S&P 500 – khi đó số tiền bạn có được hoặc mất đi sẽ “đến” (derived) từ những sự kiện trong tương lai.

Hợp đồng phái sinh có rất nhiều kỳ hạn, có khi hơn 20 năm, và giá trị hợp đồng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Nếu hợp đồng phái sinh không có tài sản đảm bảo thì giá tốt nhất của nó phụ thuộc vào chữ tín của các bên liên quan. Trước khi hợp đồng được ký kết thì các bên sẽ ghi nhận lời lỗ - thường là con số lớn – trong báo cáo thu nhập.

Thời hạn hợp đồng chỉ bị giới hạn bởi mức độ tưởng tượng của con người (đôi khi là người rất ‘điên’); ví dụ như bạn có thể viết một hợp đồng gắn với số lượng cặp song sinh sẽ ra đời vào năm 2020 ở một nước nào đó. Chỉ cần đưa một mức giá thích hợp thì việc tìm đối tác dễ như trở bàn tay.

Trên thực tế việc đóng một hợp đồng phái sinh là khó hơn lý thuyết rất nhiều. Chúng ta sẽ tốn rất nhiều năm để có thoát ra khỏi cái vòng xoáy này (mặc dù số dư có giảm đi đi hàng ngày).

Phái sinh và tái bảo hiểm thực chất có điểm tương đồng: vào dễ nhưng ra khó. Một khi đã đặt bút ký hợp đồng, bạn sẽ dính chặt vào nó. Có nhiều phương pháp để giảm thiểu rủi ro nhưng chúng cũng sẽ khiến bạn mắc kẹt với những nghĩa vụ dai dẳng. Ngoài ra còn phải nói đến độ chính xác của những khoản thu nhập trên giấy tờ vì chúng thường được đẩy lên rất cao và phải rất lâu sau người ta mới phát hiện ra được.

Những người tham gia giao dịch sản phẩm phái sinh có rất nhiều động lực để không trung thực trong khâu kế toán. Phương pháp hạch toán theo giá thị trường (mark-to-market) thường được sử dụng để ghi nhận doanh thu nhưng thực tế không có thị trường nào tồn tại cả, thay vào đó sẽ là hạch toán theo mô hình giả định thông tin (mark-to-model).

Tất nhiên bộ phận kiểm toán nội bộ và bên ngoài sẽ kiểm tra sổ sách nhưng không dễ dàng cho lắm. Ví dụ, General Re Securities tại thời điểm cuối năm (sau hơn 10 tháng thu hẹp hoạt động) có 14.384 hợp đồng đang có hiệu lực, bao gồm 627 đối tác trên toàn cầu. Giá trị của mỗi hợp đồng sẽ phụ thuộc vào các điều khoản tham chiếu, bao gồm một vài điều khá là phức tạp. Các kiểm toán viên khi đánh giá những hợp đồng như thế rất dễ phát sinh nhiều quan điểm khác nhau.

Vấn đề về định giá khác xa rất nhiều so với sách vở: những năm gần đây một số vụ lừa đảo quy mô lớn hoặc gần như lừa đảo bắt nguồn từ những giao dịch phái sinh.

Trong ngành công nghiệp năng lượng và điện, các công ty thường sử dụng phái sinh và những hoạt động giao dịch để báo cáo những khoản doanh thu khổng lồ - cho tới khi sự thật được phát giác thì họ lại cố chuyển đổi những khoản phải thu liên quan đến phái sinh sang tiền mặt (trên bảng cân đối). Lúc này phương pháp kế toán hạch toán theo giá thị trường đã bị biến thể sang “hạch toán theo giá ảo” (mark-to-myth).

Có một điều chắc chắn là những sai phạm đến từ giao dịch phái sinh thường xảy ra từ một phía. Gần như không thay đổi, hoặc là chúng làm lợi cho các nhà giao dịch đang nhắm đến những món hời triệu đô hoặc những ông chủ CEO muốn vẽ ra những khoản doanh thu ấn tượng. Tiền thưởng trao tay và CEO được lợi từ những lựa chọn của ông ta. Chỉ có những cổ đông sau đó mới nhận ra các con số to lớn kia đều là giả mạo.

Một vấn đề khác của sản phẩm phái sinh là chúng có thể trầm trọng hóa sự việc mà doanh nghiệp đang mắc phải với những lý do không liên quan một chút nào. Những hệ quả nối tiếp nhau xảy ra là do nhiều hợp đồng phái sinh yêu cầu khi một công ty bị hạ mức tín dụng sẽ phải lập tức cung cấp tài sản đảm bảo cho đối tác.

Hãy thử hình dung một công ty bị hạ mức tín dụng chỉ vì những bất lợi thông thường và ngay lập tức các điều khoản trong hợp đồng có hiệu lực, bắt buộc công ty phải chuẩn bị một lượng tiền lớn không mong muốn. Qua đó, công ty rất dễ bị khủng hoảng thanh khoản và sẽ tiếp tục bị hạ điểm tín dụng. Cuối cùng là công ty đó phá sản.

Phái sinh cũng có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, tương tự như bảo hiểm và tái bảo hiểm khi họ phụ thuộc rất nhiều vào nhau. Trong cả hai ngành, những khoản phải thu của nhiều đối tác có xu hướng tăng dần theo thời gian. Một bên có thể đánh giá bản thân anh ta tốt và tin rằng những rủi ro tín dụng sẽ được phân tán đi nhiều nơi và do đó không có gì nguy hiểm. Trong những trường hợp nhất định, một sự kiện bên ngoài khiến khoản phải thu của công ty A sụt giảm cũng sẽ khiến công ty B ảnh hưởng và cứ thế cho tới công ty Z.

Trong ngành ngân hàng, sự ra đời của Hệ thống dự trữ liên bang (Federal Reserve System) cũng bắt nguồn từ lo ngại sẽ xảy ra hiệu ứng dây chuyền. Trước khi Fed ra đời, sự sụp đổ của các ngân hàng nhỏ đôi khi khiến các ngân hàng lớn đột ngột phải có một lượng thanh khoản lớn, từ đó khiến họ sụp đổ theo.

Fed hiện nay đã có phương án bảo vệ ngân hàng lớn khỏi những rắc rối từ ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm lại không có được quyền lợi như thế và khi có hiệu ứng dây chuyền xảy ra, không một cơ quan ngân hàng trung ương nào đứng ra bảo vệ họ. Thế nên khi một lĩnh vực nào đó tồn tại rủi ro trên, họ sẽ trả rất nhiều để giảm thiểu tối đa rủi ro dây chuyền. Đó cũng là lý do chúng tôi hiện nay đang thoát ra khỏi giao dịch phái sinh và chuyển qua hình thức tái bảo hiểm.

Nhiều người lại cho rằng phái sinh giảm thiểu những vấn đề của nền kinh tế và góp phần ổn định nó, kích thích giao thương và gỡ bỏ những rào cản cho những cá thể tham gia trong đó. Nếu nhìn dưới góc độ vi mô, điều đó cũng khá đúng. Ở Berkshire tôi thường tham gia vào những giao dịch phái sinh lớn nhằm thực hiện một số các chiến lược đầu tư.

Tuy nhiên tôi và Charlie tin rằng bức tranh vĩ mô sẽ trở nên ngày một nguy hiểm. Một lượng lớn rủi ro, cụ thể là rủi ro tín dụng, đang tập trung chủ yếu vào một số ít nhà giao dịch phái sinh và họ giao dịch với nhau với quy mô rất lớn. Một người xảy ra chuyện ắt hẳn người kia sẽ bị ảnh hưởng theo chỉ vì một sự kiện đơn lẻ không liên quan nào đó.

Năm 1998, một số hoạt động giao dịch lớn về phái sinh và đòn bẩy tài chính của một quỹ đầu cơ (hedge fund) mang tên Long-Term Capital Management (LTCM) đã khiến Fed lo ngại tới mức họ phải cấp thiết đề ra một phương án giải cứu.

Tại một buổi điều trần trước Quốc hội sau đó, các quan chức Fed thừa nhận rằng họ đã không can thiệp vào các giao dịch gây chú ý của LTCM – lúc đó là một doanh nghiệp vô danh và có quy mô chỉ vài trăm nhân viên. Những giao dịch đó có thể de dọa tới sự ổn định cuả thị trường Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nó đã làm tê liệt một phần thị trường Fixed Income trong nhiều tuần, nhưng tình huống xấu nhất vẫn không xảy ra.

Một trong những công cụ phái sinh mà LTCM sử dụng là hợp đồng hoán đổi hoàn trả toàn bộ (total-return swaps). Loại hợp đồng này sử dụng 100% đòn bẩy ở nhiều thị trường khác nhau, bao gồm cổ phiếu. Ví dụ, bên A đem hết tiền để giao dịch một loại cổ phiếu và bên B (không tốn một đồng nào) đồng ý rằng tại một thời điểm trong tương lai, họ sẽ nhận được bất kỳ khoản lời hay chấp nhận trả phần mất từ phía bên A.

Hình thức giao dịch này dường như biến yêu cầu ký quỹ (margin requirement) thành một trò hề. Ngoài ra, những loại phái sinh khác còn ngăn chặn khả năng của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát đòn bẩy và các rủi ro đến từ ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác. Ngay cả những nhà đầu tư và chuyên viên phân tích dày dạn kinh nghiệm cũng khó có thể phân tích được tình hình tài chính của những doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong thị trường phái sinh.

Làn sóng đầu tư sản phẩm phái sinh đã lan ra rộng khắp cả về sự đa dạng và số lượng cho tới khi một sự kiện nào đó xảy ra và phơi bày cái mức độ tai hại của nó. Một số ngành đã thấm thía sự nguy hiểm của phái sinh và hoạt động giao dịch liên quan đã giảm một cách đáng kể sau những sự kiện xấu xảy ra nhưng ở một nơi nào đó phái sinh vẫn tiếp tục phát triển mà không được kiểm soát.

Các ngân hàng trung ương và chính phủ hiện vẫn chưa tìm ra được phương pháp hiệu quả nào để kiểm soát, hoặc thậm chí chỉ là theo dõi, rủi ro phát sinh từ những loại hợp đồng phái sinh này.(NDH)
--------------------------

Sản xuất phân bón dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng

Ngày 13.7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua rà soát trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước hiện có 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện và cấp phép với tổng công suất 29,5 triệu tấn/năm.

 Khi cân đối cung cầu, năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước hiện tại đã dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng thực tế. Khi trong năm 2017, VN chỉ sử dụng khoảng 11,5 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón vô cơ chiếm 90,5% với 10,5 triệu tấn và phân bón hữu cơ, sinh học chiếm 9,5% với khoảng 1 triệu tấn.

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã loại bỏ, không công nhận lưu hành đối với 1.730 sản phẩm phân bón không phù hợp, không đảm bảo chất lượng so với quy định tại Nghị định số 108/2017.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp VN đã đăng ký nhập khẩu khoảng 4.473 lô phân bón nhập khẩu, trong đó có 3.843 lô được kiểm tra với tổng khối lượng là 2,8 triệu tấn và trên 1,3 triệu lít. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng của Cục Bảo vệ thực vật phát hiện 15 lô hàng nhập khẩu phân bón không đạt chỉ tiêu về chất lượng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị đang triển khai xây dựng và sẽ sớm đưa vào sử dụng hệ thống dữ liệu về phân bón để thuận tiện tra cứu, ứng dụng vào công tác quản lý nhà nước của ngành này.(Thanhnien)
------------------------

Ứng dụng môi giới chứng khoán Trung Quốc được định giá hơn 1 tỷ USD

Ứng dụng của Tiger Brokers cho phép các nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu niêm yết tại Mỹ, Hồng Kông và cổ phiếu của công ty Trung Quốc đại lục qua di động.

Startup môi giới chứng khoán Tiger Brokers của Trung Quốc vừa gia nhập "câu lạc bộ" startup kỳ lân (tên gọi những startup trị giá ít nhất 1 tỷ USD) của nước này, tờ South China Morning Post cho biết.

Tiger Brokers cho biết vừa chốt thành công vòng gọi vốn Series C huy động được 80 triệu USD, đưa định giá của công ty lên 1,06 tỷ USD. Vòng gọi vốn này của công ty có sự tham gia của Prospect Avenue Capital (PAC), Orient Hontai Capital và Oceanpine Capital.

Tiger Brokers cho biết sẽ dùng số vốn huy động được để tăng cường nghiên cứu, phát triển cũng như đầu tư vào thu hút nhân tài mới, Wu Tianhua - người sáng lập của Tiger Brokers nói và cho biết công ty cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nền tảng tích hợp phân bổ tài sản toàn cầu.

Ứng dụng của Tiger Brokers cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc, giao dịch cổ phiếu niêm yết tại Mỹ, Hồng Kông và cổ phiếu của công ty Trung Quốc đại lục. Điều này giúp các nhà đầu tư Trung Quốc có tài sản ở ngoài đại lục có lựa chọn đầu tư thay thế trong bối cảnh thị trường nội địa đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Chỉ số Shenzhen Composite Index của sàn Thẩm Quyến tụt xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm trong phiên giao dịch ngày thứ 5 tuần trước, một ngày trước thời hạn Mỹ chính thức áp thuế lên 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Được thành lập vào tháng 6/2014, Tiger Brokers có tổng lượng giao dịch qua ứng dụng giao dịch qua di động Tiger Trade đạt 150 tỷ USD. Ứng dụng này hiện hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cho phép người dùng theo dõi biến động của chứng khoán và tin tức trực tuyến.

Trước vòng gọi vốn Series C, Tiger Brokers đã nhận được vốn đầu tư chiến lược từ hơn 20 nhà đầu tư, gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng như Interactive Brokers Group Inc, Xiaomi Inc, ZhenFund và tỷ phú phố Wall Jim Rogers.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục