tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-07-2018

  • Cập nhật : 15/07/2018

Việt Nam đang phải nhập trên 60% khoai tây để chế biến

Sản xuất khoai tây trong nước làm nguyên liệu chế biến hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

khoai tay trong trong nuoc khong du tieu dung, viet nam co tiem nang, co hoi rat lon de phat trien trong loai cu nay  - anh phan hau

Khoai tây trồng trong nước không đủ tiêu dùng, Việt Nam có tiềm năng, cơ hội rất lớn để phát triển trồng loại củ này  - ẢNH PHAN HẬU

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tại hội thảo hợp tác với Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp của Bộ NN-PTNT.

Ông Cường cho biết, khoai tây có thể sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao ở vùng khí hậu ôn hòa từ 17 - 22 độ C. Theo đó, vụ đông ở các tỉnh phía Bắc, vùng cao Đà Lạt (Lâm Đồng) là những vùng có lợi thế phát triển cây trồng này. Trong đó, diện tích trồng khoai tây ở miền Bắc đạt khoảng 90 - 95% diện tích sản xuất của cả nước.

Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, khoai tây ở Việt Nam hiện nay được tiêu thụ chủ yếu phục vụ ăn tươi ở thị trường nội địa, xuất khẩu lượng nhỏ sang Indonesia. Còn lại từ tháng 6 - 9 hàng năm, Việt Nam thường nhập khẩu khoai tây từ Trung Quốc.

Về hướng chế biến khoai tây, đại diện Cục Trồng trọt cũng chia sẻ thông tin, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến với trị giá hàng chục triệu USD. Nhà máy có công suất lớn nhất đạt sản lượng 180.000 tấn/năm và xu hướng là doanh nghiệp tự xây dựng các vùng trồng nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, sản lượng khoai tây trong nước phục vụ chế biến mới chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, số còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau.

Ông Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế và tiềm năng phát triển ngành trồng khoai tây, khi sản xuất chưa đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. “Hiện nay mỗi 1 ha khoai tây trồng sau 3 tháng thu hoạch, nông dân có doanh thu 110 - 120 triệu đồng không phải là mức thu nhập thấp. Vấn đề còn lại là tổ chức nông dân hình thành các hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu trồng khoai tây phục vụ chế biến để tránh lặp lại tình trạng dư thừa như nhiều loại nông sản khác”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế lớn về mặt khí hậu để sản xuất khoai tây phục vụ xuất khẩu khi mùa đông ở miền Bắc rất phù hợp để trồng khoai tây trong khi mùa đông ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…không thể trồng được, đây cũng lợi thế và cơ hội hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo thông tin từ Cục Trồng trọt, giai đoạn 2013 - 2017, diện tích trồng khoai tây tăng từ 16.700 ha lên 19.000 ha. Nhưng theo đề án Bộ NN-PTNT đang xây dựng, mục tiêu giai đoạn 2018 - 2023 sẽ giữ ổn định diện tích trồng khoai tây trong khoảng 30.000 ha và trong 5 năm tiếp theo sẽ nâng lên khoảng 35.000 - 40.000 ha.(Thanhnien)
--------------------------

Vàng có tuần giao dịch tồi tệ, ghi nhận mức đáy của năm 2018

Vàng đã có một tuần giao dịch tồi tệ với giá trị rớt xuống mức đáy của năm do lực cầu yếu và đồng USD tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch tuần qua (sáng 14/7 giờ Việt Nam), giá vàng đóng cửa ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, khiến vàng đã không còn là loại tài sản an toàn hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, trong khi đồng USD tiếp tục tăng trong tuần.

Giá vàng đang ở mức đáy trong vòng 6 tháng qua. (Ảnh: Kitco).

Tại TP HCM, trong phiên giao dịch sáng nay (14/7), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng điều chỉnh giá vàng SJC ở mức 36,86 - 37,04 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 60.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cùng thời điểm sáng qua. Khoảng cách giữa mua và bán ở mức 180.000 đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng ở mức 36,86 - 36,96 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 40.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 20.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước đó, kéo hẹp khoảng cách giữa mua và bán xuống còn 100.000 đồng/lượng.

Tuần này, giá vàng SJC diễn biến theo chiều tăng dần kể từ phiên đầu tuần và giảm nhẹ về phiên cuối tuần. Giá vàng ghi nhận mức mua bán thấp nhất tại 36,78 triệu đồng/lượng - 36,88 triệu đồng/lượng, trong khi mức cao nhất niêm yết tại 36,88 triệu đồng/lượng - 36,98 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính trung bình trong tuần, mỗi lượng vàng điều chỉnh tăng giảm khoảng 100.000 đồng.

Theo bản tin vàng của DOJI, trong tuần thị trường vàng trong nước gần như chỉ tạo được sức hút đối với một phân khúc khách hàng nhất định với nhu cầu mua vào, trong khi ở những phân khúc khác nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài và không có những động thái rõ ràng.

Tuy nhiên thị trường vàng được nhiều chuyên gia phân tích nhận định sẽ còn nhiều biến động khi chiến tranh thương mại giữa hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Giá vàng chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.241 USD/ounce, giảm 1,2% giá trị trong tuần qua. (Ảnh: Kitco).

Trên thị trường thế giới, giá vàng chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.241 USD/ounce, giảm 1,2% so với phiên đầu tuần. Trong phiên, có lúc giá xuống đáy 7 tháng tại 1.236 USD/ounce.

Nguyên nhân là do đồng USD lên đỉnh 2 tuần do lực mua phòng trừ rủi ro trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Lãi suất tại Mỹ tăng cũng ghìm giá vàng xuống thấp.

Thị trường New York, giá vàng giao kỳ hạn tháng 8/2018 giảm 5,4 USD/ounce tương đương 0,4% xuống 1.241,20 USD/ounce.

Chuyên gia phân tích tại FXTM, ông Lukman Otunuga, nhận xét: “Biến động của giá vàng trong những tuần qua bất chấp tâm lý ngại rủi ro tăng lên cho thấy vàng đang mất đi sức hấp dẫn trong vai trò một loại tài sản an toàn”.(VOV)
----------------------

Kinh tế Singapore giảm tốc do ảnh hưởng từ xung đột thương mại

Singapore được xem là một “hàn thử biểu” của tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi quy mô “khủng” của hoạt động ngoại thương.

Tăng trưởng kinh tế Singapore chậm lại trong quý 2 vừa qua và không đạt dự báo, do ngành chế tạo giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại của đảo quốc sư tử.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Bộ Công Thương Singapore công bố sáng 13/7 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 2 chỉ tăng 1% so với quý 1, so với mức dự báo tăng 1,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý 1, GDP của Singapore tăng 1,5% so với quý 4/2017.

"Quan điểm chung là nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục giảm tốc, một phần bởi mức tăng cao đạt được vào năm ngoái, một phần bởi ngành điện tử đang suy yếu đi", bà Selena Ling, trưởng bộ phận chiến lược thuộc OCBC Bank, nhận định.

So với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Singapore tăng trưởng 3,8% trong quý 2, so với mức dự báo tăng 4%, và mức tăng 4,3% đạt được trong quý 1.

Năm 2017, ngành chế tạo và xuất khẩu hàng điện tử là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Singapore. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Singapore đến nay đã giảm 6 tháng liên tiếp, làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với mặt hàng này.

Đầu tháng này, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro gia tăng đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại leo thang và áp lực lạm phát gia tăng.

Singapore được xem là một "hàn thử biểu" của tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi quy mô "khủng" của hoạt động ngoại thương so với quy mô nền kinh tế. Kim ngạch thương mại của Singapore tương đương tới 200% GDP của nước này.

Hồi tháng 5, Bộ Công Thương Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2,5-3,5%. Năm ngoài, nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,6%, mức tăng mạnh nhất trong 3 năm.

"Trong thời gian tới, những rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế Singapore sẽ bao gồm rủi ro chuỗi cung ứng do thuế quan thương mại Mỹ-Trung", ông Jeff Ng, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Á của Continumm Economics, nhận định. "Cùng với đó, các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản có thể hạn chế sự tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Singapore".

Tuần trước, Chính phủ Singapore bất ngờ có động thái kiểm soát sự tăng giá nhà.

Hồi tháng 4, Ngân hàng Trung ương Singapore lần đầu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ trong 6 năm. Giới phân tích hiện đang có những dự báo trái chiều quanh việc liệu động thái thắt chặt này có phải là sự khởi đầu cho một chu kỳ thắt chặt chính sách dài hạn hay không.(Vneconomy)
---------------------------

WHO: Nên cân nhắc áp thuế lên nước ngọt

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt theo đề xuất của Bộ Tài chính có thể kéo theo tác động tiêu cực tới ngành đồ uống.

Theo dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), nước ngọt có đường được đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%. Đồ uống có đường được liệt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do “ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Đề xuất này nhận được ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp, tổ chức. Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc đánh thuế lên thực phẩm, đồ uống có đường không phải cách duy nhất giải quyết tình trạng béo phì, đảm bảo sức khoẻ cho người dùng. Theo đó, các thành viên WHO cho rằng nước ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất đối với một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì và ung thư. Ngược lại, bốn nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh này là thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.

Tổ chức này khuyến nghị, thay vì áp thuế lên sản phẩm cụ thể, Chính phủ nên đầu tư vào nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế; tăng tỷ lệ chi ngân sách cho các hoạt động y tế, giáo dục người dân về lối sống, rèn luyện thể lực…

Bộ Tài chính đang đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng đồ uống có đường, trừ sữa.

Phản đối đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nêu tại diễn đàn doan nghiệp VBF giữa kỳ 2018 mới tổ chức. Ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng hiện không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khoẻ tốt hơn, ngược lại có thể tạo ra các tác động tiêu cực tới ngành đồ uống.

Ông dẫn chứng hiện có khoảng 40 quốc gia áp thuế đặc biệt với nước ngọt, song hiệu quả của chính sách thuế này chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào. Chưa kể, một số quốc gia đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt đã bỏ chính sách này sau nhiều năm áp dụng, như Đan Mạch, do không đạt được mục tiêu về thu thuế. Cách đây một tháng các nhà lập pháp California (Mỹ) đã bỏ phiếu cấm ban hành các loại thuế đánh vào nước ngọt ít nhất tới năm 2031.

“Chính phủ Việt Nam không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt vì sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến ngành đồ uống. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn”, ông nói.

Trước kiến nghị của đại diện doanh nghiệp nước ngoài, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai “hứa” cho biết sẽ tiếp thu để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách.

Thực tế, đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế ngay khi vừa được công bố cũng không nhận được sự đồng thuận từ các bộ ngành. Văn bản góp ý của Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hóa tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như lý do cần thiết để hạn chế mặt hàng này.

Còn Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường... Chỉ khi có những đánh giá đầy đủ trên, theo Bộ Kế hoạch, mới có căn cứ thuyết phục về việc áp thuế.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục