Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công mạng nghiêm trọng; Các nhà sản xuất Mỹ khóc ròng vì thuế quan; Giải pháp điện mặt trời cho hộ gia đình; Nhập khẩu dầu thô của Trung quốc trong tháng 6 thấp nhất 6 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh 16-07-2018
- Cập nhật : 16/07/2018
Người dân và doanh nghiệp đang gửi bao nhiêu tiền vào ngân hàng?
Đến cuối tháng 3, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế mới chỉ tăng 3%. Song đến cuối tháng 6 đã đạt tới 8%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tiền gửi chảy mạnh vào ngân hàng trong 3 tháng gần đây là do đâu.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, vốn huy động của hệ thống TCTD đang tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%).
Theo số liệu có được từ NHNN, cuối năm 2017, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế tại các TCTD đạt 6,84 triệu tỷ đồng. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng đạt 8% trong nửa đầu năm, ước tính tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đến cuối tháng 6 đạt trên 7,38 triệu tỷ đồng.
Trước đó, đến cuối tháng 3, tăng trưởng huy động từ dân cư và TCKT mới chỉ đạt 3% (theo NFSC); nhưng đến cuối tháng 6 đã lên 8%. Như vậy, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã vọt tăng mạnh trong quý II. Diễn biến này có thể đến từ nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm trong 3 tháng gần đây nhưng một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, tặng quà hoặc cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền.
Hơn nữa, các nhà băng tuy đồng loạt giảm lãi suất nhưng chủ yếu ở những kỳ hạn ngắn, các kỳ hạn dài gần như không có thay đổi. Nhìn chung, mức giảm cũng không quá lớn, chỉ phổ biến khoảng 0,2-0,4%/năm. Động thái giảm lãi suất của các nhà băng có thể một phần là để đảm bảo lợi nhuận khi đầu ra tín dụng tăng chậm, một phần để cơ cấu lại nguồn vốn,đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng cũng đang tích cực thu hút tiền gửi bằng một hình thức khác là qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn dài. Hình thức này cũng đang ngày càng phổ biến trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, nhu cầu nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng tăng. Với đặc tính dễ chuyển nhượng của chứng chỉ tiền gửi, các khách hàng kể cả dân cư hay TCKT vốn ưa gửi tiền ngắn hạn đều có thể chọn hình thức này mà không lo rút trước hạn hay lãi suất thấp.
Ngoài ra thị trường bất động sản thời gian vừa rồi đã có dấu hiệu chững lại, các cơn sốt đất cũng đã tạm lắng xuống, cộng thêm những biến động trên thị trường chứng khoán cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền từ các kênh đầu tư này trở lại với hệ thống ngân hàng, nơi luôn được xem là kênh trú ẩn an toàn nhất.
Trong khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh thì tăng trưởng tín dụng lại chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%).
Nhiều ý kiến cho rằng, tuy thanh khoản hiện tại đang dồi dào nhưng có thể 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn. Theo đó, nguồn vốn huy động dồi dào hiện nay sẽ giúp ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đầu ra mà không phải quá lo áp lực thanh khoản.
Dù vậy, một số công ty chứng khoán cũng lưu ý rằng, các dấu hiệu như lạm phát tăng cao, tỷ giá nổi sóng trong thời gian gần đây có thể sễ khiến NHNN cẩn trọng hơn với tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng còn lại. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018 vừa được ban hành cũng xác định rõ yêu cầu hàng đầu là bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, thị trường ngoại hối.(CafeF)
---------------------------
Nhiều ngân hàng báo lãi đột biến của đột biến nửa đầu 2018
Hai tuần sau kết thúc quý 2/2018, thị trường đón thông tin cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản từ các ngân hàng thương mại. Đột biến của đột biến có ở lợi nhuận của nhiều thành viên.
Đột biến của đột biến, vì trong năm 2017 nhiều ngân hàng thương mại đã có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh, nâng cơ sở tham chiếu lên cao để so sánh cho mức tăng trưởng của kỳ này.
Năm ngoái, lợi nhuận hầu hết các ngân hàng thương mại đều bùng nổ. Trong đó có loạt trường hợp tính bằng lần như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)…
Trên nền kết quả cao năm ngoái, nửa đầu năm nay, chính những thành viên trên tiếp tục tạo đột biến.
Như để tiếp tục khẳng định giai đoạn phát triển mới sau khi tái cơ cấu thành công, TPBank là thành viên thường cập nhật kết quả kinh doanh các quý sớm nhất trong hệ thống những năm gần đây, chỉ ít ngày sau khi chốt sổ.
Sau năm đột biến 2017, 6 tháng đầu 2018 TPBank tiếp tục công bố lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, VIB cũng nhanh chóng cập nhật lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2017.
Kỳ 6 tháng đầu năm 2017, OCB từng tạo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gấp đôi so với cùng kỳ 2016. 6 tháng đầu năm nay, thông tin vừa công bố tiếp tục đưa ra con số đột biến hơn nữa, gấp hơn 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.302 tỷ đồng.
Cùng với những thành viên trên, HDBank cũng là trường hợp đã tạo lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần qua các quý năm 2017 so với cùng kỳ năm trước. Hiện HDBank chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2018 cụ thể, nhưng thông tin bước đầu cho biết lợi nhuận trước thuế kỳ này tiếp tục vượt xa mức tăng trưởng gấp đôi so với 6 tháng đầu 2017.
Ngoài ra, nửa đầu năm nay hệ thống ghi nhận thêm trường hợp Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), với thông tin vừa công bố đã hoàn thành tới 97,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 chỉ sau 6 tháng.
Theo quy định, còn hai tuần nữa để đến hạn cuối các ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý 2/2018. Những thành viên trên bước đầu đại diện cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đột biến; phần lớn còn lại dự kiến sẽ có kết quả phản ánh tình hình kinh doanh phân hóa rõ hơn.
Trong đó, quy mô lợi nhuận về con số tuyệt đối trở nên đáng chú ý ở một số so sánh.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã cập nhật con số lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay với 7.722 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh với 52,7% so với cùng kỳ 2017. Và dự kiến đây vẫn là thành viên dẫn đầu hệ thống về quy mô lợi nhuận theo con số tuyệt đối.
Sự chú ý sẽ tập trung ở hai thành viên bám sát nhau trong các kỳ công bố gần đây: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Dự kiến đây cũng sẽ là hai thành viên dẫn đầu lợi nhuận nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối) nửa đầu 2018.
Bên cạnh đó, kỳ cập nhật này sẽ trở nên thú vị khi sự so sánh về quy mô lợi nhuận VPBank và Techcombank dự kiến sẽ nổi trội bên cạnh những "ông lớn" có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối là Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), dù quy mô vốn và tổng tài sản chênh lệch lớn.
Dù còn nhiều thành viên chưa công bố, song với những cập nhật bước đầu và dự báo trước, kỳ 6 tháng đầu năm 2018 đang định hình kết quả lợi nhuận tốt nhất trong lịch sử của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung.
Tất nhiên, kết quả đó hình thành trên cơ sở nền tảng tài chính và thị trường rộng mở hơn trước đây, gắn với môi trường và những hướng dịch chuyển khác biệt, mà VnEconomy sẽ tiếp tục đề cập cụ thể.(Vneconomy)
-------------------------------
Những dấu hiệu thắt chặt tiền tệ
Trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá đang ngày càng tăng, mục tiêu ổn định vĩ mô cần được ưu tiên nhất. Theo đó, những tín hiệu đầu tiên về chính sách tiền tệ thắt chặt đã xuất hiện.
Giảm cung tiền, tăng lãi suất
Trước việc tăng trưởng cung tiền mạnh mẽ trong sáu tháng đầu năm nay đã ít nhiều gây áp lực lên lạm phát cũng như tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục hút bớt tiền đồng thông qua thị trường mở, sau khi đã bơm một khoản khổng lồ thông qua kênh mua ngoại tệ. Trong một tháng trở lại đây, NHNN đã mở rộng thêm các kỳ hạn tín phiếu để hút bớt tiền về, dài nhất đã lên tới 91 ngày, đây cũng là kỳ hạn dài nhất được triển khai trong nhiều năm qua.
Trước diễn biến này, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tăng lên trở lại. Cụ thể, sau khi rớt về mức dưới 1% và lập đáy tại mức 0,67% vào hôm 27-6-2018, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 đã tăng trở lại kể từ đó đến nay và đã vượt qua mốc 1%. Các kỳ hạn khác cũng có diễn biến đi lên tương tự, do đó phần nào giúp thu hẹp chênh lệch với lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giảm bớt động lực lướt sóng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, rõ ràng Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung.
Đáng chú ý là lãi suất trên thị trường 1 cũng có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng. Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng tăng mạnh đến 0,4%, kỳ hạn ba tháng tăng 0,3% và kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng 0,1%. Gần đây, Ngân hàng Quân đội cũng tăng mạnh lãi suất huy động vốn, với kỳ hạn một tháng tăng 0,2%, hai tháng tăng 0,3%, đặc biệt kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,55% và kỳ hạn sáu tháng tăng 0,35%.
Trong khi đó, lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực như cho vay bất động sản cũng đã sớm tăng tại một số ngân hàng từ đầu quí 2 đến nay. Việc thanh khoản tiền đồng có thể tiếp tục bị thu hẹp, chi phí vốn của các ngân hàng có thể tăng khi lãi suất huy động vốn trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều tăng trở lại, tất yếu sẽ gây thêm áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Kiềm chế tín dụng và cân nhắc dự trữ bắt buộc
Sau khi giảm mạnh giá bán đô la Mỹ vào cuối ngày 3-7-2018, một lãnh đạo NHNN chia sẻ rằng bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mạnh để xử lý hiện tượng dư thừa tiền đồng nhằm hạn chế áp lực lên tỷ giá và lạm phát thì trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, Theo đó, năm nay tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng thấp hơn mức dự kiến ban đầu là 17%.
Thực tế thời gian qua NHNN đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hạn chế rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, các dự án BOT... cũng như cẩn trọng với tín dụng tiêu dùng. Với khả năng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mục tiêu đề ra thì NHNN sẽ không chịu áp lực phải mở rộng tăng trưởng tín dụng như năm 2017 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nếu tăng trưởng tín dụng - tức cung vốn - bị kìm lại và nếu cầu vốn vay từ khách hàng vẫn ở mức cao, thì các ngân hàng có thể lựa chọn giải pháp tăng lãi suất cho vay để bù đắp lợi nhuận cho phần dư nợ không tăng trưởng được. Hay nói cách khác, khi lượng sản phẩm bán ra buộc phải giảm đi thì giá sẽ tăng lên khi nhu cầu người mua vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, giải pháp tăng dự trữ bắt buộc gần đây cũng đã được nhắc đến. Với lượng tiền đồng dư thừa lớn (ngoài lượng lớn tiền đồng bơm qua kênh mua ngoại tệ, còn lượng lớn tiền gửi khác của ngân sách nhà nước tại các TCTD do giải ngân vốn đầu tư công chậm), việc hút bớt tiền về qua thị trường mở dường như chưa đủ sức hấp thụ hết và giải pháp này cũng chỉ mang tính ngắn hạn, do đó không thể giải quyết triệt để thực trạng hiện nay. Vì vậy, tăng dự trữ bắt buộc có thể được xem là giải pháp dài hạn và có tính chủ động hơn của NHNN nhằm hút bớt thanh khoản khỏi thị trường.
Thực tế là vào cuối tháng 5 vừa qua, NHNN đã quyết định tăng dự trữ bắt buộc đối với Agribank. Theo đó, nếu như trước nay Agribank chỉ bị áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi tiền đồng là 1% cho tất cả các kỳ hạn, thì nay tỷ lệ này đã tăng lên 3% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng - một tỷ lệ bình đẳng với các TCTD khác.
Chính sách tiền tệthắt chặt đã đượckhuyến nghị từ lâu
Chính sách tiền tệ thắt chặt đã được nhiều tổ chức quốc tế liên tiếp khuyến nghị đối với Việt Nam. Từ cuối năm 2015, một báo cáo của HSBC khuyến nghị Việt Nam nên thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại trong năm 2016 để đề phòng lạm phát quay trở lại, sau một giai đoạn nới lỏng với tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Gần đây nhất, vào giữa tháng 6, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng cảnh báo Việt Nam nên xem xét thắt chặt dần chính sách tiền tệ để ưu tiên ổn định vĩ mô và có cơ hội được nâng bậc đầu tư.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, rõ ràng Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng chung.(TBKTSG)