Tổng cục Hải quan: Dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến
Mặt bằng bán lẻ TP HCM đứng trước áp lực rớt giá mạnh
Nhà đầu tư Singapore dẫn đầu M&A bất động sản
Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 xuống 2,8%
ACB đối mặt với thách thức gì?
Tin kinh tế đọc nhanh 19-04-2016
- Cập nhật : 19/04/2016
Tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng "soi" nợ xấu của ngân hàng nước ngoài
Mới đây, tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã gửi yêu cầu tới các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Hạn chót để các đơn vị này trình kế hoạch xử lý nợ xấu 2016 lên NHNN là trước ngày 28/4/2016.
Nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức an toàn, bền vững, dưới 3% tổng dư nợ, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua việc bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tăng cường thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực, kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn.
Tính trong giai đoạn 2013 - 2015, VAMC đã bỏ ra 207.909 tỷ đồng để mua 24.512 khoản nợ của 41 TCTD tương đương với số tiền 243.335 tỷ đồng. Cũng trong quãng thời gian này, VAMC đã thu hồi nợ được 22.783 tỷ đồng và bán nợ đạt 2.956 tỷ đồng.
CTCK có vốn ngoại không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Với CTCK do Nhà nước sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên, thì đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải báo cáo UBCK trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ.
CTCK được đầu tư hoặc ủy thác đầu tư vào các loại công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng không quá 5% tổng số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức nước ngoài và không vượt quá hạn mức tự doanh đăng ký đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký hạn mức tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, CTCK báo cáo UBCK về hạn mức này. Định kỳ hàng tháng, CTCK báo cáo UBCK về tình hình tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
70.000 EURO trong sản phẩm dưỡng thể
Theo tin từ NOS, công chức hải quan tại sân bay Eindhoven (Hà Lan) đã phát hiện 70.000 EURO trong 2 chai kem dưỡng thể khi kiểm tra hành lý của 1 công dân Tây Ban Nha.
Số tiền trên được bọc cẩn thận trong túi nilon và cất giấu trong 2 sản phẩm chăm sóc da. Ngoài ra công chức hải quan còn phát hiện thêm 5.000 EURO khi khám xét người đàn ông này.
Người đàn ông Tây Ban Nha này đến Hà Lan trên chuyến bay từ Milan. Anh ta đã bị bắt giữ do nghi vấn về hành vi rửa tiền và đã được bàn giao cho bộ phận điều tra và thông tin tài chính (FIOD) thuộc cơ quan Thuế và Hải quan Hà Lan làm rõ.
Hiện chưa rõ người đàn ông có kế hoạch làm gì với số tiền này ở Hà Lan. Số tiền này đã bị thu giữ và người đàn ông đã được tại ngoại sau khi thẩm vấn.
Kỳ vọng những điểm mới của hai luật thuế
Với những điều chỉnh, bổ sung trong Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế, dự kiến những quy định này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN khi Luật đi vào thực hiện.
Bổ sung đối tượng chịu thuế để phát triển ngành đóng tàu
Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng cũng là lãnh đạo một DN, ông Đỗ Văn Vẻ, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình có khá nhiều ý kiến đề nghị, phân tích sâu sắc và góp ý với hai luật thuế từ khi luật được đưa ra xin ý kiến ĐBQH. Trước khi QH thông qua Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi), trao đổi với Báo Hải quan, ĐB Đỗ Văn Vẻ đã kiến nghị bổ sung đối tượng miễn thuế đối với thiết bị, phụ tùng đóng tàu biển XK, tàu đánh bắt xa bờ vào Điều 16 của Dự thảo Luật.
Theo phân tích của ĐB, thực tế thời điểm hiện nay, trong việc đóng tàu biển XK, đóng tàu dành cho đánh bắt xa bờ, chúng ta đều phải NK phần lớn động cơ thủy và máy móc, thiết bị đặc chủng dùng để đóng tàu. Trong khi đó, tại Khoản 16, Điều 16 của Dự thảo luật (Dự thảo trình QH trước khi QH thông qua-PV) mới có quy định miễn thuế đối với hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu... Theo ĐB, quy định như vậy chưa thật đầy đủ và chưa xử lý được các tình huống trên thực tế. Do đó, ĐB đề nghị QH bổ sung quy định miễn thuế đối với hàng hóa NK bao gồm cả động cơ thủy, máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, vật tư chuyên dùng thiết bị dùng để đóng tàu biển XK, tàu đánh bắt xa bờ và của cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến ĐB về vấn đề này, tại Dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) trình QH thông qua vào ngày 6-4 đã bổ sung cụm từ “máy móc, thiết bị” thuộc diện miễn thuế tại điểm b khoản 16 Điều 16. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại khoản 16 Điều 16 đã quy định miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho việc đóng tàu. Tuy nhiên, máy móc, thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được nếu không thuộc diện được miễn thuế sẽ không khuyến khích được ngành đóng tàu phục vụ cho XK và tàu đánh bắt xa bờ nên cần bổ sung vào Dự thảo Luật.
Chia sẻ với Báo Hải quan sau khi Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) được QH thông qua với những điểm điều chỉnh, bổ sung, ĐB Đỗ Văn Vẻ cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo tinh thần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN. Khi thực hiện tốt các quy định trong luật mới, các DN làm ăn đàng hoàng, bài bản sẽ phát huy tốt khả năng của mình, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, những DN làm ăn không bài bản chắc chắn sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày là quy định phù hợp
Phân tích về một đối tượng nữa cũng cần được bổ sung vào diện miễn thuế, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tại phiên thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) trong kỳ họp 11 đã kiến nghị bổ sung nhà kính cũng cần được miễn thuế. Theo ĐB, nhà kính phục vụ sản xuất công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện khá phổ biến nhưng không được miễn thuế vì nhà kính nói chung nằm trong danh mục hàng trong nước sản xuất theo quy định không được miễn, tuy nhiên, nhà kính công nghệ cao lại là những nhà kính trong nước không sản xuất được, bắt buộc phải NK với giá lên tới vài tỷ đồng một nhà kính. Ngoài ra, theo ĐB, còn có một thực trạng khác, khi người dân nhập toàn bộ một nhà kính từ một nước nhưng màng che lại từ một nước khác thì Hải quan nói đây là sản phẩm nhập rời phải tính thuế. ĐB cho rằng, việc đó rất khó, bởi thực tế, những nhà kính NK của Israel nếu sử dụng cho sản xuất trồng rau ở Đà Lạt thì được nhưng nếu trồng rau ở dưới các huyện của Lâm Đồng thì phải nhập màng che của Pháp, do đó, người dân phải nhập 2 loại khác nhau. Tiếp thu ý kiến này của ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ quy định cụ thể chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy cách và chất lượng đối với tất cả các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, chưa sản xuất được, trong đó có mặt hàng nhà kính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm căn cứ để thực hiện.
Ngoài những điểm sửa đổi trong Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) được ĐBQH tán thành, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế cũng được QH thông qua vào ngày 6-4-2016, có một điểm điều chỉnh, sửa đổi nhận được nhiều ý kiến đồng tình của ĐBQH sau khi Dự thảo Luật được thông qua. Đó là quy định mức tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày thay vì mức 0,04% như Dự thảo trình QH vào đầu kỳ họp. ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày là thể hiện sự quan sát tình hình thực tế cuộc sống và lắng nghe của Quốc hội cũng như Chính phủ. Năm 2015, nền kinh tế đã đạt được một số thành tựu nhất định, nền kinh tế dần ổn định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, tuy nhiên không thể nói là tất cả đều thuận lợi cho DN mà thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. “Trong những năm qua, DN làm ăn thua lỗ do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan chứ không hoàn toàn do ý thức chủ quan của DN, do đó, với quy định này, Quốc hội và Chính phủ đã chia sẻ và thông cảm với những khó khăn mà DN đang gặp phải” – ĐB Nguyễn Đức Kiên nói.
Còn theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, sau nhiều lần thảo luận và điều chỉnh tỷ lệ này, QH đã thống nhất quy định người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp với tỷ lệ 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định như vậy là phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của DN trong thời gian vừa qua. Tin tưởng rằng quy định này khi đi vào thực hiện sẽ hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ĐB Cao Sỹ Kiêm khẳng định, đây là mức quy định phù hợp để DN có thêm cơ hội và điều kiện vượt qua khó khăn nhưng cũng đủ để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Vướng mắc kiểm dịch sản phẩm thủy sản do thiếu danh mục chi tiết
Để tránh những vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục của cơ quan Hải quan và DN, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đang đề nghị Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần khẩn trương rà soát, ban hành danh mục chi tiết, cụ thể kèm mã số HS hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản.
Thực tế, trong quá trình thực hiện công tác thông quan hàng hóa NK phải kiểm dịch thủy sản, cơ quan Hải quan đã gặp một số vướng mắc, do văn bản về quản lý chuyên ngành thiếu. Cụ thể như trường hợp Công ty CP hóa chất Á Châu (Công ty Á Châu) đăng ký mở tờ khai hải quan NK mặt hàng “MEG-3 (TM) ‘15’ N-3 Emulsion LV- Hỗn hợp vi lượng-Nguyên liệu thực phẩm (10lits/Pail)”. Căn cứ kết quả phân tích phân loại hàng hóa XNK của cơ quan Hải quan thì mặt hàng trên thành phần chính có dầu cá ~25% và được phân vào mã số HS 2106.90.91.
Theo quy định tại Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 32/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng “bột cá, dầu cá, mỡ cá, bột tôm, bột sò và các sản phẩm từ thủy sản khác dùng làm nguyên liệu” thuộc danh mục phải kiểm dịch thủy sản.
Tuy nhiên, hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành chi tiết tên hàng kèm mã số HS đối với danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản phải kiểm dịch tại Thông tư 32/2012/TT-BNNPTNT; việc này gây khó khăn cho cơ quan Hải quan và DN trong quá trình thực hiện thủ tục khi xác định mặt hàng trên có thuộc diện phải kiểm dịch thủy sản hay không.
Đối với trường hợp của Công ty Á Châu, cơ quan kiểm dịch tại nước XK không yêu cầu phải kiểm dịch hàng hóa khi XK, do vậy DN không thể thực hiện thủ tục kiểm dịch tại Việt Nam.
Để giải quyết trường hợp này, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, (Cục Thú y) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể, trường hợp hàng hóa không thuộc diện kiểm dịch thủy sản thì có thông báo để cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục thông quan cho DN.
Về lâu dài, để không phát sinh những vướng mắc tương tự, Cục Thú y cần sớm ban hành danh mục chi tiết, cụ thể kèm mã số HS hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK.
Trong đó yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục chi tiết và kèm bảng mã HS hàng hóa thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch. Thời hạn yêu cầu phải ban hành danh mục này là quý IV năm 2015... nay đã sang quý II năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành.