tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-07-2018

  • Cập nhật : 16/07/2018

Đánh bạc 73 tỷ USD trên thị trường phái sinh, trader khiến ngân hàng lỗ 7,2 tỷ USD

Jerome Kerviel, nhân viên mua bán chứng khoán phái sinh (trader) tại Societe Generale (SocGen) – một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu, đã thực hiện giao dịch tương lai bất hợp pháp với tổng trị giá lên đến 73 tỷ USD, khiến ngân hàng này thua lỗ 7,2 tỷ USD.

Phái sinh là công cụ đầu tư có giá trị phụ thuộc vào những tài sản cơ sở - như cổ phiếu, chỉ số chứng khoán, giá cả hàng hóa… Có rất nhiều loại công cụ phái sinh, như hợp đồng tương lai, quyền chọn, kỳ hạn và hoán đổi.

Nhiệm vụ của Kerviel là mua công cụ phái sinh ở nơi có giá thấp và bán lại ở nơi có giá cao hơn, và kiếm lời từ chênh lệch giá (arbitrage). Giao dịch arbitrage thường có khối lượng lớn và sử dụng các đòn bẩy, nhằm thu lợi nhuận lớn và ít rủi ro.

Tuy nhiên trên thực tế, Kerviel đã thao túng hệ thống giám sát rủi ro của SocGen và chỉ thực hiện một nửa giao dịch arbitrage. Anh ta mua vào, và đóng vị thế mua bằng các vị thế bán không hề tồn tại.

Việc mua vào và đánh cược rằng thị trường sẽ đi lên để thu lời được gọi là đầu cơ mạo hiểm. Những giao dịch này của Kerviel thu về 2 tỷ USD lợi nhuận năm 2007.

Lo lắng mất việc nếu bị phát hiện khoản lãi 2 tỷ USD từ giao dịch trái phép, Kervie cố thua lỗ bằng cách thực hiện mua một khối lượng khổng lồ các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, đánh cược thị trường sẽ đi lên trong khi chứng khoán thế giới đang lao dốc do khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn tháng 1/2008. Chiến lược này rất hiệu quả, gây ra khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Cụ thể, Kerviel mua 50 tỷ euro (73 tỷ USD) hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán châu Âu, bao gồm 30 tỷ euro chỉ số Eurostoxx pan, 18 tỷ euro chỉ số DAX và 2 tỷ euro chỉ số FTSE. Các hợp đồng này có sẽ đáo hạn trong vòng 1 – 3 tháng tiếp theo và có lãi nếu thị trường đi lên trong khoảng thời gian đó.

Thông thường, Kerviel phải đóng vị thế bằng cách bán hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ chẳng hạn, để thu lời trong trường hợp thị trường đi xuống. Do chứng khoán châu Âu và Mỹ thường diễn biến cùng chiều, nếu vị thế mua bị lỗ do thị trường châu Âu giảm điểm, khoản lãi từ vị thế bán sẽ bù lỗ. Tuy nhiên, anh ta bỏ qua việc đóng vị thế bằng cách tạo ra các vị thế mua giả mạo.

Ngày 18/1/2008, quản lý bộ phận kiểm soát tuân thủ của SocGen đã phát hiện một giao dịch vượt quá ngưỡng rủi ro của ngân hàng. Sau khi kiểm tra lại, anh ta phát hiện ra giao dịch này chưa được đóng vị thế theo đúng nguyên tắc.

Tin tức về các khoản đầu cơ của Kerviel nhanh chóng bị rò rỉ, khiến cổ phiếu SocGen liên tục giảm điểm và anh ta bị sa thải. Đối mặt với khoản lỗ 1,4 tỷ USD, ban lãnh đạo ngân hàng có hai lựa chọn: đóng vị thế mua để tránh lỗ thêm, hoặc để vị thế mở và hy vọng thị trường sẽ đảo chiều tăng.

Từ 21/1 đến 23/1/2008, SocGen bán tháo các hợp đồng tương lai có tổng trị giá 73 tỷ USD để đóng vị thế. Việc bán một khối lượng lớn hợp đồng phái sinh trong một khoảng thời gian ngắn đẩy giá giảm sâu hơn, khiến ngân hàng càng thiệt hại nặng. SocGen lỗ 7,2 tỷ USD còn Kerviel trở thành trader lừa đảo gây thua lỗ lớn nhất trong lịch sử.

Có 4 nguyên nhân chính giúp Kerviel qua mặt bộ phận kiểm soát giao dịch và hệ thống máy tính giám sát, để giấu khoản lỗ khổng lồ.

Thứ nhất, Kerviel hiểu rõ cách vận hành của bộ phận hỗ trợ giao dịch và vận dụng kiến thức về hệ thống giám sát rủi ro ngân hàng để giấu các giao dịch bất hợp pháp.

Thứ hai là sự thiếu năng lực của ban quản lý ngân hàng. Họ không hề hay biết việc Kerviel phá vỡ hệ thống phát hiện gian lận trên máy tính của ngân hàng và tạo ra một mạng lưới các tài khoản giao dịch giả mạo, cũng như khoảng 1.000 giao dịch gian lận của anh ta.

Thứ ba, SocGen dung túng cho trader phá lệ, miễn thu được lợi nhuận. Cấp trên Kerviel của phớt lờ vị thế giao dịch ngày càng tăng của anh, và chỉ quan tâm đến số tiền lãi khổng lồ anh mang về cho ngân hàng.

Cuối cùng, cả Kerviel và cấp trên đều tự tin mù quáng vào tài năng đầu tư của anh. Điều này dẫn đến thảm họa và biến Jerome Kerviel từ thiên tài đầu tư thành kẻ lừa đảo.(NDH)
----------------------

Chuyên gia Credit Suisse: Quy mô kinh tế Triều Tiên có thể tăng lên 100 tỷ USD trong 10 năm

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, chuyên gia Trang Thuy Le của Credit Suisse dự báo Triều Tiên có thể tạo ra tăng trưởng GDP thực 7-8% mỗi năm, tính theo đồng bản tệ.

Các cuộc đàm phán gần đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang tới hy vọng cho triển vọng kinh tế của đất nước đầy bí ẩn này.

Người ta đang theo dõi xem liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên có đi theo cam kết của mình để giải trừ hạt nhân hay không. Bước tiếp theo sẽ là cải cách chính sách để mở cửa nền kinh tế của Triều Tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trang Thuy Le, chuyên gia phân tích của Credit Suisse, ước tính Triều Tiên có thể trở thành một nền kinh tế trị giá 100 tỷ USD trong vòng 10 năm nếu nước này có một con đường hướng tới hiện đại hóa, dù rằng con số 100 tỷ USD vẫn chỉ chiếm 0,1% GDP toàn cầu ngày nay.

Và bà Trang đã trích dẫn một thực tế thú vị khác về Triều Tiên: một số chuyên gia trong ngành cho rằng quốc gia này có thể đang ngồi trên một lượng tài nguyên thiên nhiên lớn chưa được khai thác.

“Công ty khai thác mỏ của chính phủ Hàn Quốc ước tính trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên - than đá, quặng sắt, kẽm, chì, đồng và các khoáng chất quý hiếm - có thể trị giá hơn 6.000 tỷ USD”, bà nói.

Con số này gấp 190 lần mức GDP năm 2016, vào khoảng 32 tỷ USD.

"Khai thác mỏ đã đóng góp 13% GDP năm 2016, nhưng sản lượng đã bị hạn chế do thiếu người mua do các lệnh trừng phạt kinh tế gần đây cũng như thiếu đầu tư vào thiết bị và tài nguyên khai thác", bà Trang cho hay.

Để có được một đánh giá về dự báo tăng trưởng của Triều Tiên sẽ như thế nào nếu nước này mở ra nền kinh tế của mình, chuyên gia của Credit Suisse so sánh đất nước với ba nước khác đã trải qua một quá trình hiện đại hóa tương tự.

"Chúng tôi lấy kinh nghiệm của Hàn Quốc vào những năm 1970, Trung Quốc vào đầu những năm 1990 và Việt Nam vào cuối những năm 1990 như là tham chiếu cho tiềm năng tăng trưởng của Triều Tiên", bà Trang cho biết.

Dựa trên kinh nghiệm của những quốc gia đó, bà Trang cho biết Triều Tiên có thể tạo ra tăng trưởng GDP thực 7-8% mỗi năm theo đơn vị tiền tệ địa phương.

Với tốc độ đó, quy mô nền kinh tế Triều Tiên sẽ tăng lên khoảng 100 tỷ USD, trong đó thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng từ 1.258 USD lên khoảng 4.000 USD.

Bất chấp tiềm năng như thế, bà Trang cho biết thêm rằng một cuộc thống nhất nhanh chóng với Hàn Quốc vẫn là một viễn cảnh không chắc chắn.

Bà cho biết chính phủ Hàn Quốc dường như đánh giá rằng sự thống nhất nhanh chóng sẽ tạo ra gánh nặng tài chính và gây ra sự gián đoạn đáng kể trong thị trường lao động của Hàn Quốc.(NDH)
--------------------------

Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại

Cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt Nam với hàng hóa nhập ngoại vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do bắt đầu năm nay, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam có thuế suất bằng 0% và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực nên hàng Việt phải chịu sức ép về chất lượng và giá thành.

Hàng Việt đang gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại. (Ảnh minh họa: KT).

Nhằm giúp hàng Việt vững chân trên thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, đề án phát triển thị trường trong nước kết nối cung cầu do Bộ Công thương chủ trì và các luật hỗ trợ khác đã và đang giúp cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường sự hiện diện các sản phẩm sản xuất trong nước tại các hệ thống phân phối hiện đại.

"Luật hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được trình lên Quốc hội. Trên cơ sở đó sẽ tạo ra những công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ của Việt Nam có điều kiện để phát triển và theo kịp được với tiến độ hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới khi mà phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia có rất nhiều tiềm lực về công nghệ, về trình độ quản lý, về vốn… Làm thế nào để các doanh nghiệp đó vẫn có thể tồn tại được", bà Lê Việt Nga cho hay.(VOV)

Trở về

Bài cùng chuyên mục