Xuất khẩu điện thoại đạt gần 17 tỷ USD
Nguồn cung khu công nghiệp TPHCM tăng mạnh
Tồn trữ cà phê Việt Nam giảm mạnh do giá lên
PVTex lỗ lũy kế đã hơn 3.000 tỷ đồng
Trái cây gắn mác nhập khẩu: Nhập nhằng xuất xứ
Tin kinh tế đọc nhanh 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Tôn màu giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Theo hiệp hội Thép Việt Nam, hiện các doanh nghiệp ngành tôn thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm xuất khẩu bị kiện nhiều nhất, nhưng cũng vừa đối mặt với lượng tôn thép giá rẻ được nhập ồ ạt từ Trung Quốc.
Sản lượng sản xuất tôn mạ (tôn phủ màu, thép mạ) của Việt Nam hiện tại khoảng gần 1,9 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ nội địa chỉ gần 740.000 tấn, nên lượng sản xuất đã dư thừa trên 250%. Đây là tỷ lệ rất lớn.
Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc tăng vọt, tổng sản lượng tôn mạ (tôn phủ màu, tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) dư thừa tại thị trường nội địa hiện tại là khoảng trên 1,2 triệu tấn.
Theo thống kê, sản lượng nhập khẩu tôn phủ màu và thép mạ (tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) từ Trung Quốc có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua.
Cụ thể, sản lượng nhập khẩu tôn phủ màu trong 5 tháng đầu năm 2016 là gần 310.000 tấn, tăng 186% so với cùng kỳ năm 2015; còn lượng thép mạ (tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) nhập từ Trung Quốc trong thời gian trên hơn 910.000 tấn, tăng 195% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, giá bán tôn mạ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán giá thấp hơn khoảng 30- 31 % so với giá bán tôn mạ do Việt Nam sản xuất. Khoảng chênh lệch này là rất lớn nên sản phẩm tôn mạ Việt Nam hiện tại không thể cạnh tranh nổi với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện ngành thép trong nước bị áp dụng khoảng 62 biện pháp phòng vệ thương mại từ khắp thế giới. Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen –doanh nghiệp chiếm khoảng 40% thị phần tôn ở Việt Nam biết, những vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước khác đã gây khó khăn cho doanh nghiệp thép Việt Nam trong thị trường xuất khẩu.
“Trong khi đó, Việt Nam chỉ có hai vụ kiện phòng vệ thương mại cho mặt hàng thép đã áp thuế, vì thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc đang ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình”- ông Thanh nói.
Trước thực trạng tôn mạ nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, các doanh nghiệp tôn thép là Công ty CP Đại Thiên Lộc, Cty CP thép Nam Kim, Cty CP Tôn Đông Á đã quyết định khởi kiện. Cả 3 công ty trên chiếm trên 25% về mặt hàng tôn màu trong nước.
Đáp lại các đơn kiện của các nguyên đơn nói trên, cùng sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp tôn thép trong nước (với tỷ lệ chiếm tới 99,86% tổng sản lượng tôn màu sản xuất trong nước), ngày 6/7, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ .
Theo đó, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm/kẽm được phủ sơn (tôn lạnh màu); thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ kẽm được phủ sơn (tôn kẽm màu);
Thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội được phủ sơn (tôn đen màu) ở dạng cuộn, tấm băng hoặc cán sóng. Các loại trên ứng với mã HS: 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919, 7226.9999.
Giai đoạn điều tra, được xác định thiệt hại là từ 1/1/2013 đến 31/12/2015. Thời gian điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày có quyết định.
Hòa Phát tiếp tục tăng thị phần thép, đưa vào sử dụng hệ thống máy hàn mới
Ngày 12/7/2016, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG-HoSE) vừa công bố sơ lược sản lượng tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm. Theo đó, lũy kế trong nửa đầu năm 2016, thép Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 785.000 tấn. Thị phần của Hòa Phát tiếp tục tăng và hiện chiếm 20,46% thị phần thép xây dựng toàn quốc.
Trước đó, Thép Hòa Phát đã tiêu thụ gần 680 nghìn tấn trong 5 tháng đầu năm.Trong đó, riêng tháng 5, sản lượng gần 134.000 tấn, nhu cầu về thép bắt đầu giảm do lượng tồn kho đầu cơ. Sản lượng tiêu thụ trong tháng 6 thấp hơn so với tháng trước, đạt hơn 105 nghìn tấn.
Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát đã cung cấp 140.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác tại Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 10/6/2016, Hòa Phát đã đưa vào sử dụng hệ thống máy hàn phôi thép tự động, đồng bộ với dây chuyền cán số 3, thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Kinh Môn Hải Dương nhằm tăng năng suất thiết bị, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Theo đại diện Nhà máy cán thép Hòa Phát cho biết, công nghệ và thiết bị máy hàn tự động nói trên đã được nhà máy trên thế giới và mang lại hiệu quả. Theo tính toán của Hòa Phát, hệ thống máy hàn sẽ giúp tăng năng suất cán ít nhất 5%, tăng độ ổn định của thiết bị do dòng phôi cán liên tục, chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, không còn đầu mẩu tại các máy cắt như trước đây, khắc phục hoàn toàn vấn đề thép ngắn dài trong quá trình sản xuất.
Máy hàn phôi được áp dụng đầu tiên cho dây chuyền mới và lớn nhất của thép Hòa Phát (dây chuyền cán thép công suất 600.000 tấn/năm). Sau đó, Hòa Phát sẽ xem xét hiệu quả để áp dụng cho các dây chuyền khác nhằm tăng sản lượng, giảm chi phí…
Số DN trở lại hoạt động tăng hơn 75%
Cùng với đó, cả nước có trên 54.500 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 427.800 tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, còn có 16.125 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774.700 tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm đạt trên 1.202 nghìn tỷ đồng.
Số lượng DN và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và tạo niềm tin cho cộng đồng DN và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có 5.507 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh; trên 31.000 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay, tăng tương ứng 17% và 15%.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2016 so với quý I/2016 cho thấy có 41,8% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn; 18,9% đánh giá gặp khó khăn và 39,3% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 19,1% số DN có lượng tồn kho quý II/2016 tăng so với quý trước; 31,8% số DN có lượng tồn kho giảm và 49,1% số DN giữ ổn định.
Về sử dụng lao động, quý II/2016 có 18,3% số DN khẳng định quy mô lao động tăng; 12,8% khẳng định giảm và 68,9% giữ ổn định.
Xu hướng chung trong 6 tháng cuối năm 2016, phần lớn DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn 6 tháng đầu năm, trong đó 55,4% số DN dự báo khối lượng sản xuất tăng; 9,3% cho rằng khối lượng sản xuất giảm và 35,3% vẫn ổn định. Về số đơn đặt hàng, có 48,5% số DN dự kiến số đơn đặt hàng tăng; 9,5% dự kiến giảm và 42,0% cho rằng sẽ ổn định...
Thị trường liên ngân hàng: Lãi suất giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, trong tuần từ 4-8/7/2016, doanh số giao dịch VND trên thị trường liên ngân hàng giảm khá mạnh so với tuần trước đó; lãi suất cũng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt từ 01 tháng trở xuống.
Cụ thể, trong tuần tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 94.984 tỷ đồng (bình quân 18.997 tỷ đồng/ngày), giảm 43.276 tỷ đồng so với tuần từ 27/6-01/7/2016; bằng USD quy đổi ra VND đạt 59.653 tỷ đồng (bình quân khoảng 11.931 tỷ đồng/ngày), tăng 4.760 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 01 tuần (chiếm 34% tổng doanh số giao dịch VND) và qua đêm (chiếm 29%). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 59% và 20% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Về lãi suất giao dịch bằng VND, so với tuần từ 27/6-01/7/2016, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt từ 01 tháng trở xuống. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt còn 1,17%/năm, 1,50%/năm và 2,41%/năm.
Đối với các giao dịch USD, so với tuần từ 27/6-01/7/2016, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng giảm trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt. Trong khi lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm giảm còn 0,44%/năm, lãi suất bình quân kỳ hạn 01 tuần và 01 tháng tăng lần lượt đến mức 0,49%/năm và 0,88%/năm so với tuần trước đó.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần
| Qua | 1 | 2 | 1 | 3 | 6 | 9 |
VND | 1,17 | 1,50 | 1,89 | 2,41 | 4,02 | 4,44 | - |
USD | 0,44 | 0,49 | 0,49 | 0,88 | 1,17 | 1,22 | 1,88 |
VNP đi ngược xu hướng?
Có thể thấy, việc tái cơ cấu đang đem lại một số nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của VNP.
Hoạt động chính của VNP là kinh doanh các loại hạt PVC, PET, PP, PE, nguyên liệu dùng để sản xuất các loại ống nhựa và bao bì. Hiện tại, trung bình mỗi năm công ty cung ứng cho thị trường khoảng 20.000 tấn nhựa các loại, chiếm 5% tổng sản lượng cung ứng của toàn thị trường.
Là nhà cung ứng lớn của nhiều DN nhựa trong nước, bao gồm cả BMP và NTP, hoạt động đầu tư dàn trải khiến VNP kinh doanh thua lỗ trong suốt ba năm qua. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu thời gian gần đây đang giúp VNP vực dậy sau một thời gian dài khó khăn.
Cụ thể, năm 2015, VNP đã mạnh tay giải thể/sáp nhâp các phòng ban, chi nhánh để tinh gọn bộ máy hoạt động và cắt giảm chi phí quản lý DN. Về phương diện tài chính, công ty cũng đẩy mạnh việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, nợ đến hạn phải trả bằng dòng tiền từ việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết kém hiệu quả và bán tài sản.
Trong năm 2015, VNP hoàn tất thoái vốn tại 3 công ty là CTCP Nhựa Thăng Long, CTCP Nhựa Bắc Giang, CTCP Nhựa Tân Phú. Tại buổi họp ĐHĐCĐ năm 2016, công ty cho biết đã thống nhất với đối tác về giá chuyển nhượng 2 dự án tại số 39A Ngô Quyền (120 tỷ đồng) và 360 Giải Phóng, Hà Nội (21 tỷ đồng). Riêng với dự án 39A Ngô Quyền, VNP sẽ nhận ứng trước khoảng 40% giá trị hợp đồng trong năm nay.
Dù việc hạch toán lợi nhuận của 2 dự án (ước tính khoảng 101 tỷ đồng sau thuế TNDN) có thể chỉ được ghi nhận trong năm 2017, việc VNP có thêm dòng tiền để trả bớt nợ vay và bổ sung nguồn vốn hoạt động là điều được giới chuyên môn đánh giá cao. Đồng thời, VNP cũng dự kiến sẽ hoàn tất thoái vốn tại CTCP Nhựa Youl Chon Vina trong năm nay.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh chính, VNP chủ trương chuyển hướng dần sang sản xuất một phần các sản phẩm mà trước nay công ty thuần túy chỉ mua đi bán lại.
Thứ nhất, công ty sẽ tận dụng khuôn viên nhà xưởng sẵn có ở phía Nam để đầu tư nhà máy tái chế nhựa phế liệu. Hiện tại, VNP đã thu xếp được nguồn vốn vay từ ngân hàng cho dự án.
Thứ hai, VNP sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy chuỗi cách điện theo chương trình công nghệ cao của Chính phủ. Đầu ra chính của nhà máy là các sản phẩm chuỗi cách điện polymer với lớp phủ cao su silicol có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 70 tỷ đồng, 30% được tài trợ bởi ngân sách Nhà nước.
Cuối cùng, trên cơ sở nghiên cứu về nhựa sinh học đã hoàn thành trong 2011- 2012, VNP cũng đang ứng dụng thử nghiệm để đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất túi sinh học.
Có thể thấy, việc tái cơ cấu đang đem lại một số nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của VNP. Từ đây, giới chuyên môn cho rằng KQKD dần cải thiện cộng với các khoản lợi nhuận từ việc bán tài sản có thể giúp VNP hoàn tất xóa lũy kế trong năm 2017 hoặc 2018. Ngoài ra, câu chuyện thoái vốn của Bộ Công Thương tại VNP cũng được thị trường kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực đối với giá cổ phiếu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng thông tin không đầy đủ khiến việc đánh giá hiệu quả tài chính của các dự án nói trên là khó thực hiện được. Thêm vào đó, lộ trình và quyết tâm thoái vốn của Bộ Công Thương tại VNP cũng chưa thực sự rõ ràng.
Điều này là cơ sở để nhà đầu tư xem xét kỹ hơn, thay vì đặt kỳ vọng vào một bước “lột xác” tại VNP trong ngắn hạn. Cụ thể, sau đợt tăng mạnh trong tháng 6, giá cổ phiếu VNP đã liên tục đi xuống và đang giao dịch ở mức P/E (4 quý gần nhất) vào khoảng 4,3 lần.(TBNH)