Né thuế, hàng loạt ô tô ở Lâm Đồng xin chuyển sang tỉnh khác kinh doanh?
Indonesia muốn nhập 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam và Thái Lan
Dịch vụ thanh toán điện tử 1Pay hợp tác với Fortumo
Ngân sách bội chi 136.000 tỉ đồng
Quà tặng cá nhân không quá 2 triệu đồng được miễn thuế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-09-2015
- Cập nhật : 29/09/2015
Bảy ngân hàng lớn bị điều tra do thâu tóm giá kim loại quý
Ngày 28/9, Ủy ban kiểm soát cạnh tranh thị trường Thụy Sĩ (COMCO) cho biết cơ quan này đang điều tra 7 ngân hàng bị tình nghi thông đồng ấn định giá trên thị trường kim loại quý.
Trong số các ngân hàng COMCO đang điều tra có một số "ông lớn" của ngành tài chính ngân hàng như Deutsche Bank (Đức), HSBC (Anh), Barclays (Anh), Morgan Stanley (Mỹ) và Mitsui (Nhật). Ngoài ra, hai ngân hàng của Thụy Sĩ là UBS và Julius cũng có tên trong danh sách này.
Hiện COMCO đang nắm một số bằng chứng cho thấy các ngân hàng có thể đã ký kết những thỏa thuận bất hợp pháp, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh, trong giao dịch các mặt hàng kim loại quý như vàng, bạc và bạch kim.
Cụ thể, COMCO nghi ngờ có những thỏa thuận ấn định giá, đặc biệt liên quan đến chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Trong danh sách trên có một số ngân hàng đã bị nhà chức trách Mỹ phạt nặng với cáo buộc thông đồng gian lận lãi suất liên ngân hàng Libor./.
ANZ: Giảm lãi suất USD chỉ là biện pháp mang tính kỹ thuật
Ngân hàng ANZ vừa đưa ra báo cáo nhận định nhanh về động thái giảm lãi suất tiền gửi USD của Ngân hàng Nhà nước.
Đêm hôm qua (27/9), NHNN bất ngờ phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất gửi USD với tổ chức còn 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm); lãi suất tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm (mức cũ là 0,75%/năm), áp dụng từ 28/9.
ANZ nhận định rõ ràng động thái mới nhất này là để theo đuổi chính sách chống đôla hóa. Thông báo chính thức của SBV có nhắc đến mục đích ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Kể từ khi NHNN nới biên độ giao dịch tỷ giá vào cuối tháng 8, tỷ giá USD/VND vẫn ở gần mức trần trong khoảng 21.233 – 22.547 VND đổi 1 USD mà NHNN quy định. Mặc dù đã giảm gần 5% kể từ đầu năm đến nay, VND vẫn là một trong những đồng tiền khỏe mạnh nhất trong khu vực nhờ sự hỗ trợ của hoạt động xuất khẩu.
Việt Nam cũng là nước duy nhất có tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong bối cảnh xuất khẩu của châu Á suy giảm.
Mặc dù nhận định động thái hôm qua chỉ là một biện pháp mang tính kỹ thuật trong khuôn khổ chính sách chống đôla hóa, ANZ cũng dự báo Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2016. Nguyên nhân là do kinh tế khu vực giảm tốc vì Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt có nhiều sếp nữ hàng đầu khu vực ASEAN
Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước Đông Nam Á có tỷ lệ phụ nữ nắm vị trí hàng đầu trong quản lý doanh nghiệp cao hơn mức trung bình.
Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước Đông Nam Á có tỷ lệ phụ nữ nắm vị trí hàng đầu trong quản lý doanh nghiệp cao hơn mức trung bình, theo báo cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB vừa công bố trong tuần được VOA công bố.
Tỷ lệ này của tất cả 6 nước bao gồm Lào, Philippines, Malaysia,Singapore, Việt Nam đều trên 15%. Trong đó, Việt Nam có tỷ lệ cao nhất là 30%.
Báo cáo nhan đề "Tạo điều kiện cho phụ nữ, năng động hóa Châu Á" của ADB nhằm cung cấp những thông tin cập nhật về tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực, báo cáo các tiến bộ về bình đẳng giới đặc biệt là vai trò-nhiệm vụ của phụ nữ trong lĩnh vực quản lý.
ADB nói Châu Á sẽ thịnh vượng hơn nếu thực hiện bình đẳng giới, nghĩa là biết cách sử dụng tất cả các nguồn nhân lực một cách đầy đủ nhất.
Chủ tịch ADB nhận xét phụ nữ Châu Á vẫn còn bị thiệt thòi trong lĩnh vực giáo dục và công ăn việc làm, và tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ hơn có được việc làm có thu nhập là một yếu tố giúp mang lại sự thay đổi xã hội.
Tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới tách làm đôi
Alcoa Inc., nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới, vừa thông báo sẽ tách thành hai công ty niêm yết độc lập. Mảng sản xuất sẽ được tách riêng khỏi mảng tinh luyện nhôm vốn đang gặp nhiều khó khăn trước sự bùng nổ của các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc.
Động thái này tạo ra hai công ty. Một công ty chưa được đặt tên kế thừa mảng downstream (sản xuất các sản phẩm sẽ đi qua các dây chuyền sản xuất như các cuộn nhôm được sử dụng trong dây chuyền sản xuất ô tô và trong ngành hàng không vũ trụ). Công ty còn lại giữ nguyên tên Alcoa, kế thừa mảng upstream, gồm các hoạt động khai thác bauxite, luyện nhôm và tinh chế nhôm.
Sau thông tin này, cổ phiếu của Alcoa tăng 5,4% trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa.
Việc chia tách là đỉnh điểm của chiến lược mà CEO Klaus Kleinfeld liên tục theo đuổi kể từ khi ông tiếp quản tập đoàn 126 năm tuổi từ năm 2008. Cựu CEO của Siemens luôn nhấn mạnh Alcoa sẽ tập trung vào các sản phẩm nhôm có giá trị gia tăng cao và hợp lý hóa mảng kinh doanh nhôm như một loại hàng hóa.
“Cấu trúc mới đảm bảo cả hai công ty đều có sức cạnh tranh và có thể hoạt động độc lập”, ông nói.
Mảng luyện nhôm của Alcoa đã gặp phải nhiều khó khăn vì nguồn cung trên thị trường thế giới quá dư thừa. Giá của kim loại này đã giảm 16% kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh sức tiêu thụ của Trung Quốc giảm mạnh và các nhà sản xuất nhôm ở đây đang cố gắng tăng lượng nhôm xuất khẩu.
Kleinfeld sẽ tiếp tục dẫn dắt công ty mới đồng thời trở thành Chủ tịch của công ty Alcoa cũ “để đảm bảo giai đoạn đặc biệt quan trọng này sẽ diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả cao nhất”.
Công ty Alcoa mới sẽ có khoảng 17.000 nhân viên, có doanh thu 13,2 tỷ USD trong 1 năm kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua và có Ebitda (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) ở mức 2,8 tỷ USD.
Công ty còn lại có khoảng 43.000 nhân viên, với doanh thu 14,5 tỷ USD và Ebitda cùng kỳ đạt 2,2 tỷ USD.
Doanh nhân Malaysia tìm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Ngày 28/9, Diễn đàn Doanh nghiệp Malaysia-Việt Nam năm 2015 (MVBF 2015) đã diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Diễn đàn do Cục Phát triển ngoại thương Malaysia (MATRADE) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương Việt Nam, và cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức, thu hút hơn 300 đại biểu là các doanh nhân, các nhà xuất khẩu và đầu tư của Malaysia.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc điều hành MATRADE Dzulkifli Mahmud cho biết với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng đối với các hoạt động thương mại và đầu tư trong ASEAN. Mối quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ giữa Malaysia và Việt Nam trong những năm qua đã chứng tỏ là chất xúc tác trong việc tăng cường quan hệ song phương. Mối quan hệ chặt chẽ này có thể tiếp tục phát triển vì lợi ích tăng trưởng của hai nước trong tương lai trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư và trong mối liên kết ASEAN.
Giám đốc điều hành MATRADE cũng cho biết năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Malaysia và Việt Nam đạt 9,04 tỷ USD. Riêng trong 7 tháng năm 2015, xuất khẩu của Malaysia sang Việt Nam tăng 9,1% đạt 2,61 tỷ USD và nhập khẩu tăng 1,2% đạt 2,79 tỷ USD. Về đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 tại Việt Nam với giá trị đầu tư lũy kế 10,7 tỷ USD.
Hiện tại, một số tập đoàn, công ty lớn của Malaysia như Petronas Cari Gali Sdn Bhd, Gamuda Group; Tan Chong Motor Holding, Air Asia, IJM Corporation Berhad, Ngân hàng CIMB, và Maybank Banking Berhad đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, ôtô, công nghiệp sản xuất, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính.
Ông bày tỏ hy vọng rằng thông qua diễn đàn này, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp Malaysia quan tâm đến hợp tác làm ăn với các công ty của Việt Nam và thực sự hy vọng chương trình sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam Phạm Cao Phong nêu bật những điểm thuận lợi thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Malaysia, trong đó có việc ký Tuyên bố về khuôn khổ Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia trong chuyến thăm chính thức Malaysia vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; thành tựu kinh tế của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,8% trong 15 năm qua, việc hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...; và ngày càng mở rộng quan hệ thương mại với nhiều nước.
Đại sứ cũng đưa ra đề xuất sớm thành lập Hiệp hội Doanh nhân Malaysia-Việt Nam tại Malaysia để làm cầu nối giữa hai nước, tổ chức các cuộc tiếp xúc thường xuyên, tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa doanh nghiệp hai nước.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng nghe đại diện thương mại của MATRADE tại Thành phố Hồ Chí Minh Faizal Izany Mastor giới thiệu về cơ hội thương mại và đầu tư cho các công ty Malaysia tại Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế ASEAN thuộc Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Ravidran Palaniappan phát biểu về quan hệ Malaysia-Việt Nam trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN và Cộng đồng Kinh tế sắp ra đời.
Trong khi đó, ông Trần Minh Thắng, Trưởng phòng Chính sách Phát triển xuất khẩu, thuộc Cục Xúc tiến thương mại, đại diện VIETRADE đã cung cấp cho các đại biểu những thông tin về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, đầu tư, những cơ hội và thách thức, cũng như việc triển khai các hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hiểu hơn những luật lệ và quy định về kinh doanh đầu tư tại Việt Nam. Dự kiến, VIETRADE sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Malaysia vào tháng 10 tới tại Thành phố Hồ Chí Minh