Thu 24.500 tỉ đồng nợ thuế sau 9 tháng
Tổng nguồn vốn của VBSP đạt 147.196 tỷ đồng
Tập đoàn Mỹ đầu tư khách sạn Sheraton 40 triệu USD ở Hạ Long
Nhiều “đại gia” quan tâm tới khu đất Khách sạn Kim Liên
Việt Nam là nước có vị trí thấp nhất khu vực về quản trị công ty
Tin kinh tế đọc nhanh 02-10-2015
- Cập nhật : 02/10/2015
Euromoney: Việt Nam đang trở thành thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn
Sáng ngày 30/9, Diễn đàn đầu tư toàn cầu 2015 chính thức diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn quy tụ sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Theo đánh giá, các lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, phát triển hạ tầng/điện, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và phát triển thị trường vốn… của Việt Nam hiện nay đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tại diễn đàn này, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội đối thoại trực tiếp với cơ quan chức năng và Chính phủ Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Tony Shale – Tổng giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Euromoney cho biết, Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn trong khu vực Châu Á.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được những cơ hội phát triển. Trong nửa đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,28%.
Bên cạnh đó, các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giúp Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng trong việc thu hút vốn đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia hội nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Hà Nội phê duyệt giá khởi điểm đấu giá 5 lô đất tại quận Hoàn Kiếm
UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng 5 cơ sở nhà đất tại quận Hoàn Kiếm – Hà Nội do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý.
5 cơ sở này gồm:
Cơ sở đất số 41A phố Cầu Đông, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm có diện tích 54,2m2, diện tích nhà 98,5m2. Giá khởi điểm hơn 10,6 tỷ đồng trong đó 10,26 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất, phần còn lại là giá trị công trình xây dựng trên đất.
Cơ sở nhà đất số 65 phố Cầu Đông, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm với diện tích đất 19,1m2; diện tích nhà 42,8m2; giá khởi điểm 3,78 tỷ đồng trong đó giá trị quyền sử dụng đất gần 3,62 tỷ đồng.
Cơ sở nhà đất số 04 phố Hàng Gai, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm với diện tích đất ở là 10,5m2; diện tích nhà 10,5m2 (tầng 1 của nhà 2 tầng); với giá khởi điểm 2,05 tỷ đồng trong đó giá trị quyền sử dụng đất 2,01 tỷ đồng.
Cơ sở nhà đất số 02 phố Cầu Gỗ, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm với diện tích nhà cấp 4 là 10,3m2; giá khởi điểm hơn 1,95 tỷ đồng trong đó giá trị quyền sử dụng đất 1,93 tỷ đồng.
Cơ sở nhà đất số 100 Cầu Gỗ, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm với diện tích đất 42,8m2; diện tích nhà 70,8m2; giá khởi điểm gần 10,91 tỷ đồng trong đó giá trị quyền sử dụng đất 10,63 tỷ đồng.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt bảng giá đất trên địa bàn Thành phố năm 2015 – 2019. Theo đó, giá đất ở tại phố Hàng Gai cao nhất 120 triệu đồng/m2 và thấp nhất 37,8 triệu đồng.m2; phố cầu Đông có giá cao nhất 88 triệu đồng/m2 và thấp nhất 29,48 triệu đồng/m2; phố Cầu Gỗ có giá cao nhất 102 triệu đồng/m2 và thấp nhất 33,15 triệu đồng/m2.
Standard Chartered Việt Nam được tăng vốn điều lệ lên 3.080 tỷ đồng
Ngày 28/9/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam).
Theo đó, NHNN chấp thuận việc Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam) tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.080 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Chủ sở hữu phê duyệt tại Nghị quyết ngày 31/3/2015 và Hội đồng thành viên Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam) thông qua tại Nghị quyết số VN-0094 ngày 27/3/2015.
Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam - ngân hàng 100% vốn của Standard Chartered Anh quốc chính thức đi vào hoạt động từ ngày1/8/2009.
Ngân hàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thương mại và bán lẻ cho khách hàng là các doanh nghiệp, các định chế tài chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân.
Sau đợt tăng vốn này, Standard Chartered sẽ là nhà băng có vốn điều lệ lớn thứ 3 sau HSBC và Shinhan.
Cơ chế đầu tư mới cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý áp dụng cơ chế nhà nước đầu tư trực tiếp đối với khoản vay hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục kiểm soát chi và thanh toán nợ khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho dự án hỗ trợ kỹ thuật nói trên theo cơ chế tài chính mới.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm điều chỉnh các điều khoản liên quan của Hiệp định vay hỗ trợ kỹ thuật theo cơ chế tài chính mới.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km được chia thành 2 phần. Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành dài gần 24km đi qua quận 2, 9 (TP.HCM), huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 100 km/giờ.
Đoạn 2 (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A TCVN 5729-97, vận tốc thiết kế 120km/giờ, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h.
Uber Việt Nam đề xuất bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ vận tải
Ngày 30/9, Uber Việt Nam cho biết doanh nghiệp này vừa đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về chương trình thí điểm nhằm bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ mạng lưới vận tải tại Việt Nam.
Uber Việt Nam đề xuất chương trình thí điểm trong 36 tháng.
Thông tin từ Uber Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế số, khung pháp lý hiện hành thường chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ. Trong lĩnh vực Giao thông Vận tải, việc áp dụng công nghệ mới cũng đặt ra nhu cầu cho những điều chỉnh phù hợp trong khung pháp lý áp dụng cho những dịch vụ mạng lưới vận tải (gọi tắt là TNS) có nền tảng dựa trên CNTT như Uber.
Nhiều nước như Mỹ, Mexico, hay Philippines đã xây dựng khung pháp lý mới quy định việc quản lý vận hành của các dịch vụ mạng lưới vận tải cho thấy quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp trong việc hợp tác hướng tới mục tiêu chung là đem lại quyền lợi tốt nhất cho hành khách đi xe và tài xế.
Theo đó, Uber Việt Nam đề xuất thử nghiệm dự kiến kéo dài hơn 36 tháng một nghiên cứu tổng quát về những ứng dụng của TNS trong và ngoài nước, bao gồm cả những nghiên cứu tại các nước đã thành công trong việc phát triển quy định mới cho TNS; tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ cho việc cập nhật khung pháp lý cho TNS, cả việc xem xét và chỉnh sửa các điều luật hiện hành, cũng như soạn thảo những quy định mới cho TNS; thử nghiệm các quy định mới đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
“Uber mong muốn có cơ hội và cam kết hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ trong các dự án hợp tác công-tư có tính chất đột phá như đề xuất trên”, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber tại Việt Nam nói.
Uber muốn chia sẻ mục tiêu chung với Bộ Giao thông Vận tải cũng như Chính phủ về vấn đề cải thiện phương thức đi lại ở các đô thị, gia tăng năng suất lao động trong ngành vận tải, giúp cho đường phố an toàn hơn, thành phố vận hành thông minh hơn và tạo nên nền kinh tế số bền vững ở Việt Nam.
“Qua đề xuất thí điểm này, chúng tôi mong muốn được hiện thực hoá tầm nhìn đó và có cơ hội được hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý phù hợp nhất với sự phát triển của công nghệ, giúp hành khách được an toàn hơn, có nhiều lựa chọn hơn cũng như đem lại cơ hội kinh tế cho các tài xế và doanh nghiệp vận tải”, ông Dũng nói.