Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn; Thêm 209 doanh nghiệp bị 'bêu tên' vì nợ thuế hơn 2.000 tỷ; Năm 2020 Trung Quốc sản xuất gần nửa số xe ô tô điện trên thế giới; Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo sửa đổi chính sách thuế, phí khoáng sản
Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-07-2017
- Cập nhật : 13/07/2017
Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây dựng cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn
Ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã tiếp và làm việc với ông Katsuro Nagai, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về việc hỗ trợ tài chính, đầu tư dự án đường bộ cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã xác định tuyến đường bộ cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội – Thủ đô Viêng Chăn là một trong các dự án kết nối chiến lược cần được đầu tư và xây dựng trong thời gian tới.
Nhằm giúp đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước và tạo tiền đề để giúp Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Việc mở ra tuyến cao tốc nối hai Thủ đô sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế cảng biển của Việt Nam.
“Hai Chính phủ Việt Nam, Lào đã thống nhất tuyến đường này sẽ là tuyến đường cao tốc ngắn nhất nối liền hai Thủ đô với quy mô từ 4-6 làn xe, đi theo hướng tuyến Viêng Chăn – Pacxan- cửa khẩu Thanh Thủy- nút giao nối vào tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam sau này và về Nghệ An – Ninh Bình – Hà Nội”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Thứ trưởng mong rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét hỗ trợ đầu tư Dự án thông qua các tổ chức như JICA, ADB. Thứ trưởng Thọ cho biết thêm, nếu tình hình tài chính khó khăn sẽ phân kỳ đầu tư cụ thể từng đoạn tuyến trong giai đoạn lập báo cáo khả thi.
Công sứ Katsuro Nagai cho biết, sẽ tiếp tục tìm hiểu những thông tin cụ thể hơn về dự báo phát triển lưu lượng phương tiện, lưu lượng hàng hóa, hành khách thông qua, phương án thu hồi vốn… và báo cáo Chính phủ Nhật Bản nghiên cứu, xem xét về việc hỗ trợ đầu tư dự án này.
Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục làm việc, tăng cường trao đổi thông tin và khảo sát hiện trường phục vụ cho việc xem xét hỗ trợ đầu tư của Nhật Bản cho Dự án.(NDH)
-----------------
Ấn Độ muốn sớm đưa nông dân sang Việt Nam học trồng xoài
Trong buổi làm việc với các chuyên gia cây ăn trái, Ngài đại sứ Cộng hòa Ấn Độ Parvthaneni Harish tỏ ý muốn sớm đưa nông dân nước này đến Việt Nam học cách trồng xoài nghịch vụ.
Ngài đại sứ Cộng hòa Ấn Độ Parvthaneni Harish thăm vườn thực nghiệm Thanh Long tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - Ảnh: T. Tú
Ngày 12-7, Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ Parvthaneni Harish đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tại xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang).
Tại đây, bà Trần Thị Yến Oanh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (NCCAQMN) đã giới thiệu với Ngài đại sứ Cộng Hòa Ấn Độ về một số thành tựu, lĩnh vực nghiên cứu, một số sản phẩm nổi bật, có thế mạnh của Viện NCCAQMN từ ngày thành lập đến nay.
Trong số đó, đáng kể nhất là các sản phẩm giống chất lượng cao của các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL như thanh Long ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng, khóm… Đây là những loại trái cây ngon, có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ.
Bà Oanh cũng chân thành cảm ơn Chính phủ Ấn Độ thời gian qua đã giúp đỡ, hổ trợ tận tình gần 100 cán bộ của Viện NCCAQMN sang học tập, nghiên cứu (sau đại học) tại Ấn Độ. Trong số đó có nhiều người đã thành danh như Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện NCCAQMN, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, hiện là Viện trưởng Viện NCCAQMN…
Về phần mình, Đại sứ Parvthaneni Harish tỏ ra rất quan tâm đến hai loại sản phẩm mà người dân Ấn Độ ưa thích là thanh long và xoài, đặc biệt là kỹ thuật cho xoài ra trái quanh năm.
Ngài Đại sứ cho rằng xoài của Ấn Độ thì rất nhiều nhưng chỉ thu hoạch theo mùa. Trong khi đó, Việt Nam là nước có kỹ thuật xử lý xoài cho trái quanh năm rất hiệu quả.
“Trong thời gian tới đây, ngoài việc mở rộng kim ngạch giao thương để nhập các loại trái cây của Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ sẽ xúc tiến các bước cần thiết để đưa một số nông dân của mình sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm xử lý xoài nghịch vụ”, Đại sứ Parvthaneni Harish nói.(Tuoitre)
-------------------------
Bộ trưởng Quốc phòng: Giải thể doanh nghiệp quân đội không hiệu quả
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng sáng nay đến thăm, kiểm tra Quân cảng Sài Gòn - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) thuộc Quân chủng Hải quân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, phát triển kinh tế Quốc phòng là chủ trương nhất quán của Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các DN quốc phòng hội nhập quốc tế, phát triển an sinh xã hội. Trong thực hiện nhiệm vụ, Quân ủy TƯ tham gia xây dựng phát triển kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, làm kinh tế và quốc phòng là nhiệm vụ lâu dài.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Quân đội làm kinh tế là củng cố tiềm lực
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói: quân đội làm kinh tế là củng cố tiềm lực, gia tăng tiềm lực quốc gia, trang bị vũ khí, khí tài quân đội. Quân đội tham gia làm kinh tế là tham gia hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế kinh tế với bên ngoài.
“Đó là truyền thống tốt đẹp của quân đội, quân đội thu được nhiều kết quả quan trọng góp phần xây dựng phát triển đất nước”, ông Ngô Xuân Lịch nói.
Bộ trưởng cho hay, sau kháng chiến chống Pháp chúng ta chuyển 8 vạn chiến sỹ sang làm kinh tế, trực tiếp tham gia các khu công nghiệp quan trọng của đất nước
Các DN quân đội làm kinh tế phát triển rất năng động, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, tạo được uy tín trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế đã, đang và sẽ có sự tham gia của DN quân đội. Quan điểm này sẽ xuyên suốt trong các thời kỳ.
Ông cũng khẳng định, nhiều DN quân đội hoạt động rất sáng tạo, thành thương hiệu lớn như Viettel ở lĩnh vực viễn thông, Ngân hàng Quân đội trên lĩnh vực ngân hàng...
Bộ trưởng khẳng định quân đội làm kinh tế phải là tấm gương cho các DN ngoài quân đội noi theo.
Đối với Tổng công ty Tân Cảng, Bộ trưởng cho biết, Thường vụ Quân ủy TƯ đánh giá cao và rất phấn khởi về doanh thu, hiệu quả kinh tế rất cao, minh chứng đó là những con số biết nói.
Giải thể DN không hiệu quả
Đối với quân đội trong thời gian tới, ông khẳng định sẽ tham mưu để thực hiện quốc phòng kinh tế, kinh tế trong quốc phòng.
Bộ điều chỉnh bổ sung các khu kinh tế quốc phòng để phù hợp thế trận an ninh vững chắc trên các địa bàn.
Bộ trưởng Quốc phòng thăm và làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sáng nay 12/7
“Thực hiện đề án sắp xếp cấu trúc lại các DN quân đội, thoái vốn và giải thể các DN không hiệu quả. Đây là đề án hết sức quan trọng, quan điểm của Quân ủy TƯ, cương quyết thực hiện trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương phát triển kinh tế.
Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các DN, tổ chức sử dụng sai mục đích đất quốc phòng cũng như DN quốc phòng làm kinh tế vi phạm quy định.
Về việc thu hồi sân golf, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói quân đội sẵn sàng thu hồi giao lại sân golf theo quyết định của Thủ tướng.
Tuy nhiên theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, cần phải cân nhắc tính toán lợi ích của các DN đã đầu tư vào sân golf Tân Sơn Nhất.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Xử lý nghiêm các DN sử dụng đất quốc phòng sai mục đích
Top 25 cảng hiện đại nhất thế giới
Báo cáo với Bộ trưởng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, Tân cảng Sài Gòn là cảng biển quân sự kết hợp sản xuất, phát triển kinh tế với quốc phòng, Tân cảng Sài Gòn là nhà khai thác cảng container, cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, hiện đại, lớn nhất Việt Nam, đứng trong top 25 cảng lớn và hiện đại nhất thế giới.
Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, TCSG chú trọng phát huy thế mạnh và tính lưỡng dụng của hệ thống TCSG trên các địa bàn kinh tế - quốc phòng trọng điểm cả nước, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh tế biển để “Khi bình là ngư, khi biến là binh“, vừa phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng khi có yêu cầu.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm cho biết, tổng công ty triển khai thực hiện tốt các dịch vụ kinh tế biển trên 3 ngành nghề chính, đó là: Kinh doanh khai thác cảng container (hiện nay dẫn đầu cả nước, chiếm gần 50% thị phần xếp dỡ container xuất nhập khẩu của Việt Nam; trên 92% thị phần khu vực TP.HCM).
Tân Cảng Sài Gòn nằm trong top 25 cảng hiện đại nhất thế giới
Kinh doanh dịch vụ logistics: Ba năm (2014, 2015, 2016) đứng đầu top 20 DN logistics hàng đầu Việt Nam.
Kinh doanh vận tải và dịch vụ biển: chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa, ngày 07/7 công bố tuyến vận tải biển quốc tế Việt Nam - Singapore; phát triển hiệu quả các dịch vụ biển như cung cấp các dịch vụ hậu cần dầu khí; vận chuyển, thi công các công trình biển, cung ứng hậu cần cho các đơn vị Hải quân...(Vietnamnet)
-------------------
Một làn sóng đầu tư đang đến với Việt Nam
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 11-7, tại La Haye (Hà Lan), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hà Lan đang có mong muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam (VN).
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết VN là một nền kinh tế mở với tổng giá trị xuất khẩu lên đến 400 tỉ USD. Cùng với đó, VN đang tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật với tính thị trường ngày một mạnh mẽ hơn. Hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài (FDI) của VN ngày càng thông thoáng, vì vậy đến nay đã thu hút được 23.600 dự án FDI với tổng giá trị trên 320 tỉ USD vốn đầu tư. Luật pháp VN coi FDI là một bộ phận của kinh tế trong nước.
Thủ tướng cũng cho rằng một làn sóng đầu tư đang đến với VN và nêu rõ thị trường chứng khoán của VN đang đạt mức cao nhất trong chín năm qua với giá trị hơn 100 tỉ USD. Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ VN. Chính phủ VN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài, nhà đầu tư đến với VN”. (PLO)