Hyundai, Kia cắt giảm sản xuất xe ở Trung Quốc do căng thẳng ngoại giao; Thêm dấu hiệu cho thấy kinh tế Mexico chuyển trục khỏi Mỹ; Hơn 20.000 hộ kinh doanh tiềm năng chuyển lên doanh nghiệp; Doanh nghiệp Nga được thành lập liên doanh để sản xuất ôtô
Tin kinh tế đọc nhanh 13-07-2017
- Cập nhật : 13/07/2017
Giới nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn chặn Trung Quốc sở hữu Sàn chứng khoán Chicago
Ngày 10/7, 11 hạ nghị sỹ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi một bức thư chung tới Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) nhằm hối thúc ủy ban này ngăn chặn công ty Trung Quốc sở hữu Sàn giao dịch chứng khoán Chicago.
Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán Chicago, Illinois, Mỹ ngày 23/6/2016. Ảnh: AFP/TTXVN
Bức thư kêu gọi SEC ngăn chặn việc bán sàn chứng khoán nêu trên cho một nhóm nhà đầu tư, đứng đầu là Tập đoàn Trùng Khánh Casin Enterprise Group (CCEG) của Trung Quốc. Các hạ nghị sỹ Mỹ nhấn mạnh việc Chính phủ Trung Quốc chi phối mọi khu vực xã hội, thiếu minh bạch nghiêm trọng và luôn không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.
Theo các nghị sĩ, những điều này tạo ra sự quan ngại đáng kể đối với khả năng giám sát và điều chỉnh đối với các chủ sở hữu của CCEG. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhấn mạnh rằng cho đến nay, các chủ sở hữu sàn chứng khoán quốc gia người nước ngoài luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp Mỹ, song CCEG và các chi nhánh nước ngoài của công ty này lại không dành cho giới chức Mỹ quyền giám sát và điểu chỉnh các hoạt động của họ đối với Sàn giao dịch chứng khoán Chicago. Dự kiến, SEC sẽ đưa ra quyết định liên quan vào ngày 9/8 tới.
Trước đó, hồi tháng 2/2016, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) - cơ quan kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ có nhiệm vụ nghiên cứu các tác động của việc đầu tư tới các doanh nghiệp Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia, đã bật đèn xanh cho thỏa thuận trên.
Sàn giao dịch chứng khoán Chicago được thành lập năm 1882, một trong những sàn chứng khoán lâu đời nhất ở Mỹ, hiện có 75 nhân viên và các hoạt động giao dịch tại đây chiếm khoảng 0,5% các giao dịch chứng khoán ở Mỹ, thị trường ước tính giá trị đạt khoảng 22.000 tỷ USD.(TTXVN)
-------------------
Chất lượng và quy hoạch các KCN chưa đáp ứng yêu cầu
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, hiện cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích gần 95.000 ha, trong đó 220 khu đã đi vào hoạt động và 105 khu đang đền bù giải phóng mặt bằng.
Các KCN hiện chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chú ý nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê, chưa quan tâm đến các vấn đề về môi trường, xã hội nảy sinh. Về chất lượng và quy hoạch các KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng - ngành và lợi thế, tiềm năng của địa phương, của vùng. Nguyên nhân do địa phương tư duy quy hoạch mang tính cục bộ, chú trọng lợi ích của địa phương, chưa tính toán tới lợi ích của vùng, quốc gia.
Cả nước có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, đều đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ước tính nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng khoảng trên 43.000 tỉ đồng. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghệ cao chưa hoàn thiện và ưu đãi đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng chưa thực sự hấp dẫn. (Thanhnien)
---------------------
Ông Trump sắp thay tướng ở Cục dự trữ liên bang?
Trang Politico loan tin tổng thống Trump đã có ý lựa chọn một người khác thay cho vị trí của bà Janet Yellen trong năm tới.
Theo đó, trang Politico dẫn nguồn tin từ 4 người cho biết ông Trump không có ý định bổ nhiệm bà Janet Yellen tiếp tục giữ ghế chủ tịch Cục dự trữ liên bang (FED) cho nhiệm kỳ thứ hai trong năm tới.
Ứng cử viên ưng ý nhất của ông Trump cho vị trí này sẽ là ông Gary Cohn, hiện là giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia (NEC).
Khả năng này có vẻ chắc chắn tới mức các nguồn tin từ Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đều cho rằng chỉ cần ông Gary Cohn gật đầu, tổng thống sẽ trao cho ông ấy vị trí đó.
Một nghị sĩ Cộng hòa nhận định: “Người đó (người thay cho bà Yellen) sẽ là Gary Cohn nếu ông ấy muốn, và tôi nghĩ là ông ấy muốn vị trí đó”.
Theo một nghị sĩ khác, mặc dù có vài thượng nghị sĩ Cộng hòa bày tỏ những ngần ngại về ông Cohn, nhưng chắc chắn ông ấy sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi và dễ dàng được phê chuẩn nếu được bổ nhiệm.
Nếu được bổ nhiệm làm chủ tịch FED, ông Cohn sẽ trở thành chủ tịch đầu tiên trong bốn thập kỷ qua không phải là một nhà kinh tế học.
Một người tương tự như vậy là ông G. William Miller, từng giữ ghế chủ tịch FED trong hơn một năm dưới thời tổng thống Jimmy Carter.
Cũng còn một ứng cử viên sáng giá khác cho vị trí cao nhất tại Ngân hàng trung ương Mỹ, đó là cựu thống đốc FED, ông Kevin Warsh.
Mặc dù có kinh nghiệm trong công việc và là một học giả nhưng ông Warsh cũng không có bằng tiến sĩ về kinh tế học.
Ông Cohn cũng từng được đề cập như một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng, và rất có thể ông sẽ quan tâm tới công việc đó hơn là chiếc ghế lãnh đạo FED.
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây trên đài CNBC, khi được hỏi về chiếc ghế chủ tịch FED, ông Cohn nói: “Không, tôi đang có một công việc rất tuyệt vời rồi. Được phục vụ tổng thống đã là chuyện giấc mơ thành hiện thực”.
Tuy nhiên lãnh đạo FED - một vị trí ở trung tâm của cả nền kinh tế toàn cầu lẫn điều hành Phố Wall, có thể là một công việc mà ông Cohn không thể từ chối, theo như nhận định của những người gần gũi với ông giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia. (Tuoitre)
------------------------
Tập đoàn cá ngừ Thái Lan cam kết đối phó bóc lột lao động
Tập đoàn sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới Thai Union Group Plc ngày 11-7 cam kết thực hiện các biện pháp của nhóm bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh nhằm đối phó với nạn đánh bắt cá quá mức và ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động.
Các nhà hoạt động Hòa Bình Xanh biểu tình trước trụ sở Thai Union tại Bangkok, Thái Lan, hồi 2-6 - Ảnh: Reuters
Theo thỏa thuận đạt được với tổ chức môi trường Hòa bình xanh, Thai Union PCL sẽ đảm bảo sẽ để các nhà giám sát độc lập cũng như sử dụng thiết bị điện tử theo dõi tình trạng bóc lột lao động.
Tập đoàn này cũng cam kết giảm số thiết bị gom cá (FAD) xuống trung bình 50% vào năm 2020, giảm việc bắt nhầm các loài như rùa biển, cá mập, và cho phép người tiêu dùng truy nguồn gốc cá ngừ và biện pháp đánh bắt cá.
“Điều này đánh dấu bước tiến lớn lao cho đại dương và các loài sinh vật biển, và quyền lợi của những người làm việc trong ngành hải sản – Bangkok Post dẫn lời giám đốc điều hành quốc tế của Hòa Bình Xanh Bunny McDiarmid – Nếu Thai Union triển khai những cải cách này, nó sẽ gây sức ép lên các thành viên khác trong ngành và thúc đẩy sự thay đổi cần thiết”.
Theo kế hoạch, tổ chức Hòa bình xanh và Thai Union sẽ gặp nhau 6 tháng/lần để đánh giá tiến trình triển khai và để bên thứ ba độc tham gia đánh giá vào cuối năm sau.
Trước đó, Thai Union đã đầu tư 90 triệu USD cho các sáng kiến nhằm đảm bảo 100% lượng cá ngừ của tập đoàn có nguồn gốc đánh bắt hợp lý, cam kết đạt mức tối thiểu là 75% lượng cá đánh bắt được không dùng FAD vào năm 2020.
FAD là các bè phao đặc biệt dùng để tập trung các đàn cá lại với nhau nhằm tăng sản lượng đánh bắt song lại làm nguy hại đời sống của các loài sinh vật biển khi thu hút cả những lứa cá chưa đến tuổi sinh sản hoặc ít có giá trị.
Trước đó, năm 2016, công ty này cũng cho biết sẽ bỏ quy định thu phí tuyển dụng công nhân - một động thái nhằm bảo vệ người lao động khỏi các khoản nợ lực lượng môi giới việc làm cũng như khỏi việc bị bóc lột.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến hải sản trị giá hàng tỷ USD của Thái Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh từ dư luận sau khi các cuộc điều tra cho thấy tình trạng bóc lột lao động và bạo lực trên các tàu đánh cá cũng như tại các nhà máy chế biến trên bờ.(Tuoitre)