Trung Quốc, Nga bắt tay thách thức Airbus, Boeing; Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc; Hàng loạt ngân hàng, hãng công nghệ lớn đầu tư vào công nghệ blockchain; Vì sao startup nước ngoài thường thất bại tại Trung Quốc?
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 13-07-2017
- Cập nhật : 13/07/2017
Các hãng thuốc lá giở trò bẩn ở châu Phi
Các công ty thuốc lá đa quốc gia đã chơi chiêu dọa dẫm với nước châu Phi để ép họ xóa hoặc nới lỏng các biện pháp bảo vệ người dân khỏi thuốc lá, theo một điều tra vừa công bố.
Các bao thuốc lá tại Anh với những cảnh báo rùng rợn (bên trái) và một bao thuốc lá ở Kenya (trên cùng, phải) với bao bì hết sức mời gọi - Ảnh: AFP
Đây là kết quả điều tra của báo Guardian (Anh) công bố ngày 12-7. Dẫn đầu trong trong “danh sách đen” bị điều tra là hãng thuốc lá British American Tobacco (BAT) có trụ sở tại Anh.
BAT là một trong các nhà sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới với các nhãn hiệu quen thuộc như Kent, Craven A, 555 State Express (ba số)…
Một trong những chiêu trò mà các công ty thuốc lá hay sử dụng là đe dọa. Báo Guardian xác nhận đã tiếp cận được các lá thư này, trong đó 3 lá thư của BAT, gửi cho chính phủ các nước Uganda, Namibia, Togo, Gabon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia và Burkina Faso.
Nội dung chính của chúng là cáo buộc các nước vi phạm luật pháp, thỏa thuận giao thương quốc tế và cảnh báo sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế nếu áp dụng các chính sách chống thuốc lá. Tại các quốc gia phương Tây, hàng triệu người được cứu sống nhờ các biện pháp hạn chế hút thuốc.
Dọa không được thì kiện cáo. Chẳng hạn tại Kenya, BAT năm lần bảy lượt yêu cầu tòa án hủy bỏ gói quy định chống hút thuốc và lên án kế hoạch đánh thuế thuốc lá của chính phủ Kenya là "hết sức phi lý".
Còn tại Uganda, văn bản kiện tụng của BAT tố đạo luật kiểm soát thuốc lá của nước này là "không phù hợp và vi phạm hiến pháp".
Dù đã bị hạn chế phần nào ở các quốc gia phát triển, thuốc lá mỗi năm vẫn giết chết 7 triệu người trên toàn cầu, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Người ta lo ngại chiến thuật bẩn của các hãng thuốc lá sẽ thành công tại các quốc gia nghèo.
Tiêu biểu như Kenya, BAT đã thành công trong việc trì hoãn luật chống thuốc lá của quốc gia này trong 15 năm nhờ chiến đấu tới cùng với chính quyền ở từng cấp bậc trong hệ thống tư pháp.
Các chuyên gia nhận định châu Phi và nam Á là bãi chiến trường mới trong cuộc chiến toàn cầu chống thuốc lá do yếu tố dân số và tăng trưởng kinh tế. Riêng tại châu Phi có khoảng 77 triệu người hút thuốc và con số này dự báo sẽ tăng 40% đến năm 2030 từ mức của năm 2010. (Tuoitre)
-----------------------------
Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, trăm tỷ đồng
Vietcombank lãi hơn 5.000 tỷ, Sacombank lời 428 tỷ, TPBank và OceanBank cũng báo lãi hàng trăm tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu một năm làm ăn khấm khá.
Ngân hàng Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đã đạt 5.054 tỉ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Con số này tương đương mức 53,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 của Vietcombank.
Trước khi trích lập dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank đạt đến 8.058 tỉ đồng, huy động vốn tăng 10,4% và cho vay tăng 13,1%.
Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của Vietcombank tăng tới hơn 24% so với đầu năm.
Tương tự, dù đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ 585 tỉ đồng, tuy nhiên qua nửa năm Sacombank đã đạt 428 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 70% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ cung cấp dịch vụ của ngân hàng này tăng 27% so với cùng kỳ, và chiếm 23% tổng thu nhập 6 tháng đầu năm.
Do kết quả khả quan nên lãnh đạo Sacombank dự kiến nâng mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay lên mức 1.000 tỉ đồng.
Nửa đầu năm 2017, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng thông báo đạt 483 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nợ xấu duy trì mức dưới 1%.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đạt lợi nhuận trước thuế gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức đạt 494 tỉ đồng, tổng tài sản tăng 14% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay tăng 13,5%, đạt hơn 44.960 tỉ đồng và huy động vốn tăng hơn 11%, đạt hơn 51.300 tỉ đồng, nợ xấu giảm còn 1,67%.(Tuoitre)
---------------------------
Quỹ ngoại rót hàng chục triệu đô vào Bệnh viện FV
Quỹ đầu tư tư nhân châu Á Quadria Capital vừa công bố khoản đầu tư vào Bệnh viện Pháp Việt (FVH) ở TP.HCM, theo đó ít nhất 10 triệu USD sẽ được rót và bệnh viện này.
Mục đích của khoản đầu tư này nhằm đưa bệnh viện này thành một trung tâm cung cấp dịch vụ y tế có đội ngũ bác sĩ chất lượng, thiết bị hiện đại và hệ thống điều hành tốt.
Tuy giá trị khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng theo ông Jean-Marcel Guillion, Tổng giám đốc Bệnh viện FV, trong vòng hai năm tới có ít nhất 10 triệu USD được đưa vào kế hoạch phát triển dự án chuyên khoa mũi nhọn, trong đó có xây dựng trung tâm điều trị ung thư, phòng thông tim mạch, chữa trị bệnh về khớp...
Ngoài ra, bệnh viện này cũng phát triển 8-10 phòng khám đa khoa tại miền Trung và miền Nam. Vào cuối năm nay, FV sẽ đưa vào hoạt động phòng khám đầu tiên tại thành phố Cần Thơ.
Ông Abrar Mi, đồng sáng lập quỹ Quadria Capital, cho biết việc hợp tác không chỉ cung cấp khoản tài chính cho bệnh viện này mà còn hỗ trợ, tư vấn quản trị, điều hành bệnh viện hiệu quả hơn, từ đó đưa ra mức giá dịch vụ khám và chữa bệnh tại FV phù hợp hơn, tiếp cận được nhiều người dân hơn.(Tuoitre)
--------------------------
Đề xuất chỉ định tư vấn nước ngoài mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị xem xét cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài phù hợp để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về thủ tục, trình tự thực hiện chỉ định thầu, đảm bảo lựa chọn tư vấn nước ngoài có đủ điều kiện cần thiết và đáp ứng các yêu cầu theo đúng quy định hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, phương án thuê tư vấn nước ngoài đánh giá việc sử dụng đất cho hàng không và nghiên cứu, phản biện kết quả nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước đây của Công ty tư vấn thiết kế xây dựng hàng không của Bộ GTVT, có ưu điểm là rút ngắn được thời gian thực hiện và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, bộ này đề nghị Bộ GTVT phân tích kỹ lưỡng hơn tính khách quan độc lập về kết quả nghiên cứu của tư vấn nước ngoài khi tận dụng các kết quả khảo sát, nghiên cứu của tư vấn đã thực hiện trước đây, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án phù hợp.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất giao Cục Hàng không VN là cơ quan tổ chức lập quy hoạch; giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) là chủ đầu tư để tiến hành các bước thuê tư vấn nước ngoài tổ chức khảo sát, đánh giá việc sử dụng đất cho hàng không và phương án nâng cấp mở rộng sân bay là phù hợp.(Thanhnien)