Nhu cầu vững sẽ hỗ trợ giá lithium trong tương lai; Xuất khẩu dầu của Iran giảm trước các lệnh trừng phạt của Mỹ; Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng lên 500 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040
Tin kinh tế đọc nhanh 20-05-2018
- Cập nhật : 20/05/2018
Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác phát triển bền vững
Chiều ngày 18/5, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã tiếp và làm việc với Ngài Umeda Kunio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chào mừng Ngài Đại sứ Umeda Kunio cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Chia sẻ những đánh giá về kinh tế Việt Nam tại buổi tiếp, Đại sứ Umeda Kunio cho biết: Nếu như trước đây, sự phát triển của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào sự đầu tư của nước ngoài thì hiện nay, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển khả quan hơn nhiều.
“Nhật Bản rất kỳ vọng, tới đây, Việt Nam không chỉ phát triển bền vững như mục tiêu đề ra mà còn mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ tác động ngược lại, giúp Nhật Bản cũng được hưởng nhiều lợi ích từ sự phát triển, thông qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước” - Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh.
Ghi nhận các ý kiến của Đại sứ Kunio Umeda, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Việt Nam và Bộ Tài chính Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược với Nhật Bản và Bộ Tài chính Nhật Bản từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hay các chính sách an sinh xã hội...
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông báo tới Đại sứ một số nội dung cơ bản trong Luật Quản lý nợ công 2017 mới được Quốc hội thông qua và sắp có hiệu lực. Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam trở thành đầu mối thống nhất giúp Chính phủ trong quản lý nợ công...
“Với đổi mới quan trọng này, Bộ Tài chính mong muốn nhận được sự hợp tác của Nhật Bản trong việc triển khai, thực hiện những dự án hỗ trợ giữa hai bên” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Đại sứ Umeda Kunio cũng trao đổi với nhau về một số vấn đề liên quan trong triển khai các dự án ODA, BOT có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nâng tầm mối quan hệ chiến lược toàn diện lâu dài giữa hai quốc gia.(TCTC)
------------------
Vá lỗ hổng ngân sách
Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, bội chi là căn bệnh kinh niên, thì việc 4 tháng đầu năm 2018, kết dư ngân sách ước đạt 36.400 tỷ đồng là đáng mừng, nhưng vẫn còn những vấn đề lớn cần giải quyết.
Thực tế, khi tốc độ tăng thu 4 tháng qua gấp 2,63 lần tốc độ tăng chi, ngân sách kết dư là điều dễ hiểu. Trường hợp vẫn duy trì được cân đối ngân sách như thời gian qua, thì việc giữ bội chi ở mức 3,9% GDP giai đoạn 2016 - 2020 (theo yêu cầu của Quốc hội) sẽ trong tầm tay.
Thế nhưng, nếu trừ đi số tiền chỉ thu được một lần (thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất), số thu bấp bênh (cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, dầu thô), thu từ hoạt động không khuyến khích (như xổ số kiến thiết), thì số thu ngân sách nhà nước giảm tới 165.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi ngân sách tăng chậm hơn thu không phải do tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giản bộ máy nhà nước, mà do... chi đầu tư phát triển trong 4 tháng đầu năm mới đạt 16,4% dự toán (bằng 94,8% so với cùng kỳ năm 2017), còn chi thường xuyên tiếp tục tăng 5,4%.
.
Trong bối cảnh thu ngân sách không bền vững, chi đầu tư để có nguồn thu trong tương lai giảm, thì ngân sách tạm thời kết dư không hẳn là tin vui. Tình trạng thu bấp bênh, chi tăng chủ yếu là chi thường xuyên cũng diễn ra trong năm 2017 và các năm trước đó.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào đầu tuần tới, chắc chắn, các đại biểu Quốc hội sẽ dành sự quan tâm rất lớn khi phân tích, mổ xẻ kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017. Lý do là, dù tổng thu ngân sách năm 2017 vượt dự toán 76.480 tỷ đồng, nhưng nếu trừ đi các khoản thu từ đất đai, bán cổ phần nhà nước… thì tổng số thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước lại giảm hơn 19.000 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm nữa, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp, thu từ 3 trụ cột (gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) đều không đạt dự toán. Trong khi đó, bội chi năm 2017 cho dù có thấp hơn so với mức Quốc hội cho phép, song cũng không thực sự đáng mừng, vì tổng chi tăng tới 72.480 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào chi thường xuyên trong khi chi đầu tư phát triển chỉ đạt 86,3% dự toán.
Ngân sách tạm thời kết dư, nhưng lỗ hổng bội chi còn rất lớn. Vá lỗ hổng ngân sách bằng cách nào, tăng thu hay vừa tăng thu vừa giảm chi là bài toán cần sớm có đáp án.
Để tăng thu, Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp thuế bảo vệ môi trường ở mức kịch trần khung thuế suất kể từ ngày 1/7/2018 trước khi trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế Bảo vệ môi trường tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 theo hướng nâng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường lên gấp 2 lần hiện nay. Song, cho dù đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung được chấp thuận, thì giải pháp này cũng không căn cơ, bởi chỉ đem về cho ngân sách nhà nước hơn 12.400 tỷ đồng, quá ít để lấp bớt khoảng bội chi 204.000 tỷ đồng năm 2018.
Tăng thu thông qua tăng thuế suất chỉ là hạ sách. Quan trọng là phải tăng thu qua các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu điều kiện kinh doanh không thiết thực… theo tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Rất mừng là giải pháp tăng thu này đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương rốt ráo triển khai kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2014/NQ-CP, đặc biệt là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Để vá lỗ hổng ngân sách, có lẽ giải pháp tối ưu là vừa tăng thu, vừa giảm chi thường xuyên, đồng thời với tăng chi cho đầu tư phát triển. Đây vấn đề đòi hỏi phải có biện pháp xử lý linh hoạt, đặt ra với không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, mà với tất cả các cấp, ngành.(Baodautu)
-----------------------
Định hướng mới trong thu hút FDI
Sau 30 năm, những bất cập của thu hút FDI cũng như những biến động của bối cảnh kinh tế thế giới, những đòi hỏi mới trong phát triển kinh tế của Việt Nam cũng đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động thu hút FDI thời gian tới.
Hơn 25.000 dự án và 320 tỷ USD
Theo Bộ KH&ĐT, tính lũy kế đến tháng 4/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 25.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 321,25 tỷ USD. Trong số đó, có khoảng 177,47 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 55,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, có thể nói Việt Nam đã đạt được kết quả đặc biệt tốt trong thu hút FDI. Dòng vốn FDI hàng năm tăng gần 1.000% trong 10 năm qua. Năm 2016, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia ASEAN khác, trừ Singapore. Theo tỷ trọng trên GDP đầu người, thu hút vốn FDI của Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc hoặc Ấn Độ (và tất cả các quốc gia ASEAN lớn trừ Malaysia). FDI ở Việt Nam cũng có sự mở rộng về địa lý với 51 tỉnh, thành phố có dự án FDI vào năm 2016. Việt Nam được xếp ở vị trí đứng đầu trong số 14 thị trường mới nổi trong hai năm liên tiếp về thu hút đầu tư mới từ nước ngoài so với quy mô nền kinh tế quốc gia.
"Cần có chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài đúng hướng, đúng mục đích phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Đó là việc chọn lọc những dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn có giá trị gia tăng cao, những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia để tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua sự kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đó phải là những dự án giảm sự phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu đầu vào".
- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, khu vực FDI hiện nay đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư cho xã hội và 20% GDP của cả nước, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy hoạt động XK. Đơn cử năm 2017, khu vực FDI chiếm tới 72% tổng giá trị XK, góp phần cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…
Tuy nhiên, 30 năm thu hút FDI cũng có những hạn chế nhất định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn từ khu vực FDI để hỗ trợ cho phát triển kinh tế… vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong một số trường hợp, đó còn là công nghệ lạc hậu hay thế hệ thấp, gây ảnh hưởng tới môi trường cũng như tới chất lượng tăng trưởng. Thực thi pháp luật của một số DN chưa nghiêm, nhiều DN có hành vi chuyển giá, gian lận thương mại hay gây tổn hại đến môi trường… Đặc biệt là sự liên kết và kết nối giữa các DN FDI với DN Việt Nam rất hạn chế. Các DN FDI vào Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, tận dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam mà chưa nâng cao được giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, số liệu từ Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam đa phần vẫn đến từ các nước châu Á mà chưa thu hút được nhiều dự án đến từ các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu…, trong đó nhóm 10 quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam chủ yếu bao gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, các nước “Con rồng châu Á” (Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc) chiếm 49% tổng số các dự án FDI và 42% lượng vốn đăng ký từ 1988-2016; Nhật Bản chiếm 14% số dự án và 12% lượng vốn đăng ký; Trung Quốc chiếm 7% số dự án và 3% lượng vốn đăng ký. Hoa Kỳ chỉ chiếm 4% số dự án và 5% lượng vốn đăng ký.
Theo đánh giá, dù có được kết quả thu hút đầu tư FDI ấn tượng, nhưng Việt Nam cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao hơn để đạt được các mục tiêu phát triển.
Ưu đãi “dựa trên hiệu quả”
Theo dự thảo Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI Thế hệ mới cho Việt Nam giai đoạn 2018 – 2030, điểm nhấn chính là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.
Về những vấn đề cần lưu ý để thu hút FDI hiệu quả trong thời gian tới, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc cần phải làm ngay là tiến hành tổng kết đánh giá lại thực trạng thu hút và sử dụng FDI trong suốt 30 năm qua để nhận thấy rõ nguyên nhân gây nên những tồn tại, yếu kém và có các giải pháp khắc phục thiết thực, cụ thể. TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh cần tập trung xem xét kĩ từng công đoạn trong chu trình đầu tư - kinh doanh của FDI tại Việt Nam: Từ xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp phép, quản lý sau cấp phép… để làm rõ vì sao ở từng khâu còn để có các tồn tại như mất cân đối trong tỷ lệ những nhà đầu tư tiềm năng, cấp phép chưa phù hợp quy hoạch, dự án chậm triển khai (dự án treo), gây ô nhiễm môi trường, DN bỏ trốn…
“Cần xác định rõ định hướng, quy hoạch phát triển thu hút FDI trong giai đoạn tới gắn với quy hoạch phát triển ngành, từng địa phương, các khu kinh tế, KCN hiện có, các đặc khu kinh tế dự kiến được thành lập. Theo đó, cần xây dựng các dự án gọi vốn FDI cụ thể của từng ngành, địa phương, khu kinh tế… trên cơ sở đó có giải pháp tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng mà Việt Nam cần. Đã đến giai đoạn Việt Nam không chỉ chờ nhà đầu tư vào, trình hồ sơ và xem xét hồ sơ của họ, mà cần lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tốc độ phát triển kinh tế, xây dựng được nền kinh tế tự cường với sự liên kết chặt chẽ của các DN Việt với các DN FDI”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, dự thảo Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030 cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm thu hút hiệu quả nguồn vốn này. Theo đó, cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới đề xuất cần thành lập một “Cục quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới” có thẩm quyền đầy đủ và chức năng lồng ghép sâu hơn để chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Cùng với đó, phải thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể làm tăng liên kết thượng nguồn và hiệu ứng lan tỏa công nghệ nhờ FDI, đặc biệt trong nhóm những nhà đầu tư FDI nước ngoài tìm kiếm hiệu quả khi tới Việt Nam. Đồng thời, cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” với ưu đãi “dựa trên hiệu quả”, theo đó cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang các Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.(Baohaiquan)
-------------------------
Honda Việt Nam bán 9 mẫu xe phân khối lớn, giá từ 172 triệu đồng
Honda bước chân vào mảng thị trường tiềm năng với đủ các dòng xe từ 500 đến 1.000 phân khối các phân khúc.
Ngày 18/5, hãng xe Nhật khai trương mảng mới với tên gọi Honda moto bằng cửa hàng đầu tiên tại Quận 3, TP HCM. Cửa hàng sẽ bán 9 dòng xe từ 500-1.000 phân khối ở các phân khúc naked, supersport, cruiser, adventure và touring. Mô tô bán tại đây chia làm hai loại, có sẵn hoặc nhận đặt hàng.
Xe có sẵn là loại tầm trung, nhập khẩu từ Thái Lan gồm CB500F, CB650F, CBR650F, Rebel 500 và CB500X. Những xe nhận đặt hàng sau đó mới nhập về là xe cỡ lớn từ 1.000 phân khối trở lên gồm CB1000R, CBR1000R Fireblade, CBR1000RR Fireblade SP và "pháo đài" Goldwing. Những xe cỡ lớn đều nhập từ Nhật Bản.
Honda Việt Nam hiện vẫn bán Rebel 300 tại hệ thống cửa hàng xe máy phổ thông HEAD. Hãng chưa có kế hoạch đưa các dòng nhỏ hơn 500 phân khối vào bán tại cửa hàng môtô.
Mức giá hầu hết các xe của Honda đều thấp hơn đáng kể so với xe ngoài thị trường. Ví dụ chiếc CBR1000RR Fireblade bán 678 triệu thì các cửa hàng không chính hãng đang bán khoảng 730 triệu, đắt hơn 50 triệu. Mức giá cụ thể các xe của hãng như sau:
Đi sau trong việc tiếp cận khách hàng ưa thích môtô nhưng Honda lại tiên phong trong cách bán hàng hệ thống. Yamaha vẫn đang bán những mẫu môtô cỡ nhỏ cùng xe máy phổ thông. Piaggio lên kế hoạch đưa Moto Guzzi và Aprilia vào từ lâu nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Honda Moto sẽ là đối thủ lớn của BMW Motorrad.
Sau cửa hàng tại TP HCM, Honda sẽ tiếp tục hướng tới cửa hàng thứ hai tại Hà Nội, thời gian chưa tiết lộ. Thị trường xe phân khối lớn được đánh giá là tiềm năng, tuy vậy cũng nhiều thách thức. Theo giới bán xe môtô, hiện có lượng lớn số xe lưu thông là hàng qua sử dụng hoặc nhập từ Campuchia, không rõ nguồn gốc với mức giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Nhiều người muốn chơi xe với giá rẻ sẽ cân nhắc nhiều khi chọn hàng chính hãng.(Vnexpress)