Đồng Nai sẽ đóng cửa Khu công nghiệp Biên Hòa I vào cuối năm 2022; Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành chưa đạt yêu cầu; Đất Sài Gòn tăng giá gấp đôi sau 1 tháng, liệu có nguy cơ bong bóng?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-05-2018
- Cập nhật : 20/05/2018
Việt Nam cho cá cược hợp pháp các trận bóng đá quốc tế
Việt Nam cho cá cược hợp pháp các trận đấu tại World Cup, Asian Games, SEA Games và chỉ những trận đấu không có đội tuyển Việt Nam tham dự.
Trong tuần này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ công bố danh sách những giải đấu bóng đá quốc tế được cá cược hợp pháp tại Việt Nam. Danh sách này bao gồm cả những trận đấu thuộc SEA Games, Asian Games và World Cup.
Trước đó vào đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược hợp pháp đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế. Theo Nghị định này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm làm căn cứ thực hiện đặt cược bóng đá ở Việt Nam trên cơ sở các giải đấu tổ chức theo quy định của FIFA.
Bản danh sách chính thức sẽ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố tuần này. Thông tin ban đầu cho thấy danh sách bao gồm những trận đấu thuộc World Cup 2018, Champions League 2018, giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á, giải vô địch futsal nữ Đông Nam Á, AFF Cup 2018, FIFA Club World Cup, Futsal World Cup, và nhiều giải đấu quốc tế khác.
Đáng chú ý, danh sách này bao gồm cả những trận đấu thuộc Asian Games và SEA Games tới. Tuy nhiên, theo luật quy định, chỉ những trận đấu không có đội tuyển Việt Nam tham dự tại những giải đấu nói trên mới được phép đặt cược.
Bên cạnh đó, danh sách trên cũng loại ra những giải đấu hàng đầu châu Âu như Premier League, Serie A, La Liga, Bundesliga và Ligue 1. Giải vô địch K-League của Hàn Quốc và J-League của Nhật Bản cũng không có tên trong danh sách này.
Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược, cá độ bóng đá quốc tế hợp pháp ở Việt Nam sẽ được Bộ Tài chính lựa chọn.(VOV2)
--------------------
Hạ viện Nhật Bản chính thức thông qua dự luật phê chuẩn CPTPP
Ngày 18/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn trước đây được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
CPTPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi ít nhất 6 quốc gia thành viên hoàn tất phê chuẩn thỏa thuận. Hiện đã có Mexico hoàn tất các thủ tục này.
Nhật Bản hy vọng sẽ bảo đảm CPTPP có hiệu lực sớm nhất có thể sau khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh quan ngại gia tăng về chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhật Bản cũng đang nỗ lực khuyến khích Mỹ trở lại hiệp định này.
CPTPP được ký kết hôm 8/3 vừa qua tại Chile giữa 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Việc CPTPP chính thức được ký kết tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân với GDP vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./. (Vietnam+)
-------------------------------
4 tháng đầu 2018, sản lượng xuất khẩu ống thép của Hòa Phát gấp gần 3 lần cùng kỳ
Theo thông tin từ Hòa Phát, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát đã cho ra thị trường 201.200 tấn sản phẩm các loại trong 4 tháng đầu năm, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, giữ vững thị phần số 1 Việt Nam với 27,4%.
Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu của Công ty đã tăng trưởng vượt bậc, với 4.600 tấn sản phẩm sang các nước như Canada, Mỹ, các nước EU, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam nhận định, tuy những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang tăng cao nhưng hoạt động xuất khẩu thép Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng liên tục trong các tháng đầu năm 2018.
Mức thuế quan do Mỹ áp đặt không ảnh hưởng quá lớn đến ngành thép khi đã có nhiều thị trường xuất khẩu thay thế tiềm năng cho các doanh nghiệp thép Việt Nam bao gồm khu vực EU, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á.
Với công suất khoảng 800.000 tấn/năm, Ống thép Hòa Phát hiện có các nhà máy tại Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương và Long An.
Năm 2018, Công ty đề ra kế hoạch sản lượng tăng trưởng 14%, tôn mạ kẽm tăng 20% so với sản lượng đạt được trong năm 2017.
Ống thép Hòa Phát định hướng tăng cường xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài nhằm phát huy công suất các nhà máy, đồng thời khẳng định thương hiệu của mình ở thị trường quốc tế, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm. (NDH)
------------------------
Nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư dự án điện Sơn Mỹ 2
Sau khi đầu tư vào Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, Tập đoàn AES (Mỹ) muốn tiếp tục đầu tư vào Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2.
Thông tin Tập đoàn AES muốn đầu tư vào Dự án Nhiệt điện sơn Mỹ 2 theo hình thức BOT đã được lãnh đạo của Tập đoàn, ông David Stone đề đạt với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong cuộc gặp chiều 17/5.
Cụ thể, theo ông David Stone, AES đã đầu tư vào Nhiệt điện Mông Dương 2, và đang tìm hiểu, mong muốn đầu tư vào Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 theo hình thức BOT, cũng như hợp tác với PV Gas triển khai dự án kho cảng khí hoá lỏng.
Trên thực tế, mong muốn này đã được AES bày tỏ từ năm trước. Khi đó, làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông AES đã mong nhận được sự ủng hộ của PVN để có thể được tham gia đầu tư và triển khai chuỗi dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 và Kho cảng LNG tại xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cùng với PV Gas.
Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 là một trong số 9 dự án nhà máy nhiệt điện khí được Chính phủ giao cho PVN làm chủ đầu tư và là dự án điện thuộc Tổng sơ đồ Phát triển điện lực VII điều chỉnh.
Dự án này dự kiến gồm 3 nhà máy Sơn Mỹ 2.1, Sơn Mỹ 2.2, Sơn Mỹ 2.3 với công suất dự kiến 750 MW/nhà máy, sử dụng khí LNG nhập khẩu để phát điện được xây dựng tại Khu liên hợp Công nghiệp dịch vụ - Dầu khí Sơn Mỹ.
Theo kế hoạch, 3 nhà máy thuộc Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 sẽ lần lượt vận hành trong các năm 2023, 2024 và 2025.
Tiếp ông David Stone, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh việc AES hiện diện, thu xếp vốn đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh, đồng thời đồng tình việc AES phối hợp với PV Gas triển khai kho cảng khí hoá lỏng. Phó thủ tướng đã đề nghị hai bên làm việc tích cực để đẩy nhanh việc ký hợp đồng đối tác triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Với Dự án Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2, Phó thủ tướng đề nghị AES bàn bạc trực tiếp với PVN để xác định hình thức đầu tư phù hợp. Bộ Công thương sẽ trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình tìm hiểu, hợp tác đầu tư.(Baodautu)