tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-05-2018

  • Cập nhật : 21/05/2018

Chính thức tăng lương cơ sở thêm 90.000 đồng từ 1/7/2018

Theo Nghị định, mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng (tăng thêm 90.000 đồng) bắt đầu từ ngày 01/7/2018.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định 72/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 và thay thế Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017.

Theo Nghị định, mức lương cơ sở tăng thêm 90.000 đồng, mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng, thay cho mức 1,3 triệu đồng/tháng trước đây (tăng 6,923%), bắt đầu từ ngày 01/7/2018.

Mức lương cơ sở được áp dụng đối với các đối tượng sau:

- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện

- Cán bộ, công chức cấp xã

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng xếp lương theo cán bộ, công chức

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội và Công an nhân dân…

Mức lương cơ sở mới này sẽ dùng làm căn cứ:

- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định tại Điều 2 Nghị định 72/2018/NĐ -CP của Chính phủ;

- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.(CafeF)
-------------------------

PayPal chi 2,2 tỉ USD thâu tóm hãng công nghệ iZettle

Hãng thanh toán quốc tế PayPal đã đồng ý mua lại startup công nghệ tài chính iZettle (Thụy Điển), với mức giá khổng lồ lên tới 2,2 tỉ USD. Dự kiến thương vụ này sẽ được hoàn tất trong quý ba năm nay.

paypal muon mo rong them su hien dien sau khi mua lai izettle -anh: reuters

PayPal muốn mở rộng thêm sự hiện diện sau khi mua lại iZettle -ẢNH: REUTERS

Theo Reuters, iZettle được thành lập vào năm 2010 có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp đầu đọc thẻ tín dụng thu nhỏ để biến những chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng thành công cụ có thể thực hiện thanh toán. Hiện tại, hãng có mặt ở 12 quốc gia châu Âu và Mỹ Latin - những nơi PayPal có ít sự hiện diện - và cung cấp thêm các dịch vụ quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ.

iZettle là thành viên mới nhất trong chuỗi các công ty khởi nghiệp thành công của Thụy Điển đã bán cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ thay vì niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước đó là các hãng nhắn tin Skype và Mojang, hay Minecraft.

Trong khi đó, PayPal là hãng thanh toán với vốn hóa thị trường ước tính khoảng 94 tỉ USD hiện hoạt động ở hơn 200 quốc gia, đã và đang mở rộng mạnh mẽ thông qua các thương vụ mua lại và hợp tác với các ngân hàng và hãng công nghệ lớn như Bank of America, JPMorgan Chase & Co, Apple và Facebook.

Thương vụ này sẽ cho phép PayPal mở rộng vào mảng kinh doanh thiết bị đầu cuối thanh toán bán lẻ tại các thị trường quốc tế, nơi hãng sẽ cạnh tranh với công ty Square được thành lập bởi giám đốc điều hành của Twitter là Jack Dorsey.

iZettle sẽ trở thành thương vụ thâu tóm lớn nhất của PayPal từ trước đến nay. Vào năm 2015, PayPal cũng đã mua lại startup chuyên về chuyển tiền Xoom với giá 890 triệu USD. Trước đó vào năm 2013 khi vẫn còn là một phần của eBay, hãng cũng đã bỏ ra 800 triệu USD để mua lại Braintree và mảng kinh doanh Venmo.(Thanhnien)
-----------------------

Nỗ lực quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực quảng bá nông sản nước ta tại thị trường Nhật Bản.

Sự kiện được tiến hành trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam lần thứ 10 (2008-2018) tổ chức tại Tokyo, trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản hướng tới lễ kỷ niệm tròn 45 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (9/1973 – 9/2018).

Khách tham quan một gian hàng của Việt Nam tại hội chợ. Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản

Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về các mặt hàng nông sản như trái cây, cà phê… vì vậy đây cũng là những mặt hàng chủ lực được giới thiệu, quảng bá tại Nhật Bản trong thời gian tới. Theo ông Tạ Đức Minh, hiện tại Việt Nam đã đưa được 3 loại trái cây vào thị trường Nhật Bản gồm thanh long ruột trắng ruột đỏ, xoài và chuối. Ông cho biết trái cây Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản đều đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận rất tích cực. Năm 2017, Việt Nam đã xuất được 2.500-3.000 tấn chuối, hơn 1.500 tấn thanh long sang thị trường Nhật Bản.

 
Ông Hidekatsu Ishikawa, Giám đốc Công ty VIENT Co.Ltd, doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu trái cây Việt Nam vào Nhật Bản, cho biết trái cây Việt Nam như thanh long, xoài, chuối được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao. Trung bình mỗi năm, công ty của ông nhập khoảng 200 container trái cây Việt Nam vào thị trường Nhật Bản với số tiền lên tới 500 triệu yen (tương đương 4,6 triệu USD). Ông cho rằng một trong những lợi thế của trái cây Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là thời gian vận chuyển ngắn, chỉ mất 6 ngày từ Việt Nam đến Nhật Bản nên đảm bảo được độ tươi ngon. Trong thời gian tới, VIENT muốn mở rộng danh mục trái cây Việt Nam nhập vào thị trường Nhật Bản nhằm giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản được thưởng thức thêm nhiều trái cây chất lượng cao của Việt Nam.


Bên cạnh đó, ông Hidekatsu Ishikawa cũng đánh giá chất lượng dịch vụ kho vận tại Việt Nam còn hạn chế nên thời gian vận chuyển trái cây từ nơi thu hoạch đến cảng xuất khẩu vẫn còn khá dài. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.


Ông Tạ Đức Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nhận định xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản chính là một điều kiện, đồng thời là cơ hội để nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường nước ngoài khác.


Theo ông Minh, bộ phận thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có kế hoạch giới thiệu thêm những loại nông sản khác của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt… Hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình đàm phán để xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản.(TTXVN)
-------------------------

Tiết kiệm 1.771 triệu đồng từ khoán xe công

Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2017...

Đây là báo cáo thường niên, nhưng điểm mới của lần này là có khá nhiều thông tin về khoán xe công, một chủ trương đã được nói đến nhiều nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.

Theo Chính phủ, trong năm 2017, chính sách khoán xe công đã được nhân rộng và được triển khai thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương bước đầu có kết quả. Như, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng....

Chính phủ đánh giá, việc khoán kinh phí sử dụng xe ôtô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công, giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe. Số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính, tăng hiệu suất sử dụng xe ôtô công, tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.

Thông tin cụ thể hơn từ báo cáo là tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Gồm 4 sở tài chính, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, lao động, thương binh và xã hội, 2 quận Long Biên, Hà Đông và 2 huyện: Gia Lâm và Thanh Trì.

Có 52 người thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 người và khối quận, huyện là 32 người.

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ôtô phục vụ công tác chung, tổng số chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 là 2.441 triệu đồng. Tổng số chi phí thực tế sử dụng 44 xe trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị là 4.212 triệu đồng.

Như vậy, khi thực hiện khoán xe ôtô phục vụ công tác chung thì chi phí khoán tiết kiệm hơn so với chi phí thực tế sử dụng xe cùng kỳ, tổng số chi phí tiết kiệm được là: 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Ký báo cáo của Chính phủ Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Tp.HCM đã xây dựng, ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ôtô để áp dụng thí điểm từ tháng 5/2018 đối với 5 đơn vị. Gồm, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban quản lý An toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh.

Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng với việc đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc. Đối tượng áp dụng đề án là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) đủ tiêu chuẩn sử dụng ôtô công để đưa đón đi công tác. Gồm, chánh và phó chánh Văn phòng UBND thành phố; giám đốc và phó giám đốc Sở Tài chính, Trưởng Ban An toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh và Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.

Việc khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung phải đảm bảo đúng đối tượng, không làm phát sinh chi phí hành chính hàng năm, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Về phương thức khoán kinh phí, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lựa chọn thực hiện khoán theo một trong hai phương thức gồm căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh quyết định khoán kinh phí sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung cho từng chức danh theo đơn giá khoán cố định theo km (11.000 đồng/km) hoặc căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định đơn giá khoán cố định hàng tháng/xe là 19,8 triệu đồng/tháng/xe.

Theo tính toán của thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1,2 tỷ đồng/năm (cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, năm 2017, số xe ôtô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỷ đồng. Số xe giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá 1.139,41 tỷ đồng.

Tổng số xe ôtô công hiện có 39.425 chiếc với tổng nguyên giá 25.554,21 tỷ đồng chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục