Các đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi một loạt sắc thuế; Ai sẽ trả tiền cho ‘Con đường tơ lụa’ của Trung Quốc?; Mỹ - Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận làm ăn 'béo bở'; Chính phủ “siết chặt” quản lý giá thuốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-05-2018
- Cập nhật : 20/05/2018
Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tìm đường vào Việt Nam
Với sự bùng nổ của các start-up, Việt Nam đang được xác định là đích ngắm tiếp theo tại thị trường Đông Nam Á của KVIC - tập đoàn đầu tư mạo hiểm lớn nhất Hàn Quốc.
Sau sự xuất hiện của hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm tầm cỡ như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups..., KVIC đang là cái tên tiếp theo manh nha ý định tiến vào thị trường còn non trẻ của Việt Nam.
KVIC là tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Hàn Quốc, với số vốn lên đến 3.400 tỷ won. KVIC đã len chân vào hàng loạt thị trường hàng đầu trong khu vực, như Trung Quốc, Singapore, Indonesia…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng (bên phải) tiếp ông Sang-Soo Kim, Giám đốc khu vực Đông Nam Á KVIC
Mới đây, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của KVIC đã có chuyến sang thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMESF). Động thái này cho thấy, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ là điểm đến mới trong chiến lược mở rộng quy mô của tập đoàn này.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, ông Sang-Soo Kim, Giám đốc khu vực Đông Nam Á KVIC hứa hẹn, thời gian tới, KVIC sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và Việt Nam nói chung. “KVIC sẽ cử chuyên gia để hỗ trợ trong việc xây dựng quy chế nội bộ về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, chúng tôi đang xem xét đầu tư vào thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác với SMESF”, ông Sang-Soo Kim cho biết.
KVIC là tập đoàn quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của Quỹ Fund of Funds (FOF) của Hàn Quốc, ra đời từ năm 2005. Tính đến hết 2017, FOF có sự tham gia của nhiều tổ chức tư nhân và cơ quan chính phủ của Hàn Quốc với số vốn lên đến 3.400 tỷ won.
Đặt kỳ vọng về sự hợp tác nhằm xây dựng hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm lành mạnh và phát triển tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đề nghị phía KVIC có những chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng khung khổ pháp lý cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng như các lĩnh vực tiềm năng được Chính phủ Việt Nam định hướng ưu tiên phát triển, như nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ; điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu…
Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn sẽ ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ mới trong sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và máy chế biến thực phẩm…
Trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ, dành ưu tiên cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm…
Trong sản xuất điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu, ưu tiên phát triển sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMESF kỳ vọng cao vào sự hợp tác giữa KVIC và SMESF. Hai bên đã thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp và đề xuất các nội dung chi tiết hơn trong việc hợp tác, tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai bên.
“Sự hợp tác với KVIC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. KVIC có đầy đủ tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm để có thể xây dựng và tạo sự đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ tại Việt Nam”, bà Hồng nói.(Baodautu)
---------------------
Chính phủ dành 45.000 tỷ đồng cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 490/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018 – 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có (tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm); củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai các mô hình làng văn hóa du lịch; xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện; củng hố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng, gồm: vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn tay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp... Nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần gồm: ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn lồng ghép khác của Trung ương và địa phương.(Baodautu)
------------------------
Đức hỗ trợ 5 triệu Euro giúp Việt Nam ứng dụng lưới điện thông minh
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 519/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả (SGRE-EE)”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.
Dự án thực hiện trong 4 năm (2018-2022) trên toàn quốc với tổng mức đầu tư là 5.297.980 Euro, trong đó, 5 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức; 297.980 Euro vốn đối ứng của phía Việt Nam do Bộ Công Thương tự bố trí bằng các nguồn lực hiện có.
Dự án nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và lưới điện thông minh tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP), Chiến lược tăng trưởng Xanh (GGS) cũng như kế hoạch Hành động Tăng trưởng Xanh (GGAP) nhằm đảm bảo cung ứng điện nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện gắn liền với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.
Kết quả chủ yếu của Dự án là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ phát triển lưới điện thông minh kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được áp dụng trong việc quản lý, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực về công nghệ lưới điện thông minh và phát triển năng lượng tái tạo cho các cán bộ chuyên môn tại các đơn vị quản lý nhà nước, các chuyên gia tại các đơn vị trong ngành điện, hình thành mạng lưới chuyên gia về lưới điện thông minh.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Đức để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng. Thiết lập các mạng lưới hợp tác và trao đổi kinh nghiệm quốc tế giữa các nhà xây dựng chính sách, các nhà quản lý, các đơn vị phát triển dự án. Việc hợp tác công nghệ tập trung vào các giải pháp công nghệ hiện đại nhất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ và phần mềm hiệu quả năng lượng, kết nối và vận hành năng lượng tái tạo với xu hướng của các sản phẩm và dịch vụ để xây dựng ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công hàm thông báo chính thức cho phía Đức biết về quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Công Thương lưu ý các ý kiến góp ý của các cơ quan để hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt Văn kiện Dự án và quyết định đầu tư Dự án theo quy định hiện hành.(Baodautu)
------------------------
45 ô tô con nhập từ Đức trong 1 tuần
Số lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập nhiều trong tuần qua đến từ Đức. Tình hình nhập khẩu ô tô vẫn đang trong tình trạng trồi sụt thất thường kể từ đầu năm đến nay.
Ảnh: Thu Hòa.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tuần qua (từ 11 đến 17/5), số lượng ô tô nhập khẩu vào nước ta giảm mạnh so với tuần liền kề trước đó, với 231 xe được đăng ký nhập khẩu, tổng trị giá kim ngạch 10,2 triệu USD (tuần liền kề trước đó có 746 xe, tổng trị giá kim ngạch 21,6 triệu USD).
Trong đó có 97 chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được làm thủ tục nhập khẩu với trị giá đạt 2,5 triệu USD, chiếm 42% lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Hơn 90% số xe này được đăng ký tờ khai nhập khẩu ở cửa khẩu khu vực cảng TP.HCM.
Số xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu có xuất xứ chủ yếu từ Đức và Thái Lan với lần lượt là 45 chiếc và 40 chiếc, chiếm tới 88% lượng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đăng kí nhập khẩu của cả nước.
Tổng cục Hải quan ghi nhận 82 ô tô tải được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá gần 1,5 triệu USD. Toàn bộ lượng xe tải đăng kí tờ khai nhập khẩu trong tuần qua có xuất xứ từ Thái Lan. 2 cửa khẩu nhập chủ yếu là khu vực cảng TP.HCM và Hải Phòng
Ngoài ra, cả nước nhập khẩu 52 ô tô chuyên dụng với trị giá khai báo là 6,23 triệu USD. Trong đó, xe có xuất xứ từ Thái Lan là 25 chiếc, từ Hàn Quốc là 12 chiếc, từ Trung Quốc là 7 chiếc, còn lại xuất xứ từ Nhật Bản, Pháp, Australia, Italia và Nga.
Ngoài ô tô nguyên chiếc, cả nước chi 41,27 triệu USD nhập linh kiện và phụ tùng ô tô các loại. Nhóm hàng này có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan (12,7 triệu USD); Trung Quốc (6,78 triệu USD); Nhật Bản (6,45 triệu USD); Hàn Quốc (4,66 triệu USD); Đức (4,19 triệu USD).
Tính chung, 5 thị trường trên chiếm tỷ trọng tới 84% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của cả nước. (Baohaiquan)