Đánh bạc 73 tỷ USD trên thị trường phái sinh, trader khiến ngân hàng lỗ 7,2 tỷ USD; Chuyên gia Credit Suisse: Quy mô kinh tế Triều Tiên có thể tăng lên 100 tỷ USD trong 10 năm; Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại
Tin kinh tế đọc nhanh 22-05-2018
- Cập nhật : 22/05/2018
Mỹ tuyên bố “tạm dừng” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Mỹ - Trung nhất trí ngừng đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau và tìm cách đạt một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn...
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc "tạm dừng" sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí ngừng đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau và tìm cách đạt một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ngày Chủ nhật.
Theo hãng tin Reuters, ông Mnuchin và cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Tổng thống Donald Trump là ông Larry Kudlow nói rằng sự nhất trí mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đạt được hôm thứ Bảy đã tạo ra một khuôn khổ để giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai nước trong tương lai.
"Chúng tôi đang tạm dừng cuộc chiến thương mại. Giờ đây, hai bên đã nhất trí ngừng áp thuế quan trong khi cố gắng thực thi khuôn khổ đã đạt được", ông Mnuchin nói trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình Fox News Sunday.
Trước đó, vào hôm thứ Bảy, Bắc Kinh và Washington cho biết sẽ tiếp tục đàm phán về các biện pháp mà theo đó, Trung Quốc sẽ nhập thêm hàng hóa năng lượng và nông sản từ Mỹ để giảm bớt khoản thâm hụt thương mại hàng hóa 335 tỷ USD hàng năm của Mỹ với Trung Quốc.
Trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra hồi đầu tháng ở Bắc Kinh, Mỹ đòi Trung Quốc giảm 200 tỷ USD trong khoản thâm hụt này. Tuy nhiên, hai bên không đưa ra con số cụ thể nào trong bản tuyên bố chung vào hôm thứ Bảy, sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai ở Washington.
Căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng sau khi chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dọa có thể sẽ áp thuế lên thêm 100 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng cách áp thuế lên 50 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có nhiều nông sản quan trọng.
Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói rằng việc khiến Trung Quốc mở rộng cửa hơn cho hàng hóa Mỹ là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là Mỹ phải giải quyết được những vấn đề khác với Trung Quốc như cưỡng ép chuyển giao công nghệ hay tội phạm mạng.
"Thay đổi cơ cấu một cách thực sự là điều cần thiết. Tương lai việc làm của hàng chục triệu người Mỹ đang bị đe dọa", ông Lighthizer nói trong một tuyên bố hôm Chủ nhật.
Một số nhà quan sát và nghị sỹ Mỹ cảnh báo rằng sẽ là sai lầm nếu ông Trump nhanh chóng chấp nhận lời hứa mua thêm hàng Mỹ của Trung Quốc trong khi còn nhiều vấn đề lớn hơn chưa được giải quyết.
Trao đổi với chương trình Face the Nation của đài CBS vào ngày Chủ nhật, ông Kudlow nói còn quá sớm để chốt con số 200 tỷ USD mà Trung Quốc hứa tăng mua hàng hóa Mỹ. "Các chi tiết sẽ được vạch dần. Mọi thứ sẽ không chính xác hẳn như thế", ông nói.
Trong chương trình This Week của đài ABC, ông Kudlow nói những vấn đề lớn hơn vẫn còn đang được bàn thảo, và Trung Quốc đã có "những cải cách cơ cấu" như hạ thuế quan và hàng rào phi thuế quan, cho phép Mỹ tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tổng thống Trump đang ở trong một "tâm trạng rất tích cực vì những gì đã đạt được", ông Kudlow cho hay. Tuy nhiên, vị cố vấn nói Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại.
"Hai bên chưa nhất trí đạt thỏa thuận", ông Kudlow nói với ABC. "Chúng tôi chưa bao giờ kỳ vọng có thỏa thuận. Sẽ có một tuyên bố chung giữa hai nước, đó là tất cả. Và trong tuyên bố đó, các bạn sẽ biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo".
Bước tiếp theo sẽ là cử Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross tới Trung Quốc để xem xét những lĩnh vực mà Trung Quốc có thể tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm năng lượng, khí hóa lỏng, nông sản và hàng công nghiệp chế tạo - ông Mnuchin và ông Kudlow cho hay.
Ông Mnuchin nói Mỹ dự kiến tăng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thêm 35-40% chỉ riêng trong năm nay, và tăng gấp đôi xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc trong 3-5 năm.
"Chúng tôi có những mục tiêu cụ thể. Tôi sẽ không công bố cụ thể đó là gì. Mục tiêu sẽ phụ thuộc vào từng ngành", ông Mnuchin nói.
Tuyên bố chung hôm thứ Bảy không đề cập đến việc liệu Mỹ có nới trừng phạt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE hay không. Đây là lệnh trừng phạt liên quan đến việc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên, cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm.
Vì lệnh trừng phạt này của Mỹ, ZTE đã phải dừng hầu hết các hoạt động chính. Tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ giúp ZTE hoạt động bình thường trở lại, nhưng ông Kudlow nói nếu có thay đổi trong lệnh trừng phạt ZTE, thì đó cũng chỉ là những thay đổi nhỏ.
"Nếu có thay đổi đi chăng nữa, lệnh trừng phạt vẫn sẽ rất cứng rắn, sẽ bao gồm những khoản phạt lớn, những biện pháp đảm bảo tuân thủ, ban lãnh đạo mới, hội đồng quản trị mới", ông Kudlow nói. "Đừng hy vọng ZTE thoát hẳn trừng phạt. Điều đó sẽ không xảy ra".(Vneconomy)
----------------------------
Hiện trạng “ngân hàng 0 đồng” dưới góc nhìn Kiểm toán Nhà nước
Việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng chậm và chưa triệt để, thực trạng tài chính của nhiều ngân hàng chưa được cải thiện...
Đó là nhận định của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 vừa được gửi đến Quốc hội.
Báo cáo cho biết kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng khác.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế vĩ mô theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương. Các ngân hàng thương mại (trừ GPbank và Ocean Bank) có tỷ suất lợi nhuận/vốn trên 10% (xếp loại A), ổn định thanh khoản.
Song, nhiều ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép, đến hết năm 2016, tổng nợ xấu và tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 485.306 tỷ đồng, chiếm 8,81% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng 0 đồng rất cao. Cụ thể, nợ xấu của GPbank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam thì nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng).
Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm giảm không đáng kể, khả năng chi trả của quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thấp, cơ quan kiểm toán đánh giá.
Việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng được đánh giá là chậm và chưa triệt để.
Kết quả kiểm toán cho thấy, Ngân hàng Nhà nước chưa kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát triển khai phương án cơ cấu lại GPbank theo quy định tại quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chậm phê duyệt đề án tái cơ cấu GPbank, Ocean Bank dẫn đến không thể triển khai các biện pháp nhằm giảm suy giảm tài chính của các ngân hàng được mua 0 đồng. Công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế.
Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước thì thực trạng tài chính của các ngân hàng 0 đồng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn.
Cụ thể GPbank từ thời điểm mua bắt buộc (7/7/2015) đến 31/12/2016 lỗ thêm 451 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 13.448 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng. Ocean Bank lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng), lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 15.894 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng.
Việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng 0 đồng, theo Kiểm toán Nhà nước là khó khăn.
GPbank năm 2016 thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu. Ocean Bank nợ xấu khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác…; tốc độ thu hồi nợ có xu hướng giảm (từ 6/5/2015, thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua lại đến 31/12/2015 thu hồi 2.061 tỷ đồng, năm 2016 là 1.964 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 là 757 tỷ đồng).
Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo là một số ngân hàng thương mại chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng từ nhiều năm, đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, chưa thoái theo lộ trình các khoản vốn góp vượt giới hạn quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Báo cáo kiểm toán nêu rõ, hầu hết các ngân hàng thương mại còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay (thẩm định thiếu chặt chẽ, chứng từ giải ngân không đầy đủ, chưa giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản đảm bảo, phân loại nợ chưa phù hợp.
Chẳng hạn, Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh Vietinbank giảm dư nợ nhóm 1 là 717,6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 478,1 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 239,5 tỷ đồng. Vietcombank tăng dư nợ nhóm 1 là 517 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 2 là 503 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 4 là 17,1 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 5 là 31,3 tỷ đồng. BIDV tăng dư nợ nhóm 1, giảm dư nợ nhóm 5 là 37,5 tỷ đồng...
Một số ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, Kiểm toán Nhà nước phải điều chỉnh tăng chi phí dự phòng của BIDV 0,69 tỷ đồng; Vietinbank 36,5 tỷ đồng; Ocean Bank 376 tỷ đồng; GPbank 15 tỷ đồng...
Về nhận định một số khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro, báo cáo dẫn chứng nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào điện thoại vay vốn tại Vietcombank Tp.HCM từ năm 2011, 2012 quá hạn trả nợ từ năm 2014, dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 251,7 tỷ đồng, lãi 85,7 tỷ đồng, sử dụng vốn sai mục đích, có dấu hiệu lừa đảo, Vietcombank đang đề nghị cơ quan an ninh điều tra xử lý.(Vneconomy)
------------------------------
Tăng thuế quá nhanh, quá nhiều!
Chỉ trong vòng một năm, Bộ Tài chính đã dồn dập đề xuất tăng các loại thuế với lý do để phù hợp với thông lệ thế giới và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt từ giới chuyên gia kinh tế lẫn người dân, Bộ Tài chính vẫn nhất quyết đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, dầu. Mọi việc gần như an bài khi Chính phủ đã chấp thuận, ủy quyền cho bộ này ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) dự án nghị quyết về biểu thuế này.
Vì ngân sách, vắt sức dân
Nếu được QH thông qua, mức thuế BVMT mới áp dụng từ ngày 1-7 tới, với dự kiến bổ sung cho ngân sách hơn 57.000 tỉ đồng/năm. Sắc thuế mới này bị dư luận phản đối dữ dội khi đánh vào xăng dầu, mặt hàng thiết yếu mà bất kỳ người nghèo nào cũng phải sử dụng..
Trước đó, ngày 13-4, Bộ Tài chính công bố đề xuất đánh thuế tài sản theo dự thảo Luật Thuế tài sản, trong đó có nhà ở. Đề xuất này bị dư luận phản ứng dữ dội, bởi lẽ thay vì đánh thuế tài sản đối với ngôi nhà thứ 2 như dự kiến trước đây thì Bộ Tài chính lại chọn cách đánh thuế ngay trên ngôi nhà thứ nhất với mức thuế suất 0,3%-0,4%. Việc đánh thuế tài sản này dự kiến bổ sung 1.500 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng theo giới chuyên gia là không ổn, "tận thu", vắt sức dân.
Không chỉ vậy, nhiều sắc thuế khác cũng đã được Bộ Tài chính nhắm tới, đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoặc đã chốt hạ, chờ Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ xem xét, đưa ra trước QH. Nổi bật là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Theo dự án này, có 6 luật thuế được sửa đổi gồm: Luật Thuế GTGT; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, quá trình lấy ý kiến, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng cùng lúc 3 loại thuế trụ cột của NSNN là GTGT, TTĐB và TNCN không nhận được sự đồng tình từ nhiều phía.
Cụ thể, đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1-1-2019 và 2 năm tiếp theo tăng lên 14%. Dù vậy, do vấp phải sự phản ứng của dư luận nên Bộ Tài chính đành "lùi một bước", điều chỉnh lại bước tăng từ 10% lên 11% vào năm 2019, từ 11% lên 12% vào năm 2020.
Còn thuế TTĐB được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa); từ 70% lên 75% đối với thuốc lá và từ 15% lên 33% đối với xe bán tải. Theo tính toán, với việc điều chỉnh sắc thuế này, NSNN thu về khoảng 5.005 tỉ đồng. Với riêng mặt hàng nước ngọt có đường, Bộ Tài chính đưa ra mục đích tăng thuế… rất vì dân, rằng: bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh bệnh tiểu đường và béo phì (!?).
Đối với thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh các bậc thuế, tăng thuế TNCN từ lương. Với phương án này, những người có thu nhập trung bình khá, nằm trong khoảng 24-41 triệu đồng/tháng, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở của Bộ Tài chính bị dư luận phản đối quyết liệt. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần cẩn trọng tăng thuế
Nói về các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), nhận định do khó khăn trong tìm kiếm nguồn thu mới cho NSNN trước sức ép tăng chi tiêu nên giải pháp ngắn hạn là vay nợ và tiến tới bắt buộc tăng thuế gián thu trong thời gian tới như thuế GTGT, thuế TTĐB và thuế BVMT. Những loại thuế này đang đóng góp chủ yếu nguồn thu cho NSNN, chiếm 50% nguồn thu.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghị, vấn đề là đánh thuế thế nào và thuế suất bao nhiêu để thực sự tạo công bằng xã hội, hướng đến điều tiết thu nhập của người giàu.
Hiện nay, tỉ lệ huy động GDP vào NSNN thông qua thuế, phí còn dư địa để tăng nữa hay không vẫn là vấn đề còn tranh cãi. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, cho biết tỉ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 1996-2016 bình quân là 23,7%, trong đó tỉ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 16,7%.
Như vậy con số thực hiện còn thấp so với chiến lược cải cách thuế đề ra cho giai đoạn 2011-2015 với mức động viên thu NSNN/GDP khoảng 23-24% GDP (trong đó tỉ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 22%-23% GDP). Trong khi đó, nhấn mạnh "thuế, phí ở Việt Nam đang ở mức rất cao là 32% GDP trong khi khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới là 18%-20%/GDP" - chuyên gia Ngô Trí Long khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng với việc tăng thuế.
Nhưng người dân không quan tâm đến những con số mang tính chất học thuật nêu trên. Họ chỉ cần biết mình được hưởng gì từ chính sách thuế và cảm nhận rõ ràng nhất của người dân trong thời điểm này là theo như đề xuất của Bộ Tài chính, thuế tăng quá nhanh, quá nhiều.(NLĐ)
--------------------
Thêm 40 dự án BOT phải giảm 120 năm thu phí
Giai đoạn 2016 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 107 năm thu phí với 27 dự án khác...
Nằm trong báo cáo tổng hợp kết quả của 2017, kết quả kiểm toán việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông vận tải vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội.
Báo cáo cho biết, từ năm 2002 đến nay, Bộ đã thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư , gồm 68 dự án BOT, 4 dự án BT; 1 dự án BOO và 2 dự án vừa BOT và BT với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 233.705,5 tỉ đồng.
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2017) có 57 dự án hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giải quyết tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Đó là, Bộ này không gửi danh mục dự án đến các bộ, ngành và địa phương có liên quan để lấy ý kiến khi xây dựng và phê duyệt danh mục 66 dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP. Có 49/75 dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng lại có đến 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt.
56/75 dự án với chiềm dài 2.535 km là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do ngân sách đầu tư từ trước và chỉ có 19 dự án đầu tư mới với chiều dài 526 km, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầu tư mới 2.629km trong danh mục kêu gọi đầu tư được phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ còn bổ sung 15 hạng mục (ngoài nội dung, phạm vi đầu tư ban đầu) của 8 dự án trị giá 17.483 tỉ đồng khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và UBND tỉnh. 74/75 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số Nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực như nhà đầu tư dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa.
Qua kiểm toán chi tiết 40 dự án cho thấy nhiều sai phạm khác, như đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn với các khoản tiền lên đến nhiều nghìn tỉ đồng. Cụ thể, có 1 dự án tính chi phí trích lập quỹ dự phòng duy tu bảo dưỡng 608,6 tỉ đồng, 5 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công 1.421,7 tỉ đồng, 15 dự án không tính hoàn thuế giá trị gia tăng đối chi phí đầu tư 1.687,5 tỉ đồng, 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác 940,2 tỉ đồng) chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính.
71/75 dự án đưa chi phí dự phòng 27.377,5 tỉ đồng vào phương án tài chính để tính thời gian thu phí hoàn vốn khi chưa xác định được nhiệm vụ chi và trong hợp đồng cũng không có điều khoản thỏa thuận liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí này khi phát sinh nhiệm vụ chi.
Việc lập phương án tài chính cũng còn nhiều thiếu sót. Năm 2015, khi điều chỉnh phương án tài chính tuyến Tây Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6 các bên xác định mức tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 trung bình 3,7%, thấp hơn thực tế 15,3%. Dự án cầu Yên Lệnh tính thuế thu nhập doanh nghiệp 6% cho toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng mà không xác định theo quy định (10% và được miễn trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). Năm 2012 dự án cầu Yên Lệnh ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng đưa chi phí sửa chữa của năm 2012 vào năm 2005, dẫn đến phương án tài chính chưa chính xác.
Sai sót tiếp theo là tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn, dự án thấp nhất là 11%, dự án cao nhất là 13%. Với sai sót nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính, báo cáo nêu tên các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063 877 - Km1092 577, tỉnh Quảng Ngãi; dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987 560 - Km2014 000, tỉnh Tiền Giang; dự án đường cao tốc Hạ Long- Vân đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km2118 600 - Km2127 320,75 và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng của Quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu Km 2169 056,65 - Km 2178 126,79 và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1, tỉnh Bạc Liêu; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thành phố Uông Bí - TP Hạ Long.
Về trạm thu phí, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Việc triển khai thu phí tự động không dừng còn chậm, mới có 33/87 trạm thu phí tự động không dừng kết hợp với thu phí 1 dừng vào hoạt động. Ngoài ra còn 25/87 trạm thu phí chưa hoạt động, chưa có chủ trương thu phí tự động;
Vấn đề nghiệm thu, thanh toán được kết luận là còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo...
Kiểm toán đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng. Năm 2016 trở về trước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án, Tổng Kiểm toán cho biết.
Danh sách một số trạm thu phí được Kiểm toán nhà nước kết luận chưa phù hợp
1. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên (Km7 800 - Km29 784);
2. Dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và bổ sung hạng mục đường vành đai phía tây thành phố Thanh Hóa (giai đoạn 1) đoạn Km0-Km6;
3. Dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh;
4. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km672 600 - Km704 900 tỉnh Quảng Bình;
5. Dự án Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, Tứ Câu Vĩnh Điện;
6. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 Đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam;
7. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 các đoạn Km1525÷Km1551 400, Km1563÷Km1567 500, Km1573 350÷ Km1574 500, m1581 950÷ Km1584 550, Km1586÷Km1588 500, tỉnh Ninh Thuận;
8. Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị; Dự án tuyến Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai;
9. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km368 400 (Nghi Sơn) ÷ Km402 330 (Cầu Giát), tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An;
10. Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang;
11. Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang-Tp.Lạng Sơn đoạn km45 100-Km108 500, kết hợp tăng cường mặt đường Ql1 đoạn Km1 800-Km106 500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn…(Vneconomy)