Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tìm đường vào Việt Nam; Chính phủ dành 45.000 tỷ đồng cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020; Đức hỗ trợ 5 triệu Euro giúp Việt Nam ứng dụng lưới điện thông minh; 45 ô tô con nhập từ Đức trong 1 tuần
Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-05-2018
- Cập nhật : 19/05/2018
Thép rục rịch tăng giá
Trong vòng một tuần nay, giá nguyên liệu ngành thép tăng trở lại khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước chuẩn bị tăng giá bán ra.
Một số DN thép tại thị trường phía nam cho biết dự kiến vào cuối tuần tới, giá bán thép xây dựng sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tấn.
Đơn cử đối với thép Pomina hay thép Vina Kyoeil, hiện giá bán tại nhà máy đang ở mức 15,2 triệu đồng/tấn thì tuần sau, giá sẽ tăng lên 15,4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán lẻ các loại thép trên đến tay người tiêu dùng tại TP.HCM đang ở mức 17 triệu đồng/tấn. Mức giá bán lẻ này đã được tăng từ tháng 2 và giữ nguyên đến nay. Nghịch lý là trong tháng 4.2018, một số DN thép giảm nhẹ giá bán ra thị trường khi nguyên liệu đầu vào giảm thì giá bán lẻ của các đại lý đến tay người dùng vẫn không thay đổi.
Giải thích cho lý do tăng giá sắp tới, các DN đều cho biết giá nguyên liệu trong một tuần nay bắt đầu tăng gần 10% so với cuối tháng 4. Cụ thể, phế liệu thép nhập khẩu về VN có giá 355 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với trước hay giá phôi thép hiện khoảng 570 USD/tấn, cao hơn 30 - 40 USD/tấn. Tuy nhiên, giá này vẫn thấp hơn mức 600 USD/tấn phôi thép đạt được vào đầu năm nay hay mức giá cao nhất của thép phế liệu là 410 USD/tấn vào giữa tháng 3. Thế nhưng không một đơn vị nào đưa ra dự báo giá sắt thép đến cuối năm vì đều cho rằng thị trường diễn biến khó lường.
Giá nguyên liệu thép trên thế giới tăng xuất phát từ việc tiêu thụ ở nhiều thị trường đang tăng cao, nhất là Trung Quốc. Trong báo cáo mới nhất, Hiệp hội Thép thế giới (WorldSteel) cho biết, thị trường thép sau 2 năm biến động và suy giảm thì đã ổn định trở lại vào 2017. Dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2018 và 2019 trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu vẫn thuận lợi.
Tại VN, trong 4 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất và bán hàng của các DN thành viên Hiệp hội Thép VN vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất đạt gần 7,6 triệu tấn, tăng 23,1% và lượng bán hàng đạt gần 6,7 triệu tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 38,8% so với 4 tháng năm 2016. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng đạt hơn 1,56 triệu tấn, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, cả nước vẫn chi ra 3,03 tỉ USD để nhập khẩu 4,28 triệu tấn sắt thép các loại. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất vào VN với 1,82 triệu tấn, trị giá 1,32 tỉ USD, giảm 33,2% về lượng và giảm 12,4 về trị giá. (Thanhnien)
----------------------
Bộ Công Thương điều tra thương vụ Grab thâu tóm Uber
Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT về việc điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, Cục CT&BVNTD sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày. Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục CT&BVNTD sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Trước đó, kết quả điều tra sơ bộ của Cục CT&BTNTD cho thấy, việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Cụ thể, quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy: Việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
"Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004", đại diện Cục CT&BVNTD nói.
Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục CT&BVNTD đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004. Kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Ngày 16/4, Cục CT&BVNTD đã ban hành Quyết định điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam. Cục đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các Hiệp hội, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để có đánh giá khách quan về thương vụ này.(Báo Tin Tức)
-----------------
Tổng thống Donald Trump nghi ngờ thành công trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump hôm 17.5 nói rằng ông nghi ngờ các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ thành công.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - ẢNH: REUTERS
“Đàm phán có thành công hay không? Tôi nghi ngờ về điều đó. Họ luôn có 100% bất cứ điều gì họ muốn từ Mỹ. Nhưng chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra nữa”, ông Trump nói với các phóng viên trong lần xuất hiện cùng với ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Một phái đoàn Trung Quốc đang ở Washington để đàm phán với các quan chức chính quyền ông Trump. Đầu tháng này cả hai bên đã có các buổi thảo luận ở Bắc Kinh, nhưng vẫn không có kết quả tiến bộ.
Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hy vọng tình hình căng thẳng thương mại đang leo thang sẽ giảm thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, hôm 17.5, ông Trump nói rằng Trung Quốc đã “gạt bỏ” Mỹ ra khỏi các hoạt động thương mại. Tổng thống Mỹ tuyên bố chiến thuật thương mại của Bắc Kinh đã châm ngòi cho “một cuộc sơ tán của cải chưa từng thấy trước đây”.
Ông Trump từ lâu luôn cho rằng thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ gây nên sự lạm dụng thương mại. Ông cũng đã tìm cách trừng phạt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về cáo buộc tội trộm cắp tài sản trí tuệ. Đáp lại, Bắc Kinh đã đề xuất mức thuế trả đũa nhắm vào nhiều loại hàng hóa của Mỹ như nông nghiệp và máy bay.
Hiện căng thẳng nội bộ trong chính quyền ông Trump đang đe dọa đến thành công của các cuộc đàm phán trong tuần này. Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gần đây xảy ra mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, ông Navarro không muốn dễ dãi với Trung Quốc, điều này lại trái với ý kiến của một số người trong chính quyền.
Cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đều đã tìm cách nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại. Bắc Kinh đề nghị sẽ giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đổi lại Washington phải dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch đối với hãng viễn thông Trung Quốc ZTE.
Tuy nhiên, hôm 16.5, ông Trump lại viết trên Twitter rằng “chúng tôi chưa thấy yêu cầu của Trung Quốc”.(Thanhnien)
-------------------------
Rộ thông tin đập thủy điện lớn nhất Campuchia có thể 'giết' sông Mekong
Theo những tài liệu tờ Guardian (Anh) thu được, dự án đập thủy điện lớn nhất Campuchia được Trung Quốc hỗ trợ có thể “hủy hoại” sông Mekong bởi tác động của công trình này với thiên nhiên.
Guardian cho biết báo cáo này của chính phủ Campuchia được giữ bí mật kể từ khi được nộp trình trong năm 2017. Theo đó, chính phủ Campuchia đã giao cho Viện Di sản Quốc gia có trụ sở tại Mỹ thực hiện nghiên cứu kéo dài 3 năm, kể từ 2014, để đánh giá ảnh hưởng có thể xảy ra với môi trường bắt nguồn từ dự án đập thủy điện Sambor cũng như hồ chứa nước dài 82 km sẽ được hình thành kèm theo đó.
Bản nghiên cứu đánh giá rằng dự án đập thủy điện Sambor có thể ảnh hưởng tới nguồn thủy sản vốn quan trọng đối với cộng đồng người dân tại tỉnh Kratie, Campuchia. Ảnh: Guardian
Trong bản nghiên cứu có nhấn mạnh: “Ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng bởi nó ngăn chặn cá di cư từ Tonle Sap (Biển Hồ)”. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia lại quyết định không công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu này về đập thủy điện Sambor. Tờ Guardian trong khi đó đã nhận được bản sao của nghiên cứu này.
Theo nghiên cứu, đập thủy điện Sambor được cho còn có thể tác động tới các loài khác trong hệ sinh thái của sông Mekong. Dự án đập thủy điện Sambor đề xuất hình thành rào chắn bê tông rộng 33 km dọc sông qua làng Sambor, tỉnh Kratie, Campuchia. Nơi đây vốn được biết đến là địa điểm lý tưởng để quan sát loài cá heo Irrawaddy.
Ông Marc Goichot tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết sau nỗ lực 15 năm hợp tác giữa WWF và các đối tác Campuchia, đã có 15 cá heo Irrawaddy được sinh ra. Tuy nhiên, ông Marc Goichot cho rằng đập thủy điện Sambor có thể phá hỏng nỗ lực này. Ông Marc Goichot cảnh báo nó còn có thể kéo theo tình trạng sụt lún tại Đồng bằng Sông Cửu Long tại Việt Nam.
Kế hoạch xây dựng đập thủy điện này đã được ký với tập đoàn China Southern Power Grid (Trung Quốc) trong năm 2006. Tuy nhiên do có nhiều phản đối nên các nhà đầu tư Trung Quốc đã rút khỏi dự án trong năm 2008.
Trước tình trạng thiếu hụt năng lượng, chính phủ Campuchia đã nối lại dự án đập thủy điện sông Sambor vào năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Khai khoáng Công nghiệp và Năng lượng Campuchia Ith Praing đánh giá: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm và còn quá sớm để công bố bất cứ thông tin nào về dự án ở Sambor”.
Thứ trưởng Praing cũng cho biết hiện nay chưa có quyết định cuối cùng với dự án đập thủy điện và cần chờ đợi đến cuộc tổng tuyển cử trong tháng 7. Nếu dự án được thông qua thì ứng cử viên hàng đầu đảm nhận trách nhiệm thi công sẽ là Công ty năng lượng quốc tế Hydrolancang của Trung Quốc.
Nếu đập thủy điện Sambor được thi công, sẽ có hơn 19.000 người dân địa phương phải tái định cư, hầu hết là nông dân và ngư dân.
Trong bản nghiên cứu của Viện Di sản Quốc gia, đội ngũ thực hiện cũng đã tìm 10 địa điểm thay thế để đặt đập thủy điện Sambor. (TTXVN)