tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 21-05-2018

  • Cập nhật : 21/05/2018

Sắp có lộ trình chuyển 70 triệu thẻ ATM sang thẻ chip

Ban soạn thảo đang hoàn thiện các thủ tục để trình Thống đốc ban hành Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa cũng như lộ trình chuyển đổi 70 triệu thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip.

 

70 trieu the atm se chuyen doi sang the chip nham nang cao tinh bao mat - anh: thanh dam

70 triệu thẻ ATM sẽ chuyển đổi sang thẻ chip nhằm nâng cao tính bảo mật - Ảnh: THANH ĐẠM

Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết Công ty CP thanh toán quốc gia VN (Napas) đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho thẻ tiếp xúc, tương thích với tiêu chuẩn EMV, tương đồng với tiêu chuẩn của các tổ chức thẻ quốc tế đồng thời hỗ trợ những tính năng đặc thù của thị trường VN.

Ngoài việc ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán của ngành ngân hàng, bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng với tính mở, dễ dàng mở rộng để áp dụng trên các lĩnh vực khác, đặc biệt trong thanh toán giao thông.

Hiện Napas đã chuyển giao các tài liệu kỹ thuật cho một số ngân hàng, nhà cung cấp thiết bị chấp nhận thanh toán, nhà cung cấp thẻ để chỉnh sửa hệ thống, và thực hiện triển khai thí điểm.

Bên cạnh việc triển khai tiêu chuẩn cho thẻ tiếp xúc, Napas cũng phối hợp với các nhà cung cấp thẻ, thiết bị chấp nhận và một số ngân hàng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính triển khai khai thí điểm thẻ không tiếp xúc (contactless). Đồng thời nghiên cứu nâng cấp Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa để hỗ trợ các giao dịch thanh toán di động (NFC).

Vừa qua, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm thẻ bùng phát. Việt Nam có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng trong đó 70 triệu thẻ ATM sử dụng công nghệ từ, vốn dễ bị làm giả, bị "hack".

Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu chậm nhất đến ngày 31-12-2020, toàn bộ thẻ tại VN phải chuyển đổi xong sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử). Thế nhưng, dù kế hoạch là khoảng tháng 4-2017, bộ tiêu chuẩn thẻ chip được ban hành thế nhưng đến nay Napas mới hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa.

Hiện các đơn vị liên quan cũng mới trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để trình Thống đốc ban hành Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa cũng như ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan và lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip.

Ngoài thủ tục, theo các ngân hàng, e ngại lớn nhất là chi phí chuyển đổi, đặc biệt với những ngân hàng có số lượng phát hành lớn.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, mức giá phổ biến của thẻ chip khoảng 1,5-2,5 USD/chiếc, tương đương 35.000-58.000 đồng/chiếc thẻ. Trường hợp đặt số lượng lớn, từ 100.000 thẻ trở lên thì mức giá có thể mềm hơn.

Hiện tại, Vietcombank đang dẫn đầu với gần 14 triệu thẻ, VietinBank có gần 13,7 triệu thẻ, Agribank và BIDV có lần lượt 11 triệu thẻ và gần 10,4 triệu thẻ... Một số ngân hàng cổ phần cũng có số lượng thẻ phát hành từ 2,1-5,2 triệu.

Như vậy, riêng 4 ngân hàng gốc quốc doanh đã phải bỏ ra khoảng 50 triệu USD (khoảng hơn 1.100 tỉ đồng) nếu chuyển đổi thẻ.

Đó là chưa kể các ngân hàng còn phải tốn chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích với thẻ chip.(Tuoitre)
------------------------------

Nhật Bản, EU lên kế hoạch trả đũa thuế quan của Mỹ

Các đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) hôm 18.5 thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về một loạt biện pháp trả đũa chống lại thuế nhôm, thép của Mỹ.

Một nhà máy thép ở Urayasu, Tokyo, Nhật Bản  /// Reuters

Một nhà máy thép ở Urayasu, Tokyo, Nhật Bản - REUTERS

Nhật Bản nói với WTO rằng họ có quyền áp đặt thuế quan đối với 50 tỉ yên (khoảng 451 triệu USD) giá trị hàng hóa Mỹ, con số này tương đương với ảnh hưởng từ mức thuế mà Mỹ áp đặt lên các sản phẩm kim loại của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản không nêu rõ khi nào họ sẽ hành động.

“Chúng tôi sẽ quyết định một cách thích hợp khi xem xét tác động mà công ty Nhật Bản phải chịu, cũng như các biện pháp có liên quan của Mỹ”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.

EU cũng nói rõ rằng hiện tại họ không có ý định sử dụng biện pháp đối phó, nhưng họ thông báo hướng hành động của mình vì ngày 1.6.2018 là hạn chót để ngăn chặn thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Danh sách các mặt hàng Mỹ có nguy cơ sẽ bị đánh thuế do Ủy ban châu Âu soạn thảo bao gồm bơ đậu phộng, ngô, nam việt quất, gạo và các sản phẩm thép.

Chính quyền ông Trump đã gây ra lo ngại về một cuộc chiến thương mại khi quyết định áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Động thái này được cho là chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, nhưng các đồng minh của Mỹ như EU, Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi Washington đã gia hạn thời gian miễn thuế cho EU và các đồng minh khác đến hết tháng 5.2018, Nhật Bản vẫn nằm trong danh sách các quốc gia phải đối mặt với thuế nhôm, thép.

Trước hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 4.2018, ông Trump viết lên Twitter rằng Nhật Bản “đã gây khó khăn cho chúng tôi về thương mại trong nhiều năm”. Về phía mình, quốc gia Đông Á cảnh báo mức thuế nhập khẩu nhôm, thép “có thể là một tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ kinh tế” giữa hai nước.

Tuy nhiên, khác với cách Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trả đũa, Nhật Bản đã chọn hướng tiếp cận hòa giải, cố gắng để được miễn thuế thông qua đối thoại. Xuất khẩu thép và các sản phẩm nhôm của Nhật Bản sang Mỹ đạt khoảng 200 tỉ yen vào năm ngoái.

EU đồng thời giữ thái độ nóng - lạnh với chính quyền ông Trump, họ vừa đưa ra các biện pháp đối phó nhưng cũng lơ lửng hứa hẹn sẽ mở đàm phán thương mại và cam kết mở cửa thị trường châu Âu cho khí đốt tự nhiên của Mỹ nếu Washington miễn thuế nhôm, thép vĩnh viễn. Châu Âu xuất khẩu khoảng 5 tỉ euro giá trị thép và 1 tỉ euro giá trị nhôm đến Mỹ mỗi năm.(THanhnien)
-------------------------

Khách hàng 'tố' liên tục, Lazada bị kiểm tra

Sau khi nhận nhiều phản ảnh của khách hàng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết sẽ kết hợp với cơ quan chức năng thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của Lazada.

Khách hàng tố liên tục, Lazada bị kiểm tra - Ảnh 1.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân cẩn thận khi mua hàng trên mạng vì không được kiểm tra trực tiếp món hàng - Ảnh: T.T.D.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), trong thời gian qua đơn vị này tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại website Lazada.vn của Công ty TNHH Recess.

Dù Lazada giải quyết thỏa đáng các trường hợp khiếu nại, nhưng do người tiêu dùng tiếp tục phản ánh các vấn đề lặp lại trong quá trình kinh doanh của Lazada, nên Cục sẽ kết hợp với cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các vấn đề mà người tiêu dùng phản ánh chủ yếu liên quan đến chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm… 

Cục cũng cho biết tình trạng người tiêu dùng phản ảnh về chất lượng sản phẩm, cách thức giao dịch... khi mua hàng qua mạng, mua sau khi xem quảng cáo trên tivi, hay mua sản phẩm trả góp qua ngân hàng... ngày càng nhiều.

Để tránh tình trạng "tiền mất, tật mang", Cục cảnh báo người tiêu dùng nâng cao cảnh giác đối với hình thức mua hàng từ xa. Với hình thức này, người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp sản phẩm, vì thế, khả năng nhận hàng khác so với quảng cáo là rất cao, đặc biệt là với mặt hàng trang sức, đồ điện tử, mỹ phẩm…

Nếu được yêu cầu trả tiền trước và không được cung cấp đủ thông tin về sản phẩm để kiểm tra, người tiêu dùng có quyền từ chối nhận hàng và yêu cầu hoàn trả lại cho nơi bán.(Tuoitre)
-------------------------

Starbucks sẽ mở thêm gần 3.000 cửa hàng mới ở Trung Quốc

Starbucks đang đẩy mạnh việc mở rộng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Starbucks hy vọng sự mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy lợi nhuận công ty /// Ảnh: Reuters

Starbucks hy vọng sự mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy lợi nhuận công ty - ẢNH: REUTERS

Theo CNN, Starbucks mới đây công bố kế hoạch mở gần gấp đôi số cửa hàng cà phê mới ở Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng từ 3.300 cửa hàng hiện tại lên 6.000 cửa hàng trước khi kết thúc năm 2022. Điều đó có nghĩa là trung bình cứ mỗi năm lại có thêm khoảng 600 cửa hàng Starbucks mới tại quốc gia châu Á, tăng đáng kể so với mục tiêu khoảng 500 cửa hàng được công ty đưa ra trước đó.

Starbucks hy vọng sự mở rộng nhanh chóng tại Đại lục sẽ thúc đẩy lợi nhuận công ty. Thương hiệu cà phê này có kế hoạch tăng gấp ba lần doanh thu và tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022.

“Starbucks đang thúc đẩy một nền văn hóa cà phê ở Trung Quốc, nơi kết quả thu được sẽ lâu dài và lợi nhuận tăng trưởng trong nhiều thập niên tới”, Kevin Johnson, giám đốc điều hành Starbucks, nói.

Tháng 12.2017, Starbucks đã mở cửa hàng lớn nhất thế giới ở Thượng Hải. Công ty cũng đang hướng đến một xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc là loại đồ uống mang đi. Starbucks sẽ cho ra mắt một dòng trà và cà phê mới pha sẵn ở Trung Quốc vào tháng tới.

Kinh doanh của công ty đang phát triển nhanh hơn nhiều tại Trung Quốc và các nước châu Á khác khi so sánh với thị trường Mỹ, với mức doanh thu tăng 54% trong quý 1/2018 so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo thu nhập mới nhất của Starbucks. Trong khi đó, tại Mỹ, Canada và khu vực Mỹ Latin doanh thu chỉ tăng 8%.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục