Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 ở mức 6,7-6,8%
Tập đoàn Tata: Việt Nam và Myanmar là thị trường trọng điểm
Nghị quyết 19 và chuyện cái lốp xe dính sơn
Tháng đầu năm, tồn kho hàng đồ uống tăng... 95,7%
Nga chuẩn bị cấm nhập khẩu sản phẩm ngô, đậu nành từ Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-06-2016
- Cập nhật : 08/06/2016
Chủ tịch FED cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng kinh tế Mỹ
Bà Janet Yellen, chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, nếu Anh rời khỏi EU, việc này sẽ gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Theo BBC, trong bài phát biểu ngày 6-6, bà Yellen cho biết, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) là một trong những yếu tố quan trọng để FED cân nhắc chuyện có tăng lãi suất hay không.
Cuộc họp tiếp theo của FED bàn về lãi suất sẽ diễn ra ngày 14-15 tháng 6 tới đây.
Tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên trong 9 năm FED tăng lãi suất lên 0,25% và kể từ đó tới nay vẫn giữ nguyên mức tăng này.
Trong mùa hè qua, người ta đã tưởng FED sẽ tiếp tục có những điều chỉnh tăng lãi suất. Tuy nhiên do thống kê về thị trường việc làm tại Mỹ vẫn chưa thực sự khả quan nên cơ quan này còn chần chừ chưa quyết định.
Tháng trước, thị trường việc làm Mỹ mới có thêm 38.000 công việc, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2010.
Bà Yellen thừa nhận thống kê về thị trường lao động ở Mỹ trong tháng 5 tương đối ảm đạm, tuy nhiên các xu hướng tương đối tích cực vẫn đang chiếm ưu thế.
Nếu FED không tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới đây thì khả năng đó sẽ để ngỏ trong kỳ họp vào tháng 7.
Cuộc họp đó sẽ diễn ra sau khi Anh đã tổ chức xong cuộc trưng cầu ý dân về chuyện Brexit ngày 23-6. Theo đó kết quả trưng cầu được xem là cơ hội để FED đánh giá về tác động của nó với các thị trường toàn cầu.
Một số chuyên gia kinh tế cũng đã cảnh báo Brexit có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Trong bài phát biểu ngày 6-6, bà Yellen nói: “Nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có thể sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng”.
Nhận định của bà Yellen cũng đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế khác về ảnh hưởng của Brexit với nền kinh tế Mỹ.
Bổ sung gần 300 tỷ đồng vốn điều lệ cho Tập đoàn Hoá chất
Nguồn tiền bổ sung này được trích từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tập đoàn đến ngày 31/12/2015, theo nội dung văn bản số 2342 đã được Thủ tướng ban hành trước đó 2 năm.Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn Vinachem thực hiện cụ thể.
Trường hợp nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Vinachem sau năm 2015 không đủ so với mức vốn điều lệ đã được phê duyệt tại văn bản 2342, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư căn cứ các quy định hiện hành đề xuất, báo cáo Thủ tướng xử lý.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được thành lập theo Quyết định số 2180 ngày 23/12/2009 của Thủ tướng trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.
Ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện nay Vinachem có 3 công ty con do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, 23 công ty con do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cổ phần hóa, 10 công ty do tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, một Viện nghiên cứu và một Trường cao đẳng. Tính tới hết năm 2015 vốn điều lệ của Vinachem là 16.000 tỷ đồng.
Giảm thêm 5% thuế suất cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành, lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất phổ thông quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn tối đa năm năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khởi nghiệp còn được đào tạo miễn phí về khởi sự kinh doanh trong vòng một năm; miễn lệ phí môn bài trong vòng ba năm; không bị thanh tra, kiểm tra trong vòng một năm; hỗ trợ đến 50 triệu đồng nếu đăng ký thành công một bằng sáng chế trong nước hoặc quốc tế; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành.
Ngoài ra, dự thảo luật này cũng dành nhiều ưu tiên cho DNNVV. DN sẽ được ưu tiên bố trí mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên phân luồng xanh khi làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Trong tờ trình luật này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có hơn 80% các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các DNNVV. Thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp. Nhiều chính sách chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng (ví dụ, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công) và kết quả hỗ trợ còn hạn chế. Một số chính sách chưa thực tế.
Gỗ MDF của VN bị Ấn Độ áp thuế gần 64 USD/m3
Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ tấm MDF xuất khẩu từ VN vào Ấn Độ ở mức 63,99 USD/m3
Ngày 7-6, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-bộ Công thương), cho biết DGAD vừa ban hành kết luận cuối cùng mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam.
DGAD kết luận “Ngành sản xuất nội địa Ấn Độ đã phải chịu thiệt hại đáng kể gây ra bởi sản phẩm nhập khẩu bán phá giá từ các nước bị điều tra nói trên”, nên biên độ phá giá dành cho doanh nghiệp VN ở mức 40-50%, kèm theo là mức thuế chống bán phá giá 63,99 USD/m3.
So với Indonesia, biên độ phá giá lẫn mức thuế áp cuối cùng của VN thấp hơn khá nhiều.
Vụ việc được khởi xướng điều tra từ tháng 5-2015 do Công ty Greenply Industries Ltd và Công ty Mangalam Timber Products Ltd khởi kiện.
Ấn Độ cũng đã sang VN tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp trong tháng 2-2016 và đưa đến kết luận cuối cùng nói trên.
Thu giữ gần 1.000 tấn phân bón giả mỗi năm
Trên thực tế, số lượng phân bón giả, kém chất lượng còn nhiều hơn gấp nhiều lần so với số lượng thu giữ.
Chiều 6-6, tại cuộc họp báo công bố chương trình phân bón giả - tác hại thật, ông Đỗ Thanh Lam - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương - cho biết mỗi năm cơ quan chức năng thu giữ gần 1.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng.
Trên thực tế, số lượng phân bón giả, kém chất lượng còn nhiều hơn gấp nhiều lần so với số lượng thu giữ. Tình hình sản xuất kinh doanh phân bón giả ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, QLTT đã lấy 46 mẫu phân bón ở các tỉnh miền Tây, phát hiện tới 13 mẫu vi phạm.
Ông Dương Xuân Sinh, phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.
Theo ông Sinh, để trang bị thêm kiến thức cho nông dân, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng công ty Phân bón - hóa chất dầu khí phối hợp tổ chức cuộc thi “Phân bón giả - tác hại thật”. Ban tổ chức cho biết mọi cá nhân đều có thể tham gia ý tưởng, các giải pháp sáng tạo nhằm đẩy lùi nạn phân bón giả và cách thức sử dụng phân bón sao cho hiệu quả.