Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây tổn hại thép thế giới
Đáp trả việc Mỹ nghi ngờ và điều tra các công ty thép Trung Quốc sử dụng bí mật thương mại đánh cắp để ghìm đối thủ cạnh tranh, bán phá giá, nhà sản xuất thép lớn hàng đầu Trung Quốc Hebei Iron & Steel vừa lên tiếng cáo buộc việc làm này của Mỹ là vi phạm quy định WTO và gây ảnh hưởng đến thương mại ngành thép toàn cầu.
Trong một thông cáo đăng tải trên trang web của mình, Hebei Iron & Steel Group, một trong những công ty sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cho rằng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ đang làm tổn hại đến thương mại thép thế giới.
Cụ thể, theo Hebei Iron & Steel Group, việc Mỹ tiến hành điều tra các doanh nghiệp thép Trung Quốc và áp thuế chống bán phá giá cao vừa qua đã phá vỡ nghiêm trọng các quy định của WTO, bóp méo thương mại thép thế giới. Công ty này cũng cho rằng, điều này gây thiệt hại cho lợi ích của các nhà máy thép Trung Quốc, và thậm chí với cả người tiêu dùng Mỹ.
Cáo buộc này được đưa ra trong bối cảnh vào tuần trước, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) tiến hành một thăm dò nhắm vào các nhà máy thép Trung Quốc. Mục đích để làm rõ liệu các doanh nghiệp này có trục lợi thông tin bí mật về hoạt động sản xuất thép của Mỹ bị tin tặc làm việc cho chính phủ Trung Quốc đánh cắp vào năm 2011 hay không. ITC sau đó cũng nói rằng có thể sẽ ngăn chặn hoạt động nhập khẩu thép carbon và thép hợp kim được sản xuất bằng cách sử dụng bí mật thương mại bị đánh cắp.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc cho biết, họ phản đối mạnh mẽ cuộc thăm dò và kêu gọi Hoa Kỳ xem xét kỹ động cơ của các đơn khiếu nại, tôn trọng sự thật khách quan và cẩn thận khi dùng các biện pháp cắt giảm thương mại.
Hebei Iron & Steel khẳng định sẽ kháng cáo thăm dò, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc có biện pháp phù hợp với quy định của WTO để duy trì lợi ích hợp pháp của các nhà máy sản xuất thép trong nước.
Tương tự, Baosteel, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 Trung Quốc và lớn thứ 4 thế giới, cũng ủng hộ ý kiến trên và nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc nên thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng ngành thép nước này nhận được sự đối xử công bằng.
Trong khi đó, Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) lên tiếng, chính phủ nên có biện pháp mạnh tay chống lại Hoa Kỳ để hỗ trợ cho ngành công nghiệp thép nội địa.
Vụ tin tặc đánh cắp bí mật kinh doanh thép của Mỹ vào năm 2011 là một trong hàng loạt vụ tấn công qua mạng mà các công tố Mỹ đã ra phán quyết vào năm 2014 buộc tội 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của nhiều công ty Mỹ.
Trong danh sách các công ty thép Trung Quốc bị Tập đoàn thép Mỹ cáo buộc sử dụng bí mật thương mại bị đánh cắp vừa qua, ITC xác định có khoảng 40 nhà sản xuất thép Trung Quốc và các công ty con phân phối có liên quan. Trong đó, có nhiều công ty thuộc hàng lớn nhất thế như Baosteel Group, Hebei Iron and Steel, Wuhan Iron and Steel Co Ltd, Maanshan Iron and Steel Group, Anshan Iron and Steel Group và Giang Tô Shagang Group.
Thâm hụt thương mại tháng Tư của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến
Bộ Thương mại Mỹ vừa cho hay thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Tư tăng hơn 5% lên trên 37 tỷ USD, thấp hơn mức dự kiến nhờ xuất khẩu hàng hóa hồi phục mạnh - điều cho thấy thương mại sẽ là cú hích đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 2.
Trước đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Reuters tiến hành đã dự đoán thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ tăng lên hơn 41 tỷ USD trong tháng Tư.
Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý là thâm hụt thương mại trong tháng Ba của nước này được điều chỉnh hạ xuống còn hơn 35 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2013 (từ con số thông báo ban đầu là trên 40 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, thâm hụt thương mại trong tháng Tư thấp hơn mức thâm hụt bình quân của ba tháng đầu năm cho thấy thương mại chắc chắn sẽ góp phần hỗ trợ Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý 2. Trước đó, thương mại được xem là yếu tố làm chậm đà tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 1 và hai quý cuối của năm ngoái.
Trong tháng Tư, xuất khẩu hàng hóa tăng 2,5% lên 120 tỷ USD, trong lúc nhập khẩu tăng 2,4% lên gần 179 tỷ USD, trong bối cảnh nhu cầu thế giới èo uột còn nhu cầu trong nước gia tăng.
Chi tiêu bán lẻ của Anh phục hồi trong tháng 5 sau hai tháng ổn định
Tập đoàn bán lẻ Anh BRC cho biết sau hai tháng ổn định, chi tiêu tăng 1,4% so với tháng 5 năm ngoái, thúc đẩy bởi doanh số bán quần áo.
Chủ tịch BRC Helen Dickinson cho biết “tuy nhiên với những dấu hiệu nền kinh tế Anh đang chậm lại, không chắc rằng là sự bắt đầu đảo ngược hoàn toàn của vận may”.
“Triển vọng không chắc chắn nghĩa là khách hàng sẽ vẫn thận trọng với chi tiêu của họ, do đó chúng tôi dự kiến số liệu doanh số vẫn biến động trong thời gian tới”.
Kinh tế Anh đã chậm lại trước cuộc chưng cầu dân ý là thành viên của Liên minh châu Âu vào 23/6, bổ sung những vấn đề lâu dài đối với các nhà bán lẻ, người phải hạ giá để thu hút khách hàng.
Nhà bán lẻ quần áo và thực phẩm Marks & Spencer đã cảnh báo trong tháng 5 rằng niềm tin người tiêu dùng đã giảm trong vài tháng trước. Đối thủ Next đã cho biết năm 2016 có thể là năm khó khăn nhất kể từ năm 2008.
Trên cơ sở so với năm trước, BRC cho biết doanh số tăng 0,5% trong tháng 5 so với giảm 0,9% trong tháng 4.
Các số liệu riêng rẽ từ Barclaycard, cung cho thấy người tiêu dùng phục hồi chi tiêu trong tháng 5, tăng 3,6% so với năm trước sau hai tháng tăng trưởng giảm dưới 2%.
Paul Lockstone, giám đốc điều hành tại Barclaycard cho biết trong khi số liệu tháng 5 di chuyển tích cực, chi tiêu năm 2016 có xu hướng thấp đáng kể so với năm ngoái vì thế rất thú vị để xem liệu những số liệu này có là điểm sáng theo mùa hoặc khởi đầu của một sự cải tiến chi tiêu thực sự và bền vững của người tiêu dùng.
Hơn 1 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang thị trường Mỹ trong năm 2016
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương Sao (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, công ty vừa xuất khẩu thành công một lô vải thiều đầu mùa đầu tiên sang thị trường Mỹ.
Theo ông Phạm Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Ánh Dương Sao, lô vải thiều với khối lượng hơn 1 tấn đã được công ty thực hiện chiếu xạ tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi xuất khẩu vào Mỹ. Toàn bộ số vải thiều xuất khẩu được mua ở các vùng gắn mã số sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp Tốt toàn cầu (GlobalGap) ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Ông Phạm Ngọc Tú cho hay, năm nay nhu cầu vải thiều tại Mỹ sẽ cao hơn bởi mùa vụ ở Mexico chậm hơn Việt Nam khoảng 2 tuần. Năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu bước đầu 2 container vải thiều sang Mỹ, năm nay sẽ xuất khẩu nhiều hơn và dự kiến doanh nghiệp sẽ thu mua và xuất khẩu từ 10 đến 20 tấn vào thị trường này.
“Muốn thâm nhập thị trường Mỹ, doanh nghiệp phải hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng từng nước nhập khẩu. Riêng ở Mỹ, người tiêu dùng chuộng vải có vị ngọt, độ đường cao và màu sắc đỏ tươi. Căn cứ vào đó thì quả vải Lục Ngạn phù hợp với sở thích của họ, tuy nhiên, vải thiều xuất khẩu sang thị trường khó tính phải bảo đảm các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác. Dự kiến, sau lô vải đầu tiên, doanh nghiệp sẽ xem xét thu mua thêm khoảng 20 tấn vải nữa để xuất khẩu, với giá cao hơn giá thị trường từ khoảng 10% tại thời điểm mua,” ông Tú nói.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) cho biết, sản lượng vải thiều xuất khẩu được doanh nghiệp liên hệ qua hợp tác xã đặt hàng trực tiếp với nông dân trồng vải ngay từ đầu tháng Sáu. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng vải thôn Kép 1, xã Hồng Giang nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung.
"Về phía hợp tác xã chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về xem xét thu mua tại các nhà vườn và sẵn sàng hỗ trợ để tiêu thụ vải cho nông dân. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đến để thu mua khi vụ vải sắp bước vào thời điểm chính vụ," ông Đông chia sẻ.
Theo các chuyên gia, nông sản xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Australia, Nhật Bản và các nước trong Liên minh Châu Âu là động lực để nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn cao hơn đồng thời mở ra cơ hội thâm nhập thêm các thị trường khác đối với mặt hàng vải thiều.
Dự kiến năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt 130.000 tấn, trong đó 40% phục vụ xuất khẩu.
Trong niên vụ vải năm 2015, Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương Sao cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu vải thiều vào Mỹ
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia tăng 5,2-5,6% trong năm 2017
Thống đốc ngân hàng Indonesia cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này khoảng 5,2-5,6% vào năm tiếp theo.
Theo Agus Martowardojo, Quốc hội cho rằng chi tiêu vào cơ sơ hạ tầng của chính phủ dự báo tăng cao hơn tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Triển vọng cải thiện nền kinh tế trong năm 2017 sẽ được hỗ trợ bởi tăng trưởng đầu tư… và các kích thích tài chính đặc biệt trong các dự án cơ sở hạ tầng và các gói chính sách kinh tế của chính phủ.
Ông Martowardojo cho biết thêm, ước tính lạm phát trong năm tới ở mức 4% trong dự báo mức tăng giá hàng hóa lương thực thực phẩm.
Dự báo tỷ giá đồng rupiah đối với đồng đô la trong trao đổi tiền tệ dao động trong khoảng 13,600 -13,900 vào năm 2017.
(
Tinkinhte
tổng hợp)