Công ty con của Samsung vừa mất trắng 580 triệu USD chỉ vì một câu nói của Elon Musk
Doanh số bán ô tô của Thaco gấp nhiều lần Toyota, Ford
Thương hiệu gạo hữu cơ đầu tiên của Việt Nam đang phải rao bán
Sẽ phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư 2016
Mexico thu về 1,3 tỷ USD từ việc phát hành trái phiếu "Samurai"
Tin kinh tế đọc nhanh 10-06-2016
- Cập nhật : 10/06/2016
144 thương hiệu ngoại được nhượng quyền vào VN
Có khoảng 144 thương hiệu nước ngoài đã đăng ký nhượng quyền vào VN, với tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 20%, dự báo thị trường hoạt động nhượng quyền vẫn tiếp tục “nóng” khi ngày càng có nhiều thương hiệu mạnh quốc tế “lăm le” vào thị trường VN.
Dẫn ra số liệu trên tại hội thảo bên lề triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền 2016 ở TP.HCM ngày 8-6, ông Sean T. Ngo, giám đốc VF Franchise Conulting, cho rằng thị trường nhượng quyền VN còn rất nhiều tiềm năng phát triển với dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng qua các năm. Đặc biệt, việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do gần đây giúp VN xóa bỏ hàng rào thuế quan với nhiều nước, hàng hóa trở nên rẻ hơn, thúc đẩy tiêu dùng tăng lên.
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đang được coi là có tốc độ nhượng quyền mạnh nhất, trong đó mảng thức ăn nhanh tăng trưởng hơn 50%.
“Trong vòng 5 năm trở lại đây, tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng VN tăng 61,6%. Ước tính người Việt chi gần 50% thu nhập cho thực phẩm và đồ uống”, ông Sean T. Ngo nói.
Triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền 2016 (VIETRF) do Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Công ty COEX tại Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 250 công ty hàng đầu đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nay, VIETRF tập trung các đơn vị bán lẻ và nhượng quyền tiêu biểu của nhiều ngành nghề như thực phẩm và đồ uống, giáo dục, sức khỏe, thẩm mỹ và nhiều dịch vụ khác đã tạo nên sự sôi động cũng như đa dạng cho thị trường bán lẻ VN.
Tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 80%
Đến lượt tôn mạ màu đề nghị được “bảo vệ”. Sản xuất tôn mạ màu trong nước đã suy giảm rất mạnh do lượng nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 80% tổng lượng tôn nhập khẩu vào VN.
Sau gần một tháng xem xét hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước, ngày 7-6 Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) Bộ Công thương xác nhận hồ sơ đã “đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ VN”.
Trong khi chờ kết luận cuối cùng của Bộ Công thương, VCA sẽ dành cho các doanh nghiệp liên quan cung cấp những thông tin cuối cùng, hạn chót đến ngày 16-6.
Theo thông tin riêng của Tuổi Trẻ, ba doanh nghiệp sản xuất tôn mạ màu trong nước đứng đơn yêu cầu là Công ty CP Đại Thiên Lộc, Công ty CP thép Nam Kim và Công ty CP tôn Đông Á cùng năm doanh nghiệp khác ủng hộ.
Nguyên đơn cho rằng sản xuất tôn mạ màu trong nước đã suy giảm rất mạnh trong giai đoạn năm 2013-2015 do lượng tôn nhập khẩu tăng đột biến, trong đó lượng nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 80% tổng lượng tôn nhập khẩu vào VN; đồng thời đề xuất áp thuế tự vệ đối với tôn mạ màu nhập khẩu ở mức 30% theo giá CIF (giá giao tại cảng bên mua) trong bốn năm, kéo dài đến tháng 4-2019.
Đây là mặt hàng tôn mạ thứ hai bị các doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước khởi kiện.
Trước đó, tháng 3-2016, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) và Hàn Quốc. Vụ việc vẫn đang trong giai đoạn điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.
Ống thép VN bị Mỹ áp thuế lên đến 113,8%
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) nhập khẩu từ VN.
Ngày 8-6, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết như trên.
Do chỉ có ba doanh nghiệp VN trả lời bảng câu hỏi điều tra của DOC nên mức thuế chống bán phá giá áp dụng chung cho toàn bộ các doanh nghiệp còn lại của VN phải chịu ở mức rất cao, lên đến 113,18%, trong khi ba doanh nghiệp hợp tác đầy đủ với DOC chỉ nhận mức thuế 0-0,38%.
Mức thuế nói trên bằng với biên độ phá giá mà các nguyên đơn trong vụ kiện đã cáo buộc hồi tháng 11-2015, gồm công ty Bull Moose Tube Company, EXLTUBE, Wheatland Tube và Western Tube & Conduit, mức cao nhất so với bốn quốc gia khác cũng bị Mỹ kiện là Oman, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Philippines và Pakistan.
Dự kiến, quyết định cuối cùng sẽ được DOC ban hành trong tháng 10-2016. Trước mắt DOC sẽ thông báo để cơ quan Hải quan Hoa Kỳ thu tiền đặt cọc khi nhập khẩu các sản phẩm trên từ các quốc gia đã có thông báo mức thuế sơ bộ.
Theo VCA, số liệu Hải quan Hoa Kỳ ghi nhận giá trị nhập khẩu CWP từ VN vào Mỹ trong năm 2014 khoảng 60,6 triệu USD, mức nhập khẩu lớn nhất trong số các nước bị điều tra.
Đủ cơ sở áp thuế tự vệ với bột ngọt nhập khẩu
Việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với bột ngọt nhập khẩu là có cơ sở pháp lý, không chấp thuận kiến nghị hủy bỏ quyết định này của một số doanh nghiệp.
Nếu không đồng ý với quyết định này, doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa. Đây là một trong những nội dung tại văn bản vừa được Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo Bộ Công thương, Công ty CJ Cheil Jedang (CJ) đã khiếu nại quyết định (920) áp dụng biện pháp tự vệ một năm đối với bột ngọt nhập khẩu, với lý do sản phẩm của công ty không bán lẻ cho người tiêu dùng mà là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thực phẩm trong nước nên không thuộc phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.
Theo đó, công ty này đề nghị Bộ Công thương hủy quyết định nói trên, thay vào đó là áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Ngoài ra, một số công ty nhập khẩu còn cho rằng quyết định áp thuế tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu của Bộ Công thương là đi ngược lại với cam kết hội nhập.
Hàng triệu tài khoản của Deutsche Bank bị nhân đôi giao dịch
Theo ngân hàng lớn nhất tại Đức Deutsche Bank, gần 2,9 triệu tài khoản ngân hàng đã bị ảnh hưởng trong sự cố công nghệ mà ngân hàng này gặp phải trong tuần qua.
Tổng cộng 13 triệu lượt thanh toán đã bị tính sai.
Do lỗi hệ thống, các khoản thanh toán trên hệ thống ngân hàng trực tuyến của Deutsche Bank từ ngày 1/6 đã bị tính làm hai lần.
Điều này dẫn đến việc tài khoản của nhiều khách hàng tăng lên trong khi của nhiều người khác bị âm.
Nhiều lời phàn nàn và khó chịu đã gửi đến Deutsche Bank khi các hoạt động thanh toán và giao dịch quan trọng không thể thực hiện được, đặc biệt khi khách thẻ dùng thẻ ATM hoặc thẻ EC.
Deutsche Bank thông báo đã khắc phục được sự cố trên từ chiều 5/6, và cam kết trong tuần này sẽ khôi phục tài khoản của các khách hàng đúng như nguyên trạng.
Deutsche Bank hiện quản lý tại Đức 8 triệu tài khoản khách hàng, một nửa trong số đó dùng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.