Tập đoàn Lotte bất ngờ bị điều tra
Apple lập công ty con bán năng lượng mặt trời
ECB đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp
George Soros quay lại thị trường, chọn vàng bỏ chứng
Apple, Google thay đổi mô hình ăn chia lợi nhuận với nhà phát triển ứng dụng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 09-06-2016
- Cập nhật : 09/06/2016
1% những người giàu nhất sở hữu 50% tài sản thế giới
Chỉ 1% dân số thế giới được xếp hạng triệu phú trở lên và những người này đang nắm giữ tới một nửa tài sản toàn cầu.
Theo RTE, đây là kết quả mới công bố trong báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston về tình hình tài sản của các cá nhân.
Theo đó, khoảng 18,5 triệu hộ gia đình trên thế giới đang sở hữu ít nhất 1 triệu USD giá trị tài sản mỗi gia đình trong tổng số khoảng 78,8 ngàn tỉ USD tổng tài sản kinh tế tạo ra mỗi năm trên toàn thế giới.
Như vậy, tổng tài sản mà 1% những người giàu nhất đang nắm giữ chiếm 47% tổng tài sản toàn cầu.
Thống kê tài sản trong báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston căn cứ vào các sở hữu tiền bạc, tài khoản, cổ phần nhưng không bao gồm bất động sản.
Và theo đó, 99% dân số còn lại sở hữu một nửa tài sản thế giới.
Cũng theo báo cáo này, số tài sản mà 1% dân số giàu nhất thế giới nắm giữ tăng ổn định thời gian qua, từ 45% năm 2013 lên 47% năm 2015. Kết quả này cũng tương đồng với những lo ngại mà giới chuyên gia kinh tế nêu lên về sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng.
Chi tiết hơn trong báo cáo, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số triệu phú với 8 triệu người triệu phú. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 2 triệu người và Nhật Bản đứng thứ 3 với 1 triệu người.
Tuy nhiên nếu tính theo bình quân đầu người, nơi có mật độ người giàu có cao nhất thế giới lại ở những nước nổi tiếng về các công ty tránh thuế như Liechtenstein và Thụy Sĩ.
Nhìn về tổng thể, giá trị tài sản tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các nền kinh tế đang phát triển rất mạnh tại Đông Á.
Trong 5 năm qua, tỉ lệ tăng tài sản thường niên tại khu vực này là 12,3% và dự đoán vẫn tiếp tục duy trì mức tăng hơn 10% cho tới năm 2020.
Không tính Nhật Bản thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm tới hơn 40% tổng tài sản toàn cầu trong nửa thập kỷ tới. Hầu hết số tài sản này sẽ tập trung tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Báo cáo nhận định: “Năm 2017 dự kiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vượt qua các nước châu Âu trở thành khu vực giàu có thứ hai trên thế giới”.
Giá cả ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trực tuyến
BigCommerce vừa công bố kết quả nghiên cứu thị trường bán lẻ 2016 qua phỏng vấn 1.000 khách hàng là người Mỹ trưởng thành, thực hiện ít nhất một đơn hàng trực tuyến trong vòng 6 tháng qua. Theo đó, có đến 87% người được hỏi, chiếm tỷ lệ cao nhất, cho rằng giá cả là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến việc mua hàng.
Chi phí giao hàng và tốc độ vận chuyển đứng vị trí thứ hai, với 80% người đồng tình. Tiếp đến là các yếu tố như ưu đãi giảm giá (71%), nguồn hàng sẵn có (71%), đánh giá tin cậy (68%), chi phí đổi trả hàng (68%), thương hiệu nổi tiếng (67%), chuyển hướng website (53%), đa dạng sản phẩm (53%), giao diện thân thiện với thiết bị di động (46%).
Tầm ảnh hưởng của quảng cáo cùng sự lan tỏa của các phương tiện truyền thông xã hội không quá cao, với tỷ lệ lần lượt là 21% và 23%. Phần mà những người mua hàng online không mặn mà nhất chính là chi phí cho việc vận chuyển hàng với số người phản đối chiếm 58%.
Trong một khảo sát khác do Internet Retailer thực hiện, khoảng 31,7% người mua hàng sẵn lòng trả phí giao nhận. Tuy nhiên gần một nửa (48,6%) sẽ chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng nếu họ được miễn phí vận chuyển.
80% người trả lời khảo sát BigCommerce rằng họ mua trực tuyến ít nhất mỗi tháng một lần. Còn tỷ lệ trong khảo sát của Internet Retailer là 70% và 64% cho biết họ thường xuyên mua sắm trực tuyến nhiều hơn so với 3 năm trước đây.
Xe đạp Thống Nhất được định giá 11 triệu USD
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH Thống Nhất. Theo đó, giá chào mua bình quân đạt 10.386 đồng một cổ phần. 10 nhà đầu tư đã mua hết hơn 3 triệu cổ phiếu chào bán. Theo đó, Thống Nhất thu về khoảng 31,5 tỷ đồng.
Với tổng số 23,7 triệu cổ phần, Xe đạp Thống Nhất được thị trường định giá khoảng 246 tỷ đồng (khoảng 11 triệu USD). Mức giá này sẽ là cơ sở để doanh nghiệp thương lượng giá chào bán cho nhà đầu tư chiến lược sắp tới của Thống Nhất.
Đây là mức định giá khá thấp cho việc sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp có quyền sử dụng hơn 30.000m2 đất tại Hà Nội cùng doanh thu 200 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc Nhà nước vẫn giữ 45% vốn có thể đã làm giảm bớt sự hấp dẫn của đợt chào bán cổ phần tại thương hiệu một thời "vàng son" này.
Theo phương án cổ phần hoá, Thống Nhất sẽ bán 9,88 triệu cổ phần, tương ứng 41,7% vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Sau khi bán ưu đãi cho người lao động 119.000 cổ phần, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước giảm xuống 45%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 237 tỷ đồng.
Sau cổ phần hoá, Thống Nhất vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn với khoảng 4,7 tỷ đồng trong khi doanh thu là 275 tỷ năm 2016.
Xe đạp Thống Nhất từng là một thương hiệu gắn liền người dân Việt Nam ở thế kỷ trước. Nay thương hiệu này đã dần trở nên yếu thế trước sự xâm lấn của các các dòng xe Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… Dù lượng xe đạp tiêu thụ có hướng tăng (năm 2015 là 120.000 xe) song doanh thu của công ty lại giảm gần một nửa so với 2014, còn 200 tỷ đồng.
Dù cố gắng tập trung các dòng xe mới phù hợp thị hiếu người dùng như xe đạp địa hình, xe đạp thể thao có kiểu dáng hiện đại, nhiều tính năng hơn, song với đặc thù sản xuất xe đạp, chi phí nguyên vật liệu và nhân công quá lớn đã khiến cho lợi nhuận của Thống Nhất sa sút và ở mức rất thấp. Năm 2014, con số này giảm xuống 1,5 tỷ, năm 2016 cũng chỉ đạt 1,7 tỷ đồng.
Tổng tài sản cuối năm 2015 khoảng 510 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là vay nợ. Thu nhập bình quân của nhân viên ở mức 4-6 triệu đồng một tháng.
Thống Nhất giờ đây không chỉ có xe đạp mà còn góp sản xuất nội thất và đang hợp tác với nhiều đơn vị để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản, nổi bật nhất là Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ tại Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội).
Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam
Trong năm tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 398 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn 6,6 tỉ USD, chiếm 65% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm tháng. Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ hai, kinh doanh bất động sản đứng thứ ba.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 3,4 tỉ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Luxembourg đứng vị trí thứ hai và Singapore đứng vị trí thứ ba.
TQ siết chất lượng, gạo Việt lo lắng
Theo đó, các lô gạo xuất khẩu sang TQ phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật, không nhiễm đối tượng sinh vật gây hại như mối, mọt, sâu bệnh, vi sinh vật, khuẩn, đất đá… Chưa hết, trước khi xuất khẩu phải được xông hơi, khử trùng để đảm bảo không còn côn trùng sống gây hại.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cho biết việc giám sát chặt chẽ gạo nhập khẩu cho thấy thị trường TQ không còn là dễ dãi với gạo Việt. Gạo Việt chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì tốn thêm chi phí kiểm dịch, thời gian kiểm, làm thủ tục. “Tuy nhiên, đây cũng là thông tin tích cực tác động tốt đối với ngành gạo Việt Nam. Bởi nếu chất lượng gạo sang TQ tốt thì uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam cũng được nâng cao” - đại diện DN này nói.