Nông sản Mỹ sẽ "ngập tràn" ở Việt Nam sau TPP
FED rộng cửa tăng lãi suất vào mùa hè nhờ ECB
145 tỷ USD đổ vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
Trái cây vào Mỹ: Mất 500.000 USD/năm để kiểm tra chiếu xạ
Hậu sáp nhập, Sacombank vẫn còn nhiều bê bối?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-06-2016
- Cập nhật : 09/06/2016
Ngân Hàng Xây Dựng "mạnh tay" xử lý 3.000 tỷ đồng nợ xấu từ xe khách Phương Trang
Sau khi chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, Ngân hàng Xây Dựng (CB) đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm xử lý các nhóm nợ xấu.
Theo CB, năm 2015 ngân hàng này có kết quả thu hồi nợ khá tích cực, số dư nợ xấu CB bán cho VAMC đạt 500 tỷ đồng. Năm 2016, song song với việc khoanh nợ, bán nợ cho VAMC và xử lý tài sản, CB đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có kết luận đối với các khoản nợ lớn, tích cực thu hồi nợ bằng tiền.
Trong Quý II/2016, CB tập trung xử lý các nhóm nợ xấu lớn, trong đó có khoản nợ xấu 3.000 tỷ đồng liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Công ty CP xe khách Phương Trang (Công ty Phương Trang) đã được CB khởi kiện trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015.
CB dự kiện đến cuối năm 2016, CB sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.
Theo CB cho biết, nhóm nợ của Công ty Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng suốt nhiều năm qua từ thời ngân hàng cổ phần với hồ sơ pháp lý khá phức tạp tại CB. Việc xúc tiến xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến nhóm nợ Công ty Phương Trang sẽ là khởi đầu khả quan để CB có cơ sở xử lý tích cực các nhóm nợ xấu lớn trong năm 2016.
CB cho cũng cho biết, với quyết tâm xử lý nợ xấu hiện nay của chính phủ và NHNN, CB sẽ “mạnh tay” để xử lý các nhóm nợ xấu tồn đọng từ tồn tại cũ của ngân hàng trước đây.
Phó Thống đốc PBOC: FED tăng lãi suất có lợi cho Trung Quốc
Theo ông Yi, việc FED tăng lãi suất là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang tăng và nền kinh tế Mỹ đang cải thiện. Trung Quốc đã có rất nhiều thời gian để chuẩn bị chính sách tiền tệ cho sự thay đổi lãi suất, nếu điều này thực sự diễn ra.
Phát biểu này của ông Yi được đưa ra bên lề cuộc Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ-Trung Quốc ngày 7/6, chỉ 1 ngày sau khi Chủ tịch FED – bà Janet Yellen – phát biểu rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện đủ để bà và các công sự có thể tăng lãi suất trong thời gian tới.
Tại cuộc đối thoại song phương vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Jacob Lew – đã thúc giục Trung Quốc cải thiện vấn đề truyền tải chính sách tiền tệ bởi vài trò quan trọng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Yi cho rằng các quan chức có thể liên tục cải thiện việc truyền tải chính sách tiền tệ và sử dụng nó hiệu quả hơn. Hiện nay, ông Yi đánh giá sự giao tiếp giữa hai nước liên quan đến vấn đề chính sách đang diễn ra tốt đẹp.
Tháng 5, PBOC cho biết họ đã tăng cường cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hai chiều và ghi nhận sự ổn định được tiếp tục duy trì của đồng Nhân dân tệ. Đồng tiền này đã liên tục giảm trong hai ngày đầu tuần và hiện rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014 trong rổ tiền tệ trọng thương.
Theo ông Yi, rất nhiều người hiện nay đang lo ngại về dòng chảy của vốn. Nếu FED tăng lãi suất, đồng USD có thể sẽ mạnh lên và điều này sẽ thu hút vốn đầu tư quay trở lại nền kinh tế số 1 thế giới và khiến tiền tệ tại các thị trường mới nổi yếu đi. Tất cả điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và cường độ tăng lãi suất của FED.
HAGL: Năm 2016 sẽ khai thác, chế biến cọ dầu và cây ăn quả
Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Liai (mã HAG-HoSE) đã công bố báo cáo thường niên năm 2015. Cùng với việc nhìn lại năm 2015, chiến lược kinh doanh năm 2016 cũng được HAGL công bố với các nhà đầu tư tại báo cáo này.
Mía đường khả quan nhất năm
Năm 2015, HAGL thu về 6.252 tỷ đồng doanh thu, cao gấp đôi so với cùng kỳ, vượt 16,9% kế hoạch đề ra. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm khá mạnh và hoàn thành gần 37% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm quá sâu của giá cao su từ mức đỉnh 5.750 USD/tấn trong tháng 2/2011 xuống còn khoảng 1.000 USD/tấn và thời tiết không thuận lợi do hiện tượng El Nino.
Ngành cao su của HAGL chưa đem lại doanh thu khả quan trong năm 2015 do giá cao su sụt giảm mạnh. Đối với ngành này, HAGL sẽ cần chờ thời gian để hồi phục. Chi phí sản xuất trung bình mỗi tấn mủ cao su của HAGL trong năm 2015 khoảng 35 triệu đồng/tấn, dù tương đương với mức trung bình ngành nhưng vẫn khó có thể hòa vốn. Mảng chăn nuôi bò cũng không đạt như kỳ vọng. Ngành mía đường là điểm sáng duy nhất là ngành sản xuất mía đường vẫn duy trì được năng suất và sản lượng, đạt doanh thu như kế hoạch.
Đối với dự án khu phức hợp bất động sản tại Myanmar thì việc đưa vào vận hành kinh doanh khối văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao chậm hơn kế hoạch do bị tác động bởi các yếu tố khó khăn về nguồn nhân công và vật tư nhập khẩu vào Myanmar để thực hiện khâu hoàn thiện. Xét về tổng thể, năm 2015 là năm khó khăn đối với HAGL khi hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận, đều không đạt được.
"Lấy ngắn - nuôi dài", chế biến cọ và một số cây ăn quả trong năm 2016
Tính đến cuối năm 2015, tổng diện tích các loại cây duy trì ở mức 90.000 ha. Trong đó, diện tích cao su là 38.428 ha, diện tích cọ dầu là 28.626 ha, diện tích mía đường là 6.000 ha, còn lại là diện tích các loại cây trồng khác.
Đối với các ngành nghề trồng trọt, HAGL sẽ không mở rộng diện tích trồng mới mà chỉ tập trung vào chăm sóc và khai thác; bảo trì và vận hành tốt các nhà máy chế biến cao su, mía đường và cọ dầu trong năm 2016.
Chiến lược mà HAGL trong trồng trọt là lựa chọn là đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. Trong năm 2016 HAGL sẽ bắt đầu khai thác chế biến cọ dầu và một số loại cây ăn quả. HAGL dự kiến sẽ thu hoạch và vận hành thử nhà máy cọ dầu từ Quý III/2016.
Trước đó, vào ngày 25/5, HAGL đã được UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi tổng cộng 684,6 ha tại huyện Ia Grai của Bò sữa Tây Nguyên và huyện Mang Yangi của Chăn nuôi Gia Lai sang trồng cây ăn trái để cung cấp cho NM chế biến các sản phẩm từ cây ăn trái của HAGL.
Đối với chăn nuôi, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển đàn bò thịt để tận dụng nguồn phụ phẩm thức ăn đang sẵn có và tích cực triển khai công tác xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và bắp, xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu và vận chuyển để đáp ứng số lượng phát triển của đàn bò.
Đối với dự án khu phức hợp bất động sản tại Myanmar, trong 6 tháng đầu năm 2016 HAGL sẽ hoàn thành và vận hành chính thức khách sạn 5 sao. Tập đoàn dự kiến tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 phù hợp với khả năng dòg tiền thu từ kinh doanh giai đoạn 1 và bán căn hộ của giai đoạn 2.
Khu phức hợp HAGL Myanmar Center là dự án của HAGL được đầu tư theo hợp đồng BOT trong thời gian 70 năm với tổng mức đầu tư 440 triệu USD, diện tích đất 73.358 m 2 tại thành phố Yangon. Đến cuối năm 2015, HAGL đã bàn giao và đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar Center bao gồm các hạng mục: Trung tâm thương mại – văn phòng gắn kết liên hoàn với 2 tòa tháp văn phòng, 2 tòa tháp căn hộ dịch vụ và 3 tòa tháp căn hộ dân cư.(NĐH)
Cuối tháng 6 sẽ ra kết luận về thuế tự vệ ngành thép
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, vụ việc điều tra hiện đang ở giai đoạn cuối, khả năng sẽ ra quyết định cuối cùng vào cuối tháng 6.2016.
10 năm, điều tra… 6 vụ
Tại hội nghị “Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) và đề xuất giải pháp” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với VCCI vừa tổ chức, bà Phạm Châu Giang - Trưởng phòng Điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật Việt Nam (VN) về các biện pháp PVTM, VN mới tiến hành điều tra 6 vụ việc đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, 4 vụ việc điều tra tự vệ áp dụng thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng: Dầu thực vật, bột ngọt và phôi thép và thép dài. 2 vụ việc điều tra chống bán phá giá, trong đó áp thuế một mặt hàng (thép không gỉ cán nguội) và đang trong giai đoạn điều tra sơ bộ đối với thép tôn mạ.
Liên quan đến việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài, thời gian qua dù giá thép trong nước tăng vọt, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm tạm thời áp thuế. Lý giải cho điều này, bà Giang cho biết: “Có sự gia tăng đột biến về lượng nhập khẩu mặt hàng này vào VN, từ 700.000 tấn (2014) lên 1,9 triệu tấn (2015). Trong khi đó, nhu cầu về mặt hàng thép của VN là 6,2 triệu tấn, công suất đạt 7,5 triệu tấn. Như vậy, riêng trong nước đã dư 1,5 triệu tấn lại nhập khẩu thêm gần 2 triệu tấn, nếu không áp dụng tự vệ thì không DN nào chịu được”.
Bên cạnh đó, bà Giang thừa nhận, việc áp dụng thuế tự vệ ngoài mục đích bảo vệ sản xuất trong nước, ít nhiều người tiêu dùng cũng bị thiệt hại từ biện pháp này do giá cả tăng vọt. Chưa kể, ngay trước thời điểm áp dụng mức thuế, tình cờ giá thép tại Trung Quốc tăng 20% khiến thị trường thời điểm đó có sự hỗn loạn, đẩy giá. Ông Nam cũng bình luận thêm, hai nước bị tác động mạnh nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đánh giá, việc VN áp dụng mức thuế tự vệ là đúng nhưng… chậm! Phía Nhật cho rằng thay vì áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung, VN nên áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng này.
Sẽ phải trả giá vì… tự vệ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, các vụ kiện PVTM ở VN cho thấy chủ yếu là kiện tự vệ bởi đây là công cụ dễ thực hiện nhất và mang tính chất bảo hộ rõ ràng. Chính vì vậy nên thời gian áp dụng rất ngắn và sẽ phải trả giá bằng việc đền bù thiệt hại cho các nước đối tác nếu lượng xuất khẩu vào VN sụt giảm. Thực tế thép là sản phẩm bị kiện nhiều nhất khi có tới 3/6 các vụ kiện PVTM ở VN nhắm tới sản phẩm này. Trên thế giới, 80% các vụ kiện về PVTM cũng “chĩa mũi dùi” vào mặt hàng này. Tuy nhiên, khác với thế giới, VN kiện thép thành phẩm là chủ yếu còn thế giới kiện thép nguyên liệu.
Trao đổi với PV, bà Giang cho biết: “Nhu cầu các DN VN sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước tăng lên khi vài ba năm gần đây, mỗi năm lên tới hàng chục vụ việc chờ giải quyết. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp khi cơ quan điều tra công bố thông tin bắt đầu điều tra vụ việc, các DN không quan tâm. Đến khi lệnh áp thuế được đưa ra thì các DN mới cuống cuồng tìm hiểu thông tin bị áp thuế và không biết làm thế nào. Trong các vụ việc điều tra, so với các DN nước ngoài, các DN VN luôn phản ứng bị chậm một nhịp”.
Chính vì vậy, bà Giang khuyến nghị, các DN liên quan cần hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin với các cơ quan điều tra trong nước và nước ngoài. Đồng thời, cần chủ động tìm hiểu các biện pháp PVTM để giải quyết mâu thuẫn giữa hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích của sản xuất trong nước. “Hiện tại Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Quản lý ngoại thương, trong đó rà soát đánh giá lại pháp luật liên quan đến PVTM để đưa vào luật. Hiện dự thảo chương PVTM đã được công khai trên Internet để lấy ý kiến của cộng đồng DN và các bên liên quan” - bà Giang nhấn mạnh.(LĐ)
Có thể VAMC sẽ phải nhận sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ hoặc IMF
Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh tốc độ “dọn dẹp” hệ thống ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay trong bối cảnh hạn hán và giá dầu thấp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, Bloomberg nhận định.
Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) – cho biết từ nay đến cuối năm đơn vị này sẽ tiến hành thương vụ mua nợ xấubằng tiền mặt lần đầu tiên. “Bước đi này sẽ tạo cơ sở để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu”, ông Hùng nói.
Theo cơ chế hiện nay, VAMC phát hành các trái phiếu đặc biệt để đổi lấy nợ xấu. Các ngân hàng sẽ có thể sử dụng trái phiếu này làm tài sản đảm bảo để vay vốn từ NHNN. Việc VAMC trả bằng tiền mặt thay vì các trái phiếu đặc biệt sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động cho vay.
Ông Hùng cho biết thêm rằng VAMC có kế hoạch xử lý khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) nợ xấu trong năm nay bằng cách thu hồi nợ, bán nợ và tài sản đảm bảo. Kể từ đầu năm đến nay VAMC đã xử lý được khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu.
“Mua nợ xấu bằng tiền mặt sẽ giúp ích rất nhiều cho các ngân hàng cần thanh khoản và đang cần giảm nợ xấu”, Trinh Nguyễn – chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis Asia (Hồng Kông) – nhận định.
Trong khi đó ông Alan Pham, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital, nhận định đây là một bước tiến lớn. “Lợi ích lớn nhất là nợ được giải quyết trực tiếp chứ không phải chuyển nợ từ chỗ này sang chỗ kia. Khi tính bằng giá thị trường và thanh toán bằng tiền mặt, nợ xấu được giải quyết triệt để”.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng vì thiếu các nguồn lực, có thể VAMC sẽ phải nhận sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ hoặc các tổ chức (như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) để giải quyết được toàn bộ nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
NHNN đặt mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% tổng dư nợ. Hồi tháng 4 Thống đốc Lê Minh Hưng đã ký quyết định cho phép VAMC mua và bán nợ xấu theo giá thị trường.
Năm 2012, sau khi nợ xấu tăng lên đến mức đỉnh điểm do quản lý yếu kém và tín dụng tăng trưởng quá nóng, một loạt các lãnh đạo ngân hàng đã bị bắt và kéo theo TTCK giảm điểm mạnh.
Kể từ đó đến nay Việt Nam đã quyết tâm triển khai các biện pháp dọn dẹp nợ xấu để củng cố hệ thống ngân hàng cũng như tăng khả năng hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên trong báo cáo được công bố hồi tháng 4, Ngân hàng Thế giới nhận định quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam diễn ra khá chậm chạp và do đó mục tiêu giảm số lượng ngân hàng thương mại từ mức 34 hiện nay xuống còn 15 ngân hàng vào năm 2017 vẫn là một thách thức.