Singapore vượt Hong Kong, trở thành Trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới
Mỹ vẫn áp thuế chống bán phá giá túi PE của Việt Nam
Năm 2016, ACB trích lập 1.000 tỷ đồng cho nhóm 6 công ty
Sẽ tái định hướng luồng tín dụng từ bất động sản sang sản xuất, kinh doanh
Xử lý nợ xấu: Cấp thiết phải có một sàn giao dịch
Tin kinh tế đọc nhanh 08-04-2016
- Cập nhật : 08/04/2016
Doanh nghiệp Trung Quốc mất hàng tỷ USD vì biến động tỷ giá
Từ động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vào tháng 8/2015 đến nay, tỷ giá đồng tiền này đã giảm 4,1%.
“Đã chịu áp lực từ sự giảm tốc tăng trưởng, nay còn phải chịu thêm sức ép từ biến động tỷ giá”...
Ảnh hưởng từ vụ phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8 năm ngoái đã được thể hiện rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh cả năm của các doanh nghiệp niêm yết Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 980 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quóc đã báo tổng mức thiệt hại khoảng 48,7 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 7,5 tỷ USD, vì biến động tỷ giá Nhân dân tệ trong năm 2015. Mức thiệt hại vì tỷ giá này cao gấp 13 lần so với năm 2014.
Lợi nhuận của các công ty này cũng giảm 11% trong năm 2015, còn khoảng 789,2 tỷ Nhân dân tệ.
Tập đoàn hóa dầu quốc doanh Sinopec thiệt hại 3,9 tỷ Nhân dân tệ do biến động tỷ giá, từ mức 179 triệu Nhân dân tệ trong năm 2014.
Năm 2015, đồng Nhân dân tệ mất giá 4,5%, mạnh nhất kể từ năm 1994. Sự mất giá của đồng nội tệ khiến chi phí vay vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc - đối tượng vay nợ nhiều nhất bằng đồng USD ở khu vực châu Á - gia tăng.
Tháng 1/2016, đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh. Trong 2 tháng qua, đồng tiền này đã tăng giá trở lại so với đồng USD, nhưng vẫn giảm giá so với một rổ tiền tệ.
“Việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty Trung Quốc. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng của biến động tỷ giá là rất nghiêm trọng”, ông Raymond Chia, trưởng bộ phận nghiên cứu tín nhiệm tại khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản của công ty Schroder Investment Management, nhận định.
Hàng không là ngành chịu tác động mạnh nhất của việc Nhân dân tệ giảm giá. Thiệt hại do biến động tỷ giá của ngành hàng không Trung Quốc trong năm 2015 là 17,9 tỷ Nhân dân tệ, so với mức 951,7 Nhân dân tệ vào năm 2014. Trong đó, riêng ba hãng bay quốc doanh là China Southern Airlines, China Eastern Airlines, và Air China thiệt hại tổng cộng 2,5 tỷ USD.
Chịu thiệt hại nhiều thứ nhì về biến động tỷ giá Nhân dân tệ là các công ty bất động sản Trung Quốc, với mức thiệt hại tổng cộng 11,9 tỷ Nhân dân tệ, từ mức 1,4 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2014.
Do lo ngại đồng nội tệ còn tiếp tục mất giá, từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã trả số nợ trái phiếu USD chưa đáo hạn lên tới 2,24 tỷ USD, so với mức 925,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Từ động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ươngTrung Quốc (PBoC) vào tháng 8/2015 đến nay, tỷ giá đồng tiền này đã giảm 4,1%. Ngoài ngành hàng không và địa ốc, ngành năng lượng và khai mỏ của Trung Quốc cũng là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng do Nhân dân tệ mất giá, với mức thiệt hại tương ứng là 5,5 tỷ USD và 3,9 tỷ USD trong năm 2015.
“Các công ty Trung Quốc vốn đã chịu áp lực từ sự giảm tốc tăng trưởng, nay còn phải chịu thêm sức ép từ biến động tỷ giá”, ông Cheng shi, trưởng bộ phận nghiên cứu của ICBC International Research, phát biểu. “Nhiều khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá trong năm nay với mức độ biến động gia tăng. Các công ty Trung Quốc cần thận trọng hơn với rủi ro tỷ giá”.
Hai tháng, nhập gần 52 triệu USD thuốc trừ sâu từ Trung Quốc
Mới chỉ 2 tháng đầu năm 2016, cả nước chi 51,6 triệu USD nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc, theo thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan.
Với trị giá trên, Trung Quốc chiếm tới gần 46,5% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của cả nước trong cùng thời điểm (hết tháng 2 cả nước nhập 111 triệu USD).
Năm 2015, cả nước nhập khẩu lượng thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc trị giá 376 triệu USD.
Tính hết tháng 2, cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 6,54 tỷ USD. Quốc gia này tiếp tục là thị trưởng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, hơn 1 tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (trị giá 1,186 tỷ USD).
Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá kim ngạch lớn khác có thể kể đến như: Điện thoại các loại và linh kiện gần 966 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 756 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 668 triệu USD
Caixin PMI Trung Quốc: Dịch vụ mạnh mẽ, việc làm giảm
Caixin/Markit mới đây đã công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 3. Chỉ số tăng nhẹ 1 điểm lên mức 52,2 điểm nhờ các doanh nghiệp tăng trưởng khiêm tốn.
Tuy nhiên, chỉ số phụ về việc làm lại giảm từ 51,3 trong tháng 2 xuống còn 48,9 điểm – lần đầu tiên đạt dưới mức 50 điểm kể từ tháng 8/2013.
Một số doanh nghiệp cho biết họ không tuyển dụng thêm để bù vào vị trí của những người tự nghỉ. Một số khác lại phải thu hẹp nhân sự bởi tăng trưởng chững lại.
Nhà kinh tế trưởng He Fan của Caixin cho biết ngành dịch vụ nhìn chung vẫn tăng trưởng tốt nhưng nền kinh tế lại đang lướt trên những con sóng do không có nền tảng vững chắc cho sự phục hồi. Chính phủ Trung Quốc cần thúc đẩy cải cách từ phía cung để khích lệ phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi.
Theo tuyên bố của các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch gần đây của chính phủ về việc cắt giảm năng suất các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn sẽ khiến khoảng 2 triệu nhân công mất việc.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng những nhân sự bị mất việc này có thể được đào tạo thêm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác như dịch vụ, nông nghiệp hay lâm nghiệp, qua đó giữ tỷ lệ thất nghiệp trong tầm kiểm soát.
Cuộc khảo sát của Caixin cho thấy ngành sản xuất vẫn còn nguy cơ lớn bị suy yếu trong thời gian tới mặc dù bất ngờ tăng từ 49,4 điểm trong tháng 2 lên 51,3 điểm trong tháng 3. Chỉ số việc làm của ngành sản xuất đã rơi tháng thứ 10 liên tiếp xuống mức 47,6 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng sự giảm tốc kéo dài của ngành công nghiệp Trung Quốc sau cùng sẽ bắt đầu có những ảnh hưởng tới ngành dịch vụ. Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất bị chèn ép, còn các công nhân bắt đầu cắt giảm chi tiêu.
Cả chỉ số PMI do chính phủ và Caixin công bố đề cho thấy ngành sản xuất đã tiếp tục cắt giảm nhân sự trong tháng 3 nhưng có sự khác nhau về tốc độ thu hẹp quy mô công ty.
Kết quả khảo sát của chính phủ cho thấy tốc độ cắt giảm việc làm đã chậm lại sau khi đạt “đỉnh” hồi tháng 6/2015. Tuy nhiên, số liệu của Caixin lại cho thấy tháng 3 là tháng sụt giảm thứ 29 liên tiếp của chỉ số việc làm tại Trung Quốc.
Các nhà đầu tư chứng khoán hãy dè chừng với lợi nhuận toàn cầu
Đó là kết quả nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) sau khi thu thập dữ liệu của 500 tổ chức tới từ 70 quốc gia.
Trong báo cáo tháng Tư của mình, IIF cho rằng sự suy giảm lợi nhuận toàn cầu là do năng suất kém, nhu cầu yếu và thiếu khả năng làm giá. Các công ty của Mỹ cũng đang phải chịu sức ép bởi chi phí lao động tăng cao khi họ tuyển dụng thêm nhân sự.
Sự sụt giảm lợi nhuận ngày càng lan rộng đồng nghĩa với việc các công ty đang bị dồn vào đường cùng. Ông Hung Tran – giám đốc điều hành IIF – cho biết, trong quá khứ, nếu các công ty hoạt động kém tại thị trường nội địa, họ có thể bù đắp và bồi thường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu yếu kém ở cả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu.
Điều đó chỉ càng làm cho khả năng suy thoái kinh tế tăng lên. Ông Tran dự báo rằng khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 2 năm tới là 30-35% bởi thu nhập sẽ giảm khoảng 20-25%.
Lợi nhuận suy giảm kéo dài khiến ông Tran và những cộng sự hoài nghi vào sự phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán toàn cầu. Họ cho rằng các thị trường sẽ sớm bị mắc kẹt trong xu hướng giảm điểm.
Fed bật tín hiệu thận trọng với việc tăng lãi suất, lo ngại về kinh tế toàn cầu
Biên bản cuộc họp chính sách ngày 15-16/3 vừa được công bố cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed đang tranh luận xem liệu họ có nên tăng lãi suất trong tháng 4, nhưng phần lớn trong số họ cho rằng nên thận trọng với việc tăng lãi suất vì hiện vẫn còn nhiều rào cản đối với tăng trưởng.
"Các thành viên nhìn chung nhận định những diễn biến trong nền kinh tế và trên thị trường tài chính đang tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro,” biên bản cuộc họp viết.
Trong cuộc họp hồi tháng 3, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bật tín hiệu họ sẽ tăng lãi suất 2 lần trong nawm2016, nhưng thời điểm tăng lãi suất vẫn chưa rõ ràng.
Biên bản cuộc họp cho thấy nhiều thành viên của Fed tỏ ra lo ngại rằng ngân hàng trung ương Mỹ không có nhiều công cụ để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài vì lãi suất đã gần mức 0% rồi.
Giới đầu tư trước đó hoài nghi về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay,và biên bản cuộc họp này gần như không làm thay đổi tâm lý hoài nghi đó.
Theo biên bản đó, một số quan ngân hàng trung ương cho biết kinh tế Mỹ ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro, nên việc tăng lãi suất vào tháng 4 sẽ tạo ra cảm giác cấp bách mà họ nghĩ là không hợp lý.
Một số ít quan chức cho rằng việc tăng lãi suất có thể đã phù hợp trong cuộc họp vào cuối tháng 4 này.
Hồi cuối năm 2015, Fed đã bật tín hiệu sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016, nhưng biên bản cuộc họp tháng 3 cho thấy các quan chức có sự đồng thuận về những lo ngại đối với triển vọng kinh tế.
Trong một phát biểu hồi cuối tháng 3, Chủ tịch Fed Janet Yellen nói rằng Fed sẽ tiếp cận một cách thận trọng trong việc tăng lãi suất.
Trong cuộc họp tháng 3, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt trong khoảng 0,25- 0,5% khi các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng tăng trưởng toàn cầu chậm lại có thể làm giảm kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp và kìm hãm hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận chính sách của Fed khi các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ quan tâm nhiều hơn đến tác động từ tăng trưởng toàn cầu đến chính sách của họ.