Chủ tịch Fed Kansas George cảnh báo việc chậm tăng lãi suất có thể kết thúc tồi tệ
OPEC chưa đủ sức ‘giết chết’ đợt bùng nổ dầu thô Mỹ
Trung Quốc rục rịch chuyển nhà máy đến Nga
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch lạc quan về kinh tế Trung Quốc
Lo ngại bệnh đốm trắng, tôm Việt bị “cấm cửa” tại Ả-rập-Xê-ú́t
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-04-2016
- Cập nhật : 07/04/2016
Quốc hội Mỹ nhiều khả năng xem xét TPP sau tháng 11 tới
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa chính thức thông báo cho Quốc hội Mỹ 6 điều luật dự kiến cần sửa đổi nhằm triển khai Hiệp định TPP.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa chính thức thông báo cho Quốc hội Mỹ 6 điều luật dự kiến cần sửa đổi nhằm triển khai Hiệp định TPP.
Trong số đó, chỉ có duy nhất một điều luật sửa đổi là mới so với các quy định được đặt ra trong các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Mỹ đã tham gia trước đó, liên quan tới cách tính phí đối với người sử dụng dịch vụ hải quan, với việc chuyển từ cách tính trên nguyên tắc theo giá hàng sang hệ thống bốn tầng, với các mức phí từ 30-500 USD tùy thuộc vào giá trị hàng hóa.
Theo thông cáo của USTR, bốn điều luật cần thay đổi khác liên quan tới thủ tục đối với nhà nhập khẩu về chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn TPP và đây cũng chính là những thay đổi mà Mỹ cần thực hiện theo Thỏa thuận Tự do Thương mại (FTA) Mỹ-Chile ký kết hồi tháng 6/2003 và nằm trong danh sách các luật cần thay đổi mà Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã đề nghị Quốc hội Mỹ vào ngày 3/7/2003.
Điều luật cần thay đổi còn lại để phù hợp với TPP là Mục 308 Đạo luật Hiệp định Thương mại 1979 sửa đổi, theo đó sẽ cho phép Tổng thống thực thi các cam kết của Mỹ về mua sắm công của chính phủ giúp cho các công ty của các nước thành viên TPP có cơ hội được đối xử như các công ty của Mỹ khi tham gia cạnh tranh các hợp đồng chính phủ liên bang.
Như vậy, để thực hiện điều này, Tổng thống có thể phải từ bỏ đặc quyền dành cho các công ty Mỹ theo Đạo luật về Mua sắm của Mỹ (Buy American Act). Sửa đổi này cũng có trong danh sách các luật Mỹ cần sửa đổi để triển khai FTA đã ký với Australia hồi tháng 5/2004 và đã được ông Bush trình lên Quốc hội ngày 2/7/2004.
Với danh sách đưa ra, USTR đã đáp ứng được thời hạn trước ngày 3/4 phải đệ trình Quốc hội Mỹ bản mô tả các Luật cần thay đổi để thực thi TPP và đây là một trong các bước thủ tục mà USTR phải thực hiện theo Luật về Quyền Đàm phán nhanh (TPA) thông qua năm 2015.
Các bước còn lại cần hoàn tất để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu phê chuẩn về TPP tại Quốc hội Mỹ bao gồm:
Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) ra báo cáo đánh giá tác động tổng thể của TPP tới nền kinh tế Mỹ, dự kiến vào ngày 18/5/2016.
Trong vòng 30 ngày tiếp đó, Tổng thống đệ trình Quốc hội bản sao văn bản thỏa thuận cuối cùng của TPP cùng dự thảo Tuyên bố về hành động của Chính quyền (SAA) nhằm triển khai TPP và kế hoạch thực thi TPP; trình Ủy ban Ngân sách và Tài chính Hạ viện và Ủy ban Tài chính Thượng viện báo cáo đánh giá tác động của TPP tới lao động Mỹ, báo cáo về quyền của người lao động tại Mỹ và các đối tác FTA và báo cáo về đánh giá tác động tới môi trường.
Ủy ban Ngân sách và Tài chính Hạ viện và Ủy ban Tài chính Thượng viện xem xét dự luật triển khai TPP mà Chính quyền trình Quốc hội.
Tổng thống đệ trình dự thảo cuối cùng Luật triển khai TPP cùng bản chụp thỏa thuận cuối cùng, SAA và các “thông tin hỗ trợ” (bao gồm tài liệu giải thích cách thức luật được triển khai, đề xuất các hành động của chính phủ và tài liệu viện dẫn các lý do mà tổng thống cho rằng cần thực thi TPP) tới Thượng viện và Hạ viện trong một ngày mà cả Thượng viện và Hạ viện đều nhóm họp.
Quốc hội Mỹ sẽ xem xét việc thông qua TPP trong vòng 90 ngày.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố hợp tác chặt chẽ với Quốc hội trong việc lựa chọn thời điểm phù hợp để xem xét TPP và các thông tin cho đến thời điểm này cho thấy nhiều khả năng Quốc hội Mỹ chỉ xem xét TPP sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới./.
Tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng, giá USD tiếp tục ổn định
Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, sáng nay (7/4), hầu hết các ngân hàng đều giữ nguyên giá mua – bán USD như phiên trước. Hiện giá bán tại các ngân hàng tiếp tục phổ biến trong khoảng 22.325-22.330 đồng/USD.
Theo đó, Vietcombanknằm trong số ít ngân hàng điều chỉnh tỷ giá USD cho sáng nay khi giảm nhẹ 5 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra xuống 22.255/22.325 đồng/USD.
Trong khi, 3 NHTM Nhà nước khác là BIDV,VietinBank, Agribankđồng loạt không đổi tỷ giá USD. Hiện giá USD tại 3 ngân hàng này tương ứng là 22.260/22.330 đồng/USD, 22.255/22.335 đồng/USD và 22.245/22.330 đồng/USD.
Với khối NHTMCP, DongA Bank giữ nguyên giá mua ở 22.255 đồng/USD, tuy nhiên giảm nhẹ giá bán 5 đồng về 22.325 đồng/USD.
Trong khi, các NHTMCP khác cùng giữ nguyên giá mua – bán đồng bạc xanh của mình. Cụ thể, Eximbank đang giao dịch ở mức 22.240/22.320 đồng/USD; Sacombank giao dịch ở mức 22.240/22.330 đồng/USD;Techcombank giao dịch ở mức 22.240/22.340 đồng/USD.
Tương tự, ACB và LienVietPostBank cùng niêm yết biểu giá USD ở mức 22.245/22.325 đồng/USD.
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng nay là 22.240 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.260 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.320 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.340 đồng/USD.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm được NHNN Việt Nam giảm 5 đồng xuống mức 21.852 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.508 đồng và tỷ giá sàn là 21.196 đồng/USD.
Sở Giao dịch NHNN sáng nay vẫn giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, song giá bán được điều chỉnh tương ứng với mức giá trần mới là 22.508 đồng/USD.(TBNH)
Cổ phần hoá TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệpViệt Nam (VEAM) theo hình thức kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của VEAM là 13.288 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 1.328.800.000 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 677.688.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 5.669.100 cổ phần, chiếm 0,43% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478.368.000 cổ phần, chiếm 36,00% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai ra bên ngoài doanh nghiệp là 167.074.900 cổ phần, chiếm 12,57% vốn điều lệ.
Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Bộ Công Thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VEAM sau khi cổ phần hóa.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 3.144 người. Số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần là 3.106 người. Số lao động nghỉ việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 38 người.
Sản xuất công nghiệp giảm đà tăng trưởng
Theo dự báo của FocusEconomics Consensus, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng nhẹ, đạt 2,4%, so với mức tăng 2,3% trong quý 4/2015 và 2,6% trong quý 3/2015.
Tốc độ tăng chậm lại của kinh tế toàn cầu đến từ các nguyên nhân như hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) của các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu chậm lại; Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa yếu đi …
Không nằm ngoài quy luật, triển vọng SXCN của Việt nam trong năm 2016 cũng đan xen những mảng màu sáng-tối.
Cụ thể, trong quý I/2016, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng khá tốt với mức tăng xấp xỉ 10%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ, đồng thời là mức cao nhất từ năm 2010 đến nay. Tình hình sản xuất một số mặt hàng vật liệu xây dựng cũng tương đối tích cực, sản lượng sắt thép và xi-măng tăng trưởng lần lượt 23% và 11% so với cùng kỳ, giá bán thép xây dựng tăng nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Từ diễn biến trên, giới phân tích cho rằng có thể kỳ vọng lạc quan về kết quả kết quả kinh doanh quý đầu năm các DN xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh cải thiện nhẹ bao gồm chế biến sữa, điện, thức ăn chăn nuôi…
Ở mặt khác, ngành có triển vọng khá tiêu cực là dầu khí do khai thác dầu thô quý I giảm 1% so với cùng kỳ, và giá dầu thấp trong giai đoạn đầu năm khiến cho hoạt động của các DN dịch vụ dầu khí bị ảnh hưởng đáng kể. Đơn cử, giá dầu thô giảm mạnh khiến Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đang phải chịu những tác động xấu, đặc biệt với các mảng như tàu dịch vụ, FSO/FPSO và dịch vụ khảo sát.
Điều này đã được thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh của DN trong năm 2015, và nhiều khả năng còn tiếp diễn trong năm 2016. Cụ thể, năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ước đạt lần lượt 19.705 tỷ đồng ( giảm 15,7% so với cùng kỳ) và 1.110 tỷ đồng (giảm 25,6% so với cùng kỳ).
Hiện tại, PVS chỉ trông đợi vào phân khúc cảng biển và cơ khí, như là các hoạt động trụ cột đem về lợi nhuận cũng như dòng tiền cho DN.
Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy hoạt động SXCN đang có mức tăng trưởng không tích cực bằng hai năm trước. Trước tình hình đó, có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số PMI cho thấy sự ổn định trong đơn hàng và sự cải thiện qua từng tháng, đồng thời quý I cũng là quý thấp điểm của hoạt động SXCN. Do đó, người ta có quyền kỳ vọng SXCN ổn định vẫn là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Có điều, điểm đáng báo động là hoạt động thương mại của khối FDI chưa cho thấy sự cải thiện dù dòng vốn giải ngân khá tốt trong thời gian qua. Chỉ số tăng trưởng nhập khẩu trung bình 3 tháng gần đây nhất giảm 6%, trong khi chỉ số xuất khẩu tăng 8,6%, mức thấp nhất trong nhiều năm. Số liệu trên cho thấy dòng vốn giải ngân đang tập trung cho hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi hoạt động sản xuất của khối FDI có dấu hiệu chững lại.
Từ đó, ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Giới chuyên môn cho rằng điều này cần được theo dõi và cảnh báo trong thời gian tới nếu không thể hiện sự phục hồi
Lào – thị trường tiềm năng cho DN Việt
Chính phủ Lào và chính quyền địa phương tại các tỉnh thu hút đầu tư đã và đang có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn, khuyến khích đầu tư chuyên ngành... để các DN của Việt Nam có điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường vào quốc gia còn nhiều tiềm năng này.
Ông Nguyễn Đăng Điền, Giám đốc công ty Finished Wood Factory Soksay Full Object (TP. HCM) cho biết, DN của ông đã đầu tư vào thị trường Lào gần 20 năm, trong đó có những dự án đầu tư trực tiếp vào tỉnh Xaysomboun cũng đã được gần 14 năm. Sở dĩ có sự gắn bó lâu dài như vậy, bởi đầu tư vào Lào nói chung và tỉnh Xaysomboun nói riêng, các DN của Việt Nam sẽ được chính quyền hỗ trợ tích cực.
Tỉnh Xaysomboun mới thành lập được hơn 2 năm, thuộc vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn, nên Chính phủ Lào đặc biệt quan tâm, dành chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Chính vì vậy khi rót vốn vào đây, DN sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Cụ thể, quỹ đất của tỉnh dồi dào, có tiềm năng thủy điện, khai khoáng.
DN đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu thiết bị máy móc để lập nhà máy, nguyên vật liệu sản xuất; Thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, tiết kiệm được thời gian, cũng như được tạo điều kiện đưa lao động Việt Nam sang làm việc và ưu đãi về thuế lợi tức.
Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng Chitchareun cũng có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường, khai khoáng, thương mại tại nước bạn Lào. Hiện công ty đã “cắm rễ” khá chặt tại thị trường này và có nhà máy sản xuất cốt-pha, bê-tông cung ứng cho thị trường Lào.
Tại tỉnh Xaysomboun, công ty đã hoàn thành thủ tục xây dựng đài phát thanh truyền hình bằng nguồn vốn không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, dự án xây dựng công viên và một số dự án khác.
Theo ông Nguyễn Hồng Nhất, trợ lý Giám đốc Công ty cho biết, có được thành công như hiện nay là do cơ chế chính sách thông thoáng mà chính phủ Lào dành cho nhà đầu tư. Đồng thời, Chitchareun luôn tuân thủ luật pháp để đầu tư ổn định và được sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban công tác Lào – Việt.
Theo ông Lê Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có tình hữu nghị đặc biệt được Chính phủ hai bên dày công vun đắp. Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. HCM luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác Việt – Lào. Hiện, thành phố có hơn 30 DN đang đầu tư tại Lào với tổng số vốn hơn 250 triệu USD. Kim ngạch thương mại giữa TP. HCM và Lào năm 2015 đạt hơn 6 triệu USD, và dự kiến trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa.
Ông Khoa cũng bày tỏ mong muốn Chính quyền địa phương nơi các DN Việt có dự án đầu tư tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đạt hiệu quả tốt, cũng như giới thiệu thêm nhiều dự án tại nước bạn đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài để các DN Việt có điều kiện tiếp cận, tham gia.
Các DN tại TP.HCM cũng cho biết, họ đang quan tâm đến những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng, xây dựng hạ tầng.... Tuy nhiên, các DN cũng đang đặt ra các vấn đề về chính sách ưu đãi đầu tư, mạng lưới giao thông để DN có thể vận chuyển hàng hóa sản xuất tiêu thụ tại thị trường nội địa Lào và xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan được thuận tiện, tiết giảm chi phí.
Ông Phoi Khăm Hùng Bùn Nhuông, Phó Chủ tịch tỉnh Xaysomboun khẳng định, luôn mong muốn và mời gọi các DN Việt Nam và TP. HCM đến đầu tư tại Lào. Nhiều địa phương đang rất cần nguồn vốn đầu tư để phát triển các dự án như trồng rau sạch hàng trăm ha, dự kiến 1.000.000 USD, nhưng hiện nay chưa có dự án nào được triển khai.
Bên cạnh đó, là các dự án trồng hoa với nguồn vốn khoảng 200.000 USD, xây dựng Khu du lịch Núi Bia, khách sạn 5 sao có tổng vốn đầu tư dự kiến từ 2.00.000 – 6.000.000 USD... Tất cả đang rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các DN có tiềm lực mạnh và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực.
Chính phủ Lào và chính quyền địa phương tại các tỉnh thu hút đầu tư đã và đang có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn, khuyến khích đầu tư chuyên ngành... để các DN của Việt Nam có điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường vào quốc gia còn nhiều tiềm năng này.